Chị Đặng Thị Thủy, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao công nghệ, cho biết: “Phương pháp canh tác trong nhà màng từ lâu đã được nhiều quốc gia có nền nông nghiệp công nghệ cao ứng dụng rộng rãi. Hiện nay, ở nước ta, nhiều địa phương đã triển khai xây dựng và nhân rộng mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao. Tuy nhiên, đây vẫn là mô hình khá mới mẻ, còn xa lạ đối với nền nông nghiệp tỉnh ta. Vì vậy, đầu tư phát triển sản phẩm dưa lưới công nghệ cao đáp ứng nhu cầu của thị trường sản phẩm sạch là ấp ủ của nhiều cán bộ, nhân viên trung tâm”.
Qua trồng thử nghiệm tại Trạm Thực nghiệm công nghệ sinh học Hòa Quang, trung tâm đã chọn lựa được giống, quy trình, giá thể trồng của 3 loại dưa lưới có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất cao để trồng trong nhà màng. Mô hình thực hiện trên diện tích nhà màng 250m2 với khoảng 500 gốc dưa lưới.
Sau gần 2 tháng trồng, các giống dưa phát triển tốt, lên lưới đẹp, trọng lượng trái trung bình đạt 1-1,5kg. Ngoài ra, trung tâm đã áp dụng quy trình công nghệ cao từ khâu lắp đặt hệ thống tưới, bón phân bằng phương pháp tưới nhỏ giọt tựđiều chỉnh lưu lượng vàtưới 5-7 lần/ngày, sử dụng mái che plastic trong suốt tránh mưa vàcólưới che chắn côn trùng; chọn hạt giống trồng; xử lý, phối trộn giá thể; gieo hạt; trồng cây con vào túi giá thể; pha dung dịch dinh dưỡng, công thức pha chế theo từng giai đoạn; thả ong, thụ phấn nhân tạo; tỉa trái; bấm ngọn; chọn trái, xác định thời điểm thu hoạch, đồng thời phân công 1 cán bộ kỹ thuật nắm vững và làm chủ quy trình kỹ thuật trồng.
Kỹ sư Phạm Ngọc Bách, Trưởng Trạm Thực nghiệm sinh học Hòa Quang, cho biết trong quá trình sinh trưởng, khi cây được khoảng 13 ngày tuổi là lúc cây phát triển mạnh, bắt đầu cho cây con bám vào dây phía trên. Vì vậy, cần tiến hành cắt tỉa các nhánh phụ, chỉ giữ duy nhất nhánh chính để cây phát triển tốt. Giai đoạn cây được 26 ngày tuổi thì tiếp tục cắt tỉa các nhánh phụ, cắt tỉa lá. Trong nhà màng có thể nuôi ong để giúp thụ phấn cho cây. Tuy nhiên, do trong giai đoạn đầu nên việc thụ phấn của ong hiệu quả chưa cao; nên việc thụ phấn hiện được kết hợp giữa ong và thụ phấn nhân tạo (thụ phấn chéo). Ở giai đoạn cây đậu trái (cây được khoảng 35 ngày tuổi) thì chọn trái đậu có phẩm chất tốt để nuôi dưỡng. Trái được chọn cách gốc khoảng 60-70cm. Mỗi cây chỉ giữ duy nhất 1 trái để tập trung chăm sóc. Trái chín và thu hoạch (cây được khoảng 70 ngày tuổi) thì tiến hành cắt dinh dưỡng nuôi cây trước khi thu hoạch 2 ngày. Sau đó tiến hành kiểm tra độ ngọt của dưa lưới, trọng lượng dưa...
Hiện vườn đã cho thu hoạch khoảng 600kg dưa lưới; trong đó, trung tâm sử dụng 200kg để thínghiệm nhằm đánh giá chất lượng và năng suất sản phẩm, 400kg dưa lưới còn lại đã cung cấp cho thị trường.
Dự tính, để mang lại hiệu quả kinh tế, người dân cần đầu tư khoảng 1.500 gốc/ha. Như vậy, mỗi vụ, người nông dân sẽ thu khoảng 800 triệu đồng/ha. So với các loại nông sản khác như: mía, sắn, lúa, bắp... lợi nhuận từ dưa lưới cao hơn từ 20 - 30%.
ThS Đặng Thị Thủy cho biết: “Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng đang nằm trong giai đoạn đầu của quá trình xây dựng loại nông sản mới, chất lượng cao. Nhà màng có thể cho trồng dưa quanh năm, bảo vệ được cây trước các tác động của môi trường, biến đổi thời tiết... Sau khi tạo ra sản phẩm tiêu dùng một cách thuần thục tiến tới tạo ra giống cây trồng chất lượng cao bằng công nghệ cao, trung tâm sẽ tiếp tục mở rộng và chuyển giao kỹ thuật trồng dưa lưới trong nhà màng đến nông dân”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã