Dư nợ trong lĩnh vực “tam nông” tăng mạnh
Nông nghiệp, nông thôn, nông dân là lĩnh vực luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Chính vì vậy, Chính phủ và NHNN đã ban hành nhiều chính sách trong đó có chính sách tín dụng hỗ trợ nguồn vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp và tiêu dùng để nâng cao đời sống cư dân nông thôn.
Trong khoảng hơn một thập kỷ qua dư nợ tín dụng vào tam nông liên tục tăng nhờ các chính sách tín dụng cho khu vực này mở rộng hơn. Đơn cử, như với chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, đã dành nhiều ưu đãi hơn hẳn so với các chính sách trước đây để người dân vay vốn phát triển sản xuất.
Sẽ đẩy mạnh phát triển đa dạng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng tới khu vực nông thôn |
Đến nay, dư nợ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 1.243.203 tỷ đồng, tăng 19% so với cuối năm 2016 và chiếm hơn 20% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Đã có trên 14 triệu lượt khách hàng được vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn. Các chương trình tín dụng đặc thù như: cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch; chương trình tín dụng hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ; cho vay hỗ trợ ngư dân 4 tỉnh miền Trung, hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do thiên tai (mưa lũ, xâm nhập mặn...).
Bên cạnh đó, NHNN đã tích cực chỉ đạo các TCTD xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh chương trình cho vay tiêu dùng, nhất là đối tượng khách hàng trên địa bàn nông thôn. Giám sát và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống tài chính vi mô, các công ty tài chính tiêu dùng để đáp ứng nhu cầu vay của người dân.
Bên cạnh tín dụng thương mại, các chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách cũng được triển khai tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) với đối tượng thụ hưởng khá rộng, trong hơn 20 chương trình tín dụng. Kết quả, đến 30/9/2017, tổng nguồn vốn của NHCSXH đạt 179.120 tỷ đồng, tăng 172.098 tỷ đồng, gấp hơn 25 lần so với khi thành lập. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 169.036 tỷ đồng, gấp hơn 24 lần so với thời điểm thành lập; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 19,2%, với trên 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ.
Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, tổng nguồn lực của chúng ta cho vay đến nay có thể khẳng định hoàn toàn có đủ điều kiện để đáp ứng yêu cầu của khu vực nông thôn, nhất là với người nghèo, cận nghèo và những hộ vừa thoát nghèo đủ điều kiện và có nguồn vốn để vay giải quyết việc làm.
Để đáp ứng nhu cầu vốn ngày càng tăng nhằm thực hiện các chương trình tín dụng chính sách theo chủ trương của Chính phủ, NHNN Việt Nam, NHCSXH đã thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Tích cực, chủ động báo cáo Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương các cấp tập trung các nguồn lực tài chính, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác; Bố trí ngân sách nhà nước cấp vốn điều lệ, cấp bù chênh lệch lãi suất, cấp vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Quy định các NHTM Nhà nước duy trì số dư tiền gửi 2% hàng năm tại NHCSXH; Báo cáo, trình Chính phủ có cơ chế cho phép phát hành trái phiếu Chính phủ bảo lãnh. NHCSXH cũng nhận vốn ủy thác từ nguồn ngân sách của địa phương, các chủ đầu tư trong và ngoài nước để cho vay các chương trình tín dụng chính sách.
Tiếp tục tăng khả năng tiếp cận vốn cho nông dân
Trong thời gian qua, NHNN đã triển khai nhiều biện pháp nhằm mở rộng khả năng tiếp cận vốn của người dân, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, nông nghiệp, nông thôn, góp phần khắc phục tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi.
Ngành Ngân hàng đã hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng; tăng cường phổ biến, tuyên truyền cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng đến người dân. Đổi mới chính sách cho vay theo hướng thông thoáng, tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm của TCTD. Các NHTM chủ động tiếp cận và hướng dẫn người dân làm thủ tục vay; nghiên cứu, phát triển đa dạng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng; đơn giản hóa thủ tục cho vay…
Tuy nhiên, một bộ phận người dân vẫn tìm đến tín dụng đen, cho vay nặng lãi do việc vay vốn không cần nhiều hồ sơ, giấy tờ, không cần chứng minh mục đích sử dụng vốn, phương án kinh doanh và tài sản thế chấp như khi vay tiền qua ngân hàng.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội liên quan đến giải pháp về nguồn vốn, khả năng tiếp cận tín dụng cho vay giảm nghèo để nông dân không phải tìm đến tín dụng đen, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, để góp phần hạn chế tình trạng tín dụng đen, trong thời gian tới, bên cạnh những giải pháp đang triển khai nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp như: Tiếp tục mở rộng mạng lưới của các TCTD, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn và các địa phương còn nhiều khó khăn về kinh tế để mở rộng khả năng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ ngân hàng. Các TCTD tích cực mở rộng khả năng huy động vốn và cho vay các cá nhân, hộ gia đình và DN.
Bên cạnh đó, Agribank triển khai hệ thống ngân hàng lưu động nhằm phát triển mạng lưới, đa dạng hóa tiện ích, dịch vụ ngân hàng. Tiếp tục tạo điều kiện cho việc phát triển các quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, các chương trình, dự án tài chính vi mô và mở rộng hoạt động của NHCSXH để tạo điều kiện cho người dân và hộ gia đình, đặc biệt là các đối tượng người nghèo hoặc thu nhập thấp, các đối tượng ưu tiên, đối tượng chính sách được tiếp cận dễ dàng hơn nguồn vốn tín dụng và các dịch vụ ngân hàng chính thức.
Tuy nhiên, bên cạnh những giải pháp của ngành Ngân hàng, để góp phần giảm bớt tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong công tác vận động, tuyên truyền cơ chế, chính sách của Nhà nước; cơ quan công an các cấp trong việc điều tra, xét xử các vụ việc liên quan đến tín dụng đen, cho vay nặng lãi…
Bài và ảnh Đức Nghiêm/thoibaonganhang.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã