Học tập đạo đức HCM

Hợp tác xã kiểu mới - Mệnh lệnh từ cuộc sống: Bài 4: Cần bệ đỡ từ chính sách

Thứ năm - 10/12/2015 22:01
Những HTX đã chuyển đổi thì vẫn trong tình trạng “bình mới rượu cũ”, các HTX được thành lập mới dù nhiều khát khao, động lực phát triển song cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong khi nhiều HTX vẫn chưa thể chuyển đổi theo luật. Thực tế trên cho thấy, để các HTX nông nghiệp thực sự đổi mới, phát triển còn rất nhiều việc phải làm, nhất là cần “bệ đỡ” từ chính sách…

Tham gia giám sát, băn khoăn lớn nhất của ông Nguyễn Thế Khanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Kinh tế-UB MTTQ tỉnh, sau chuyển đổi nhiều HTX NN vẫn trong tình trạng “bình mới rượu cũ”.  

“Mấy ngày đi tìm “cái mới” ở các HTX NN kiểu mới mà tôi chưa thấy. Đúng hơn là mới chỉ thấy các HTX “thay tên đổi họ”, định lượng được số lượng thành viên và vốn góp. Hoạt động thì vẫn như cũ, duy trì cung cấp được mấy khâu dịch vụ. Mảng sản xuất, kinh doanh vẫn còn bỏ trống, chưa có HTX nào lo được đầu ra cho sản phẩm. Điều đó cho thấy Luật HTX chưa thực sự vào cuộc sống”, ông Khanh nhìn nhận. 

Thừa nhận tình trạng này, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng cho rằng một trong những lực cản hiện nay là vấn đề con người. Theo đó, đội ngũ cán bộ quản lý ở hầu hết các HTX vẫn là những con người cũ, nhiều người tuổi đã cao, “sau một đêm ngủ dậy” trở thành Chủ tịch HĐQT HTX, không tránh khỏi việc lẫn lộn giữa cũ và mới trong tư duy, cách làm. Thu nhập lại thấp (nhiều Chủ tịch HĐQT, cán bộ HTX nhận phụ cấp chỉ trên dưới 1 triệu đồng/tháng) nên nhiều người không thực sự gắn bó, tâm huyết với HTX. 

Trong khi đó việc tìm kiếm đội ngũ cán bộ kế cận, thay thế đội ngũ cán bộ HTX hiện nay không đơn giản. Bởi, ngoài những khó khăn nội tại của các HTX NN hiện nay, xu hướng chung của thanh niên nông thôn là tìm kiếm việc làm tại các đô thị, nếu ở lại quê cũng chỉ muốn làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, không muốn làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Liên quan đến vấn đề này, ông Lương Hùng Tiến, Phó Chủ tịch UB MTTQ tỉnh Nam Định cho rằng đây là một nghịch lý lớn. 

“Con em Nam Định theo học tại các trường CĐ, ĐH rất nhiều, nhiều em học các ngành kinh tế, nông nghiệp nhưng ra trường không có việc làm hoặc có nhưng không ổn định. Trong khi đó các HTX NN lại đang rất cần những cán bộ trẻ, được đào tạo. Cần phải có chính sách, cơ chế khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực này về với HTX”, ông Tiến nhìn nhận. 

Qua giám sát của Mặt trận địa phương cũng nổi lên vấn đề: ở những HTX NN năng động, hoạt động hiệu quả, khi cần vốn hoạt động lại rất khó huy động. Tiếng là đông thành viên, lên đến hàng nghìn người nhưng tâm lý chung của các thành viên là thiếu tin tưởng, không mạnh dạn góp vốn cho HTX hoạt động. Việc vay vốn ngân hàng càng khó khăn hơn. Theo nhiều lãnh đạo HTX NN ở Nam Định, trước đây Nghị định 41 cho phép các HTX NN có thể vay vốn ngân hàng tới 500 triệu đồng không cần thế chấp; chính sách mới tăng lên tới 1 tỷ đồng nhưng trên thực tế các HTX luôn bị các ngân hàng từ chối cho vay, vì không tin tưởng vào đề án sản xuất, kinh doanh của các HTX. Mang sổ đỏ đất đai của HTX ra thế chấp cũng bị từ chối vì ngân hàng cho rằng đây là tài sản sở hữu tập thể, không có người chịu trách nhiệm chính. 

Chính vì vậy, theo ông Bùi Văn Quý-Chủ tịch HĐQT HTX Cốc Thành (Thành Lợi-Vụ Bản-Nam Định): để vay được vốn, chủ tịch HĐQT HTX và các thành viên thường phải mang sổ đỏ nhà riêng đi thế chấp ngân hàng. Đây cũng là câu chuyện chung của nhiều HTX NN khác. Đó là chưa kể, nhiều HTX NN dù chờ đợi đã lâu nhưng đến nay đất đai đang sử dụng vẫn chưa được chính quyền cấp sổ đỏ…

Ngoài ra, theo Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nam Định Trần Văn Phiệt, một trong những tồn tại lớn hiện nay là toàn tỉnh còn tới 141/323 HTX NN chưa chuyển đổi được theo luật. Tình trạng này có nhiều nguyên nhân, phổ biến là do nhiều HTX lâu nay không hoạt động; tài sản, vốn góp bị mai một, nhiều HTX còn bị âm; sổ sách, giấy tờ bị thất lạc. Với tình trạng này, các HTX trên rất khó có thể tiến hành đại hội để quyết định chuyển đổi hay giải thể, sáp nhập…

Về vấn đề này, cũng đang còn có những ý kiến khác nhau. Tại huyện Hải Hậu-địa phương còn nhiều HTX NN chưa chuyển đổi-lãnh đạo huyện có quan điểm: HTX nào không còn đủ điều kiện hoạt động, xã viên đồng thuận giải thể thì huyện sẽ chỉ đạo cho thực hiện các quy trình, thủ tục để giải thể. Sau đó, ở đâu có nhu cầu thành lập HTX mới để liên kết, hỗ trợ nhau trong làm ăn sẽ cho thành lập mới theo luật. Đây cũng là quan điểm chỉ đạo của UBND tỉnh Nam Định, theo đó đến năm 2016, HTX nào không chuyển đổi được theo luật HTX thì tổ chức đại hội thành viên cho phép giải thể tự nguyện và có thể thành lập các Tổ hợp tác hoặc các HTX mới. 

Trong khi đó, liên quan đến việc này, ông Hà Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Trực Ninh lại băn khoăn: “Trên thực tế có nhiều cán bộ đã gắn bó cả đời với HTX, nay HTX giải thể không tránh khỏi tâm tư. Trước đây cán bộ quản lý HTX là do cấp ủy phân công. Nay HTX giải thể đồng nghĩa sẽ dôi dư cán bộ, khi đó sẽ không biết sắp xếp thế nào cho phù hợp. Không khéo sẽ gây bất ổn về an ninh nông thôn”. 

 Mặc dù vậy, ông Lê Văn Khuyến, Trưởng Ban Tổ chức-Tuyên giáo-UB MTTQ tỉnh Nam Định lại có cái nhìn lạc quan về tương lai phát triển của các HTX NN. Đơn cử, theo ông Khuyến, từ chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, nhiều DN đã về đầu tư tại nhiều địa bàn nông thôn ở Nam Định. Có những DN may mặc, giầy da sử dụng đến 2-3000 lao động. “Đây chính là cơ hội của các HTX NN ở địa phương. Nếu tổ chức, liên kết, phối hợp tốt, các HTX NN ở gần các khu, cụm công nghiệp có thể sản xuất, cung cấp ổn định một lượng lớn lương thực, thực phẩm, rau sạch cho các công ty, nhà máy”, ông Khuyến phân tích. 

Cho rằng xây dựng các HTX kiểu mới là một việc lớn, có tính chiến lược trong xây dựng nông thôn mới cũng như trong xu thế hội nhập, ông Khanh nhìn nhận công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền rất quan trọng, không thể làm một cách hình thức, đối phó. Chính vì vậy, sau các buổi giám sát ở các địa phương, lời chúc của ông Khanh chỉ là: “Chúc Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể hoạt động thường xuyên”…    

Từ kinh nghiệm lãnh đạo trong nhiều năm, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Thế Khanh tư vấn: Với các HTX NN đã chuyển đổi, trước mắt các địa phương cần lựa chọn một vài đơn vị để tập trung hỗ trợ, tạo các điều kiện thuận lợi để các HTX này phát triển, tạo cảm hứng, tiền đề cho các HTX khác làm theo. 

Trần Duy Hưng
http://daidoanket.vn/

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập440
  • Hôm nay105,091
  • Tháng hiện tại846,869
  • Tổng lượt truy cập93,224,533
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây