Tham quan cánh đồng lúa hữu cơ của Quảng Trị.
Xin ông khái quát đôi nét về quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và XDNTM ở Quảng Trị?
Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được xem là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt trong cả 2 nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và XVI. Vì thế từ năm 2013 đến nay, địa phương đã có những bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện, trọng tâm định hướng là tối ưu hoá các nguồn lực, khai thác tiềm năng lợi thế, phát triển nông sản hàng hóa quy mô lớn, có lợi thế cạnh tranh, có thị trường. Lấy con người và khoa học công nghệ làm động lực cho phát triển nông nghiệp. Tập trung ưu tiên hỗ trợ các cây trồng, vật nuôi chủ lực, sản xuất theo chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ và quy mô lớn, nhân rộng nhanh các mô hình sản xuất áp dụng công nghệ cao, xanh, sạch, hữu cơ. Bằng nhiều giải pháp, nguồn lực khác nhau và sự vào cuộc của hệ thống chính trị các cấp, nhiều chủ trương, chính sách mới đã ban hành (Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐND; Nghị quyết 02/2014/NQ-HĐND; Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐND; Nghị quyết 04/2017-NQ/TU…), đã có tác động thúc đẩy sản xuất phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu.
Kết quả cụ thể của quá trình này là gì, thưa ông?
Quảng Trị luôn duy trì đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng, bình quân 25- 26 vạn tấn/năm. Sản lượng gạo chất lượng cao đạt xấp xỉ 70% tổng sản lượng sản xuất với giá bán cao hơn gạo thông thường từ 1,2- 1,5 lần, diện tích sản xuất tập trung theo cánh đồng lớn đạt xấp xỉ 3.500ha (giảm chi phí 1,5 -1,7 triệu đồng/ha); sản lượng lúa hữu cơ xấp xỉ 500 tấn, đã xây dựng được thương hiệu Gạo hữu cơ Quảng Trị, thương hiệu cà phê Khe Sanh đã có chỗ đứng trên thị trường... Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất như: mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng, mô hình trồng rau thuỷ canh…
Công cuộc XDNTM cũng đạt được kết quả tích cực, đến nay, toàn tỉnh có 31/117 xã đạt chuẩn, dự kiến đến cuối năm 2017 có thêm 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, số tiêu chí đạt bình quân là 14,3 tiêu chí/xã, đạt kế hoạch đề ra.
Quảng Trị là vùng khí hậu khắc nghiệt, dư âm của chiến tranh vẫn còn nặng nề, nhiều vùng đất đai cằn cỗi, sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả. Trước thực trạng đó, Quảng Trị đã làm gì để có được một nền nông nghiệp hữu cơ, thưa ông?
Quảng Trị là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, đặc biệt là bão và lũ lụt, hậu quả của chiến tranh vẫn còn nặng nề nhưng cũng là địa phương đa dạng về đất đai (đất phù sa, đất đỏ bazan, đất đỏ vàng trên đá feralit, đất cát nội đồng, cát ven biển); phong phú về địa hình, tạo thành 4 vùng địa lý tự nhiên biển, đồng bằng, trung du và miền núi. Những điều kiện đó giúp Quảng Trị có tiềm năng phát triển đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi. Và chính khó khăn, khắc nghiệt đó đã tạo cho con người Quảng Trị bản tính cần cù, chịu khó. Tạo cho nông sản Quảng Trị có những nét đặc trưng riêng, đậm đà, thơm ngon hơn so với các vùng miền khác.
Chính vì vậy, Quảng Trị xác định nông nghiệp hữu cơ là hướng đi tất yếu, bền vững để đưa nông sản Quảng Trị “không nhiều về sản lượng, nhưng đặc sắc về chất lượng” đến với người tiêu dùng trong nước và thế giới. Thông qua đó, nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập cho người sản xuất, hướng tới phát triển bền vững. Để có được một nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trước hết, chúng tôi tập trung ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, nhất là giống mới, giống chất lượng, khôi phục các giống đặc sản bản địa, ứng dụng các loại phân bón hữu cơ để thay thế dần và hoàn toàn thuốc BVTV và phân bón vô cơ. Nghiên cứu và chuyển giao các quy trình sản xuất chế phẩm hữu cơ vi sinh từ phế phụ phẩm nông nghiệp, khuyến khích nông dân canh tác theo lối hữu cơ truyền thống, liên kết với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn để xây dựng thương hiệu, quảng bá và kinh doanh các sản phẩm hữu cơ của Quảng Trị.
Nhiệm vụ tái cơ cấu nông nghiệp, XDNTM định hướng giai đoạn 2015 - 2020 của Quảng Trị cụ thể là gì, thưa ông?
Cơ cấu lại nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới phải phù hợp với điều kiện thực tế, phát huy lợi thế, tiềm năng của tỉnh, đặt trong tổng thể cơ cấu lại các ngành kinh tế của tỉnh gắn với cơ cấu lại nông nghiệp vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung và cả nước. Đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; trước hết phải khơi dậy tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường, sáng tạo của nông dân và sự vào cuộc, đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh. Với mục tiêu là ổn định tốc độ tăng trưởng giá trị sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020 từ 3,5-4,0%/năm. Sản lượng lương thực ổn định trên 25 vạn tấn/năm. Sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản đến năm 2020 đạt 38.000 tấn, năm 2025 đạt 42.000 tấn (trong đó, nuôi trồng 15.000 tấn). Phấn đấu tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 50%. Đến năm 2020, đảm bảo cấp nước tưới cho 85 - 90% diện tích đất trồng lúa với tần suất trên 85%. Đến cuối năm 2020, có trên 50 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp kiểu mới, 70% tổng số tổ hợp tác (THT) nông nghiệp được đăng ký chứng thực với chính quyền. Đến năm 2020, có 50-55% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, không còn huyện chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã đồng bằng đạt dưới 16 tiêu chí, không còn xã miền núi đạt dưới 8 tiêu chí.
Xin cảm ơn ông và chúc Quảng Trị phát triển toàn diện, bền vững!
Theo: Anh Bình/kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã