Báo NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Lâm(ảnh), Bí thư Huyện uỷ, Trưởng BCĐ Chương trình MTQG xây dựng NTM huyện Hải Hà, để tìm hiểu về những kinh nghiệm trong xây dựng NTM ở nơi đây.
Vượt khó
Những khó khăn lớn nhất mà huyện Hải Hà gặp phải trong xây dựng NTM là gì, thưa ông?
Cái khó đầu tiên phải kể tới đó là Hải Hà là một huyện nông nghiệp với 83% dân số sống bằng nghề nông, thu nhập bình quân đầu người thấp, canh tác chủ yếu là đất rừng và đất trồng lúa, sản xuất chưa phát triển. Cơ cấu nông nghiệp còn bất hợp lý giữa chăn nuôi và trồng trọt; giữa rừng và biển, giữa đồng bằng và miền núi…
Mặt khác, Hải Hà có địa bàn rộng (69.000 ha), dân cư thưa, hạ tầng nông thôn chưa được đầu tư xây dựng; yêu cầu về vốn đầu tư vượt xa ngân sách của huyện và khả năng huy động đầu tư của nhân dân và xã hội.
Năm 2011, trong 15 xã xây dựng NTM của huyện mới có 1 xã đạt 7 tiêu chí, 2 xã đạt 6 tiêu chí, còn lại các xã chỉ đạt 5 tiêu chí trở xuống. Trong đó thiếu những tiêu chí cơ bản và đầu tư tốn kém như hạ tầng nông thôn, tổ chức sản xuất và xây dựng làng văn hoá.
Nguồn lực ngân sách, kể cả Trung ương và tỉnh, huyện dành cho NTM ngày càng hạn chế. Từ năm 2011, nguồn vốn hỗ trợ là 1.500 tỷ đồng; năm 2012 rút xuống 500 tỷ đồng và đến năm 2013 chỉ còn 300 tỷ đồng. Trong khi đó, lộ trình về đích vẫn giữ nguyên theo kế hoạch (năm 2015), vì vậy, chính quyền và nhân dân triên địa bàn huyện phải tìm mọi cách để triển khai thực hiện.
Huyện đã có những biện pháp gì để khắc phục khó khăn trên?
Để tăng nguồn lực ngân sách, từ năm 2012 chúng tôi có chính sách cho các xã đấu giá quyền sử dụng đất và hưởng toàn bộ phần chênh lệch giữa giá Nhà nước và giá đấu thầu để xây dựng NTM.
Những năm trước đây, Hải Hà chỉ thu được trên dưới 10 tỷ đồng tiền đấu giá quyền sử dụng đất (chủ yếu là ở thị trấn). Nhưng năm 2012, dù thị trường bất động sản ảm đạm và diện tích cấp quyền sử dụng đất chỉ bằng 1/10 so với những năm trước, nhưng nguồn thu vẫn tăng lên 15-16 tỷ đồng.
Hải Hà cũng là huyện đầu tiên của tỉnh ban hành quy chế đối thoại trực tiếp với nhân dân. Đồng chí Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND trực tiếp đối thoại với từng địa phương để thấy rõ được những thuận lợi, khó khăn của đơn vị và bàn cách giải quyết. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động với tinh thần “dân làm chủ và Nhà nước đứng sau hỗ trợ”, nên đã khơi dậy được sự đóng góp rất tích cực của người dân.
Do trên địa bàn huyện không có doanh nghiệp lớn mà chỉ có doanh nghiệp nhỏ, kinh tế cá thể nên chúng tôi đã tăng cường gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp ngoài tỉnh có mối quan hệ thân thiết để kêu gọi sự đóng góp của họ. Ví dụ, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam hỗ trợ 1000 tấn xi măng. Cty Indevco Cẩm Phả hỗ trợ 1000 tấn xin măng; Cty Indevco của Móng Cái hỗ trợ 500 tấn xi măng...
Ngoài ra, chúng tôi còn huy động được nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng để triển khai các mô hình phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo, tăng thu nhập. Trong 6 tháng đầu năm 2013, toàn huyện đã huy động được 350.960 tỷ đồng để xây dựng NTM.
Đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo huyện Hải Hà tham gia tọa đàm về xây dựng nông thôn mới bền vững
Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Khi đã huy động được nguồn vốn, huyện đã làm thế nào để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho bà con?
Theo định hướng đến năm 2015, Hải Hà vẫn là một huyện nông nghiệp. Chúng tôi đang tập trung những mũi đột phá trong phát triển sản xuất. Thứ nhất là chuyển đổi các mô hình kinh tế; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp để tạo ra sản phẩm hàng hoá. Thứ hai là kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp để làm “bà đỡ”, hỗ trợ vốn, bao tiêu sản phẩm, tập trung đầu tư vào chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Năm 2012, huyện đã triển khai trên 55 mô hình. Mô hình nào nhân rộng được thì chúng tôi tiếp tục nhân rộng. Chè Hải Hà đã được đăng ký thương hiệu, một số mô hình đã đạt đến yêu cầu sản xuất hàng hoá như: sản xuất mía tím, mía nguyên lệu, sản xuất rau an toàn, nuôi trồng thuỷ hải sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm,… đã bước đầu thay đổi tâm lý sản xuất nhỏ trong xã hội. Hải Hà có khoảng 35.000 ha rừng, trong đó rừng sản xuất gần 20.000 ha. Những rừng này chúng tôi tập trung phát triển cây keo để tăng thu nhập cho bà con.
Thu nhập của người dân được nâng lên rõ rệt. Năm 2010 là 9,3 triệu đ/người/năm. Đến năm 2012 đã tăng gần gấp đôi: 17,4 triệu đ/người/năm. Dự kiến, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 10,4% (năm 2012) xuống còn 7% (2013). Điều đó cho thấy cả cấp uỷ, chính quyền và nhân dân địa phương đã vào cuộc rất mạnh mẽ.
Theo định hướng đến năm 2020, Hải Hà phấn đấu trở thành huyện dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Vậy đến nay, huyện đã làm được những gì?
Chúng tôi nghĩ, muốn hoàn thành việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ thuần nông sang kinh tế dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp (nông nghiệp trở thành thứ yếu trong nền kinh tế) trong hoặc trước năm 2020, thì trước hết phải có quy hoạch đồng bộ cho từng ngành, từng vùng để đề ra nhóm giải pháp triển khai.
Năm 2012, chúng tôi xác định là năm quy hoạch. Huyện đã triển khai hàng loạt quy hoạch từ phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu, quy hoạch đô thị, quy hoạch NTM, môi trường, nguồn nhân lực… Hiện nay về cơ bản đã hoàn thành.
Để phát triển thương mại, dịch vụ, chúng tôi tập trung vào hai vùng lõi. Thứ nhất là đẩy mạnh hoạt động của khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh. Năm 2012, huyện đã mở được tuyến đường 340 nối QL18 với cửa khẩu với tổng đầu tư gần 300 tỷ đồng từ nguồn vốn của Trung ương và của tỉnh. Kim ngạch xuất nhập khẩu của huyện đạt 146 triệu USD. Dự kiến trong năm nay sẽ tăng lên khoảng 170 triệu USD. Đặc biệt là lệ phí bến bãi tăng lên rõ rệt: năm 2011 huyện chỉ thu được 700 triệu đồng/năm. Nhưng bây giờ mỗi tháng chúng tôi thu bình quân được 2 tỷ đồng. Tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động.
Tiếp theo, chúng tôi muốn mở rộng thị trấn từ 144,4 ha lên 565,47 ha, biến nơi đây trở thành trung tâm văn hoá và thương mại dịch vụ. Quy hoạch này đã được tỉnh phê duyệt và công khai để kêu gọi vốn đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài huyện.
Để phát triển công nghiệp, huyện đang huy động mọi nguồn lực để xây dựng hạ tầng KCN Cảng biển Hải Hà với diện tích 4.988 ha. Năm 2007, Tập đoàn Vinashin đã khởi công nhưng rồi đổ bể, chuyển sang tập đoàn Vinaline cũng không làm được. Vì thế, huyện đã tiếp cận với Tập đoàn Indevco để quy hoạch lại KCN Cảng biển với chi phí 20 tỷ đồng, đến nay cơ bản đã hoàn thành quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết. Từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, chúng tôi đã GPMB và khởi công tuyến đường với quy mô rộng 52 m, dài 8,4 km nối QL 18 với Cảng biển Hải Hà với tổng mức đầu tư 683 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp như Tập đoàn Cường Thịnh Thi, xí nghiệp Cơ khí Kon Tum cũng đang làm thủ tục để đầu tư vào KCN Cảng biển tại khu vực đảo Hòn Miều và đảo Cái Chiên.
Xin cảm ơn ông!
“Dự kiến, năm 2015, thu nhập bình quân của toàn huyện đạt khoảng 25 triệu/người/năm. Đến năm 2020 tăng lên khoảng 60 triệu đồng/người/năm”, ông Lâm cho biết. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;