Ông có thể cho biết nét mới của vụ đông năm nay?
Kế hoạch 50.000 ha/vụ đông quá đơn giản với Hà Nội, nên vụ đông 2013 chúng tôi sẽ cố gắng đạt diện tích 60.000 ha. Để đạt được điều đó trước tiên phải đẩy mạnh diện tích hai cây trồng chính là đậu tương và khoai tây.
Với đậu tương Hà Nội đã xây dựng vùng giống 600 ha để hỗ trợ giống cho khoảng 25-30.000 ha đậu thương phẩm. Với khoai tây có thuận lợi là giãn được thời vụ nên chúng tôi sẽ mở rộng diện tích canh tác không làm đất.
Các cây trồng khác của vụ đông như ngô đông, rau xanh năm nay theo dự báo diện tích cũng sẽ tăng. Ngoài ra, Hà Nội sẽ đưa nhiều cây trồng giá trị cao, nhất là hoa cao cấp vào vụ đông (ngoài diện tích 2.200 ha hoa đang có sẽ thêm 300-500 ha hoa vụ đông).
Hiện tại chúng tôi đã dồn điền đổi thửa được gần 70.000 ha. Hầu hết diện tích nhỏ trước đây đã thành lớn, mỗi hộ nông dân có những mảnh ruộng rộng 3-4 sào, có hộ có mảnh rộng cả mẫu lại có những nơi anh em họ hàng được xếp chung một khu vực vài ha rất thuận cho canh tác.
Sau dồn điền đổi thửa, hạ tầng sản xuất được đầu tư bài bản hơn nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng nên nông dân đã hào hứng với vụ đông hơn.
Với đặc thù là nông nghiệp đô thị, vậy Hà Nội sẽ nhắm đến những sản phẩm chủ lực gì để xây dựng NTM một cách vững chắc?
Nhóm thứ nhất là thịt, trứng, sữa và con giống. Hiện Hà Nội là địa phương tốp đầu của cả nước về sản lượng thịt với 380.000 tấn. Gắn với thịt là trứng, số lượng khoảng 800-900 triệu quả/năm, có trang trại mỗi ngày cung cấp cả chục vạn quả. Hà Nội còn có đàn bò sữa 12.000 con cho hiệu quả kinh tế khá.
Nhóm sản phẩm thứ hai là rau với sản lượng 600.000 tấn. Hà Nội đã có 4.000 ha rau được kiểm soát chất lượng, diện tích này đến năm 2014 sẽ là 5.000 ha. Hiện chúng tôi đang liên kết tiêu thụ rau an toàn theo mô hình chuỗi từ sản xuất đến bàn ăn bằng cách mở hàng loạt các điểm bán rau an toàn trên toàn thành phố, đưa rau đến tận khu dân cư, các đơn vị chứ không chỉ bó hẹp ở siêu thị, khó tiếp cận như trước.
Người sản xuất thông qua hệ thống bán hàng của thành phố là tiêu thụ được sản phẩm chứ không phải qua nhiều trung gian nên được giá còn người tiêu dùng muốn tiếp cận rau an toàn cũng dễ hơn chứ không “mịt mùng” như ngày trước và giá cả cũng rất tốt.
Nhóm thứ ba là quả thì rất đa dạng. Hà Nội đang xây dựng những loại quả chủ lực như chuối với diện tích chừng hơn 20.000 ha ven sông có thể trồng được. Chuối là cây hằng năm dễ trồng, dễ chuyển đổi, ngoài quả thì thân, hoa, lá đều ra tiền.
Cam Canh dù hơi khó tính, dù mở rộng diện tích không dễ nhưng chất lượng tốt, cho thu nhập mỗi ha vài ba tỉ là bình thường (ngoài bán quả còn có thể bán cây cảnh với hiệu quả gấp cả chục lần).
Nhãn muộn Đại Thành hiện đã có chỉ dẫn địa lý, đang được đăng ký thương hiệu. Hà Nội cũng đang chuẩn bị xây dựng thương hiệu cho quả ổi Đông Dư cùng hàng loạt các sản phẩm khác như gà đồi Ba Vì, gà Mía … Sản phẩm xuất khẩu của chúng tôi sắp tới có thể sẽ nhắm đến hoa lan.
Hiệu quả sau lần “bắt tay” giữa Hà Nội với các tỉnh đến nay như thế nào?
Chúng tôi đã ký liên kết với 16 tỉnh, thành phố xung quanh Hà Nội. Ký rành rọt, cụ thể, gắn bó bằng sản phẩm chứ không phải chỉ trên giấy, chỉ để giao lưu chung chung. Để làm được việc này là cả quá trình tìm tòi, tích lũy và thử nghiệm.
Ví dụ trước đây gạo Nam Định bán rất nhiều ở Hà Nội nhưng do tự phát, được giá thì tư thương mang đến, không được giá thì thôi. Nay đã ký thì mọi chuyện sẽ khác, sẽ trao đổi kinh nghiệm, trên cơ sở đó phát huy được lợi thế của từng đơn vị và kiểm soát được nguồn gốc nông sản xuất vào.
Khi thực hiện, tỉnh Nam Định cử cán bộ kỹ thuật, xây dựng vùng sản xuất, dán nhãn nhận diện, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng rồi sẽ phối hợp với Hà Nội tiêu thụ. Chúng tôi sẽ cử doanh nghiệp xuống bàn bạc với nơi sản xuất, đưa sản phẩm lên sàn giao dịch công bố thông tin rộng rãi. Chúng tôi có trách nhiệm miễn phí toàn bộ quảng cáo, giới thiệu sản phẩm trên các báo ở Hà Nội trong thời hạn nhất định, có trách nhiệm giới thiệu sản phẩm xuống các điểm giao dịch (có 400 điểm, đang phấn đấu 1.000 điểm -PV).
Việc bắt tay giữa Hà Nội và các địa phương nhất thiết phải có sự tham gia của doanh nghiệp mới thành công. Bản thân cán bộ quản lý Nhà nước chỉ làm quản lý chứ không thể là anh bán rau, bán gạo, bán thịt được.
Cơ quan quản lý cũng có trách nhiệm giúp doanh nghiệp truy suất nguồn gốc hàng hóa, đảm bảo chất lượng cho họ kinh doanh. Chúng tôi cũng đang xin ý kiến của UBND thành phố về chuyện cấp khoảng 100 biển cho xe tải nhỏ được phép đi vào nội thành vào giờ cao điểm để các tỉnh chở nông sản an toàn được thuận lợi nhất.
Xin cảm ơn ông!
Dương Đình Tường
Nguồn nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;