Học tập đạo đức HCM

Khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII Bảo vệ chủ quyền quốc gia, gìn giữ môi trường hòa bình

Thứ ba - 20/05/2014 21:21
Sáng 20-5, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Hà Nội. Dự phiên khai mạc có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; các đại biểu Quốc hội các khóa trước; đại diện đoàn ngoại giao tại Hà Nội. Trước phiên khai mạc, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đại biểu Quốc hội đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định, kỳ họp thứ 7 của Quốc hội diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Tình hình đó đòi hỏi có nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phục hồi vững chắc đà tăng trưởng; bảo đảm an sinh xã hội; sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn lực của đất nước, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí…

Sau khi thông báo về những nội dung chính của kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Chúng ta đều đã biết tình hình ở biển Đông đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Việc Trung Quốc đặt giàn khoan trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cùng với sự hộ tống, trong đó có cả tàu chiến và máy bay quân sự bảo vệ là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông; bất chấp cả những thỏa thuận cấp cao giữa hai đảng, hai nhà nước Việt Nam - Trung Quốc. Hòa bình và an ninh đang bị đe dọa. Đồng bào ta thật sự lo lắng và kiên quyết phản đối; cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm, chia sẻ và tỏ tình đoàn kết với Việt Nam”.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ nghe và thảo luận báo cáo của Chính phủ về tình hình biển Đông, cho ý kiến về vấn đề này với tinh thần bằng mọi biện pháp kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, đồng thời kiên trì gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, kiên trì bảo vệ, giữ vững quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, phát huy trí tuệ, tập trung nghiên cứu, thảo luận dân chủ, đóng góp nhiều ý kiến, góp phần để kỳ họp thành công tốt đẹp, đáp ứng lòng mong đợi của đồng bào và chiến sĩ cả nước. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng các đại biểu dự kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII.

Ngay sau phát biểu khai mạc kỳ họp của Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày báo cáo bổ sung của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014. Tiếp đó, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo nêu trên của Chính phủ. Tại phiên khai mạc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp. 

Chiều cùng ngày, Quốc hội nghe các báo cáo của Chính phủ và Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012. Quốc hội cũng đã nghe báo cáo về các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam; Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội.

Cuối phiên làm việc chiều, Quốc hội họp riêng, nghe Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trình bày báo cáo về tình hình biển Đông, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; chủ trương và giải pháp của Việt Nam.

Theo chương trình nghị sự kỳ họp, trong phiên làm việc sáng 21-5, Quốc hội sẽ thảo luận tại các đoàn đại biểu Quốc hội về vấn đề đặc biệt quan trọng này.

Đại biểu quốc tế dự khai mạc kỳ họp Quốc hội.

ANH THƯ

 


 

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh

Tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014.

        Nền kinh tế đang phục hồi

Bổ sung về báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2013, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong tổng số 15 chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch năm 2013 có 10 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; 3 chỉ tiêu xấp xỉ đạt kế hoạch (tốc độ tăng trưởng GDP, tạo việc làm, tỷ lệ lao động qua đào tạo); 2 chỉ tiêu không đạt (tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước và tỷ lệ giảm hộ nghèo).

So với số đã báo cáo Quốc hội, có 9 chỉ tiêu đạt cao hơn và 2 chỉ tiêu đạt thấp hơn. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng cả năm là 6,04% (đã báo cáo Quốc hội khoảng 7%), thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Kết quả này khẳng định rõ hơn xu hướng phục hồi của nền kinh tế. 

Về nhiệm vụ năm 2014, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã có nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho năm 2014, trong đó tập trung bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Đến nay, các chỉ số cơ bản đạt kết quả tích cực, GDP quý 1-2014 tăng 4,96%, cao hơn cùng kỳ 2 năm trước. Cả 3 khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ đều có tốc độ tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước. Trong 4 tháng đầu năm đã có hơn 5.800 doanh nghiệp trở lại hoạt động. Quá trình tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng cũng đang được đẩy nhanh, trong 4 tháng có 27.000 doanh nghiệp đã được cổ phần hóa. Tái cơ cấu ngân hàng, nhất là các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém và xử lý nợ xấu đạt kết quả tích cực. Bên cạnh đó, các vấn đề về phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện chính sách an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm.

        7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Trong bối cảnh kinh tế đang phục hồi tăng trưởng nhưng còn chậm và có nhiều khó khăn, thách thức; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ đang là khó khăn, thách thức lớn, Chính phủ đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Theo đó, Chính phủ khẳng định tiếp tục thực hiện nhất quán nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô. Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm tăng trưởng hợp lý. Tiếp tục điều hành mặt bằng lãi suất phù hợp. Kiên quyết cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các khoản chi chưa thật sự cấp bách. 

Cùng với đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong đó có việc tập trung xử lý nợ xấu, tăng khả năng tiếp cận vốn; rà soát, loại bỏ các rào cản, vướng mắc; cải cách chính sách thuế, phí, lệ phí; đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là về đăng ký kinh doanh, tín dụng, thuế, hải quan, bất động sản... Song song đó, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Tiếp tục tái cơ cấu các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém, tập trung xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng. Tập trung phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có giá trị gia tăng cao như du lịch, viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistics và các dịch vụ khác hỗ trợ kinh doanh. Chính phủ cũng khẳng định sẽ phát triển văn hóa, xã hội, chủ động phòng chống dịch bệnh, không được để dịch lớn xảy ra; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí.

        Thực hiện hiệu quả các giải pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền ở biển Đông

Báo cáo với Quốc hội về vấn quốc phòng an ninh, đối ngoại, trật tự an toàn xã hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trước việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã cực lực phản đối, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, lợi ích chính đáng, phù hợp với luật pháp quốc tế và truyền thống yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vừa qua có một số người lợi dụng biểu tình phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam, đã có hành vi vi phạm pháp luật, phá hoại tài sản của nhà nước, cá nhân, doanh nghiệp, nhất là một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và chống người thi hành công vụ, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội và môi trường đầu tư kinh doanh. Hiện nay, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội đã được bảo đảm; hầu hết các doanh nghiệp đã trở lại hoạt động bình thường.

Về giải pháp tăng cường quốc phòng an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế sắp tới, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ, Chính phủ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia ở biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Tăng cường công tác thông tin truyền thông, tạo sự đồng tình, ủng hộ của đồng bào ta cả trong và ngoài nước và của cộng đồng quốc tế. Đồng thời chủ động ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Thực hiện các biện pháp cần thiết theo đúng pháp luật và các cam kết quốc tế của Việt Nam, bảo đảm an ninh và an toàn tuyệt đối cho các cơ quan, doanh nghiệp và người nước ngoài tại Việt Nam. Thực hiện tốt công tác bảo vệ ngư dân hoạt động trên biển.

 
 

"Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là diễn biến phức tạp ở biển Đông, nhiệm vụ còn lại của năm 2014 rất nặng nề, đòi hỏi sự quyết tâm cao, đoàn kết một lòng, đồng thuận trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, toàn quân, toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng"

Phó Thủ tướng Chính phủ NGUYỄN XUÂN PHÚC

 
 

PHAN THẢO

 


 

Chủ động ứng phó những tác động tiêu cực đến kinh tế

Tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đã trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Đa số ý kiến Ủy ban Kinh tế tán thành với báo cáo của Chính phủ đã bám sát mục tiêu, 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014.

Nhiều ý kiến đánh giá cao việc Chính phủ có nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững thông qua đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và điều chỉnh, bổ sung nhiều chính sách mới, như: liên kết, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đánh bắt thủy, hải sản, nuôi cá tra, cá ba sa... Song đa số ý kiến đề nghị cần tiếp tục rà soát và đề xuất có hệ thống chính sách đủ mạnh trình Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về hệ thống chính sách này để vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, vừa bảo đảm tính ổn định và tạo yên tâm cho người nông dân, tránh tình trạng rủi ro về giá, khó khăn tiêu thụ hàng hóa và thực hiện chính sách hỗ trợ đặc biệt nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm tăng tính cạnh tranh sản phẩm và phát triển sản xuất nông nghiệp một cách bền vững.

Nhiều ý kiến đánh giá cao và cho rằng việc Chính phủ đã điều chỉnh quản lý đầu tư công vừa qua là sự thành công bước đầu, nhất là kiểm soát chặt chẽ từ chủ trương đầu tư đến xem xét phân bổ nguồn vốn từng dự án, công trình, từng địa phương... đã khắc phục cơ bản tình trạng đầu tư dàn trải, giảm lãng phí. Đồng thời, việc Quốc hội quyết định huy động thêm 170.000 tỷ đồng nguồn trái phiếu Chính phủ triển khai trong 3 năm (2014 - 2016) đã tác động đến tổng cầu nền kinh tế, bổ sung vốn cho nhiều dự án lớn đang triển khai dở dang. Việc triển khai quyết liệt, đúng tiến độ chủ trương này sẽ phát huy hiệu quả rõ rệt những tháng cuối năm 2014 và 2015. Tuy nhiên, xét về mặt quản lý và sử dụng tài sản công, của cải của đất nước một cách hiệu quả cao nhất, đề nghị Chính phủ chỉ đạo tập trung rà soát, tăng cường quản lý đầu tư công chặt chẽ hơn nữa, quyết tâm cắt bỏ những bất hợp lý và xử lý, quy trách nhiệm đến cùng đối với người đứng đầu khi vi phạm hoặc để xảy ra lãng phí trong từng dự án, từng công trình. 

Trước tình hình phức tạp do việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế ở vùng biển nước ta, Ủy ban Kinh tế đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền các cấp triển khai chủ trương của Đảng qua ý kiến phát biểu của Tổng Bí thư tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Đồng thời, chủ động có các giải pháp ứng phó với tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, từng ngành kinh tế, xuất nhập khẩu, các thị trường, cân đối ngân sách nhà nước, thu hút vốn đầu tư, tạo công ăn việc làm… Bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn về tính mạng, tài sản của người dân, bảo đảm sản xuất kinh doanh bình thường của các doanh nghiệp và người dân...

BẢO MINH
theo sggp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Quyết định số 149/QĐ-BCĐ

Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG và xây dựng đô thị văn minh tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025

Thông báo 420/TB-UBND

Kết luận của Đ/c Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG và xây dựng đô thị văn minh tại Hội nghị đánh giá công tác xây dựng NTM 8 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 4 tháng cuối năm 2023

Văn bản số 4802/UBND-NL5

Giới thiệu mô hình hay và đề xuất sáng kiến triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập68
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm67
  • Hôm nay31,761
  • Tháng hiện tại246,060
  • Tổng lượt truy cập85,153,096
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây