Đến ngày 3-9-2013, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 646.706 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 19,58% dư nợ của nền kinh tế. Dù vậy, NHNN cũng nhận định nguồn vốn cho vay đối với lĩnh vực này vẫn còn hạn chế và nhiều tổ chức tín dụng ngần ngại bởi còn gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn để xử lý rủi ro, hỗ trợ khách hàng, các thủ tục giấy phép còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thẩm định, quyết định cho vay vốn…
Năm 2014, để tiếp tục cải thiện nguồn vốn dành cho lĩnh vực này, NHNN đã đề xuất với Chính phủ một chương trình hỗ trợ NH đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Theo đó, tín dụng NH sẽ tập trung phục vụ để đẩy mạnh khoa học công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, một lĩnh vực đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu lớn nhưng rủi ro cao.
Thời gian qua, các NH đã thí điểm một vài chương trình và kết quả thực hiện tốt, đây là điều kiện để NH mạnh dạn phát triển vấn đề này. Nguồn vốn NH cũng hướng vào các mô hình sản xuất mới trong nông nghiệp nhằm liên kết người nông dân và doanh nghiệp cùng tham gia vào chuỗi sản xuất.
Bởi thực tế, ngành nông nghiệp nước ta từ sản xuất tự cung tự cấp, lấy hộ gia đình là gốc, nay đang tiến lên sản xuất hàng hóa. Vì thế, muốn sản xuất bền vững phải liên kết chuỗi để tránh tình trạng được mùa mất giá, mất mùa được giá, tình trạng cạnh tranh phá giá, sản xuất thừa - thiếu hoặc không tiêu thụ được làm cho đời sống nông dân khó khăn, dẫn đến đầu tư của NH hiệu quả không cao.
Chương trình trên của NHNN còn nhằm đẩy mạnh tín dụng phục vụ xuất khẩu nông thủy sản. Theo đó, NHNN sẽ đưa ra thời hạn vay, khối lượng vay và lãi suất phù hợp.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho biết tín dụng nông nghiệp, nông thôn năm nay sẽ tập trung 2 lĩnh vực chính là nông nghiệp áp dụng công nghệ cao và chế biến các sản phẩm hàng hóa từ nông nghiệp để nâng cao chất lượng hàng hóa, chất lượng sản phẩm. Dự kiến năm 2014, tín dụng dành cho nông nghiệp, nông thôn của TPHCM sẽ tăng 70-90%, lên khoảng 35.000-37.000 tỷ đồng so với hơn 20.000 tỷ đồng năm 2013.
Theo ông Phạm Linh, Phó Tổng giám đốc OCB, nông nghiệp là một ngành trọng yếu của Việt Nam và đã có nhiều thay đổi trong năm 2013, đặc biệt Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và các doanh nghiệp lớn đã triển khai cánh đồng mẫu lớn.
Ở các nước, nông nghiệp được sản xuất theo hướng công nghiệp nên chúng ta cũng cần công nghiệp hóa nông nghiệp để cạnh tranh lâu dài. Vừa rồi, các NH trong nước và kể cả NH quốc tế đã tham gia hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa. Hơn nữa, hiện nay nhiều quỹ đầu tư trong các ngành thương mại, bất động sản đầu tư vào nông nghiệp.
Đây là tín hiệu tốt, vì trong kinh doanh, những lĩnh vực chưa hiệu quả đồng nghĩa với việc vẫn còn room, còn cơ hội để tăng trưởng. Và khi nông nghiệp Việt Nam đang cách xa thế giới đó là room, là tiềm năng rất lớn và chúng ta đang có cơ hội để thu hẹp bất lợi đó. Để hỗ trợ lĩnh vực này, OCB đang tiếp tục thực hiện các chương trình từ năm trước, như chương trình tạm trữ lúa gạo và đang dành tỷ lệ tín dụng hợp lý cho các ngành như xuất khẩu nguyên liệu, thủy sản.
Về vấn đề này, TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban kinh tế của Quốc hội, nhận định hiện tín dụng dành cho nông nghiệp đã xác định hướng đến nông nghiệp công nghệ cao, nên vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải đưa được khoa học công nghệ vào sản xuất, đưa thị trường, quan hệ thị trường đi vào mô hình tổ chức sản xuất để lĩnh vực này thu hút được vốn đầu tư lẫn vốn tín dụng. Vấn đề này nằm ngoài khả năng của Bộ NN-PTNT, vì vậy rất cần sự hỗ trợ từ chính sách để lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn có điều kiện tiếp cận vốn.