Học tập đạo đức HCM

Kinh tế Việt Nam năm 2016, triển vọng năm 2017

Thứ năm - 02/02/2017 20:07
Năm 2017, tăng trưởng kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ có nhiều khởi sắc hơn khi độ trễ của các chính sách điều hành kích thích tăng trưởng 2016 phát huy tác dụng.
Kinh tế Việt Nam 2016 - một năm nhìn lại
(1) Kết quả đầu tiên, cũng là quan trọng nhất, là cơ sở định hướng cho việc phát triển bền vững đất nước, đó là sự đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị với lập trường kiên định, bản lĩnh đã đưa lại những kết quả bước đầu tích cực trong mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Công tác giám sát của Quốc hội và đại biểu Quốc hội được tăng cường. Hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước các cấp hoạt động có hiệu quả hơn. Qua đó, đã khơi dậy và lấy lại lòng tin của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế vào sự ổn định và phát triển của đất nước.

(2) Với phương châm xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, phục vụ, trong sạch và liêm chính, Chính phủ đã đổi mới phương thức lãnh đạo tập trung chỉ đạo xây dựng và điều hành nền kinh tế bằng pháp luật và cơ chế, chính sách với nguyên tắc thượng tôn pháp luật. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo trong điều hành, đi sâu, đi sát, xử lý kịp thời ứng phó có hiệu quả với những biến động về kinh tế, chính trị, xã hội ở trong nước, khu vực và thế giới.
(3) Sự đổi mới trong lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước và nỗ lực của các cấp, các ngành và các doanh nghiệp, nền kinh tế nước ta đã vượt qua những khó khăn, thách thức, tiếp tục đà phục hồi và phát triển. Nếu không có những yếu tố bất khả kháng (do thiên tai và giá dầu giảm sâu gây ra) thì tăng trưởng GDP và tăng kim ngạch xuất khẩu có thể vượt kế hoạch đề ra. Hầu hết các ngành công nghiệp vẫn đạt mức tăng trưởng khá, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến chế tạo và ngành xây dựng đạt mức tăng trưởng cao. Khu vực dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Ngành nông nghiệp từ chỗ tăng trưởng âm (-0,18%) trong 6 tháng đầu năm do ảnh hưởng nặng nề của thiên tai đã phục hồi nhanh từ Quý III nhờ sự nỗ lực của toàn ngành và các địa phương trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn.
(4) Kinh tế vĩ mô cơ bản được ổn định. Tăng trưởng GDP ước đạt 6,21%. Lạm phát được kiểm soát. Các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm. Thị trường tài chính tiền tệ ổn định nhờ các biện pháp điều hành linh hoạt của Chính phủ, tình trạng đô la hóa nền kinh tế giảm, cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm phát huy hiệu quả tích cực, hạn chế đầu cơ, tích trữ USD. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng dồi dào, lãi suất huy động và cho vay có xu hướng giảm. Tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng cao. Thị trường chứng khoán có sự chuyển biến tích cực.
Cơ bản cân bằng được xuất nhập khẩu. Thương mại có độ mở cao với tổng kim ngạch năm 2016 gấp 1,7 lần GDP, ước đạt 360 tỷ USD.
(5) Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, nhờ những tiến bộ trong cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi, những đổi mới hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo (Rà soát điều kiện đầu tư, kinh doanh trái thẩm quyền theo quy định của Luật Đầu tư, xây dựng và đã ban hành 50 nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp...).
Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, như: Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP, ngày 29/04/2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 35/NQ-CP, ngày 16/05/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Nghị quyết số 60/NQ-CP, ngày 09/07/2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016... đã thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, tái cơ cấu kinh tế, phát triển các ngành, lĩnh vực...
Chính nhờ những nỗ lực trên, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2016, Việt Nam tăng 9 bậc, xếp thứ 82/190 nền kinh tế. Trong ASEAN, Việt Nam xếp thứ 5/10 nước ASEAN. Số doanh nghiệp đăng ký mới và tổng số vốn đăng ký cao. Năm 2016 cả nước có 110.100 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 891.094 tỷ đồng, tăng 16,2% về số lượng doanh nghiệp và tăng 48,1% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 8,1 tỷ đồng, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm 2015.
Thu hút vốn FDI tăng cao, là một trong những yếu tố quan trọng phục hồi nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng GDP (Tạp chí Financial Times xếp Việt Nam đứng đầu danh sách 14 quốc gia mới nổi về thu hút FDI). Tổng số vốn FDI thực hiện năm 2016 ước đạt 15,8 tỷ USD, tăng 9%; tổng vốn đăng ký ước đạt 24,4 tỷ USD, tăng 7,1%.
Với 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động và 3,5 triệu hộ kinh doanh cá thể, Việt Nam cũng đang hướng tới mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.
 (6) Các đột phá lớn của nền kinh tế gồm: đột phá về thể chế, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực tiếp tục được triển khai đồng bộ và đạt nhiều kết quả. Thể hiện rõ nét nhất đó là việc nghiên cứu xây dựng và ban hành các luật, nghị định, tổ chức bộ máy và đổi mới cơ chế điều hành; huy động các nguồn lực để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, tập trung cho các công trình lớn, hiện đại... tạo động lực phát triển; phát triển mạnh nguồn nhân lực, nhất là thực hiện đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển các cơ sở đào tạo chất lượng cao theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Các nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu kinh tế, nhất là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu ngân hàng thương mại và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước tiếp tục được đẩy mạnh. Trong đó, tái cơ cấu đầu tư công đã có chuyển biến mạnh mẽ trong tất cả các khâu của quá trình đầu tư, khắc phục cơ bản tình trạng quyết định đầu tư không tính toán đến cân đối vốn dẫn đến đầu tư dàn trải, thất thoát lãng phí như trước đây; chuyển từ kế hoạch đầu tư ngắn hạn sang trung hạn tạo thế chủ động cho cả Trung ương và các ngành, các địa phương trong việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, đến nay tổng số nợ đọng đã giảm khoảng 50% so với thời điểm 31/12/2014 (thời điểm trước khi Luật Đầu tư công có hiệu lực). Tăng cường quyền hạn, chủ động của các cấp, các ngành trong việc lựa chọn dự án, quyết định đầu tư, bố trí kế hoạch đầu tư công.
(7) Công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được quán triệt và quan tâm chỉ đạo. Việc điều tra, khởi tố, xét xử các vụ án lớn, nghiêm trọng đã có tác dụng tích cực trong công tác phòng, chống tội phạm, tham nhũng, nhũng nhiễu trong bộ máy nhà nước các cấp và lấy lại lòng tin của người dân và doanh nghiệp.
(8) An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Đặc biệt công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế đạt được nhiều kết quả tích cực nhờ sự lãnh đạo kiên định, bản lĩnh và bình tĩnh trong xử lý quan hệ với các nước, bảo đảm độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, tạo điều kiện ổn định để phát triển kinh tế và hợp tác có hiệu quả lâu dài với các nước láng giềng và các nước trong khu vực và trên thế giới.
Tuy đạt được những kết quả nêu trên, nền kinh tế nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn. Cụ thể là:
Thứ nhất, tăng trưởng GDP cả năm dự kiến khoảng 6,21%, thấp hơn kế hoạch đề ra (6,7%). Tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện các chỉ tiêu khác, trong đó tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, nợ chính phủ so với GDP có thể cao hơn dự kiến.
Sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Năm 2016, có 40.750 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tuy giảm 26,9% so với cùng kỳ năm 2015 nhưng vẫn còn cao. 
 Thứ hai, xuất khẩu cả năm 2016 ước đạt 175,9 tỷ USD, tăng 8,6% (cùng kỳ tăng 8,3%), dự báo cả năm không đạt kế hoạch đề ra (10%). Quản lý thị trường trong nước và thương mại biên giới có mặt còn bất cập. Buôn lậu, gian lận thương mại, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm còn nhiều; tình trạng vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng còn nghiêm trọng, nhất là thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, giống cây trồng; diễn ra nhiều vụ lừa đảo trong bán hàng đa cấp, tín dụng đen gây bức xúc xã hội.
Thứ ba, thu ngân sách khó khăn, đặc biệt thu ngân sách trung ương mới đạt khoảng 83% dự toán (thấp hơn cùng kỳ năm trước đạt 89,3% dự toán). Một số dự án sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả thấp; nợ đọng xây dựng cơ bản lớn. Quản lý tài sản, chi tiêu công còn lãng phí. Nợ công cao, áp lực trả nợ lớn trong khi số liệu nợ công mới chỉ tính theo quy định của Luật Quản lý nợ công. Kế hoạch chi trả nợ sẽ tiếp tục tăng cao hơn trong năm 2017-2018.
Thứ tư, tái cơ cấu nhiều ngành, lĩnh vực còn chậm. Số liệu nợ xấu chưa thực chất; xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn, kết quả đạt thấp. Các thị trường vốn, chứng khoán, bất động sản phát triển chưa bền vững. Tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn đầu tư ngoài ngành chưa đạt kế hoạch. Đến nay, mặc dù số lượng doanh nghiệp được cổ phần hóa lớn nhưng tỷ lệ vốn bán ra đạt thấp. Một số doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, chưa công khai, minh bạch kết quả sản xuất, kinh doanh.
Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2017
Năm 2017, tăng trưởng kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ có nhiều khởi sắc hơn khi độ trễ của các chính sách điều hành kích thích tăng trưởng 2016 phát huy tác dụng. Những yếu tố quan trọng có thể khuyến khích thúc đẩy hoạt động sản xuất và xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam năm 2017, như: Việc thực hiện các hiệp định thương mại với lộ trình cắt giảm thuế quan sâu rộng hơn với nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam; sự cải thiện về môi trường kinh doanh (thực hiện Nghị quyết 19 về cải cách môi trường kinh doanh), việc thông qua Luật Quy hoạch, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa vào tháng 05/2017 và nhiều chính sách cải cách quan trọng thực thi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư đi vào cuộc sống sẽ là những yếu tố quan trọng, tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển.
Với các dự báo, đánh giá nhận định như trên, một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu năm 2017 và cân đối lớn của nền kinh tế dự kiến như sau:
Về các chỉ tiêu kinh tế: GDP tăng khoảng 6,7%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 6%-7%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 3,5%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31,5% GDP; Tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP giảm 1,5%.
Về một số cân đối lớn:
- Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2017 dự kiến là 1.212,18 nghìn tỷ đồng. Trong đó: thu nội địa là 990,28 nghìn tỷ đồng; thu dầu thô là 38,3 nghìn tỷ đồng; thu xuất nhập khẩu là 180 nghìn tỷ đồng; tổng chi ngân sách nhà nước năm 2017 dự kiến khoảng 1.390,48 nghìn tỷ đồng; bội chi ngân sách nhà nước năm 2017 dự kiến 178,3 nghìn tỷ đồng, bằng 3,5% GDP.
- Dự kiến khả năng huy động tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2017 khoảng 1.612,15 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 31,6% GDP, bao gồm: vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước khoảng 357,15 nghìn tỷ đồng, chiếm 22,2% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước khoảng 67 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,2%; vốn đầu tư khu vực doanh nghiệp nhà nước khoảng 130 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,1%; vốn đầu tư của dân cư và doanh nghiệp tư nhân khoảng 750 nghìn tỷ đồng, chiếm 46,5%; vốn FDI (không bao gồm phần đóng góp trong nước) khoảng 303 nghìn tỷ đồng, chiếm 18,8%[1]; các khoản vốn huy động khác khoảng 5 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,3%.
Về vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài năm 2017 dự kiến ký kết khoảng 4,7 tỷ USD, giải ngân khoảng 5-5,2 tỷ USD.
- Xuất khẩu năm 2017 đạt khoảng 183,5 tỷ USD, tăng khoảng 6%-7% so với năm 2016; nhập khẩu khoảng 190 tỷ USD, tăng khoảng 10%. Nhập siêu ước khoảng 6,5 tỷ USD. Tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu duy trì ở mức khoảng 3,5%.
Để đạt được các mục tiêu kinh tế trên, một số nhiệm vụ giải pháp chủ yếu trong lĩnh vực kinh tế cần tập trung thực hiện như sau:
Một là, thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; phát triển thị trường mua bán nợ, kiểm soát chặt chẽ, xử lý hiệu quả nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm an toàn hệ thống và quyền lợi người gửi tiền.
Quản lý hiệu quả thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, phấn đấu tăng dự trữ ngoại hối. Siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước; bảo đảm chi ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả và theo dự toán được Quốc hội thông qua. 
Kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu nợ công và bội chi ngân sách nhà nước. Tiếp tục thực hiện giao quyền tự chủ đầy đủ về tài chính, tổ chức, biên chế và hoạt động cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện theo quy định.
Hai là, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các giải pháp tạo chuyển biến rõ nét về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, loại bỏ rào cản bất hợp lý, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh. Tiếp tục rà soát ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung theo quy định của Luật Đầu tư nhằm xóa bỏ rào cản trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho việc gia nhập thị trường của doanh nghiệp. Phấn đấu năm 2017 đạt các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh bằng mức trung bình của ASEAN-4.
Đơn giản hóa thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi tối đa, giảm thời gian, chi phí giao dịch hành chính gia nhập thị trường của người dân và doanh nghiệp. Thu hẹp khoảng cách năng lực cạnh tranh quốc gia với 04 nước ASEAN phát triển nhất (ASEAN-4).
Phát triển doanh nghiệp khoa học - công nghệ, thu hút mạnh đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia gắn với phát triển doanh nghiệp trong nước và công nghiệp phụ trợ. Thúc đẩy hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có công nghệ hiện đại, có năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Phát triển mạnh thị trường trong nước, hệ thống bán lẻ gắn với tiêu thụ hàng nội địa; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu gắn với nâng cao chất lượng xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam, tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi, nhất là về thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, phát triển công nghiệp hỗ trợ, khuyến nông, sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.
Ba là, thực hiện có hiệu quả Kế hoạch tài chính và Kế hoạch đầu tư công trung hạn, nhằm thực hiện đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.
Giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản pháp luật khác đối với các dự án, công trình ngay từ khi triển khai. Tập trung chỉ đạo, có biện pháp xử lý sớm các dự án có sử dụng vốn nhà nước đầu tư lãng phí, kém hiệu quả, làm rõ và xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan. Tăng cường công khai, minh bạch và nâng cao hiệu quả các dự án BOT giao thông.
Bốn là, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó tiếp tục tập trung vào 3 trọng tâm, cũng như các nhiệm vụ ưu tiên và chương trình hành động theo Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.
Cơ cấu lại gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng ngày càng tăng năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; kết hợp hợp lý giữa tăng trưởng theo chiều rộng và chiều sâu, trong đó lấy tăng trưởng theo chiều sâu là hướng chủ đạo; huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực theo cơ chế thị trường.  
Thúc đẩy phát triển mạnh các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin, sinh học, môi trường và công nghiệp hỗ trợ. Tập trung phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế, công nghệ và giá trị gia tăng cao, thúc đẩy xuất khẩu dịch vụ; phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thực hiện hiệu quả Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, phấn đấu số doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng 15%, trong đó 5% doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Năm là, tận dụng các cơ hội của hội nhập, nâng cao khả năng cạnh tranh để phát triển mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, phát triển thị trường trong nước.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu gắn với xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam, tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu. Rà soát, đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập khẩu. Áp dụng rộng rãi công nghệ tin học điện tử để giảm thời gian và chi phí cho các đơn vị xuất nhập khẩu.
Thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng suy giảm xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam vào thị trường ASEAN, đặc biệt các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động xuất khẩu vào thị trường ASEAN và các thị trường khác trên thế giới. Thực hiện tốt các giải pháp phát triển thị trường trong nước.
Sáu là, thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ; đẩy mạnh cải cách hệ thống giáo dục và đào tạo.
Nắm bắt, tận dụng cơ hội của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trên cơ sở nền tảng của cuộc cách mạng số, với những công nghệ mới, như: rôbốt, trí tuệ nhân tạo, công nghệ nano, sinh học... vào phát triển đất nước, khuyến khích mạnh mẽ nghiên cứu, đổi mới sáng tạo. Khuyến khích mạnh mẽ mọi tổ chức, cá nhân nghiên cứu, sáng tạo, phát triển thị trường khoa học, công nghệ, sáng kiến nâng cao năng suất lao động đáp ứng yêu cầu phát triển. Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và kỹ năng nghề để nâng cao năng suất lao động trong từng ngành. Đẩy mạnh quá trình chuyển dịch lao động sang các ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao, đồng thời tăng năng suất lao động nội ngành. Phát triển nhân lực khoa học công nghệ trình độ cao./.


[1] Tính cả phần đóng góp trong nước, tổng vốn FDI đăng ký khoảng 25 tỷ USD, vốn FDI thực hiện khoảng 15,5 tỷ USD.
Đinh Lâm Tấn, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế Quốc dân - Bộ Kế hoach và Đầu tư
Nguồn: Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 1/2017
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập235
  • Hôm nay77,363
  • Tháng hiện tại914,688
  • Tổng lượt truy cập92,088,417
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây