Theo ý kiến của rất nhiều đại biểu Quốc hội, thời gian qua, hàng loạt loại nông sản của ta như hành tím, dưa hấu, gần đây nhất là thịt lợn thường xuyên rơi vào tình trạng được mùa mất giá, phải “giải cứu”. Câu hỏi đặt ra cho các cơ quan quản lý nhà nước là có giải pháp nào để giải quyết triệt để tình trạng này?
2/3 “chân kiềng” chưa tốt
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, hiện nay, Việt Nam có sức sản xuất nông nghiệp rất lớn nhưng lại yếu ở khâu tổ chức sản xuất và tổ chức thị trường. Ví như thịt lợn, từ nước có sản lượng thịt lợn thấp nhất trong khu vực ASEAN, tới nay, tổng đàn lợn của Việt Nam đã tăng đến 4 triệu con. Thực trạng dư cung vừa qua là do tỷ lệ thịt lợn trong bữa cơm của người Việt vốn chiếm khoảng 70-75%, nay có nhiều sản phẩm khác thay thế như trứng, cá, thịt bò, nên đã giảm xuống đáng kể. Nguyên nhân thứ hai là khâu chế biến bị chia tách với sản xuất và tái sản xuất. Nguyên nhân thứ ba là xuất khẩu thịt lợn của Việt Nam còn hạn chế khi chỉ có thị trường ở 3 nước là Trung Quốc, Hong Kong, Malaysia và cũng mới chỉ xuất khẩu được thịt lợn sữa. Lượng xuất khẩu cũng chỉ vào khoảng 200.000 tấn/năm.
Ảnh minh họa |
“Để khắc phục được tình trạng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang nỗ lực tổ chức lại sản xuất từng ngành hàng. Nhưng việc này cần có thời gian và trong quãng ngắn nữa không thể tránh được tình trạng nơi thừa cái này, nơi thiếu cái kia”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay, thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành tích cực mở rộng thị trường. Nhiều mặt hàng đã được giảm thuế về 0% sau 12 Hiệp định Thương mại tự do vào hàng loạt thị trường lớn. Nhờ đó, Việt Nam có dư địa để xuất khẩu rất nhiều mặt hàng, trong đó có thịt lợn. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn vấp phải các hàng rào kỹ thuật từ các nước nhập khẩu từ Việt Nam.
“Hiện nay, Trung Quốc cũng đã yêu cầu Việt Nam phải chứng minh vùng chăn nuôi không có dịch bệnh lở mồm long móng. Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với Tổ chức Thú y thế giới thực hiện công việc này, nhưng phải theo quy trình và cần thời gian”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê, đoàn TP. Hồ Chí Minh cho rằng, cách tiếp cận của Bộ trưởng chưa đáp ứng được mong ước của cử tri. Bởi các lý giải chưa làm rõ được vai trò điều tiết chính của Bộ quản lý. Vì không quản lý tốt, không có quy hoạch sản phẩm mới dẫn đến tình trạng tự phát của người sản xuất.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, đoàn Bình Dương thẳng thắn cho rằng, đừng đòi hỏi người nông dân phải sản xuất một cách thông minh khi nhà quản lý chưa tìm ra giải pháp đột phá.
Tổ chức lại sản xuất
Tham gia trả lời và làm rõ hơn các giải pháp phát triển bền vững thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp còn nhiều tồn tại, nhất là vấn đề chất lượng và tính cạnh tranh của sản phẩm. Nguyên nhân cơ bản là do quy hoạch chưa phù hợp với năng lực sản xuất, chưa gắn với nhu cầu thị trường. Đơn cử như sản lượng cà phê vượt 21%, hồ tiêu vượt 149% so với quy hoạch.
Bên cạnh đó, dự báo trong quy hoạch thiếu chính xác, việc thực hiện quy hoạch còn chưa tốt. Cùng với đó, hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp dịch vụ nông thôn chưa đầu tư theo yêu cầu đặt ra (do nguồn vốn khó khăn); Tổ chức sản xuất, quy mô sản xuất manh mún; Công nghiệp chế biến, áp dụng khoa học công nghệ (KHCN) còn hạn chế; Việc phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm chưa tốt; Công tác quản lý nhà nước còn bất cập từ cơ chế chính sách, dự báo, điều chỉnh, quy hoạch...
Cũng theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, tiêu thụ nông sản là vấn đề cốt lõi trong phát triển nông nghiệp. Lâu nay tình trạng được mùa mất giá đã và đang gây khó khăn lớn cho nông dân. Do đó, cần một giải pháp tổng thể nâng cao tiêu thụ sản phẩm; nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp và của từng sản phẩm là yêu cầu tất yếu. Muốn vậy, phải hình thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo điều kiện cho DN, nông dân tiếp cận các nguồn lực như vốn, đất đai, tài nguyên, KHCN… một cách bình đẳng.
Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan quản lý cũng cần rà soát toàn diện nhằm phát huy tiềm năng lợi thế của nông nghiệp Việt Nam; Gắn quy hoạch với nhu cầu thị trường theo tiêu chuẩn quốc tế; Có kế hoạch bài bản về vốn đầu tư cho hạ tầng nông nghiệp; Tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, nhân rộng mô hình công nghệ hữu cơ, công nghệ cao; Đẩy mạnh liên kết 5 nhà là nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, DN và ngân hàng; Lấy hợp tác xã là trung tâm của sự phát triển, cung cấp dịch vụ đầu vào; Có chính sách điều tiết, hỗ trợ người nông dân lúc khó khăn. Bên cạnh đó, cần tăng cường nghiên cứu chuyển giao KHCN; Tổ chức lại hệ thống phân phối trong nước; Nâng cao nguồn nhân lực, khả năng nắm bắt thị trường.
Quốc Tuấn
http://thoibaonganhang.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;