Từ khi Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) được triển khai rộng rãi đến từng xã, ấp, không chỉ đóng góp tiền của, công sức để nhựa hóa, bê tông hóa các tuyến giao thông nông thôn, nhân dân huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) còn hưởng ứng thực hiện mô hình “Thắp sáng đường giao thông nông thôn”.
Đèn thắp sáng đường giao thông nông thôn |
Thời gian qua, thực hiện việc nhựa hóa, bê tông hóa đường giao thông nông thôn, nhiều tuyến đường liên ấp, liên xã ở huyện Gò Công Tây đã được cứng hóa và mở rộng. Tuy nhiên, trước đây việc đầu tư chưa đồng bộ, nhiều đoạn đường qua các khu vực đông dân cư chưa được đầu tư hệ thống đèn chiếu sáng khiến phương tiện lưu thông gặp khó khăn. Trong điều kiện thiếu ánh sáng, tầm nhìn bị hạn chế, lái xe thường khó quan sát, khó xác định phần đường, làn đường…
Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho tội phạm hoạt động về đêm. Vì vậy, kể từ khi có chương trình xây dựng NTM, cấp ủy Đảng, chính quyền có chủ trương “thắp sáng” các con đường nhằm tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thuận tiện vào ban đêm, giảm tình trạng trộm cắp, cướp giật và tai nạn giao thông, đem lại vẻ mĩ quan cho bộ mặt nông thôn. Đến nay, trên địa bàn huyện đã xây dựng hơn 200 tuyến đường “ánh sáng quang”.
Từ chủ trương trên, nhiều cấp Hội Cựu chiến binh (CCB) trong huyện đã đăng ký thực hiện mô hình “Đèn đường thắp sáng giao thông nông thôn”. Ở xã Thạnh Nhựt có 17 tuyến đường trục chính dài 25km nối liền các ấp và các xã lân cận. Những năm trước đây, vào ban đêm tình hình ANTT, ATGT rất phức tạp. Học sinh đi học về phải có phụ huynh đưa rước, người dân đi lại gặp khó khăn và ngại đi tập thể dục vào sáng sớm.
Từ năm 2013, Hội CCB xã Thạnh Nhựt chọn ấp Bình Đông làm điểm sau đó nhân rộng ra địa bàn 4 ấp còn lại (Tân Thạnh, Bình Trung, Thạnh Lạc Đông, Bình Tây). Khi triển khai tại ấp Bình Đông, Chi hội CCB phối hợp cùng chi bộ, Ban Thanh tra nhân dân ấp tiến hành khảo sát các tuyến đường trên thực địa, “chấm tọa độ”, vẽ sơ đồ lắp đặt với khoảng cách từ 40 - 50m/trụ đèn. Ban đầu tập trung tuyến đường dân cư hai bên chợ Cầu Ngang gắn được 40 bóng đèn. Khi con đường được “tỏa sáng”, hàng đêm bà con rất phấn khởi và đồng tình ủng hộ. Sau đó chi hội tiếp tục vận động kéo dài đến các tuyến đường khác trong ấp.
Qua 3 năm vận động, tuyên truyền, đến nay Chi hội CCB cùng bà con lắp trụ và gắn hoàn chỉnh hơn 140 bóng đèn compact, thắp sáng trên 7 tuyến đường với 7.000m, kinh phí thực hiện hơn 84 triệu đồng. Từ mô hình ở ấp Bình Đông, đến nay trên địa bàn xã có 17 tuyến đường đã “phủ sáng” được 420 bóng đèn với 22km, tổng kinh phí 264 triệu đồng.
Kể từ khi thắp sáng đường nông thôn, tình hình ANTT, ATGT, sáng - xanh - sạch - đẹp trên các tuyến đường của xã được cải thiện đáng kể. Đèn điện được thắp sáng khắp các con đường đã làm “bộ mặt” nông thôn thay đổi hẳn vào ban đêm. Bác Nguyễn Văn Gia, ấp Thạnh Lạc Đông phấn khởi nói: “Từ ngày điện đường thắp sáng thôn quê, người già chúng tôi cơm nước buổi tối xong có thể sang thăm rủ nhau đi dạo, trò chuyện. Người lớn ra đường ban đêm, con cháu ở nhà cũng đỡ lo”.
Trẻ con cũng vui mừng vì đường làng chan hòa ánh điện, đi học về muộn không cần ba mẹ phải đưa đón như trước; phụ huynh cũng an tâm. Nhiều người dân cũng cho biết từ khi có điện đường thắp sáng đến nay, các tệ nạn xã hội, vi phạm giao thông giảm dần, trật tự an ninh đảm bảo hơn nhiều. Đặc biệt là đường làng thêm vui hơn vào buổi tối, không còn buồn tẻ và vắng vẻ vốn có của thôn quê.
Ở xã Thạnh Trị có 3 trục lộ chính đi qua là quốc lộ 50, huyện lộ 15A, 16A, mỗi tuyến đường có chiều dài từ 3,2 - 3,5km, là điều kiện thuận lợi cho các loại tội phạm từ nơi khác xâm nhập hoạt động, đã có nhiều trường hợp bọn trộm cắp từ nơi khác đến trộm tài sản của nhân dân, đặc biệt là nạn trộm chó… Xã đã xây dựng 15 tuyến đường ánh sáng quang, chiều dài hơn 15km, với 267 bóng đèn, tổng kinh phí gần 70 triệu đồng.
Nổi bật có CCB Nguyễn Xuân Hoà, Chi hội trưởng Chi hội CCB ấp Thạnh Bình đã vận động hội viên và nhân dân trong ấp đóng góp xây dựng 2 tuyến đường ánh sáng quang và cổng rào phòng chống tội phạm của khu dân cư mình với 2.400m với hơn 80 bóng đèn thắp sáng mỗi đêm. Khi mô hình đi vào hoạt động, mỗi ấp giao cho từng tổ quản lý “ánh sáng”. Cứ từ 18 giờ các tổ có trách nhiệm bật điện trên tuyến đường do mình quản lý và tắt điện mỗi sáng. Tiền điện hàng tháng, mỗi gia đình đóng góp từ 10 ngàn đồng. Nếu xảy ra sự cố, hư hỏng bóng, mỗi hộ sẽ đóng góp tiền sửa chữa, khắc phục.
Ông Phạm Văn Minh ở ấp Thạnh Bình phấn khởi nói: “Đường sáng, mỗi khi cùng hàng xóm đi bộ, tập thể dục cũng thấy an tâm, an ninh trật tự tốt hơn. Bởi trước đây, trời tối, nhiều khi ra đường lơ là chút là nguy hiểm rình rập bởi xe máy chạy thiếu quan sát người đi đường”.
Hệ thống đèn đường chiếu sáng không chỉ thể hiện sự đồng lòng chung sức của chính quyền và người dân trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM, mà còn góp phần thực hiện tốt phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Đặc biệt, mô hình “Đèn đường thắp sáng giao thông nông thôn” đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát an ninh trật tự trên địa bàn, giữ bình yên cho từng con đường, ngõ hẻm, mang lại cuộc sống an vui cho bà con nhân dân. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã