Học tập đạo đức HCM

Làm sao khơi dậy sức dân?

Thứ ba - 20/01/2015 04:24
Nhiều kinh nghiệm quý, cách làm sáng tạo trong quá trình xây dựng nông thôn mới đã được chia sẻ tại Hội nghị Mở ra cơ hội sinh kế của cư dân nông thôn Việt Nam do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn tổ chức.

Từ kinh nghiệm quốc tế

Nông thôn Hàn Quốc những năm 1970, đa phần người dân khu vực nông thôn (khoảng 80%) sống trong các nhà tranh, thiếu điện, nước sạch; phương thức canh tác lạc hậu. Trong giai đoạn 1967 – 1971, mức tăng trưởng của nông nghiệp chỉ đạt 2,3%, thu nhập của nông dân vô cùng thấp để đẩy họ rời xa làng quê, di cư tới các khu vực đô thị để tìm cơ hội đổi đời.

Trước thực tế đó, Hàn Quốc đã phát động phong trào Saemaul với mục tiêu khiến làng quê nông thôn Hàn Quốc trở thành nơi tốt để sống và nhấn mạnh vào tinh thần tự chủ, tự lập: “Làng của chúng ta được xây dựng bởi bàn tay chúng ta”. Ông Lee Byung Ki, Giám đốc điều hành Tập đoàn Cộng đồng nông thôn Hàn Quốc, cho biết, chỉ từ tháng 10/1970 đến tháng 5/1971, đã có 335 bao xi măng cấp miễn phí cho mỗi làng trong tổng số 33.267 làng trên toàn quốc, số xi măng này được Chính phủ khuyến nghị sử dụng cho 10 hạng mục chính, như sửa chữa đường làng, mái nhà, tường, bếp, xây giếng công cộng, chỗ giặt chung, xây cầu nhỏ, khơi thông dòng chảy,… Và thành tựu đạt được vượt ngoài dự kiến khi kết quả cao gấp 3,3 lần so với đầu tư Chính phủ. Chỉ trong vòng 10 năm, đã cải thiện đáng kể điều kiện sống và hạ tầng nông nghiệp, giảm khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn. “Điều quan trọng là phong trào Saemaul đã khơi dậy được tinh thần vươn lên và sự đoàn kết của cộng đồng với mục tiêu biến làng quê thành nơi đáng sống. Từ sự hỗ trợ tối thiểu của Chính phủ, người dân tự quyết định và thực hiện các hạng mục công trình, đóng góp tới 70% kinh phí đầu tư”, ông Lee Byung Ki cho biết thêm.

 

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng các vùng chuyên canh là một nhiệm vụ quan trọng trong XDNTM để nâng cao thu nhập cho nông dân. (Trong ảnh: Xuân về trên vùng chuyên canh quýt hồng Lai Vung Đồng Tháp).

 

Tại Trung Quốc, từ năm 1978, nước này cũng đã thực hiện nhiều chính sách cải cách ở nông thôn. Theo GS.TS. Lý Ninh Huy, Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc), công cuộc cải cách nông thôn của Trung Quốc qua nhiều dấu mốc. Trong đó, những mốc quan trọng là xóa bỏ công xã nhân dân; xác lập thể chế kinh doanh hai tầng kết hợp, lấy kinh doanh bao thầu gia đình làm cơ sở; mở cửa toàn diện thị trường nông sản; xóa bỏ thuế nông nghiệp, và thực hiện trợ cấp trực tiếp cho nông dân.

Trung Quốc thực hiện nội dung hai mở, một điều chỉnh, là mở cửa giá thu mua, thị trường mua bán lương thực; một điều chỉnh là chuyển từ trợ cấp gián tiếp qua lưu thông thành trợ cấp trực tiếp cho nông dân trồng lương thực. Chẳng hạn, thời điểm sản lượng lương thực giảm trong 5 năm liên tiếp, đến năm 2004, Trung Quốc đã thực hiện trợ cấp trực tiếp giống, mua máy móc, dụng cụ nông nghiệp, trợ cấp giá bảo đảm để nông dân trồng lương thực có lãi. Hay khi giá vật tư nông nghiệp, phân hóa học, thuốc trừ sâu…biến động, Chính phủ nước này trợ cấp trực tiếp cho vật tư sản xuất.

Trong chính sách tài chính, để tăng thu nhập cho nông dân, Trung Quốc tăng đầu tư hỗ trợ về giá mua giống, hỗ trợ thu mua lương thực không thấp hơn giá thị trường, mua máy móc thiết bị nông nghiệp và vốn. Cùng đó, Trung Quốc cũng tập trung xây dựng cơ chế hướng nghiệp, đào tạo kỹ năng làm việc, đặc biệt là lao động trẻ.

 

Đã có 785 xã đạt 19 tiêu chí NTM

Từ kinh nghiệm của quốc tế, theo TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong quá trình XDNTM, việc huy động nguồn lực từ nhân dân là rất quan trọng, phải làm sao để người dân nhận thức rõ, làm cho cuộc sống tốt hơn là nhiệm vụ của chính mình chứ không thể trông chờ vào sự hỗ trợ từ trên xuống. Ngoài ra, công tác XDNTM ở Việt Nam cần gắn chặt chẽ với quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đồng thời, cần xây dựng bộ chỉ số giám sát chung cho cả nước. Bên cạnh đó, cần tổ chức đánh giá theo khối lượng công việc thực hiện trong kỳ; các địa phương cần chủ động thực hiện, khơi dậy nguồn lực trong dân.

Đánh giá về chương trình XDNTM, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam, cho biết: Sau 5 năm triển khai, chương trình đã tạo chuyển biến tích cực cho bộ mặt nông thôn Việt Nam so với giai đoạn trước. Điều kiện hạ tầng kinh tế xã hội được cải thiện đáng kể; nhiều mô hình kinh tế và tổ chức sản xuất phát triển mạnh mẽ; nhiều giá trị văn hóa được phát huy, vị thế và vai trò chủ thể của người dân nông thôn được nâng cao.

Theo thống kê sơ bộ, đến hết năm 2014 có 785 xã đạt chuẩn 19 tiêu chí NTM, chiếm 8,7% trong tổng số 9.001 xã của cả nước. Dự kiến đến hết năm 2015 sẽ có ít nhất 17% số xã đạt chuẩn. Ngoài số xã đạt chuẩn, hiện nay đã có gần 3.000 xã đạt từ 10 tiêu chí trở lên.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, quá trình triển khai chương trình XDNTM phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, đồng thời bộc lộ nhiều yếu tố hạn chế. Cụ thể, nhận thức của người dân về XDNTM còn hạn chế, đặc biệt ở các khu vực vùng sâu, vùng xa; năng lực cán bộ yếu và thiếu về số lượng; hoạt động sản xuất chưa ổn định; thiếu các hình thức tổ chức sản xuất, liên kết có hiệu quả dẫn đến chưa đảm bảo việc làm, thu nhập và sinh kế cho người dân,… Mức độ đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thấp, nhất là hạ tầng thiết yếu giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, trường học. Sản xuất còn manh mún, khó áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chưa tháo gỡ được những khó khăn về tiêu thụ sản phẩm…

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, trong giai đoạn 2016 – 2020 sẽ phấn đấu cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn bằng những mục tiêu cụ thể như: thu nhập tăng 2,5 lần, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2%/năm; 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế; bình quân đạt 15 tiêu chí/xã, không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí,…

Nhằm đạt được mục tiêu đề ra, theo ông Tiến, các giải pháp cần quan tâm gồm: tuyên truyền, vận động, đẩy mạnh thi đua; kiện toàn nâng cao chất lượng ban chỉ đạo, bộ phận giúp việc. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách; bố trí ngân sách hợp lý; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành,… Đặc biệt, trong quá trình triển khai, những cách làm hay của các địa phương, kinh nghiệm quý báu từ quốc tế cần được đúc rút, chọn lọc để áp dụng vì xét cho cùng tất cả đều hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Khánh Nguyên

Nguồn: danviet.vn
 Tags: nông thôn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập264
  • Hôm nay54,682
  • Tháng hiện tại885,409
  • Tổng lượt truy cập92,059,138
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây