Học tập đạo đức HCM

Lý Nhơn ngày mới

Thứ ba - 30/04/2013 05:21
Là một trong những xã đầu tiên của thành phố thực hiện thí điểm xây dựng nông thôn mới, đến nay xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ hoàn toàn thay đổi. Kết cấu hạ tầng khá đồng bộ, sản xuất, kinh doanh phát triển, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân nâng lên rõ rệt.

Từ biệt quá khứ nghèo

Trước khi triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Lý Nhơn từng nằm trong danh sách 20 xã nghèo trọng điểm của thành phố. Lý Nhơn nghèo vì là xã vùng sâu, lại càng xa vì sông, đò cách trở. Ðường về xã chỉ có một tuyến độc đạo dài hàng chục cây số, lầy lội lúc trời mưa, bụi mịt mù khi trời nắng, ổ gà, ổ voi luôn thách thức người cầm lái các loại xe. Năm 2009, khi Hợp tác xã muối Tiến Thành lắp đặt dây chuyền sản xuất muối tinh, đường giao thông quá xấu, cho nên việc vận chuyển máy móc, thiết bị phải đi bằng đường sông. Khi phải thay một chiếc mô-tơ, công nhân phải dùng xe hai bánh, vật lộn với tuyến đường lầy lội, trầy trật mãi mới mang về xưởng được.

Là xã vùng biển, nuôi trồng thủy sản, làm muối là nghề truyền thống của nhiều hộ dân nơi đây. Cả xã có gần 900 ha ruộng muối nhưng trước đây do công nghệ lạc hậu, sản phẩm làm ra chủ yếu là muối thô, nhiều tạp chất, hàm lượng Nacl thấp, năng suất không ổn định nên sản lượng muối của Lý Nhơn có năm đạt tới 50 nghìn tấn nhưng đường vận chuyển khó khăn, giá cả đã bấp bênh lại thường bị tư thương vin vào chi phí vận chuyển cao để ép giá, cho nên tiêu thụ khó. Theo phương thức truyền thống, chất lượng muối thấp, các sản phẩm phụ sau muối như thạch cao, nước ót... không bán được cho ai, nên hiệu quả kinh tế nghề muối không cao. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng ngành muối chưa được đầu tư đúng mức, hệ thống kênh mương vừa thiếu vừa xuống cấp, bà con chủ yếu phụ thuộc vào thủy triều để tận dụng dòng chảy dọc bờ bao để lấy nước vào ruộng  nên luôn bị động. Hạt muối làm ra nhưng hệ thống kho trữ tạm bợ, không an toàn trong mùa mưa bão, tỷ lệ hao hụt muối nhiều càng làm cho đời sống của nông dân khó khăn thêm. Thời điểm năm 2010, xã có 1.446 hộ dân thì 547 hộ, chiếm tỷ lệ 37,8% nằm trong diện đói, nghèo. Nhà ở của nhân dân phần lớn là tranh tre  dột nát. Trường học, trạm y tế xuống cấp, tỷ lệ trẻ bỏ học giữa chừng cao, phần lớn nhân dân chưa được dùng nước sạch...

Khởi đầu cuộc sống mới

Về Lý Nhơn hôm nay, bất cứ ai đã từng đến Lý Nhơn những năm trước đều không khỏi ngỡ ngàng bởi những đổi thay toàn diện của bộ mặt nông thôn nơi đây. Trước hết là đường giao thông. Ðường về xã được trải nhựa, chưa dám nói là phẳng lỳ nhưng hoàn toàn êm thuận. Không chỉ lộ Lý Nhơn dài hơn 20 km được nâng cấp mà thêm một tuyến nữa chạy dọc bờ sông được làm mới hoàn toàn, rút ngắn khoảng cách về trung tâm xã gần năm km. Con lộ mới có cao trình vượt lũ, cũng được trải nhựa phẳng phiu. Cùng với các trục đường liên xã, tất cả các tuyến đường liên ấp, nội ấp, thậm chí nội tổ dân cư đều được mở rộng, nâng cấp từ đường đất lên đường bê-tông. Ngoài ruộng, tám tuyến đường trục nội đồng có tổng chiều dài 23,8 km cũng được nâng cấp... Tính ra, chỉ trong vòng ba năm, Lý Nhơn đã làm mới, nâng cấp 65,6 km đường giao thông. Ðể có những con đường này, 948 hộ dân đã tình nguyện hiến hơn 248.569 m2 đất mở đường. Tính thành tiền thì số đất bà con tự nguyện đóng góp cho chương trình xây dựng nông thôn mới trong xã lên đến 36 tỷ đồng. Nếu tính cả cây trồng, công trình xây dựng trên đất thì giá trị còn cao hơn nữa. Trong những người hiến đất có hộ nông dân  Nguyễn Văn Hạnh hiến 11.100 m2, trị giá 1,5 tỷ đồng; hàng trăm  hộ khác có diện tích đất hiến từ 500 đến 1.000 m2.  Gần một nghìn hộ dân trong xã hiến đất là minh chứng sống động về chủ trương của Ðảng hợp lòng dân, là sự đồng thuận rất cao của nhân dân với chương trình xây dựng nông thôn mới mà Ðảng, Nhà nước phát động. Trong sản xuất, nhờ các chính sách  ưu đãi về vốn vay, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, nuôi trồng thủy sản, tìm kiếm thị trường tiêu thụ... sản xuất, kinh doanh của bà con nông dân Lý Nhơn bắt đầu khởi sắc. Bên vuông tôm nhà mình, anh Phạm Duy Khánh, nông dân ấp Lý Hòa Hiệp khoe, vụ tôm vừa rồi gia đình anh thu lãi 800 triệu đồng. Chỉ vào vuông tôm hai tháng tuổi, anh Khánh cho hay: "Dưới đó là năm tấn tôm đang tăng trưởng khỏe mạnh. Trong điều kiện nuôi bình thường, cuối vụ vuông tôm này cho thu hoạch từ năm đến sáu tấn". Với giá bán tại ruộng 140 nghìn đồng/kg gia đình anh thu lãi vài trăm triệu đồng trên mỗi ha mặt nước nuôi tôm là chuyện bình thường. Dọc các tuyến đường vào trung tâm xã là những vuông tôm. Ðến nay, diện tích nuôi tôm của Lý Nhơn lên đến 1.730 ha, trong đó có 140 ha nuôi công nghiệp với sản lượng mỗi năm hàng nghìn tấn.

Trong sản xuất muối, với phương thức canh tác trên ruộng trải bạt, năng suất, chất lượng hạt muối Lý Nhơn tăng lên rõ rệt. Ðược vay vốn, hàng trăm hộ diêm dân mua bạt, làm theo kỹ thuật mới trên diện tích 370 ha. Trên ruộng trải bạt, muối kết tinh nhanh hơn. Do rút ngắn quy trình sản xuất, quay vòng nhanh nên năng suất đạt tới 70 tấn/ha/vụ. Hạt muối không lẫn tạp chất, tỷ lệ Nacl cao tới 98%, giá bán cao hơn từ 10 đến 12% so với muối thường. Từ hạt muối thô của bà con nông dân trong xã, qua dây chuyền chế biến của Hợp tác xã Tiến Thành sản phẩm muối Lý Nhơn với khá nhiều mặt hàng như muối tinh, muối sấy, muối i-ốt... mẫu mã đẹp có mặt ở hệ thống các siêu thị trong thành phố. Chất lượng sản phẩm nông nghiệp cao, đường giao thông thuận tiện, làm cho giá trị sản phẩm hàng hóa của nông dân Lý Nhơn tăng lên đáng kể. Ðầu năm 2010, thu nhập bình quân đầu người của Lý Nhơn chỉ 15,8 triệu đồng thì đến năm 2013 đã nâng lên 30,7 triệu đồng. Cả xã không còn nhà tranh tre dột nát, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 37,8% xuống còn 13,6%. Trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được xây mới, 99% số hộ dân được dùng nước sạch, điện lưới; điện thoại, mạng in-tơ-nét phủ khắp... đời sống vật chất, tinh thần của bà con tăng lên đáng kể.

Từ trung tâm thành phố về Lý Nhơn khoảng 60 km. Quãng đường khá dài nhưng không còn xa nữa, bởi trên đường về Lý Nhơn sẽ được cảm nhận không chỉ nét đẹp thiên nhiên mà có cả niềm phấn khởi, tự tin của nhân dân từ một xã  nghèo đang vững bước trên con đường phát triển. 

 

XUÂN HÙNG
Theo nhandan.org.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập355
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại853,521
  • Tổng lượt truy cập92,027,250
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây