Trách nhiệm, thái độ của chính quyền, đoàn thể các cấp tại một số địa phương đối với vấn đề này rất khác nhau. Nhiều địa phương có biện pháp quản lý, tạo môi trường thuận lợi để người ngoại tỉnh tìm kiếm việc làm hoặc có chính sách hỗ trợ về đời sống. Lại có nơi "buông rơi, thả nổi" bộ phận dân cư này trong cả nhận thức và hành động. Nhiều thành phố có số lượng nông dân đến tìm kiếm việc làm đông, nhưng trong các báo cáo tổng kết năm của địa phương, của ngành chức năng thì vấn đề xã hội đáng quan tâm này không được đề cập. Có địa phương khi được chất vấn, lãnh đạo thản nhiên trả lời: "dân thành phố chúng tôi lo chưa xuể, làm sao lo được người nơi khác đến". Ở những địa phương đó không thống kê được số lượng, tình trạng đời sống của bộ phận dân cư này, không có kế hoạch tham gia giải quyết nhiều vấn đề bức xúc của họ, từ nơi ở, đến hỗ trợ về pháp lý, việc học hành của con cái họ, đến phòng, chống các căn bệnh xã hội...
Cần thấy rằng, vấn đề này là hệ quả tất yếu ở những nước nông nghiệp đang phát triển, thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, trong đó có Việt Nam. Với từng địa phương đó là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Quá trình tích tụ ruộng đất tại khu vực nông nghiệp và nông thôn diễn ra nhanh, tất yếu dẫn đến nông dân phải chuyển đổi ngành nghề, một bộ phận đổ vào các đô thị tìm kiếm việc làm, tham gia các loại hình dịch vụ. Do thiên tai bão lũ cùng với hậu quả nghiêm trọng của nó đã tước đoạt thành quả lao động của hàng triệu gia đình nông dân, khiến hàng trăm nghìn hộ rơi vào cảnh trắng tay. Mặt khác, sự chênh lệch mức sống và thu nhập giữa nông thôn và thành thị ngày thêm doãng ra, khi mà giá trị một ngày công lao động trong khu vực nông nghiệp nhiều vùng chưa đạt mười nghìn đồng trong thời giá leo thang hiện nay thì nông dân về thành phố tìm kiếm cơ hội việc làm để cải thiện đời sống cũng là điều tất yếu và chính đáng.
Đây là vấn đề xã hội rất đáng quan tâm ở nhiều thành phố lớn hiện nay. Vấn đề này cần được đặt lên bàn "nghị sự" của cấp ủy, chính quyền, HĐND các cấp xem như một nội dung cần được giải quyết. Theo đó, trước hết thông qua điều tra khảo sát, đánh giá về số lượng và đời sống bộ phận dân cư này. Chính quyền, đoàn thể sở tại có chương trình, hình thức chăm lo đối tượng trên, trước hết là về việc làm, hỗ trợ pháp lý, dạy nghề. Tăng cường công tác quản lý gắn liền hỗ trợ về đời sống vật chất, tinh thần. Có thể có một nguồn ngân sách hoặc quỹ từ vận động xã hội hỗ trợ thường xuyên hoặc đột xuất với bộ phận dân cư, thu nhập kém ổn định, dễ bị tổn thương này.
Giải quyết tốt vấn đề xã hội nêu trên là góp phần bảo đảm thực hiện thắng lợi mục tiêu, quan điểm của Đảng ta là gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và chính sách phát triển.
Lê Mậu Lâm
Nguồn nhandan.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã