Các khoản vay được được phê duyệt bao gồm Dự án Nâng cấp đô thị khu vực đồng bằng sông Cửu Long; khoản vay chính sách Cải cách ngành năng lượng II; và khoản tài chính bổ sung cho Dự án Phát triển khu vực lâm nghiệp. Cả ba dự án này đều hỗ trợ Chiến lược Đối tác Quốc gia mới của Ngân hàng Thế giới (2011-2016) cho Việt Nam. Theo bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, việc phê duyệt ba dự án này cho thấy mối quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa Ngân hàng Thế giới và Việt Nam. Các dự án này nhằm giải quyết những thách thức mới như đô thị hóa nhanh, nhu cầu cần có một ngành năng lượng hiệu quả để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng nhiều để phục vụ tăng trưởng nhanh, và tầm quan trọng của việc quản lý bền vững nguồn lực rừng của Việt Nam nhằm giúp các cộng đồng nông thôn thoát nghèo. Dự án Nâng cấp đô thị khu vực đồng bằng sông Cửu Long với mức tài trợ 292 triệu USD sẽ hướng tới cải thiện kết cấu hạ tầng và dịch vụ cho hơn 1,5 triệu dân tại 6 thành phố trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm Cần Thơ, Mỹ Tho, Cao Lãnh, Cà Mau, Rạch Giá, và Trà Vinh. Ước tính khoảng 275.900 người thu nhập thấp ở các thành phố này sẽ được hưởng lợi trực tiếp khi kết cấu hạ tầng được cải thiện, như đường giao thông, thoát nước, kênh mương, cấp nước và vệ sinh môi trường, công trình công cộng và cung cấp điện dựa trên ưu tiên của cộng đồng. Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) sẽ tài trợ 292 triệu USD Dự án này trong khuôn khổ nguồn vay dành cho các nước thu nhập thấp của Ngân hàng Thế giới. Khoản vay chính sách Cải cách ngành năng lượng II nhằm hỗ trợ Chính phủ thực hiện cải cách trong lĩnh vực năng lượng để tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy cạnh tranh hiệu quả trong sản xuất điện, tính minh bạch và khả năng dự báo giá điện; khuyến khích đầu tư sản xuất điện; và tiến hành các chương trình và sáng kiến sử dụng điện hiệu quả. Chương trình được xây dựng với bốn lĩnh vực chính sách quan trọng, đó là phát triển thị trường điện cạnh tranh, tái cấu trúc ngành điện, cải cách giá điện, và tăng cường quản lý nhu cầu năng lượng hiệu quả. Ngân hàng Thế giới cung cấp 200 triệu USD cho khoản vay này, một nửa được trích từ IDA, và nửa còn lại từ Ngân hàng Quốc tế cho Tái thiết và Phát triển (IBRD) – nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới cho các nước có thu nhập trung bình. Dự án Phát triển khu vực lâm nghiệp nhằm mục đích thúc đẩy trồng rừng quy mô nhỏ bền vững để tăng thu nhập cho khu vực nông thôn và hỗ trợ bảo tồn đa dạng sinh học ở những khu vực ưu tiên bảo tồn của Việt Nam. Dự án này cũng hỗ trợ Chiến lược Lâm nghiệp Quốc gia thông qua phục hồi và tăng độ che phủ rừng, thúc đẩy cách tiếp cận dựa trên thị trường cho khu vực lâm nghiệp, tăng cường vai trò và trách nghiệp của chủ rừng ở địa phương, và tăng cường quản lý các khu vực được bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học với sự tham gia của cộng đồng địa phương. Với một khoản tài chính bổ sung, IDA sẽ cung cấp thêm 30 triệu USD trong ba năm để dự án hoạt động tại 6 tỉnh khu vực duyên hải miền Trung Việt Nam. Từ năm 1993, Ngân hàng Thế giới đã cung cấp các khoản tín dụng, vốn vay và viện trợ không hoàn trị giá gần 15 tỷ USD để giúp Việt Nam duy trì tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;