Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 9/11, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, toàn ngành đang phấn đấu tốc độ tăng trưởng nông nghiệp năm nay đạt tối thiểu 1,2%.
Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, con số này vẫn thấp hơn so với mục tiêu đề ra, nhưng nhìn lại so với mức tăng trưởng âm của nửa đầu năm thì đây là nỗ lực rất lớn trong việc khôi phục sản xuất.
“Trong gần hai tháng còn lại ngành nông nghiệp sẽ phải rất nỗ lực để có được mức tăng trưởng chung 1,2%. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo tập trung vào các lĩnh vực chính”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho hay.
Cụ thể, ngành tiếp tục duy trì tăng trưởng trong xuất khẩu rau quả, dự kiến kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này năm nay sẽ đạt khoảng 2,5 tỷ USD.
Tiếp đến, tập trung các yếu tố để đảm bảo tăng trưởng của ngành thủy sản đạt 7-8%.
Trong 10 tháng qua, hai mặt hàng trọng tâm của thủy sản Việt Nam là cá tra và tôm đều có sự tăng trưởng tốt.
Năm nay, con giống thủy sản đã tăng 40%, đặc biệt là tôm nước lợ, do đó cần kiểm soát, quản lý chặt.
Tiếp tục giải quyết yếu tố thị trường, đặc biệt là đẩy mạnh xuất khẩu.
Thị trường xuất khẩu từ nay đến cuối năm đối với con tôm sang Nhật Bản, châu Âu rất tốt, nên cần kiểm soát tốt chất lượng an toàn thực phẩm.
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng yêu cầu các địa phương tập trung xử lý dịch bệnh do mưa nhiều, độ ẩm cao.
Cục Chăn nuôi xây dựng kế hoạch tiêm phòng, đôn đốc các địa phương thực hiện quyết liệt; đồng thời tăng cường quản lý con giống, thức ăn để có sự tăng trưởng trên 5%.
Với lâm nghiệp, lĩnh vực này phấn đấu tăng trưởng 7% và giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 7,2 tỷ USD.
“Những lĩnh vực trọng tâm trên giữ được tăng trưởng sẽ đảm bảo tăng trưởng của cả ngành, bù vào sự giảm sút của các mặt hàng lương thực, trong đó có gạo”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói.
Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các đơn vị phải rà soát lại nhiệm vụ cụ thể để có giải pháp đối phó kịp thời với hiện tượng La Nina đang diễn ra ở hầu hết cả 7 vùng kinh tế xã hội, gây mưa nhiều, điều này sẽ chi phối đến việc chỉ đạo sản xuất; nhất là đối với 450.000 ha vụ Đông Xuân đã gieo trồng. Đối với cây công nghiệp, mưa sẽ khiến diện tích cây tiêu đã trồng bị ảnh hưởng, có khả năng bị chết, do đó cần phải đốc thúc, có biện pháp xử lý kịp thời.
Về vụ Đông ở Đồng bằng sông Hồng, năm nay cần đẩy mạnh sản xuất, bởi nếu không có thể thiếu hụt sản lượng, rau quả sẽ lên giá.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh phục hồi sản xuất các tỉnh từ Tây Nguyên trở ra Bắc Trung bộ, thậm chí cục bộ ở tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên.../.
Theo Bích Hồng/BNEWS/TTXVN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã