Nhiều điểm sáng
Năm 2015, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) đặt mục tiêu tổng sản lượng thủy sản 6,65 triệu tấn, tăng 5,5% so năm 2014; giá trị xuất khẩu 8,5 tỷ USD, tăng 10,7%; cùng đó là các tín hiệu lạc quan của ngành được đưa ra tại nhiều hội nghị tổng kết, diễn đàn, cuộc họp…
Sở dĩ con số tích cực được đưa ra là do dự đoán tôm nước lợ và cá tra vẫn sẽ đem lại nguồn lợi đáng kể và đối thủ cạnh tranh chưa đủ mạnh để làm giảm đà phát triển của thủy sản Việt Nam. Thị trường đầu ra, vấn đề nan giải nhất của ngành, được đánh giá là không nhiều trợ ngại. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, định hướng của Bộ là giữ vững các thị trường truyền thống (Mỹ, EU, Nhật Bản...), đồng thời tích cực xúc tiến thương mại để thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường mới.
Một tín hiệu lạc quan khác, vấn đề trầm kha của thủy sản Việt Nam những năm trước đã được giải quyết trong năm 2014 và hy vọng tiếp tục tươi sáng trong năm 2015; đó là vốn cho nông dân và các nhà sản xuất tiếp tục được bơm vào với lãi suất chấp nhận được. Điều này khiến các doanh nghiệp và người dân dễ thở và sản suất ngư nghiệp được đánh giá là có lãi. Ngoài ra, vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực thủy sản tiếp tục tăng với nhiều nhà máy, nhiều dây chuyền mới và nhiều vùng nuôi mới sẽ tiếp tục được đầu tư trong năm 2015.
Vẫn là thách thức từ chất lượng
Năm 2015, một mối lo đáng lưu ý nữa là vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản phẩm xuất khẩu được Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Bộ NN&PTNT cảnh báo trong năm 2014 vẫn sẽ là nguy hại cho năm tới. Bởi, năm qua, xuất khẩu của Việt Nam nhiều thời điểm bị chững lại chỉ vì những vấn đề liên quan sự đồng đều sản phẩm xuất khẩu với một số lô hàng bị phát hiện chưa phù hợp tiêu chuẩn của nước nhập khẩu. Nhất là bài toán dư lượng kháng sinh, sản phẩm mạ băng, gian lận trong ghi nhãn hàng... vẫn sẽ là nguy cơ trong năm nay.
Mặt khác, hàng rào thuế quan cũng được xem như một thách thức chưa giải quyết được. Chẳng hạn, việc phải chống chọi với thuế chống bán phá giá, với thuế suất 6,37% trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt cũng đáng quan tâm, đặc biệt với thị trường Mỹ. Thuế chống phá giá cá tra do phía Mỹ công bố vẫn là áp lực không nhỏ với doanh nghiệp Việt Nam. Tuy vậy, hàng rào thuế quan cũng đem lại những lợi ích đối với doanh nghiệp Việt Nam. Chẳng hạn, trong năm 2014, tôm hấp và chế biến của Thái Lan xuất sang EU không còn được hưởng quy chế ưu đãi GSP nên mức thuế tăng lên 20%. Tôm nguyên liệu của Thái Lan cũng sẽ bị mất thuế GSP 4% từ 1/2015 và Thái Lan phải chịu mức 12%.
Rào cản kháng sinh vẫn là thách thức cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản - Ảnh: Ngọc Trinh
Điều thực sự lo ngại với các nhà sản xuất trong nước hiện nay vẫn ở đầu ra. Tuy vậy, trao đổi gần đây với chúng tôi, Nguyên bộ trưởng Thủy sản Tạ Quang Ngọc nói: “Nguy cơ tiềm ẩn việc tái phát dịch bệnh không phải không có. Theo những nghiên cứu dịch tễ thì dịch bệnh vẫn có nguy cơ bùng phát, nếu việc kiểm soát không được triển khai nghiêm túc trong khoảng thời gian kéo dài cần thiết”.
Một chuyên gia Thái Lan cũng cho chúng tôi biết, sở dĩ Việt Nam “thắng đậm” trong năm 2014 là vì Thái Lan bị thiệt hại 60% sản lượng vì dịch bệnh trong năm 2014 và khả năng năm 2015 cũng vẫn bị thiệt hại khoảng 40% sản lượng so với trước đây. Bài học về thiệt hại do dịch bệnh vẫn còn đó.
Tái cấu trúc lợi nhuận
Về vấn đề tái cấu trúc ngành nông nghiệp năm 2015, sẽ tập trung tái cấu trúc trong hệ thống nuôi trồng bao tiêu sản phẩm, với phương châm phát triển bền vững. Trong đó bài toán lớn nhất vẫn là công nghệ. Việt Nam sẽ sử dụng công nghệ gì để nuôi tôm bền vững, có lãi, đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường?
Không phải các công ty không quan tâm phát triển bền vững. Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú từng vài lần thử nghiệm nuôi tôm không dùng thuốc kháng sinh nhưng đều thất bại, mỗi vụ lỗ gần 100 tỷ đồng. Đã đến lúc Chính phủ và Bộ NN&PTNT cần đặt ra vấn đề giải quyết bài toán công nghệ nuôi trồng không dùng kháng sinh như vấn đề cấp bách hiện nay. Vấn đề này vượt khả năng giải quyết của từng doanh nghiệp đơn lẻ.
Vấn đề tái cấu trúc cũng được đặt ra trong chuỗi phân phối lợi nhuận. Một số nhà khoa học đánh giá, hiện nay các nhà phân phối và bán lẻ nước ngoài chiếm 60 - 70% lợi nhuận; 30 - 40% lợi nhuận còn lại chia cho doanh nghiệp chế biến và người nuôi Việt Nam, nhưng trong số này chi phí đầu vào (thức ăn, con giống) cũng chủ yếu thuộc doanh nghiệp nước ngoài và có vốn nước ngoài. Như vậy, để phát triển được bền vững thì chuỗi lợi nhuận cần được cơ cấu hợp lý hơn; làm sao doanh nghiệp cũng như người nuôi Việt Nam được hưởng nhiều lợi nhuận hơn, đủ để họ tái tạo và phát triển ngành thủy sản của mình chứ không phải chỉ tồn tại kiểu… cầm hơi.
>> Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam: “Vấn đề của ngành thủy sản Việt Nam hiện nay vẫn là làm sao phát triển nhưng vẫn giữ được môi trường tốt cho con người và tôm cá. Cần có cái nhìn cho 20 - 30 năm sau. Nếu tiếp tục dựa nhiều vào hóa chất, kháng sinh thì sẽ rất khó phát triển ngành thủy sản bền vững”. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;