Học tập đạo đức HCM

Nhà nước cần tháo gỡ chính sách để thu hút doanh nghiệp

Chủ nhật - 05/08/2012 06:16
“Sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao trong những năm qua đã có những bước tiến mới, tạo đột phát giúp tăng tính cạnh tranh, chuyển nền nông nghiệp nước ta theo hướng số lượng là chủ yếu sang nền nông nghiệp chất lượng, tăng giá trị thu nhập trên đơn vị canh tác” – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh trong diễn văn khai mạc Diễn đàn “Ứng dụng công nghệ cao phát triển nông nghiệp – nông thôn thông qua đối tác công tư” diễn ra tại Hà Nội ngày 3/8.

Với mong muốn khuyến khích các DN, các tổ chức kinh tế, xã hội và nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước tham gia mạnh mẽ vào quá trình sản xuất nông nghiệp theo hướng áp dụng công nghệ tiên tiến và hoàn thiện khung chính sách khuyến khích áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Vụ Hợp tác Quốc, Bộ Nông nghiệp và PTNT, thông qua Nhóm hỗ trợ Quốc tế (ISG), tổ chức Diễn đàn đối thoại chính sách về “Ứng dụng công nghệ cao phát triển nông nghiệp – nông thôn thông qua đối tác công tư” giữa các cơ quan hoạch định chính sách, chính quyền địa phương và DN. Diễn đàn cũng được phối hợp tổ chức với Đại sứ quán Israel, Tổ chức Lương Nông Quốc tế (FAO), cùng sự tài trợ của Ngân hàng Bắc Á và Tập đoàn TH.

Diễn đàn quy tụ nhiều lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Vụ KHCN, Viện IPSARD, Viện VAAS, các cục, vụ trong Bộ Nông nghiệp, Ủy ban KHCN Quốc hội, Bộ KHCN, các bộ ngành liên quan, viện nghiên cứu, DN nông nghiệp tiêu biểu, tổ chức quốc tế, NGO, các chuyên gia trong và ngoài nước, cơ quan truyền thông, cũng như hàng trăm đại biểu đến từ 63 tỉnh thành trên cả nước.

Tại Diễn đàn này, các tham luận tập trung vào 4 nhóm vấn đề: Đối tác công tư – chính sách cơ chế khuyến khích đầu tư tư nhân vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; chuỗi giá trị hàng hóa – các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cần áp dụng công nghệ cao và triển vọng đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị nông sản; kinh nghiệm thực tiễn từ DN, địa phương và quốc tế (Isael, Hà Lan, Thụy Điển, Na Uy, Nhật Bản, Đài Loan...); công nghệ cao, thị trường công nghệ, tích tụ và tập trung đất, tín dụng, thuế, bảo hộ, thương hiệu và các chính sách thương mại khác.

 

Bắc Á bank, một trong những đơn vị tài trợ Diễn đàn sẽ chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tư vấn đầu tư công nghệ cao vào TH True Milk, mô hình bước đầu có những thành công tạo dựng giá trị gia tăng cho sản xuất nông nghiệp. Kinh tế nông thôn giới thiệu tham luận của bà Thái Hương, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á tại Diễn đàn:
 

ỨNG DỤNG VÀ CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ CAO TRONG NÔNG NGHIỆ BÀI HỌC THỰC TIỄN TỪ DOANH NGHIỆP TH GROUP

I. Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp - Thực tiễn thành công từ một số quốc gia trên tế giới và mô hình của Việt Nam

1. Bài học từ các quốc gia trên thế giới

Trên thế giới, có rất nhiều nước đã ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp và đã gặt hái được nhiều thành công. Điển hình như Isarel - một nước bán sa mạc, khí hậu khắc nghiệt, nhưng chất lượng sữa và các sản phẩm nông nghiệp được đánh giá hàng đầu trên thế giới. Họ đã làm nên điều kỳ diệu về nền nông nghiệp xanh trên hoang mạc.

Israel có diện tích rất nhỏ, trên 20.000 km2, chỉ lớn hơn tỉnh Nghệ An của Việt Nam. Tuy nhiên, Israel lại được mệnh danh là “thung lũng Silicon” của thế giới trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ nước. Chỉ với 2,5% dân số làm nông nghiệp nhưng mỗi năm Israel xuất khẩu chừng 3 tỷ USD nông sản và là một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới. Ít ai biết rằng, những sản phẩm rau quả từ Arava - một trong những nơi khô cằn nhất thế giới - lại chiếm tới trên 60% tổng sản lượng xuất khẩu rau của Israel và 10% tổng sản lượng thực phẩm xuất khẩu của thế giới.

Kinh nghiệm quan trọng nhất của Israel để xây dựng được một nền nông nghiệp hiện đại là hãy đầu tư cho khoa học kỹ thuật. Năm 1950, một nông dân Israel cung cấp thực phẩm đủ cho 17 người, hiện đã là 90 người. Một hecta đất hiện cho 3 triệu bông hồng, hay 500 tấn cà chua/vụ. Một con bò cho tới 11 tấn sữa/năm (khoảng 55 lít sữa/con/ngày) - mức năng suất mà không một nước nào trên thế giới có được.

Một ví dụ khác là Hà Lan - quốc gia đã được mệnh danh là "nước đất trũng", có 1/4 diện tích lãnh thổ thấp hơn mực nước biển, cộng thêm vùng đất trũng cao hơn mực nước biển khoảng 1m, thì có tới 1/3 diện tích lãnh thổ chịu sự uy hiếp thường nhật của nước mặn xâm nhập và nước sông gây ngập úng.

Đất đai Hà Lan hiếm hoi, diện tích đất canh tác 910.000ha, đất đồng cỏ 1.020.000ha, diện tích đất canh tác khoảng 0,058 ha/người, là mức thấp nhất của thế giới. Tuy nhiên, hiệu suất sản xuất của đất tại Hà Lan lại đứng đầu thế giới. Theo cách tính của Bộ Nông nghiệp Mỹ dựa vào "đồng USD quốc tế" của tổ chức FAO, thì hiệu suất sản xuất của đất ở Hà Lan năm 1991 đạt 2468 USD/ha, hiệu suất lao động đạt 44339 USD/người. 

 


Vì thiếu đất canh tác, Hà Lan thực thi chiến lược "đầu tư cao-sản xuất nhiều" với việc phát triển thủy lợi và hệ thống nhà kính. Diện tích nhà kính của Hà Lan gần 11000ha, chiếm 25% tổng diện tích nhà kính trên toàn thế giới. Trong đó, có tới 40% dùng để sản xuất rau, 35% sản xuất hoa, 20% sản xuất cây ăn quả, hiệu quả tăng 5-6 lần sản xuất ngoài trời.

 

2. Thực tiễn phát triển nông nghiệp ở Việt Nam

Việt Nam, với hơn 70% dân số gắn bó với nông nghiệp, nông nghiệp đóng góp 20% GDP nhưng nền nông nghiệp Việt Nam vẫn phát triển lạc hậu, manh mún, nhỏ lẻ, quy hoạch còn bất cập, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Khó khăn lớn nhất và cơ bản nhất của nông nghiệp nước ta là sản xuất phân tán, quy mô nhỏ, lại chia thành nhiều mảnh, khó tích tụ ruộng đất để sản xuất tập trung.

Các lâm trường quốc doanh, các doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp chủ yếu là do nông dân tự đứng ra làm chủ hoạt động không hiệu quả, nhỏ lẻ với quy mô “cò con”. Vốn ít, áp dụng công nghệ cũ, sử dụng trang thiết bị thủ công, nhà xưởng chế biến và kho tàng cất giữ nông sản rất sơ sài, tạm bợ... Họ lại thiếu cơ hội và môi trường đầu tư kinh doanh, chính sách ưu đãi hầu như không có hoặc nếu có cũng khó triển khai áp dụng.

Trong nhiều năm, nhà nước liên tục kêu gọi liên kết 4 nhà “nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp”. Tuy nhiên, thực tế sản xuất và kinh doanh nông sản cho thấy, sự phối hợp này chưa tốt dẫn đến tình trạng “được mùa mất giá” hay hiện tượng thương lái ép giá nông dân, ….

Một thực tế nữa là chúng ta phát triển nông nghiệp còn thiếu quy hoạch. Ở nhiều địa phương, do nông dân nôn nóng chạy theo các lợi ích kinh tế, tự phát chuyển đổi mục đích sử dụng đất, gây lãng phí đất và nhiều tác động xấu đến môi trường.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao am hiểu về khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp còn thiếu và yếu, do đó nếu đầu tư công nghệ cao vào nông nghiệp sẽ rất khó khăn.

Cho dù vậy, tình hình kinh tế thế giới và trong nước thời gian qua đã chứng tỏ vai trò thiết yếu và là ngành kinh tế cốt lõi đem lại giá trị thực cho xã hội của nông nghiệp.

Thường vào các giai đoạn khủng hoảng kinh tế, người ta nhắc nhiều đến các gói giải cứu, các biện pháp vực dậy các doanh nghiệp kinh doanh trong các ngành ngân hàng, tài chính, bất động sản, thì đó là thời điểm trên thị trường toàn cầu, các mặt hàng nông sản thực phẩm tăng giá mạnh, đem lại nguồn thu lớn cho nông nghiệp cũng như các doanh nghiệp ngành này.

Nền kinh tế Việt Nam thời gian qua cũng một lần nữa khẳng định vai trò cứu cánh của nông nghiệp trong việc ổn định kinh tế và an ninh xã hội. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, tăng giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp theo tinh thần tái cơ cấu của ngành thì điều kiện thiết yếu phải đầu tư công nghệ cao và vai trò chủ lực của doanh nghiệp trong quá trình này.

II. Những điều kiện tiên quyết ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp ở Việt Nam

Ở Việt Nam, các doanh nghiệp vẫn cho rằng việc đầu tư vào nông nghiệp có xác suất rủi ro khá cao bởi phụ thuộc quá nhiều vào thiên nhiên, lượng vốn đầu tư lớn và thu hồi vốn chậm. Vì vậy, họ không muốn mạo hiểm đầu tư vào lĩnh vực này mà chủ yếu tham gia vào các kênh đầu tư mang lại lợi nhuận lớn và thu hồi vốn nhanh (như chứng khoán, bất động sản, dịch vụ…). Do vậy, cách duy nhất là đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp thì mới có thể thay đổi bức tranh nông nghiệp lạc hậu và lối tư duy cũ trên.

Có một nghịch lý: Việt Nam là đất nước nhiệt đới, 4 mùa cây trái xanh tươi mà lại đi nhập khẩu hoa quả, thực phẩm và các sản phẩm nông nghiệp từ những nước ôn đới, có điều kiện khí hậu ngược lại hoàn toàn với Việt Nam (họ bị mất tới 6 tháng ngủ đông không sản xuất được gì)? Vậy cớ gì không thay đổi tư duy trong canh tác?

Sản phẩm từ nông nghiệp tạo hiệu quả kinh tế cao nhưng vẫn chưa có dự án ứng dụng công nghệ cao tầm cỡ nào đầu tư vào lĩnh vực này.

Vào năm 2008, sản phẩm sữa gặp phải sự cố melamine, tuy sản phẩm sữa của Việt Nam không có những chất độc hại này nhưng đến 92% sữa bột tại Việt Nam lúc đó được nhập khẩu từ nước ngoài (hiện nay vẫn là trên 70%). Ngoài lúa gạo, sữa cũng là sản phẩm thiết yếu cho cuộc sống con người ở mọi lứa tuổi, nhất là trẻ em, thế hệ tương lai của đất nước và là nguồn lực chính của xã hội. Vì vậy, nếu sản xuất được những dòng sữa tươi ngon và bổ dưỡng bằng quy chuẩn quốc tế sẽ có một ý nghĩa lớn cho nước nhà, góp phần giảm nhập siêu cho ngành sữa và cũng là cách thiết thực nâng cao tầm vóc, thể lực cho người Việt Nam. Đầu tư sản xuất sữa chính là đầu tư cho nông nghiệp.

Nếu lập bảng chấm điểm theo thang 100 ở từng mục thì sẽ thấy rằng: đất đai thổ nhưỡng Việt Nam được 100 điểm thì Israel chỉ được 50 điểm, còn toàn bộ quy trình sản xuất bò sữa, họ đạt 100 điểm thì mình chỉ đạt 30 điểm.

Vậy nếu mua toàn bộ quy trình kỹ thuật của họ, tôi có 230 điểm, trong khi họ chỉ có 150 điểm, cơ hội thành công lớn hơn, nhẹ nhàng hơn. Và đó là lý do khiến Tập đoàn TH quyết tâm đầu tư.

III. TH True Milk và Sứ mệnh tiên phong

Là một người con xứ Nghệ - tôi hiểu rõ vị trí địa lý thuận lợi và khó khăn của Nghệ An trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Nghệ An nằm ở vị trí trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, trên tuyến giao lưu Bắc - Nam và hội nhập đủ các tuyến đường giao thông: đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, đường không và đường biển. Con người Nghệ An năng động, chịu khó học hỏi. Vùng Bắc Phủ Quỳ ở miền Tây Nghệ An là nơi được thiên nhiên ưu đãi ban tặng nguồn đất đỏ ba gian màu mỡ, nguồn nước ngọt dồi dào nhưng đất nông nghiệp từ lâu đã bị hoang hóa và sử dụng kém hiệu quả, khí hậu thời tiết ở đây lại tương đối khắc nghiệt, quanh năm nắng nóng, gió lào....

Vì vậy, chỉ có một con đường duy nhất là đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để chế ngự tất cả những hạn chế của thiên nhiên và tăng năng suất cao gấp nhiều lần so với sản xuất thông thường theo phương thức cũ.

Với tư cách là Tổng giám đốc của NH TMCP Bắc Á, tôi đã tư vấn cho Tập đoàn TH làm báo cáo đề xuất với Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An xin được cấp đất mở trang trại bò sữa, rau sạch tại đây.

Để dự án có thể thực hiện được, trước tiên chúng tôi tư vấn cho UBND tỉnh Nghệ An sử dụng ruộng đất từ các nông lâm trường. Toàn bộ nông trường 19/5 ở Nghĩa Đàn, phía Tây Nghệ An đang trên bờ vực phá sản, đất đai hoang hóa, lao động thất nghiệp đã được sáp nhập vào dự án. Tổng diện tích đất 37.000 ha thuộc dự án được quy hoạch để lấy theo từng lộ trình.

Chính sách hỗ trợ trong thu hồi, chuyển đổi đất của doanh nghiệp gồm:

1. Nhận lao động chính của những hộ gia đình bị thu hồi đất để đào tạo và đào tạo lại, rồi vào Tập đoàn TH làm việc.

2. Bố trí tái định cư, và hỗ trợ thêm kinh phí cho những hộ bị thu hồi đất ngoài những quy định của nhà nước về chế độ đền bù, giải phóng mặt bằng.

3. Xem xét bố trí lại đất canh tác trong vùng quy hoạch vành đai trồng nguyên liệu thức ăn bò sữa để hợp tác với THMilk trên cơ sở “hợp đồng giao khoán” để trồng các loại cỏ cung cấp nguồn thức ăn cho bò sữa.

4. Có các chính sách hỗ trợ cho các hộ hợp tác trồng cỏ trong vùng quy hoạch vành đai.

5. Tặng học bổng và bố trí việc làm cho con ruột hoặc con nuôi hợp pháp của các chủ hộ gia đình đã bàn giao đất nếu có học lực khá trở lên tại các trường đại học, cao đẳng trong cả nước.

Tập đoàn cũng đề xuất với UBND tỉnh về việc thu thuế đất nông nghiệp. Tùy theo từng tính chất của dự án mà có thể giảm mức nộp thuế, gia hạn thời gian nộp thuế nhưng bắt buộc các doanh nghiệp khi đầu tư phải có nghĩa vụ nộp thuế để tăng nguồn ngân sách cũng như sự cạnh tranh lành mạnh trong đầu tư hướng tới sự phát triển bền vững.

Đưa công nghệ cao vào sản xuất - bài học thực tiễn từ TH

Sở dĩ ngành chăn nuôi bò sữa tại Việt Nam chưa có thành công đột phá, theo tôi còn thiếu 2 điều cơ bản: đó là quy trình và sự tuân thủ. Để có được sản phẩm sữa tươi sạch, chúng tôi đã mua toàn bộ bí quyết công nghệ cùng kỹ thuật chăn nuôi bò sữa của Israel và quy trình chế biến hàng đầu trên thế giới từ các nước tiên tiến.

Khi đặt mua quy trình của Israel, để đảm bảo sự tuân thủ đúng quy trình, TH đã thuê cả nông dân và chuyên gia của Israel vận hành máy móc và hướng dẫn, đào tạo người Việt Nam.

TH có một hệ thống làm việc hết sức chuyên nghiệp trong tất cả các khâu nhờ được quản lý trực tiếp bởi hai công ty đa quốc gia là Công ty Afikim của Israel về quản trị đàn bò và Công ty Totally Vets của New Zealand quản trị về mặt thú y.

Bên cạnh đó, họ cũng tư vấn cả việc nhập khẩu bò từ New Zealand, Úc... là những nước có giống bò sữa tốt nhất với phả hệ rõ ràng để “định cư” trên đất Nghĩa Đàn (Nghệ An), được ăn cỏ ủ chua diệt vi khuẩn, được tắm mát và nghe nhạc mỗi ngày, được gắn chip ở chân để theo dõi sức khỏe một cách chính xác nhất để đảm bảo được sự vẹn toàn của sữa tươi trong suốt quy trình.

Hiện tại, dự án chăn nuôi bò và chế biến sữa của Tập đoàn TH về cơ bản đã hoàn thành giai đoạn đầu tư 1: 350 triệu USD hoàn thành vào đầu năm 2013. Tổng quy mô đầu tư của dự án là 1,2 tỷ USD trên tổng diện tích 37.000 ha (giai đoạn 1 là 8.100 ha).

Kết quả sau khi triển khai dự án

Hiện tại, Công ty thực phẩm sữa TH đang tiến hành xây dựng nhà máy chế biến sữa hiện đại bậc nhất Đông Nam Á, với công suất 500 triệu lít/năm vào năm 2017. Hiện nay, sau gần 2 năm hoạt động, TH đã là nhà cung cấp sữa tươi sạch hàng đầu Việt Nam.

Kế hoạch đến năm 2015, TH đáp ứng 50% nhu cầu sữa tươi sạch trên thị trường nhờ tự chủ về nguồn nguyên liệu.

Tổng số bò sữa hiện tại là hơn 20.000 con, đến năm 2012 là khoảng 45.000 con, và là 137.000 con vào năm 2017, chiếm khoảng 50% tổng đàn bò trong cả nước.

Tương ứng với số lượng bò sữa này, sản lượng sữa tươi sạch mà TH đạt được năm 2012 là 80.000 tấn và đến năm 2017 là 289.000 tấn.

Doanh thu thuần của TH True Milk năm 2011 trên 1.000 tỷ đồng, năm 2012 là 2000 tỷ đồng, năm 2013 dự kiến là 3.700 tỷ đồng, 2015 là 15.000 tỷ, 2017 là 23.000 tỷ.

Trước khi TH tham gia thị trường, người tiêu dùng Việt Nam đã bắt đầu hiểu biết hơn về tầm quan trọng của sữa tươi. Các hãng sữa Việt Nam cũng bắt đầu xây dựng chiến lược tự chủ về nguồn nguyên liệu thông qua việc phát triển đàn bò. Nhưng việc chăn nuôi bò sữa để tự chủ nguồn nguyên liệu vẫn theo quy mô nhỏ lẻ và họ vẫn chủ yếu thu mua sữa từ nông dân. Khi TH tham gia thị trường đã khiến việc tự chủ nguồn nguyên liệu sữa trong nước có bước phát triển nhảy vọt. Điều này đã phát triển rõ nét qua các con số tăng trưởng đàn bò sữa Việt Nam. Trước năm 2009, tốc độ tăng trưởng đàn bò sữa chỉ ở mức 7-9%/năm. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2010, đàn bò sữa tăng đều 15% mỗi năm. Và tốc độ tăng trưởng này sẽ được giữ vững cho đến năm 2015, trong đó có sự đóng góp phần lớn là từ TH.

Việc tập đoàn TH đưa công nghệ cao vào sản xuất đã mang đến cho miền Tây Nghệ An một diện mạo hoàn toàn mới: một thành phố du lịch sinh thái trong tương lai, đời sống người dân được nâng lên và chất lượng sống được cải thiện rõ rệt. Công nghệ cao đã giúp nâng cao hiệu suất canh tác, biến 1ha đất nơi đây trước đó chỉ cho thu hoạch trung bình khoảng 70 triệu đồng/năm, bây giờ, nhờ trồng cỏ, trồng cao lương... theo phương thức áp dụng công nghệ cao đã cho thu hoạch từ 500 triệu - 1,5 tỷ đồng/năm.

Vào ngày 26 tháng 12 năm 2010, những sản phẩm đầu tiên từ dòng sữa tươi sạch mang tên TH True MILK đã chính thức được phân phối tới tay người tiêu dùng. Đây là một mốc lịch sử đáng nhớ với tập đoàn TH vì bước đầu đã đi vào thực hiện sứ mệnh của mình là góp phần chăm sóc sức khỏe và nâng cao tầm vóc của người Việt, cải thiện chất lượng cuộc sống qua những sản phẩm chất lượng thật sự tươi, sạch, tinh túy, vẹn nguyên từ thiên nhiên, vì sức khỏe mỗi người. Đây cũng là cột mốc đánh dấu sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất sữa ở Việt Nam.

Bài học sau khi dự án triển khai tại Nghệ An:

Bốn điều kiện tiên quyết để làm nên cuộc cách mạng ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp là:

1. Vai trò của doanh nghiệp:

Yếu tố tiên quyết đầu tiên để đưa công nghệ cao vào nông nghiệp là phải có thế hệ doanh nhân yêu nước, có đủ Tâm - Trí - Lực để hoạch định cho mình một con đường đi rõ ràng, riêng biệt, biết đặt lợi ích của mình trong lợi ích quốc gia, không được tối ưu hóa lợi nhuận mà phải hợp lý hóa lợi ích (đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, lợi ích của doanh nghiệp, lợi ích của nhân dân).

2. Phải có nguồn lực (đất đai) đủ để đưa công nghệ cao vào nông nghiệp. Điều không thể thiếu là sự gắn kết và vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền nhân dân, sự nhận thức sâu rộng của chính quyền địa phương đối với việc này.

3. Lựa chọn công nghệ đúng: Sử dụng công nghệ đầu cuối của thế giới, trí tuệ mới của thế giới đã được ứng dụng trong thực tiễn vào Việt Nam.

4. Sự ủng hộ của nhân dân: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, nếu có sự ủng hộ của nhân dân, cùng đồng sức đồng lòng cùng chính quyền và doanh nghiệp thì những dự án mang tính đột phá mới thành công.

IV. Một số đề xuất và kiến nghị

1. Chính sách thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao: Để áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp nông thôn nhất thiết cần phải có tầng lớp doanh nghiệp có đủ Tâm - Trí - Lực thực sự vào cuộc. Để thu hút họ đầu tư vào lĩnh vực này, Bộ nông nghiệp cần đề xuất với Chính phủ, cần ban hành những chính sách khác biệt trong vòng 3-5 năm để khích lệ doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực này.

2. Phải có chính quyền mạnh, nhận thức đầy đủ về vấn đề công nghệ cao trong nông nghiệp. Do vậy, cần có những buổi tập huấn, những tham luận chính thống, có những lộ trình có tính chất chiến lược, dưới sự hỗ trợ từ Chính phủ cũng như các bộ chủ quản (Bộ nông nghiệp) để có cách nhìn nhận đúng về cuộc cách mạng công nghệ cao để vào cuộc mạnh mẽ cùng nhà đầu tư. Chính quyền phải xem đưa công nghệ cao vào nông nghiệp là nền kinh tế tri thức.

3. Khi áp dụng công nghệ cao, phải đủ nguồn lực là đất đai, do đó, chính quyền cần bàn giao cho doanh nghiệp ít nhất 70% đất sạch để thực hiện dự án.

4. Cần sự kết hợp giữa các bộ ban ngành, nhất là ngành chủ quản như Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, phải có chiến lược truyền thông bài bản, đủ để các nông lâm trường và các tầng lớp nhân dân hiểu đây thực sự là cuộc cách mạng về nông nghiệp của đất nước.

5. Phải đào tạo lao động chất lượng cao, do đó, cần có chính sách đào tạo lại lao động cho những vùng đưa công nghệ cao vào nông nghiệp. Nếu doanh nghiệp đứng ra đào tạo trực tiếp thì phải có chính sách hỗ trợ kinh phí nhất định cho doanh nghiệp. Phải có chính sách đi kèm giải quyết lao động dư thừa trong quá trình tham gia tích tụ ruộng đất.

6. Cần ban hành quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ cao trong nông nghiệp đối với sản phẩm hàng hóa. Khi đã có một mô hình công nghệ cao thành công, thì Bộ chủ quản phải ban hành quy chuẩn, định nghĩa thế nào là sản phẩm từ công nghệ cao. Nếu là sản phẩm về thực phẩm như sữa chẳng hạn, thì có sự phối hợp liên ngành với Bộ Công thương, Bộ Y tế… để quy định và phân biệt thế nào là sạch, thế nào là sữa tươi, thế nào là sữa hoàn nguyên…

7. Cần áp dụng nguyên tắc quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm theo chuỗi đối với sản phẩm sản xuất theo quy trình CNC: Tất cả nhãn mác của sản phẩm phải ghi đầy đủ các yếu tố như: xuất xứ đầu vào của nguyên liệu trên bao bì sản phẩm để tránh tranh cãi. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần theo dõi sát sao các sản phẩm công nghệ cao, từ nguồn nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất và cho đến lúc sản phẩm được đưa vào lưu thông trên thị trường và sẵn sàng cùng doanh nghiệp phối hợp giải thích để người tiêu dùng hiểu sản phẩm.

Một lần nữa xin khẳng định, ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp mang một sứ mệnh lịch sử quan trọng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, “Trí tuệ Việt + Tài nguyên thiên nhiên Việt”, cộng với “Công nghệ đầu - cuối” của thế giới, đồng hành cùng các doanh nghiệp có đủ TÂM - TRÍ - LỰC, sẽ tạo ra một cuộc cách mạng lớn trong nông nghiệp, góp phần không nhỏ vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo Kinhtenongthon

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập140
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại851,636
  • Tổng lượt truy cập92,025,365
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây