Học tập đạo đức HCM

Nỗ lực khôi phục sản xuất sau sự cố môi trường biển ở miền trung

Thứ tư - 20/09/2017 21:50
Bên cạnh những tín hiệu vui, nỗ lực chuyển đổi ngành nghề, việc khôi phục sản xuất và ổn định đời sống của người dân bốn tỉnh miền trung cũng còn những khó khăn, trăn trở. Vì vậy, việc đồng sức, đồng lòng của bà con và chính quyền địa phương sẽ là phương thức tốt nhất để sớm phát huy hiệu quả sản xuất, ổn định đời sống lâu dài.

BÀI 2: Chung sức, đồng lòng ổn định sản xuất và đời sống

Nóng chuyện vốn sản xuất và kinh phí an sinh xã hội

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn, thực hiện Quyết định số 12 của Chính phủ về việc phê duyệt đề án “Xác định thiệt hại, thực hiện bồi thường, hỗ trợ; khôi phục sản xuất và bảo đảm an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế” (gọi tắt là Quyết định 12), thời gian qua, cùng với việc đẩy nhanh tiến độ chi trả tiền đền bù cho người dân vùng ảnh hưởng, các địa phương, đơn vị ở Hà Tĩnh đã tập trung xây dựng kế hoạch, ban hành các giải pháp nhằm hiện thực hóa các chính sách bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Tuy vậy, đến thời điểm hiện nay, các địa phương vẫn chưa nhận được nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương.

Thống kê cho thấy, sau sự cố môi trường biển, gần 5.600 đối tượng ở các xã vùng ảnh hưởng tại Hà Tĩnh có nhu cầu về đào tạo nghề và 11 nghìn lao động cần hỗ trợ việc làm, 4.248 lao động cần hỗ trợ về chi phí, vốn vay để xuất khẩu lao động với tổng số tiền gần 750 tỷ đồng. Mặc dù các địa phương, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch, tạm ứng kinh phí để triển khai, tuy nhiên vì nguồn lực địa phương có hạn cho nên kết quả thực hiện các phần việc trên rất hạn chế. Được biết, không riêng gì Hà Tĩnh, các địa phương trong vùng ảnh hưởng đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan sớm giải ngân nguồn kinh phí hỗ trợ an sinh xã hội, song đến thời điểm này vẫn chưa nhận được phản hồi.

Tại Quảng Bình, khó khăn hiện nay cũng liên quan đến nguồn vốn. Với góc nhìn của người trong cuộc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch) Nguyễn Ngọc Tiếp cho biết: Xu hướng hiện nay là ngư dân đầu tư tàu có công suất lớn, ứng dụng thiết bị kỹ thuật và nghề đánh bắt mới để vươn khơi khai thác xa bờ có hiệu quả. Họ phải huy động vốn từ nhiều kênh khác nhau rồi trả nợ dần. Khi hết nợ thì tàu thuyền, ngư cụ cũng hết khấu hao và phải đầu tư mới. Từ đó, có thực trạng chung là ngư dân thiếu vốn đầu tư vỏ tàu và vốn lưu động để chi phí cho các chuyến biển, cho nên phần lớn phải lấy ứng trước của chủ nậu, rồi trả bằng sản phẩm dẫn đến nhiều khi bị ép giá. Do vậy, ngư dân rất cần được tiếp sức về nguồn vốn hỗ trợ từ phía Nhà nước thông qua các chính sách ưu đãi, khuyến khích đánh bắt xa bờ.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng gặp những khó khăn khi việc chuyển đổi nghề cho ngư dân không hề dễ dàng. Thực tế, xuất khẩu lao động chỉ dành cho đối tượng từ 18 đến 40 tuổi, chiếm khoảng một phần ba số lao động khai thác gần bờ tại địa phương. Mặt khác, kinh phí cho xuất khẩu lao động cũng khá cao, cho nên ngư dân khó đáp ứng được yêu cầu của đơn vị tuyển dụng. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu lao động cũng là “sân chơi” bình đẳng cho tất cả lao động, buộc ngư dân phải tuân thủ quy định, tiêu chuẩn chung như trình độ ngoại ngữ, học vấn, tay nghề, sức khỏe… Do vậy, ngư dân không dễ dàng hội đủ các tiêu chuẩn trên. Về các vùng ven biển những ngày này, ngư dân mong muốn được đào tạo nghề để sản xuất tại địa phương nhiều hơn là đi xuất khẩu lao động. Tại các buổi gặp gỡ, đối thoại với lãnh đạo tỉnh, huyện, ngư dân tại một số xã ven biển ở huyện Phú Vang mong muốn chuyển đổi từ khai thác gần bờ sang khai thác xa bờ, chế biến thủy sản hoặc xây dựng làng nghề nước mắm, muốn được đầu tư khu hậu cần nghề cá trên địa bàn để người dân không phải rời làng, xa quê hương làm ăn. Một số lao động trẻ muốn học nghề máy trưởng, thuyền trưởng để tham gia đánh bắt xa bờ hiệu quả hơn. Hiện tỉnh đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ hơn 10 tỷ đồng kinh phí đào tạo nghề cho hơn 2.500 ngư dân bị ảnh hưởng trực tiếp với mục tiêu khôi phục, phát triển hoạt động đánh bắt hải sản bằng cách tạo điều kiện cải hoán, nâng cấp tàu cá cho ngư dân; đào tạo nghề sửa chữa máy nổ, hàn, may, điện. Về lâu dài là xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng gia trại, trang trại; xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, điện, thủy lợi, hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi. Tuy nhiên, chuyển đổi nghề gì cũng phải dựa vào trình độ, khả năng của người dân và nhất là cơ quan chức năng cùng bàn bạc với người dân trước khi đưa ra quyết định cho phù hợp.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Trước những vướng mắc nêu trên trong quá trình ổn định đời sống và sản xuất của người dân, các địa phương đã có những kiến nghị trực tiếp. Cụ thể, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu phân loại lao động theo độ tuổi, trình độ để đào tạo nghề; hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người dân vùng bị ảnh hưởng và hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp (nếu lao động chuyển đổi sang làm việc trong các doanh nghiệp); tạo điều kiện cho lao động tại địa phương có đủ điều kiện tham gia vào các dự án khắc phục môi trường biển khi các dự án được triển khai. Về phía tỉnh Quảng Trị, người dân mong muốn các ngành chức năng sớm huy động các nguồn lực thực hiện Đề án khôi phục sản xuất và phát triển nghề cho người dân ven biển. Tiếp tục đầu tư và đưa vào khai thác có hiệu quả tuyến du lịch ven biển Cửa Tùng, Cửa Việt, mở hướng du lịch ra đảo Cồn Cỏ nhằm thu hút khách du lịch, tạo cơ hội tăng thu nhập cho người dân.

Trong khi đó, tại Hà Tĩnh, vấn đề cơ sở hạ tầng nghề cá được người dân đặc biệt quan tâm. Tính đến thời điểm hiện tại, Hà Tĩnh có 7.045 tàu khai thác hải sản, tổng công suất hơn 200 nghìn CV, trong khi đó hệ thống hạ tầng các cảng cá và khu neo đậu, tránh trú bão vừa thiếu, vừa yếu, khiến năng lực khai thác, đánh bắt của các đội tàu, thuyền bị giảm sút rất nhiều. Theo Giám đốc Ban quản lý các cảng cá tỉnh Hà Tĩnh Bùi Tuấn Sơn, trong quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của cả nước (được phê duyệt tháng 11-2015), tất cả các cảng cá và khu neo đậu tránh bão trên địa bàn tỉnh chỉ được thiết kế đáp ứng cho tàu có công suất dưới 600 CV. Câu hỏi đặt ra là với quy hoạch trên thì liệu những con tàu đánh cá có công suất hơn 600 CV, nhất là tàu vỏ thép có công suất hơn 800 CV có đủ điều kiện vào neo đậu tại các cảng cá và âu neo đậu tránh trú bão hay không? Và các tàu đánh bắt công suất lớn này sẽ đi về đâu khi hàng nghìn lao động gián tiếp vẫn mong chờ mỗi chuyến tàu cập bến? Đối với băn khoăn này, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Vũ Văn Tám cho biết: Cơ sở hạ tầng nghề cá đúng là một vấn đề lớn cần giải quyết. Chính vì vậy, đối với dự án hỗ trợ lãi suất đóng mới 400 tàu cá cho ngư dân bốn tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất và được đồng ý không thực hiện dự án, dành kinh phí cho xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá, bảo đảm cộng đồng ngư dân ven biển được hưởng lợi chung. Việc xây dựng cũng cần có thời gian, nhưng sẽ triển khai trong thời gian sớm nhất. Ngoài ra, ngư dân bốn tỉnh có nguyện vọng muốn đóng tàu khai thác xa bờ, vẫn có thể tiếp tục thực hiện theo Nghị định 67. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ ưu tiên điều chỉnh bổ sung chỉ tiêu số tàu đóng theo Nghị định 67 cho bốn tỉnh.

Tại phiên họp thứ 9 của Ban chỉ đạo về các giải pháp ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho người dân bốn tỉnh miền trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Việc chi trả bồi thường thiệt hại cơ bản đã hoàn tất ở cả bốn tỉnh. Hiện các hoạt động sản xuất, dịch vụ, du lịch đã có nhiều khởi sắc. Môi trường biển đã an toàn để người dân yên tâm sản xuất, kinh doanh. Vấn đề đặt ra tại thời điểm này là chăm lo tốt an sinh xã hội, đời sống người dân, đặc biệt hướng dẫn người dân sử dụng có hiệu quả tiền hỗ trợ của Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan chung tay cùng địa phương thực hiện các nhiệm vụ trên một cách nhanh chóng và hiệu quả. Chính vì vậy, trong thời gian tới, điều mà người dân bốn tỉnh miền trung mong đợi nhất từ chính quyền các cấp là những định hướng mới trong phát triển sản xuất, kinh doanh cũng như những chính sách hợp lý, dễ triển khai trong việc hỗ trợ ngư dân vươn khơi, tiếp tục công việc làm giàu từ biển và giữ gìn biển đảo quê hương.

(*) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 20-9-2017.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kinh phí thực hiện một số nhiệm vụ theo Quyết định 12/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Xác định thiệt hại, thực hiện bồi thường, hỗ trợ; khôi phục sản xuất và bảo đảm an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế” được dự kiến phân bổ như sau: Bảo đảm sức khỏe người dân và an toàn thực phẩm: 198,12 tỷ đồng; Hỗ trợ giáo dục và đào tạo nghề, tạo việc làm: 464 tỷ đồng; Khôi phục phát triển sản xuất: 1.245 tỷ đồng; Các dự án: Khôi phục, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản, Xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường biển miền trung có kinh phí 400 tỷ đồng; Dự kiến phân bổ xây dựng cảng cá, bến cá tại bốn tỉnh: 1.200 tỷ đồng…

NHÓM PHÓNG VIÊN
http://www.nhandan.com.vn
 

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập288
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại881,181
  • Tổng lượt truy cập92,054,910
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây