Học tập đạo đức HCM

Nơi con người là hoa của đất

Thứ ba - 07/10/2014 11:16
Từ một ý tưởng đã biến nhiều đồng đất hoang hóa ở huyện Cao Phong tỉnh Hòa Bình trở thành những vùng trù phú, phì nhiêu.

Nơi đó bây giờ là bạt ngàn vườn cam trĩu quả, ruộng mía ngút ngàn màu xanh cho thu nhập hàng tỷ đồng. Tất cả đã nói lên sự đổi thay diệu kỳ của biết bao gia đình nơi miền sơn cước ấy.         

Ý tưởng “đẻ” ra từ đất

Chuyện bắt đầu từ năm 2010. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, ông Nguyễn Văn Phúc – Phó Chủ tịch MTTQ huyện Cao Phong (nay là Trưởng phòng nông nghiệp) đã nghe nhiều kiến nghị của nhân dân rằng cán bộ có cách nào làm cho nhân dân giàu lên được không? Đất đai thì nhiều mà dân nghèo lắm. Một câu hỏi không dễ để có câu trả lời ấm lòng nhân dân!

Gắn bó nhiều năm với con người và đồng đất Cao Phong, ông Phúc hiểu hơn ai hết khát khao thoát nghèo của nhân dân. Từ đó, ông lật giở từng trang chính sách ở những ngày đầu Đổi mới, chỉ thị 100 đến khoán 10. Rồi nữa, là Luật đất đai, Luật công chức, viên chức…

Tất cả ông đọc đi đọc lại nhiều lần. Nhưng không nhiều bằng việc ông đã cùng với cán bộ mặt trận của các xã trong huyện lặn lội khắp các vùng đồi núi, nơi người dân đã từng trồng cam, trồng mía, cấy lúa mỗi năm chỉ một vụ để tìm hiểu căn nguyên mà lựa ra giải pháp thích hợp cho phát triển.

May thay, cuộc mò mẫm ấy đã dẫn ông gặp anh Bùi Văn Hợp – Phó Chủ tịch MTTQ xã Tây Phong. Ý tưởng thoạt ra thật đơn giản. Một cuộc bàn thảo diễn ra nhanh chóng ngay trên quả đồi 1ha của gia đình anh Hợp. Mảnh đất lúc đó chỉ có 3 loại cây: 400 m2 trồng lúa ở phía dưới chân đồi, lên cao một tý là khoảng 2000 m2 trồng mía; diện tích còn lại là cỏ dại.

Thấy vậy, ông Phúc bảo: Này anh Hợp, tôi bỏ tiền ra đầu tư giống, KHKT cùng anh cải tạo mảnh đất này trồng cam được không? Sau một hồi đắn đo, cuối cùng anh Hợp đã nhất trí. Họ không chỉ thống nhất về chủ trương mà còn thỏa thuận được phương án chia lợi nhuận. Thật sòng phẳng khi cả hai quyết định ở mức 50/50.


Nhiều vườn cam trĩu quả ở Cao Phong mọc lên từ những đồi hoang hóa

Hai người cán bộ đó sắp xếp được thời gian để vừa hoàn thành tốt công việc của một công chức, vừa có thời gian thuê máy cải tạo đất. Chỉ trong thời gian ngắn, hơn 1.200 gốc cam đã được trồng trên quả đồi. Lúc đầu chỉ có 2 người, dần dần thì có vợ, con và anh em cùng tham gia. Rồi các đoàn cán bộ từ huyện đến các xã về tìm hiểu.  

Trước thời điểm ấy, Cao Phong đã có 150ha cam rãi rác ở các xã nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Dường như cam Cao Phong ở những năm đó cũng chưa thực sự có sản lượng và tiếng tăm lớn như bây giờ.

Vừa rồi Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh lên thăm các vườn cam ở Cao Phong và nhận thấy cách làm của nhân dân là hướng đi thích hợp. Còn Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh tại buổi làm việc với huyện ủy Cao Phong hôm 06/9 đã hài lòng việc liên kết này. Bí thư Tỉnh ủy giao Sở NN – PTNT tiếp tục tìm hiểu để việc liên kết đầu tư này đảm bảo các quy định. Tinh thần của Tỉnh ủy là ủng hộ cách làm sáng tạo, hiệu quả.   

Trở lại câu chuyện hai người cán bộ MTTQ nói trên, thời gian sau đó, theo ông Phúc thì đã có rất nhiều người tham gia xây dựng các mô hình như thế. Cách triển khai thật đơn giản, người có điều kiện về kinh tế góp vốn và KHKT cùng nhân dân SX lớn.

Đến nay trên địa bàn toàn huyện đã có khoảng 2.000ha cam với hình thức hợp tác liên kết đầu tư. Không chỉ có cam mà 2.500ha mía tím ở đây cũng được phát triển trên nền tảng đó. Xin nói thêm, các huyện Lương Sơn, Kỳ Sơn và Kim Bôi mô hình đó đã được nhân rộng. Tại Kim Bôi đã có 300ha cam.

Sự liên kết này đã cải tạo phần lớn diện tích đất đồi hoang hóa, hoặc cây trồng có giá trị kinh tế thấp ở Cao Phong. Nó làm thay đổi tư duy trong cách nghĩ, cách làm của người nông dân. Đặc biệt, quyền lợi của họ đã được bảo đảm, gắn chặt với lợi nhuận mà họ tạo ra. Từ chỗ đó đã có rất nhiều hộ gia đình thoát nghèo, vươn lên giàu có.

Hoa của đất

Anh Trần Văn Tuyên ở số nhà 61, khu 4, thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong tự sự rằng: Chúng tôi sinh ra và lớn lên trên miền núi này, nếu không thực sự chịu khó thì đói nghèo cứ đeo đẳng. Cách đây 10 năm, gia đình đã trồng 1,2ha cam đến năm 2008 thì cam cho quả, bán 20 tấn, thu được 100 triệu đồng.

Hai năm sau đó, gia đình anh Tuyên đã trồng gối vụ thêm được 4ha. Nhưng như lời anh nói, không chỉ riêng anh, nhiều hộ khác trong huyện vẫn cách SX tự làm, tự tiêu thụ nên hiệu quả không cao. Đến năm 2011 khi biết có việc liên kết đầu tư ở các xã Tây Phong, Tân Phong, Dũng Phong, Yên Lập do MTTQ đứng ra phát động thì anh đã tìm hiểu và từ đó thực sự chú tâm cho việc mở rộng trồng cam.


Nhiều diện tích đất lúa ở Cao Phong SX không hiệu quả đã được chuyển sang trồng mía tím

Bằng kiến thức có được và chút vốn ít ỏi, anh Tuyên đã liên kết đầu tư cho 5 hộ dân trong vùng được 5ha. Những gì mà chúng tôi được biết, trước đó 5 hộ dân này đều có hoàn cảnh khó khăn, có đất SX nhưng không có vốn để đầu tư. Việc liên kết đã giúp họ dần thoát cảnh cơ cực.

Năm 2013, trong số 5 hộ liên kết cùng anh Tuyên đã có hộ Bùi Văn An ở xã Đông Phong có cam thu hoạch. Vì là vụ bói nên sản lượng còn ít nhưng 8.000 m2 trồng cam đã cho doanh thu 400 triệu. Anh Tuyên bảo, số tiền đó chia làm 2, ông An được nhận 200 triệu đồng.

Đó là số tiền mà nông dân Bùi Văn An chưa từng nghĩ sẽ có ngày được cầm trên tay mà nó sinh ra từ chính mảnh đất của mình. Vụ cam tới đây, ông An sẽ thu hoạch lần 2, các hộ còn lại bắt đầu thu bói. Anh Tuyên khẳng định chắc nịch, họ sẽ thoát nghèo hết và sẽ giàu một cách nhanh chóng.

Chị Phương khoe, vừa rồi bán hết mía lưu 2013 thu được 70 triệu đồng thì đã trả hết nợ cho ngân hàng. Số còn lại mua tủ lạnh, ti vi, bếp gas. Chị tâm sự: “Mới ngày nào cơm không đủ no thì nay đi làm về, mở tủ lạnh đã có cái ăn”. Chị còn khoe đầu năm nay, gia đình đã ra khỏi danh sách hộ nghèo. Hiện nhà không cấy lúa nữa. Lấy tiền bán mía để mua gạo ngon. Nói rồi chị đứng dậy mở tủ lạnh lấy sữa chua mời chúng tôi ăn.

Năm hộ dân liên kết với anh Tuyên thì sẽ thoát nghèo mà vươn lên giàu mạnh. Còn anh Tuyên bây giờ đã  là tỷ phủ. Tỷ phú đúng nghĩa. Năm nào anh cũng mở rộng quy mô, bằng cách góp vốn đầu tư và mua thêm đất trồng cam. Đến nay gia đình đã có 17ha.

Hằng năm, gia đình thu hoạch đạt khoảng 80 tấn cam, với giá bán 18 – 25.000đ/kg, bình quân thu được 1,5 tỷ đồng. Anh bảo, năm ngoái bán hết cam thu được 3 tỷ, trừ chi phí còn lãi trên 2 tỷ đồng. Năm nay có 7ha cam cho thu hoạch, dự kiến sản lượng đạt 250 tấn, giá trị khoảng 5 tỷ đồng.

Tôi hỏi anh, lao vào làm kinh tế như thế, còn thời gian cho vợ con không? Anh Tuyên cười và bảo: đủ đấy! Vợ con ngoan và hỗ trợ bố rất nhiều nên mọi việc suôn sẻ. Các con đều học giỏi. Con gái lớn đang học Đại học Kinh tế Quốc dân, con trai năm nay lên lớp 4.

Không chỉ làm giàu cho mình, anh Tuyên còn giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động, chủ yếu là con em các hộ liên kết. Đây cũng là một thành quả của phương thức làm ăn này.

Nhân đây chúng tôi xin chép lại câu chuyện của chị Bùi Thị Phương ở xóm Ong Hai xã Nam Phong. Sau khi lập gia đình, bố mẹ cho hai vợ chồng 300 m2 đất lúa và 800 m2 đất đồi. Cùng với 2 đứa con nhỏ, chừng ấy đất SX không đủ để gia đình họ thoát nghèo.


Cam vàng Cao Phong

Suy nghĩ mãi, anh chị quyết định vay vốn ngân hàng để mua 1ha đất đồi của một hộ dân trong xã. Ngày giao đất, nhìn quả đồi hoang sơ nhưng với quyết tâm thay cỏ dại bằng cây mía nên năm đầu, anh chị chỉ đủ sức cải tạo được 2.000 m2 để trồng mía. Vụ mía đầu tiên cho thu nhập 40 triệu đồng là số tiền mà anh chị chưa một lần nghĩ đến. Ngoài chi ra 8 triệu trả nợ phân bón đầu vụ, số tiền còn lại, anh chị dành cho việc tiếp tục cải tạo đất.

Chị Phương bảo, sang năm, 1ha này sẽ phủ kín mía. Nếu được giá như bây giờ thì cũng thu được 200 triệu đồng. Tôi hỏi, mía ở đây bán cho NM đường nào? Chị cười và nói, bán cho NM đường thì vẫn còn đói. Mía ở đây bán theo cây, mỗi cây 5.000đ và người ta vào tận ruộng mua, không phải mang đi đâu bán cả.

Nguồn: nongnghiep.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập422
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm421
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại838,846
  • Tổng lượt truy cập92,012,575
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây