Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT), 6 tháng đầu năm 2018, sản xuất toàn ngành nông nghiệp tăng trưởng mạnh; tốc độ tăng trưởng vượt mục tiêu đã đề ra và đạt mức cao. Dự kiến GDP nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm tăng từ 3,95% - 4,05%, đạt mức tăng cao nhất trong 10 năm gần đây; giá trị sản xuất nông lâm thủy sản tăng trưởng 4,2%. Trong đó, trồng trọt tăng 4,12%, chăn nuôi tăng 2,04%, lâm nghiệp tăng 5,21%, thuỷ sản tăng 6,49%.
Bên cạnh đó, thị trường trong nước ổn định, thị trường xuất khẩu được mở rộng, tiêu thụ hàng hóa được đẩy mạnh. Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành 6 tháng ước đạt 19,4 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2017.
Đặc biệt, đến cuối tháng 6/2018, cả nước có 3.370 xã (37,76%) đạt chuẩn Nông thôn mới (tăng 625 xã so với cùng kỳ năm 2017, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra); còn 118 xã đạt dưới 5 tiêu chí (giảm 76 xã so với tháng 6/2017). Đồng thời, có 52 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới (tăng thêm 18 huyện so với cùng kỳ năm 2017).
Tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng Nông thôn mới được quyết liệt giải quyết. Theo số liệu tổng hợp từ các địa phương, tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản đến thời điểm 31/5/2018 còn 1.631,9 tỷ đồng (giảm 89,3% so với tổng số nợ 15.218 tỷ đồng vào thời điểm tháng 1/2016); đã có 40 tỉnh cơ bản xử lý xong nợ, 22 tỉnh còn lại có số nợ trọng trên 10 tỷ đồng.
Dù vậy, theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, cơ cấu lại nông nghiệp mặc dù đã đạt nhiều kết quả tích cực nhưng chưa đồng đều; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và người dân chưa trở thành phổ biến, chủ đạo.
Cùng với đó, thị trường tiêu thụ nông sản đã có nhiều chuyển biến, nhưng nhìn chung vẫn là khâu yếu. Công tác dự báo cung, cầu còn bất cập nên có lúc, có nơi đã xảy ra tình trạng nông sản bị tồn đọng, tiêu thụ chậm, giá giảm, nhất là vào thời điểm thu hoạch chính vụ, ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập và đời sống của người dân.
Công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp phụ trợ đã từng bước được nâng cao năng lực; một số tập đoàn lớn đã chú trọng đầu tư vào chế biến nhưng vẫn chậm so với yêu cầu sản xuất hàng hóa lớn. Tổn thất sau thu hoạch còn cao, sản phẩm chế biến sâu chiếm tỉ lệ thấp, giá cả sản phẩm phụ thuộc nhiều vào mùa vụ.
Theo Bộ NN&PTNT, để đạt được mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất năm 2018 là 3,25%, 6 tháng cuối năm giá trị sản xuất toàn ngành phải đạt được mức tăng trưởng từ 2,3% trở lên.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: "Cần tổ chức các thiết chế, hạ tầng thương mại, phù hợp với tốc độ của một quốc gia hơn 90 triệu dân đang đô thị hóa nhanh" - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Về xuất khẩu, 6 tháng đầu năm đã đạt 19,4 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ. Dự báo 6 tháng cuối năm thị trường xuất khẩu tiếp tục được mở rộng, giá cả cơ bản ổn định, sản lượng xuất khẩu nhiều khả năng tăng cao do nhu cầu tiêu dùng quốc tế những tháng cuối năm tăng. Vì vậy, nhiều khả năng xuất khẩu nông sản sẽ tiếp tục giữ mức tăng trưởng cao hơn 6 tháng đầu năm (trên 12%) và kim ngạch xuất khẩu năm 2018 sẽ đạt 40-41 tỷ USD.
Trong những tháng cuối năm, nhằm triển khai nhiệm vụ, ngành nông nghiệp chú trọng đến đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phấn đấu vượt mục tiêu tăng trưởng của năm. Đồng thời, đề xuất các giải pháp tổng thể, đồng bộ về kế hoạch, cơ cấu sản xuất các cây trồng, vật nuôi... thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu, nhất là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, để triển khai hiệu quả nhiệm vụ ngành nông nghiệp những tháng cuối năm, cần đặc biệt quan tâm đến công tác thị trường. Từ nay đến cuối năm cần tập trung hơn, không chỉ quan tâm đến các thị trường truyền thống mà còn phát triển các thị trường mới, còn nhiều dư địa.
Đồng thời, cần tổ chức thật tốt thị trường trong nước thích ứng với sự phát triển của xã hội, đảm bảo cân đối hơn giữa thị trường trong nước và nước ngoài, đảm bảo tăng trưởng cho khu vực nông nghiệp.
“Cần tổ chức các thiết chế, hạ tầng thương mại, phù hợp với tốc độ của một quốc gia hơn 90 triệu dân đang đô thị hóa nhanh. Trên cơ sở đó, chúng ta khai thác tốt hơn, cân đối hơn hai loại thị trường trong nước và nước ngoài, đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, trong đó có khu vực nông nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.
Đỗ Hương/http://baochinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;