Quẩn quanh cây lúa, con tôm
Dù các tiểu vùng trong vùng ĐBSCL có những thế mạnh khác nhau đối với các loại nông sản, nhưng thực tế hầu hết các địa phương đều chọn cây lúa để phát triển. Ngay như tiểu vùng bán đảo Cà Mau (gồm Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang) cũng chọn cây lúa, hạt gạo làm sản phẩm chủ lực dù lợi thế về sản xuất vận chuyển, công nghệ, tiêu thụ… thua xa các tiểu vùng khác.
Các tiểu vùng khác cũng ưu tiên lựa chọn cây lúa làm sản phẩm chủ lực trong nông nghiệp. Điều này dẫn đến sản lượng lương thực toàn vùng ĐBSCL tăng cao trong nhiều năm nay và hệ lụy của nó dẫn đến là tình trạng thiếu nước trong sản xuất và thoái hóa đất trồng lúa đã hiện diện trên từng thửa ruộng. Tiến sĩ Lương Quang Xê - Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam - cảnh báo: “Tình trạng thiếu nước ngọt và cả nước mặn cho trồng lúa và cả nuôi trồng thủy sản vào các năm tới sẽ tiếp tục xảy ra do hệ thống thủy lợi cho toàn vùng ĐBSCL chưa hoàn chỉnh, tiểu vùng bán đảo Cà Mau thiếu nước ngọt do ĐBSCL không còn mùa lũ. Chính vì vậy, cần phải quy hoạch lại thủy lợi một cách đồng bộ để phục vụ sản xuất đa dạng, nhiều mô hình”.
Trong khi đó, TS Nguyễn Trọng Uyên - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp - Bộ NN&PTNT - cho biết, lúa là sản phẩm chủ yếu của vùng tứ giác Long Xuyên (TGLX), gồm An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ. Nông dân mỗi địa phương sử dụng từ 30-40 giống lúa và chưa chọn được giống đặc trưng cho từng vùng sản xuất khác nhau. Đây cũng chính là lý do chính khiến cho năng suất lúa có xu hướng giảm dần, nguồn nước tiêu tốn nhiều...
TS Uyên cũng đưa ra kết quả nghiên cứu là tiểu vùng bán đảo Cà Mau dù không có lợi thế nhưng vẫn phát triển cây ăn trái, các loại cây có múi, thậm chí trồng cả cây thanh long, trong khi đó các loại cây có khả năng và lợi thế lại chưa được chú ý đến như cây khóm (dứa), cây mía, cây chuối…
Các tỉnh đầu nguồn ĐBSCL như Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang chọn cây lúa là hướng đi đúng, phù hợp, nhưng các tỉnh khác cũng trồng, cũng có đề án phát triển mạnh trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, nông dân của mình.
“Các tỉnh ven biển đều quy hoạch nuôi tôm nước lợ, nhưng sản phẩm tôm Việt chưa được đầu tư đúng mức từ nguyên liệu, con giống, công nghệ nuôi đến chế biến xuất khẩu”, Giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu Lương Ngọc Lân nhận định.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, thời gian qua, các tiểu vùng luôn độc canh cây lúa, ngành khác phát triển chưa tương xứng, phá vỡ quy hoạch làm lợi nhuận của người dân giảm. Vì vậy, việc liên kết phát triển giữa các địa phương là rất cần thiết, sẽ giúp giải quyết được an ninh về nguồn nước, có nhiều cơ hội kêu gọi đầu tư. Trong liên kết này, đảm bảo không có sự tranh chấp nguồn nước, thay đổi tập quán sản xuất của người dân...
Cần liên kết để lựa chọn ưu tiên phát triển
Trong khi đó, tiểu vùng ven sông Tiền, sông Hậu vốn được xem là thủ phủ của cây trái miền Tây cũng bị các tiểu vùng khác cạnh tranh cây trái một cách gay gắt. Các loại xoài, cam, quýt, sầu riêng, măng cụt vài năm nay không chỉ người Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre “độc quyền” nữa mà các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, Trà Vinh cũng trồng được và phát triển.
PGS-TS Nguyễn Văn Sánh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL - nhận định: “Việc tăng diện tích sản xuất lúa đã làm tăng khí thải nhà kính, tiêu hao lượng nước khi nguồn tài nguyên này đang ngày càng hiếm. Vì vậy, không nên tăng diện tích nữa mà cần nghiên cứu giúp xem 1 kg lúa thu hoạch được tốn bao nhiêu nước, làm tăng phát thải nhà kính thế nào, từ đó có hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa hợp lý”.
Từng trực tiếp chỉ đạo thực hiện dự án canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính ở tiểu vùng tứ giác Long Xuyên, bà Trần Thu Hà - giám đốc dự án - cho rằng, tới đây, thay vì trồng lúa liên tục thì nên chuyển sang mô hình lúa - tôm, lúa - màu.
Trong khi đó, tại Đồng Tháp, tỉnh chọn 5 ngành hàng chủ lực tổ chức tái cơ cấu sản xuất gồm: Lúa gạo, hoa kiểng, xoài, cá tra và vịt. Lý do tỉnh này chọn 5 ngành hàng là vì hàng năm, Đồng Tháp có hơn 541.800 ha sản xuất lúa, sản lượng trên 3,31 triệu tấn/năm. Đối với cá tra, toàn tỉnh có hơn 2.000 ha, sản lượng hơn 378.000 tấn, xuất khẩu sang 130 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Phát triển cây trồng nhỏ lẻ, manh mún sẽ không xây dựng được thương hiệu nông sản
Doanh nhân Lê Quốc Phong, Tổng GĐ Cty CP Phân bón Bình Điền.
Sản xuất nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long thời gian vừa qua đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, trở thành vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm, luôn chiếm sản lượng và kim ngạch xuất khẩu lớn của cả nước, như lúa gạo, trái cây, thủy sản... Trong đó, lúa gạo chiếm tỉ trọng khá lớn, dù biết trồng lúa có nhiều rủi ro về thời tiết, thiên tai, dịch bệnh, thị trường đầu ra và lợi nhuận không cao nhưng với người nông dân, trồng lúa vẫn là giải pháp an toàn nhất. Chỉ cần gieo sạ, bón phân, chăm sóc và thu hoạch, nếu bán không được giá thì trữ lại mà không sợ bị hư hại.
Ngoài trồng lúa, nhiều nông dân còn tranh thủ trồng thêm nhiều loại cây trồng khác một cách tự phát phòng khi lúa không bán được thì có nông sản khác dự phòng và không bị đói. Chính điều này đã phá vỡ tính đặc thù của các loại nông sản đặc trưng của từng địa phương, hình thành một thị trường sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, khó có thể xây dựng thương hiệu nông sản khi mà ở chỗ nào cũng trồng xoài, bưởi, cam, sầu riêng... Lúa thì canh tác lên trên 40 loại giống khác nhau, chưa có giống đặc trưng cho từng
vùng. Do đó, việc liên kết, hợp tác sản xuất nông sản chủ lực tiểu vùng ở các tỉnh ĐBSCL là một sự liên kết hết sức cần thiết và mang tính lâu dài. Vì từ đây, sẽ có điều kiện bố trí lại cơ cấu cây trồng và vụ mùa hợp lý giữa các tiểu vùng theo định hướng của thị trường, cùng nhau hợp tác để phát triển các loại nông sản đặc thù có chất lượng cao, giải quyết vấn đề ổn định đầu ra cho các loại nông sản giúp nó vươn xa ra thị trường quốc tế.
Điều quan trọng hơn cả là khi sự liên kết này hình thành thì bắt buộc phải hình thành việc xây dựng thương hiệu nông sản gắn liền với địa danh như chúng ta đã có nước mắm Phú Quốc, thanh long Bình Thuận, dừa Bến Tre, tiêu Cùa (Quảng Trị), xoài cát Hòa Lộc, cà phê Ban Mê Thuột... Khi thương hiệu nông sản được xây dựng trên cơ sở tiểu vùng hoặc vùng thì thương hiệu đó là tài sản của tất cả mọi thành phần tham gia trong chuỗi liên kết tạo ra trách nhiệm cộng sinh. Chính nó sẽ tạo sức sống và giá trị gia tăng cho nông sản.
Chỉ có liên kết, sản xuất nông nghiệp Việt Nam mới có cơ hội tái cấu trúc cây trồng vật nuôi một cách triệt để, hạn chế sản xuất nông nghiệp manh mún, tự phát và nông dân sản xuất các loại nông sản theo định hướng của sự liên kết và nhu cầu của thị trường. Chính điều này sẽ tăng sức mạnh nhằm cạnh tranh với nông sản các nước khác trên thị trường trong nước và thế giới. Để sự liên kết này thành công, các địa phương và nông dân rất cần những cơ chế và chính sách một cách cụ thể và kịp thời từ phía Nhà nước.
Lê Quốc Phong
theo Báo Lao Động
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;