Vai trò của tổ chức đảng và đảng viên cơ sở trong xây dựng nông thôn mới
Tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung, hiện đại hóa nông thôn nói riêng có tiến hành thuận lợi, hiệu quả hay không; phát triển xã hội nông thôn nói chung, phát triển kinh tế nông thôn nói riêng đáp ứng được những yêu cầu mới của thời đại, có đi đúng mục tiêu hay không, mấu chốt là ở sự lãnh đạo của Đảng có hiệu quả, nhất quán, quyết liệt, triệt để hay không. Đến lượt mình, hiệu quả lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức cơ sở đảng nông thôn quyết định bởi sự định vị chính xác vai trò, vị trí của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên và vấn đề phát huy tác dụng hạt nhân của tổ chức này. Bởi lẽ, tổ chức cơ sở đảng (chi bộ cơ sở, đảng bộ cơ sở) nói chung, từng đảng viên cơ sở nói riêng là nền tảng, là hạt nhân chính trị cơ sở; là tổ chức gần dân, sát dân nên dễ dàng nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng, tình cảm, suy nghĩ của người dân.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X, ngày 5-8-2008, "Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn" (Nghị quyết số 26-NQ/TW), đã khẳng định: "Giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội..." (1), do đó, các cấp ủy đảng nói chung, tổ chức cơ sở đảng nói riêng đóng vai trò hạt nhân lãnh đạo chính trị của tổ chức cơ sở đảng ở cơ sở, thúc đẩy tiến trình thực hiện nông thôn mới hiện nay, bởi đây là tổ chức sát dân, gần dân, có điều kiện gắn bó và hiểu người nông dân hơn. Xây dựng nông thôn mới là vấn đề chiến lược lâu dài gắn với những mục tiêu toàn diện trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó bao gồm cả việc xây dựng và đẩy mạnh các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, an ninh - quốc phòng và cả vấn đề xây dựng Đảng, bao gồm kiện toàn bộ máy cơ sở đảng như tinh thần của nội dung thứ 10 trong 11 nội dung của Quyết định 800/QĐ-TTg về Phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, của Thủ Tướng Chính phủ ngày 4-6-2010 (2). Theo đó, việc tập trung củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh về tư tưởng, chính trị, năng lực tổ chức, điều hành lãnh đạo, chỉ đạo để hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới của địa phương là nhiệm vụ quan trọng trong tình hình hiện nay.
Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới ở nước ta hiện nay, vai trò, nhiệm vụ căn bản của tổ chức cơ sở đảng được thể hiện trong các bình diện sau:
Một là, phát triển xã hội nông thôn nói chung, phát triển sản xuất kinh tế nông thôn nói riêng. Phát triển xã hội nông thôn là cơ sở, mục tiêu, cũng là nhiệm vụ hàng đầu trong xây dựng nông thôn mới. Do đó, tổ chức cơ sở đảng có vai trò trọng yếu là định hướng (theo chủ trương chung của Đảng và bám sát vào tình hình thực tế đặc thù của địa phương mình) để thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân thoát nghèo, từng bước tiến đến làm giàu. Chi bộ Đảng cấp thôn, xã cần phải nắm rõ được định hướng chung, chỉ đạo chung nhưng cũng cần phải biết rõ được những đặc điểm, ưu thế, thực lực của địa phương, từ đ
Hai là, nâng cao thu nhập cho nông dân. Nông thôn trù phú, hiện đại; nông nghiệp phát triển bền vững và người nông dân giàu có, sung túc là đặc trưng, cũng là biểu hiện sinh động nhất và cũng là mục tiêu của chiến lược xây dựng nông thôn mới. Phát triển nông thôn, làm giàu cho nông dân là nhiệm vụ hàng đầu của tổ chức cơ sở đảng. Nói cách khác, tổ chức cơ sở đảng có trách nhiệm và vai trò trọng yếu trong công tác xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập cho nông dân; tìm kiếm và xúc tiến các kênh làm giàu cho nông dân, phát triển kinh tế địa phương.
Ba là, định hướng giáo dục văn hóa, văn minh nông thôn. Thúc đẩy văn minh, xây dựng văn hóa nông thôn là nội dung hạt nhân trong xây dựng nông thôn mới (3). Tổ chức cơ sở đảng có vai trò và trọng trách trong xây dựng, định hướng, giáo dục văn hóa và tố chất văn hóa, lối sống văn minh cho nông dân, kiến tạo một bộ mặt văn minh cho nông thôn. Thông qua các hình thức, phương thức khác nhau theo đặc thù của địa phương mà có thể tổ chức giáo dục, nâng cao nhận thức cho nông dân trở thành những hình mẫu người "nông dân mới" có văn hóa, hiểu biết về khoa học, kỹ thuật, có chí hướng làm ăn, biết làm giàu chính đáng, tương thân tương ái; có lý tưởng, hiểu biết và tôn trọng pháp luật,...
Bốn là, cải thiện diện mạo nông thôn. Trong bộ 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì kiến tạo, cải thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật nông thôn chiếm nhiều tiêu chí hơn cả. Điều này cũng nói lên vai trò của việc xây dựng "phần cứng" trong nông thôn mới và đây cũng là trọng trách quan trọng của tổ chức cơ sở đảng. Tuy nhiên, việc cải thiện diện mạo nông thôn không chỉ dừng lại ở việc kiến thiết các kết cấu hạ tầng kỹ thuật mà còn, và hơn thế nữa, nâng cao nhận thức của người dân về ý thức bảo vệ môi trường, tôn tạo cảnh quan nông thôn, giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống cũng như ý thức quản lý, tự quản, giám sát trong tiến trình xây dựng kết cấu hạ tầng.
Sau 3 năm triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, nhờ nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng với sự đồng thuận của nhân dân, nhiều địa phương đã kiến tạo nên một diện mạo mới cho nông thôn, dần từng bước hiện đại hóa nông nghiệp và nâng cao thu nhập, chất lượng sống cho nông dân. Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước đã có 34 xã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (4), không ít tỉnh, thành trong cả nước, sau 3 năm triển khai thực hiện đã có những xã hoàn thành 19/19 tiêu chí, chẳng hạn, thành phố Hà Nội có 12 xã đạt 19/19 tiêu chí (5); Thành phố Hồ Chí Minh có 2 xã đạt 19/19 tiêu chí (6); Trà Vinh đã có 1 xã đạt 19/19 tiêu chí (7)... Trong đó có công tác kiện toàn và nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đó là điều đáng ghi nhận và triển khai nhân rộng.
Tuy nhiên, để đẩy nhanh tốc độ xây dựng nông thôn mới, nhất là các vùng sâu vùng xa, vùng hải đảo, khu vực khó khăn bảo đảm đến năm 2015 có 85% số xã đạt chuẩn và năm 2020 là 95% số xã đạt chuẩn theo yêu cầu của tiêu chí 18 trong bộ 19 tiêu chí, đòi hỏi tổ chức cơ sở đảng ở nông thôn cần phát huy tối đa năng lực, trình độ, nhận thức, tham gia trực tiếp, tích cực hơn nữa vào tiến trình xây dựng nông thôn mới.
Một số biện pháp nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng trong tiến trình xây dựng nông thôn mới hiện nay
Để nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, theo chúng tôi cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
Thứ nhất, đổi mới nội dung và phương thức sinh hoạt chi bộ theo hướng thiết thực, phù hợp với điều kiện và tình hình mới ở cơ sở. Trong sinh hoạt chi bộ, nội dung xây dựng nông thôn mới phải được xác định là một trong những vấn đề trọng yếu của công tác lãnh đạo. Qua đó, vừa trước mắt, vừa lâu dài và cũng là một trong những tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của tổ chức cơ sở đảng trong tình hình mới.
Thứ hai, nâng cao năng lực định hướng của tổ chức cơ sở đảng. Có thể nói, đây cũng là một trong những nhiệm vụ căn bản trong việc xây dựng và thực hiện chương trình nông thôn mới ở nước ta hiện nay. Bởi, xây dựng nông thôn mới không chỉ "dừng lại" ở việc thúc đẩy kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng ở nông thôn mà còn là cơ hội để kiện toàn bộ máy quản lý cơ sở nông thôn, trong đó có các tổ chức cơ sở đảng. Muốn làm được điều đó, cần đào tạo, bồi dưỡng năng lực chấp chính, năng lực định hướng chỉ đạo và làm gương của từng đảng viên và tổ chức đảng ở cơ sở. Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, tổ chức cơ sở đảng cần phải nhận thức đúng và đầy đủ về vai trò, trọng trách của mình, từ đó cần phải đổi mới phương thức chỉ đạo, vận hành, thành lập các tổ tự quản nông dân.
Thứ ba, nâng cao trình độ và năng lực của đảng viên cơ sở. Cán bộ, đảng viên là cái gốc của công việc. Xây dựng nông thôn mới cần xây dựng hình tượng người "nông dân mới" có lối sống văn hóa, văn minh, biết làm giàu, có ý thức bảo vệ môi trường,… thì cần phải có những "đảng viên mới" ở cơ sở có năng lực mới, nhận thức mới, tinh thần tiên phong bảo đảm tính định hướng và tính chỉ đạo của Đảng. Để hoàn thành tiêu chí 18, 19 trong bộ 19 tiêu chí không thể không đề cập trình độ, năng lực, nhận thức của đảng viên cơ sở. Nói cách khác, những yêu cầu về tố chất lãnh đạo, tố chất văn hóa, năng lực chấp chính; ý thức chấp hành kỷ luật, tinh thần công việc, tác phong, lối sống, đạo đức là những "yêu cầu mang tính tổng hợp" đòi hỏi đảng viên phải hoàn thiện. Trong điều kiện xây dựng nông thôn mới hiện nay, trình độ lý luận và năng lực công tác của đảng viên cơ sở được đặt lên hàng đầu.
Xây dựng nông thôn mới là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị và là sự nghiệp của toàn thể nhân dân, mục tiêu của nó là thúc đẩy sự phát triển toàn diện nông thôn, giảm khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, làm cho đời sống của người nông dân từng bước nâng cao, sản xuất nông nghiệp từng bước hiện đại, nông thôn ngày càng thịnh vượng, đất nước ngày càng phồn vinh. Để làm được điều này, cần phải phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội và đặc biệt là vai trò của các tổ chức chính trị, trong đó có tổ chức cơ sở đảng, bởi, tổ chức cơ sở đảng chính là hình tượng, là sức mạnh, là hạt nhân của Đảng ở nông thôn. Kiện toàn và phát huy vai trò, năng lực của tổ chức cơ sở đảng sẽ là động lực vô cùng to lớn trong chiến lược xây dựng nông thôn mới của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta./.
Nguồn tapchicongsan.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;