Học tập đạo đức HCM

Phong “bò” giàu chí vượt khó

Thứ năm - 18/08/2016 13:59

Phong “bò” giàu chí vượt khó

Với vốn khởi nghiệp chỉ 2 con bò ta, trải qua nhiều lần thất bại, đến nay anh Đặng Ngọc Phong (sinh năm 1981, ngụ ấp Phú Thành A, xã Tân Phú Đông, thành phố Sa Đéc, Đồng Tháp) đã trở thành ông chủ trại bò thịt và bò giống quy mô lớn.

Khởi nghiệp từ 2 con bò ta

Ngày trước, kinh tế gia đình anh Đặng Ngọc Phong dựa vào làm ruộng và chăn nuôi heo nhưng không hiệu quả do thiếu kỹ thuật. Với bản tính cần cù, siêng năng, anh Phong luôn muốn tìm hướng phát triển kinh tế đem lại nguồn thu nhập cho gia đình. Một lần, tình cờ được bạn giới thiệu nuôi bò vì dễ nuôi, thu lợi nhuận khá, anh liền mượn vốn gia đình mua 2 con bò cái ta (giống bò Việt Nam) về nuôi. Nhưng  rồi anh nhanh chóng thua lỗ vì thị trường tiêu thụ khá bấp bênh. Sau đó, anh bán cặp bò này và tìm mua 6 con bò thịt ở huyện Tri Tôn (An Giang) về nuôi. Do lượng cỏ tự nhiên không nhiều, bò chậm lớn,  anh quyết định sử dụng 2.500m2 đất của gia đình để trồng cỏ cho bò ăn, đảm bảo lượng cỏ tươi cả mùa khô lẫn mùa mưa.

 

Anh Phong cho bò thịt ăn thức ăn ủ chua. Ảnh: Chí Trung

Anh Phong bảo, để có trang trại bò như hôm nay khá khó khăn, vất vả, nhiều lúc tưởng chừng không thể vượt qua. Nhưng vì cuộc sống gia đình, lại đam mê chăn nuôi nên anh tự tìm tòi, học hỏi để nuôi bò có hiệu quả.

Tìm hiểu qua sách báo, cùng kinh nghiệm thực tiễn và tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi bò, phòng bệnh trên bò do ngành nông nghiệp tổ chức, năm 2011 anh đi tìm hiểu và chọn mua bò giống Ba Tri (Vĩnh Long) và bò giống Củ Chi (TP.HCM) về nuôi. Theo kinh nghiệm của anh, bò thịt ở đây chất lượng tốt, ít bệnh, phẩm chất thịt đạt yêu cầu hơn so với các giống bò khác. Bình quân bò giống các loại có giá từ 15 - 20 triệu đồng/con tùy độ tuổi và độ lớn nhỏ.

 Dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân, anh Đặng Ngọc Phong đã nhận nhiều bằng khen, giấy khen về thành tích nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Anh cũng là 1 trong 3 cá nhân tiêu biểu của tỉnh Đồng Tháp nhận Giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn trao tặng năm 2015 nhằm biểu dương những thanh niên nông thôn có thành tích xuất sắc trong sản xuất kinh doanh, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới.

 

 

Khu nuôi bò thịt của anh rộng 60 - 70m2, gồm 2 dãy với 20 con của nhiều giống khác nhau như bò Cọp, bò lai Sind, bò Pháp... Anh Phong bảo những giống bò này lớn nhanh, dễ tiêu thụ, bình quân mỗi con bò giống (khoảng 3 - 4 tháng tuổi, nặng 30 - 40kg) có giá từ 15 - 20 triệu đồng. Nếu chăm sóc tốt khi trưởng thành có trọng lượng bò từ 1 - 1,3 tấn/con, tỷ lệ nạc cao nên lợi nhuận khá. Để đàn bò phát triển tốt, anh còn chủ động phòng các loại bệnh như: Lở mồm long móng, tụ huyết trùng, sán lá gan... 

“Bí quyết” thành công trong việc chăn nuôi bò của anh Phong là thức ăn ủ chua chế biến từ thân bắp, cỏ voi làm thức ăn cho bò với công thức: 100kg thân bắp + 4kg cám + 2kg muối, ủ từ 15 đến 30 ngày có thể làm thức ăn cho bò.

Anh bảo, thức ăn ủ chua có mùi thơm giúp kích thích khẩu vị, bò ăn nhiều và ngon miệng hơn, lại dễ tiêu hóa. Thức ăn ủ chua tận dụng từ phế phẩm của cây bắp giúp tiết kiệm và chủ động nguồn thức ăn khi không có cỏ tươi. Thức ăn ủ chua nếu bảo quản tốt có thể trữ hơn 6 tháng nên rất tiện cho việc nuôi bò với quy mô trang trại. Anh Phong chia sẻ: “Từ khi áp dụng phương pháp ủ chua thức ăn, tạo được nguồn thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao, bò rất thích ăn và tăng trọng nhanh, tạo nạc tốt và giảm được các loại giun sán tấn công”.

Để chủ động, anh trồng hơn 9.000m2 cỏ làm thức ăn cho bò, đầu tư hệ thống hầm biogas để không ảnh hưởng môi trường mà còn tiết kiệm chi phí gas sử dụng cho gia đình. Túi biogas làm bằng nylon, che chắn cẩn thận, đầu tư chi phí thấp và sau 2 năm sẽ tiến hành thay mới. Nước tiểu, phân bò được dẫn theo hệ thống và tưới lại cho ruộng cỏ phía sau nhà, giảm được chi phí bón phân cho cỏ.

Mở rộng và phát triển thành trang trại

Tháng 6.2013, anh Phong tham gia Tổ hợp tác (THT) chăn nuôi bò xã Tân Phú Đông với 3 thành viên, mỗi thành viên góp vốn trên 90 triệu đồng, cùng nguồn vốn hỗ trợ 144 triệu đồng/THT đã tạo thêm điều kiện để anh mở rộng chăn nuôi bò thịt và bò giống. Số vốn trên anh đầu tư xây chuồng trại, sắm máy móc, thiết bị, mua con giống và các dụng cụ cần thiết để hoạt động. Đây là điều kiện thuận lợi để việc chăn nuôi bò hoạt động với quy mô trang trại và tổ chức liên kết các thành viên, tạo việc làm ổn định.

Lúc cao điểm, trang trại bò thịt của anh có tới 70 - 80 con, còn bình thường dao động hơn 20 con bò thịt các loại. Để nâng dần chất lượng và hoạt động hiệu quả, anh cho sinh sản và cung cấp bò giống cho các hộ nuôi ở địa phương và khu vực lân cận, đồng thời tiếp cận thị trường ở TP.HCM, Vĩnh Long, Cần Thơ để đầu ra tiêu thụ ổn định, học hỏi thêm kỹ thuật chăn nuôi và phòng trừ bệnh trên bò. Trang trại của anh còn giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động không thường xuyên trong các khâu- cắt cỏ, chăm sóc bò, chế biến thức ăn, thu hoạch thân bắp...

 

Anh Phong (phải) chia sẻ kỹ thuật trồng cỏ, chăm sóc bò với các đoàn viên thanh niên. Ảnh: C.T

Bình quân mỗi năm anh cho xuất chuồng từ 2 - 3 đợt, mỗi đợt từ 15 - 20 con bò thịt. Theo tính toán, mỗi con bò có mức đầu tư từ 20 - 25 triệu đồng/con, bán cho thương lái với giá trên 35 triệu đồng/con, trừ chi phí lãi hơn 10 triệu đồng/con. Anh còn thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò cho thanh niên trong, ngoài tỉnh Đồng Tháp và được nhiều người tặng biệt danh Phong “bò”. Cùng với các hoạt động kinh tế, anh tích cực tham gia các hoạt động xã hội của địa phương như hỗ trợ Quỹ Vì đàn em thân yêu 200.000 đồng/tháng, góp kinh phí hoạt động CLB ông bà cháu, sửa chữa cầu đường nông thôn.

Theo anh Lương Ngọc Nam - Phó Bí thư Thành Đoàn Sa Đéc, anh Phong là thanh niên đầy nhiệt quyết, dù bước khởi nghiệp gian khó nhưng thành công của anh là gương sáng khởi nghiệp để thanh niên nông thôn noi theo.

Theo: Chi Trung/danviet.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập489
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại842,938
  • Tổng lượt truy cập92,016,667
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây