Quốc hội cũng nghe Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, nghe và thảo luận về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2015.
Ảnh minh họa - TTXVN |
*Kiến nghị giám sát hai chuyên đề
Cho ý kiến vào Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2015, các đại biểu đều đồng tình về số lượng chuyên đề và tiêu chí lựa chọn nội dung giám sát được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra. Quốc hội sẽ tiến hành giám sát 2 chuyên đề tại 2 kỳ họp; Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát 2 chuyên đề tại phiên họp; Hội đồng Dân tộc giám sát 1-2 chuyên đề, các Ủy ban giám sát 01 chuyên đề, báo cáo kết quả với Quốc hội tại kỳ họp. Đại biểu thống nhất bên cạnh các nội dung giám sát theo thông lệ như chương trình giám sát hàng năm của Quốc hội (trọng tâm là các hình thức giám sát thông qua xem xét báo cáo của các cơ quan, giám sát theo chuyên đề và hoạt động chất vấn), để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động giám sát, năm 2015, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội sẽ xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015.
Trên cơ sở các tiêu chí để lựa chọn nội dung giám sát, đa số các ý kiến nghiêng về hai nội dung giám sát chuyên đề là tình hình oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và chuyên đề thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004-2014. Riêng chuyên đề về kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam là thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nhiều ý kiến cho rằng nếu thực hiện được là rất tốt, tuy nhiên, do những hạn chế về thời gian và đây cũng chưa phải là vấn đề thực sự bức xúc nhất hiện nay, do đó, cần ưu tiên giám sát hai chuyên đề trên.
Thể hiện sự đồng tình với việc đưa vào giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004-2014, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) dẫn chứng khi thảo luận về việc thực hiện chương trình giảm nghèo, nhiều đại biểu cho rằng nên "cho dân cần câu chứ không cho con cá" nhưng nếu không tạo ra môi trường "có cá" thì dù "cần câu" có tốt mấy cũng không lấy đâu ra "cá" để "câu" và nghèo vẫn hoàn nghèo. “Cá” ở đây, theo đại biểu, chính là đất trồng rừng, đất trồng lúa, đất đồng màu, đất đầm nuôi trồng thủy hải sản mà hiện tượng trớ trêu trong thời gian vừa qua là rất nhiều dự án bỏ hoang, đất nông, lâm trường quốc doanh không sử dụng trong khi dân không có đất canh tác, tạo ra cảnh “người ăn không hết, kẻ lần không ra”. Đi liền với chuyên đề này, đại biểu đề nghị bổ sung thêm nội dung giám sát thực hiện chính sách pháp luật trong việc tổ chức quản lý thị trường hay là tổ chức hệ thống thương mại, bao gồm cả thị trường nội địa, xuất nhập khẩu. Lý giải điều này, đại biểu cho rằng thời gian qua, việc cung cấp các sản phẩm cho người tiêu dùng có nhiều vấn đề, hàng giả, hàng kém, giá trị không đi liền với chất lượng, đặc biệt khi thu mua sản phẩm do nông dân sản xuất ra rất nhiều nông dân bị "ăn chặn", ép giá, dân làm ăn không lãi, thua lỗ, thậm chí lỗ nặng, nên có hiện tượng nông dân bỏ rừng, nông dân bỏ ruộng, bỏ đầm lang thang kiếm sống khắp nơi.
Còn theo đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước), quản lý sử dụng đất đai trong nông lâm trường quốc doanh là một trong những vấn đề lớn đặt ra trong quản lý tài nguyên đất đai trong thời gian qua. Đây cũng là nơi khởi đầu của nhiều vụ khiếu kiện, khiếu nại, giám sát để tìm hướng và có giải pháp, chính sách khắc phục trong thời gian tới. Đại biểu Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng việc quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh là vấn đề khá nhức nhối, tồn tại trong thời gian dài và lãng phí rất lớn. Đại biểu đề nghị cần thực hiện ngay chuyên đề này bởi nó liên quan đến vấn đề tái cấu trúc nông nghiệp sắp tới.
Nhìn nhận tình hình oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự là vấn đề gây nhiều bức xúc trong dư luận nhân dân, nhiều đại biểu tán thành với việc lựa chọn nội dung này để giám sát trong năm 2015. Theo đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước), Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh), “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”, người bị kết án oan sai phải chịu rất nhiều thiệt thòi, thiệt hại cả về vật chất lẫn tinh thần và để lại nhiều hệ lụy. Việc giám sát chuyên đề này cũng là phù hợp với Hiến pháp 2013, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Đại biểu Bùi Mạnh Hùng đề nghị cùng với việc giám sát tình hình oan sai trong các hoạt động tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước , cần giám sát cả hoạt động tố tụng hành chính, tìm hiểu tại sao Luật tố tụng hành chính chưa đi vào cuộc sống, vì sao người dân chưa tin tưởng đưa ra tòa hành chính xem xét, phán quyết các vấn đề liên quan. xây dựng nền hành chính minh bạch hiệu quả.
Các đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên), Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) cho rằng cần giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn ODA bởi tác động của nguồn vốn này là rất lớn. Trải qua 20 năm sử dụng vốn ODA, hành lang pháp lý cơ bản vẫn là Nghị định, do đó, phải giám sát để đảm bảo quyết định sử dụng vốn đúng và hiệu quả, tránh việc để lại cho con cháu trả nợ sau này. Giám sát tối cao về quản lý sử dụng vốn ODA là thể hiện Quốc hội cùng gánh trách nhiệm với Chính phủ trước nhân dân về sử dụng đồng vốn này, Quốc hội đã đến lúc cần giám sát chặt chẽ việc này – đại biểu Lê Thị Nga khẳng định. Các đại biểu cũng đề nghị bên cạnh giám sát chung, giám sát tổng thể, phải giám sát tình huống, những vấn đề cụ thể, đặc biệt là trong lĩnh vực tư pháp, phải đi sâu vào một số tình huống oan sai.
*Thông qua hai Nghị quyết với tỷ lệ đồng thuận cao
Với 88,15% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2012. Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2012 là 1.038.451 tỷ đồng (bao gồm cả số thu chuyển nguồn từ năm 2011 sang năm 2012, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2011, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước). Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.170.924 tỷ đồng (bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2012 sang năm 2013).
87,95% đại biểu cũng đã tán thành thông qua Nghị quyết về phân bổ sử dụng nguồn tăng bội chi ngân sách Nhà nước và giảm chi ngân sách Trung ương 2013. Trong đó, sử dụng 4.4673,7 tỷ đồng để chi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các Nghị quyết của Quốc hội, thưởng thu vượt dự toán cho 5 tỉnh, hỗ trợ đầu tư cho các địa phương. Quốc hội quyết định chi hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ, đóng tàu và trang thiết bị cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư 16.000 tỷ đồng; chi một số khoản thực sự cấp bách để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người có công cải thiện nhà ở, cấp bù chênh lệch lãi suất cho vay Ngân hàng chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, chi chương trình 135… Quốc hội giao Chính phủ xem xét quyết định phân bổ cụ thể và báo cáo Quốc hội tình hình thực hiện tại Kỳ họp thứ 8.
Chu Thanh Vân
Nguồn: baotintuc.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã