Nỗ lực về đích
Tối mùng 4 tết, dẫn chúng tôi đi trên những tuyến đường liên xóm gắn chi chít bóng đèn điện, ông Lê Phước Hòa ở thôn Trung Vĩnh (xã Quế Xuân 1, Quế Sơn) chia sẻ: “Bây giờ, quê tôi điện sáng từ nhà ra ngõ. Nhờ đó, tình hình an ninh trật tự và an toàn giao thông trong dịp tết này được đảm bảo. Vào mỗi tối, mọi người còn rủ nhau đi bộ, luyện tập thể dục. Để duy trì đường điện chiếu sáng, ngoài nguồn hỗ trợ của chính quyền địa phương, người dân trong thôn đã tự nguyện đóng góp một phần kinh phí”. Ông Nguyễn Thế Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Quế Xuân 1 cho biết, trong những ngày đầu tháng 2.2015, thôn Trung Vĩnh triển khai thực hiện chương trình “Thắp sáng đường quê” nhằm kịp thời phục vụ nhân dân vui tết đón xuân. Bên cạnh nguồn kinh phí Nhà nước hỗ trợ gần 260 triệu đồng, người dân trong thôn đã đóng góp thêm 60 triệu đồng kéo 2.500m đường dây điện, lắp đặt mới 88 bóng đèn cao áp và compact khắp làng trên xóm dưới, góp phần làm thay đổi diện mạo một vùng quê.
Tuyến đường trung tâm xã Duy Trinh (Duy Xuyên) được xây dựng khang trang. Ảnh: HOÀI NHI |
Theo ông Quang, Quế Xuân 1 hiện đã hoàn thành 14/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, 5 tiêu chí còn lại đều ở ngưỡng đạt nên cuối năm nay chắc chắn địa phương sẽ trở thành xã nông thôn mới. Trong những ngày đầu xuân Ất Mùi, các đơn vị liên quan ở xã Quế Xuân 1 tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về chủ trương xây dựng nông thôn mới. Qua đó, tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết, huy động sự chung tay đóng góp của nhân dân, nhất là những người con xa quê để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Còn tại xã điểm nông thôn mới Duy Trinh (Duy Xuyên), tuyến đường trung tâm xã vừa được xây dựng hoàn thành với hai làn đường, ở giữa là những bồn hoa khoe sắc thắm như tô điểm thêm cho quê hương trên đường đổi mới. Theo ông Đoàn Công Vân – Phó Chủ tịch UBND xã Duy Trinh, tuyến đường này có tổng chiều dài gần 500m, rộng 16,5m, tổng kinh phí đầu tư gần 2 tỷ đồng do Nhà nước hỗ trợ. Điều đáng nói là, trong quá trình thi công, người dân tự nguyện hiến hơn 2.000m2 đất mà không đòi hỏi bất cứ quyền lợi gì. Ngoài ra, các trục đường liên thôn, liên xóm của Duy Trinh cũng được đổ bê tông phẳng lỳ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao lưu, trao đổi hàng hóa của nhân dân địa phương với những vùng lân cận và thúc đẩy phát triển sản xuất. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến thời điểm này Duy Trinh đã hoàn thành 18/19 tiêu chí và dự kiến đến cuối tháng 6.2015 sẽ trở thành xã nông thôn mới. Được biết, ngoài Duy Trinh thì hiện nay 3 xã điểm khác của huyện Duy Xuyên là Duy Hòa đã hoàn thành 15 tiêu chí, Duy Sơn 16 tiêu chí, Duy Phước 17 tiêu chí. Các xã nêu trên đang khẩn trương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể để sớm hoàn thành những phần việc còn lại và về đích ngay trong năm Ất Mùi này.
Năm 2015, toàn tỉnh có thêm 43 xã cam kết đạt chuẩn nông thôn mới. Ở nhiều xã được chọn làm điểm, chính quyền và người dân đang tích cực triển khai thực hiện hoàn thiện các tiêu chí theo quy định, trong đó chủ yếu tập trung vào việc xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi và cơ sở vật chất văn hóa…
Khởi sắc
Đón xuân Ất Mùi, với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hương An (Quế Sơn) niềm vui như được nhân đôi vì thời điểm cận tết địa phương tổ chức lễ công bố quyết định của UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ông Đinh Văn Châu - Chủ tịch UBND xã cho biết, tháng 6.2011 Hương An phát động xây dựng mô hình nông thôn mới. Thời điểm đó xã chỉ mới đạt 7/19 tiêu chí. Từ năm 2011 đến 2014, bằng nhiều nguồn vốn huy động, Hương An đã đầu tư 150 tỷ đồng để thi công kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh. Qua kết quả khảo sát, năm 2014 thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 23,4 triệu đồng, tăng 5 triệu đồng so với năm 2010. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn còn 4,5%, giảm 7,9% so với cách đây 4 năm. “Nhờ dốc sức thực hiện đồng bộ nhiều khâu, đến cuối năm 2014 xã Hương An đã hoàn thành tất cả 19 tiêu chí do Trung ương quy định và được UBND tỉnh quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới” – ông Châu hồ hởi.
Giải bóng chuyền mừng Đảng mừng Xuân ở xã Quế Long (Quế Sơn) diễn ra sôi nổi vào sáng mùng 5 tết.Ảnh: HOÀI NHI |
Ngoài Hương An, mới đây UBND tỉnh cũng đã có quyết định công nhận 9 xã điểm khác đạt chuẩn nông thôn mới gồm: A Nông (Tây Giang), Đại Hiệp (Đại Lộc), Điện Quang, Điện Phong, Điện Trung (Điện Bàn), Bình Tú (Thăng Bình), Tam Phước, Tam Thành, Tam An (Phú Ninh). Với người dân ở những địa phương này, xuân Ất Mùi 2015 dường như đến sớm hơn. Trong căn nhà vừa mới xây cất, bà Nguyễn Thị Thu Thủy ở thôn Bảo An Tây (xã Điện Quang, Điện Bàn) chia sẻ: “Qua việc thực hiện chương trình nông thôn mới, tôi thấy quê hương mình thay đổi quá nhiều. Đường làng ngõ xóm đều được bê tông hóa phong quang, sạch đẹp. Nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, chợ nông thôn đầu tư xây dựng khang trang, công tác vệ sinh môi trường được chú trọng. Đời sống người dân ngày càng sung túc, đủ đầy”.
Tết này, đi trên những con đường rộng rãi, tận mắt ngắm nhìn những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát mới thấy được hiệu quả của phong trào xây dựng nông thôn mới ở vùng Gò Nổi thuộc huyện Điện Bàn. Theo lãnh đạo 3 xã trong vùng thì điểm nổi bật trong tiến trình xây dựng nông thôn mới chính là đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, chăn nuôi, đầu tư cơ giới hóa trong nông nghiệp nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, giải phóng sức lao động cho nhà nông, tăng hiệu quả kinh tế… Ông Hà Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Điện Quang thổ lộ, đây là mùa xuân đầu tiên người dân đón tết trong niềm hân hoan về đích nông thôn mới. Mọi nhà đều tu sửa, trang trí đàng hoàng đón xuân. Cờ hoa, băng rôn được giăng bày khắp các ngả đường. Vào thời điểm cuối năm, để người dân có một cái tết ấm áp và đầy đủ, các ban ngành, đoàn thể ở xã đặc biệt quan tâm đến những gia đình chính sách, hộ nghèo, trẻ em khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam thông qua việc vận động trao tặng nhiều suất quà. Ngoài ra, địa phương cũng tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao phục vụ đời sống tinh thần và tạo điều kiện để nhân dân vui xuân an toàn, lành mạnh, tiết kiệm.
Tại xã nông thôn mới Đại Hiệp của huyện Đại Lộc, nhìn lại chặng đường 4 năm qua có thể thấy thành công lớn nhất là các ngành nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ được mở rộng và phát triển, nhiều vùng chuyên canh cây trồng cạn được hình thành, mang lại nguồn thu nhập khá cao. Nhờ đó, đời sống người dân ngày càng được nâng lên, bình quân thu nhập đầu người hơn 23 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,4%, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên chiếm 93%. Ông Nguyễn Văn Đông - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hiệp nói: “Những ngày này, địa phương có thêm niềm vui lớn là hoàn thành việc sắp xếp, bố trí 185 hộ vào kinh doanh, buôn bán tại chợ mới Đại Hiệp. Bởi lâu nay, ngôi chợ cũ quá nhếch nhác, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng và không đảm bảo vấn đề an toàn giao thông vì nằm sát tuyến tỉnh lộ. Vì vậy, chợ mới khi đưa vào hoạt động là một trong những động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương ngày một tiến lên, góp phần giữ vững và phát triển tiêu chí chợ nông thôn - một trong 19 tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới”.
Theo: baoquangnam.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;