>> Thông điệp của tương lai
>> Sáng tạo trên quê hương khoán hộ
Đường giao thông nông thôn là một tiêu chí khó trong xây dựng NTM bởi tiêu chí này đòi hỏi phải đầu tư rất nhiều tiền bạc, công sức. Để thực hiện tiêu chí giao thông nông thôn, hầu hết các địa phương đều phải xây dựng một lộ trình dài hơi và huy động tới 50% sức dân đóng góp. Nhưng ở Vĩnh Phúc, người dân đang được hưởng lợi gần như hoàn toàn từ chương trình đầu tư giao thông nông thôn.
Kể từ năm 2007, thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy về đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, hằng năm tỉnh Vĩnh Phúc đều dành ra những khoản ngân sách khổng lồ để đầu tư cho giao thông nông thôn.
Trong năm 2011-2013, riêng tiền đầu tư cho giao thông nông thôn đã lên tới 1.278 tỉ đồng. Tỉ suất đầu tư mỗi km đường giao thông xã, liên xã được 1,3 tỉ đồng; trục thôn, ngõ xóm được đầu tư 1 tỉ đồng một km.
Tính đến tháng 6/2013 Vĩnh Phúc đã cứng hóa 1062/1.290 km đường giao thông trục xã, liên xã; trục thôn, ngõ xóm có 1.682 km nhưng đã cứng hóa được 1.336 km.
Đường giao thông nội đồng xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương
Trong đó, tỉ lệ đường trục xã, liên xã đạt tiêu chí NTM đạt 100%; tỉ lệ đường trục thôn, ngõ xóm ở các xã đồng bằng đạt tiêu chí cũng đạt 100%, riêng ở các xã trung du, miền núi do điều kiện còn khó khăn nên nhiều đoạn ngõ xóm đã đổ bê tông nhưng chưa đạt tiêu chí NTM. Theo Sở GT-VT Vĩnh Phúc, tỉ lệ đường trục thôn, ngõ xóm đạt chuẩn ở khu vực trung du, miền núi của tỉnh hiện ở 50%...
Có thể thấy, chỉ sau vài năm, Vĩnh Phúc đã cơ bản hoàn thành xong việc xây dựng giao thông nông thôn. Đường sá đi lại thuận tiện, cửa nhà, ngõ xóm đã khang trang thậm chí có những địa phương còn mạnh dạn trải nhựa cho trục đường giao thông trung tâm xã.
Bước “nhảy vọt” về hạ tầng giao thông ở khu vực nông thôn cũng khuyến khích, thu hút đầu tư trên địa bàn, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động khiến đời sống nhân dân khu vực nông thôn được cải thiện kéo theo sự thay đổi của bộ mặt nông thôn.
Đặc biệt, tại các huyện giáp ranh với TP Vĩnh Yên như: Tam Dương, Yên Lạc, Vĩnh Tường, Bình Xuyên… mặc dù là nông thôn nhưng biệt thự, nhà lầu mọc lên san sát đến nỗi gần như không còn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Bê tông hóa đường giao thông nội đồng
Chỉ còn 288 km đường trục xã, liên xã và 346 km đường trục thôn, ngõ xóm chưa cứng hóa với tổng mức đầu tư trên 650 tỉ đồng… và nếu theo đúng lộ trình thì từ nay đến năm 2015 sẽ không thể tìm thấy một mét vuông đường đất trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Vào thời điểm ấy, đây chắc chắn là thành tích mà chưa địa phương nào trên cả nước có thể đạt được.
Tuy nhiên, Vĩnh Phúc không dự định dừng lại ở đó. Hội đồng Nhân dân tỉnh đã có Nghị quyết tiếp tục hỗ trợ phát triển đường giao thông nội đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2020.
Theo đó ngân sách tỉnh sẽ đầu tư 1 tỉ đồng cho mỗi km đường trục chính giao thông nội đồng, còn các đường nhánh khác ngân sách huyện, xã và nhân dân cùng làm. Tổng số km đường trục chính giao thông nội đồng trên toàn tỉnh cần bê tông hóa là 1.115 km, tính đến tháng 6/2013 tỉnh đã cứng hóa được 238 km (đạt 22%).
Do vẫn còn một phần đường giao thông nông thôn đang cần hoàn thiện nên trong năm 2013 kinh phí hỗ trợ cho chương trình làm đường giao thông nội đồng chỉ ưu tiên phân bổ cho các xã điểm NTM, tới khi 20 xã điểm NTM đạt 100% bê tông hóa đường giao thông nội đồng thì mới bắt đầu phân bổ vốn cho các địa phương khác.
Tỉnh Vĩnh Phúc có tổng cộng 7 huyện, thị và thành phố, như vậy trung bình mỗi huyện sẽ có từ 2-3 xã điểm đầu tư xây dựng NTM và được ưu tiên vốn đầu tư đường giao thông nội đồng.
Nằm cách TP Vĩnh Yên chưa đầy 20 km, huyện Tam Dương có 3 xã điểm NTM gồm: Hợp Thịnh, Vân Hội, Đạo Tú với 22,5 km đường giao thông nội đồng. Mục tiêu đến năm 2015 huyện Tam Dương sẽ cứng hóa 40/110 km đường trục chính giao thông nội đồng trong đó các xã điểm hoàn thành cứng hóa 100%.
Đến hết tháng 6/2013, số km đường trục chính giao thông nội đồng đã cứng hóa 21,5/40 km, đến nay các xã Hợp Thịnh, Vân Hội đã hoàn thành 100% đường giao thông nội đồng, riêng xã Đạo Tú vẫn còn khoảng 3,6/10,5 km và sẽ tiếp tục được ưu tiên bố trí vốn trong những năm tiếp theo.
Ông Nguyễn Đức Thiện, Phó trưởng Phòng Công thương huyện Tam Dương, cho biết, việc triển khai cứng hóa đường giao thông nội đồng diễn ra khá thuận lợi một phần do từ nhiều năm trước huyện đã quy hoạch ruộng đồng bài bản. Đã hình thành hệ thống đường giao thông nội đồng với nền đường khá rộng rãi và chắc chắn, vậy nên khi tỉnh cho cơ chế hỗ trợ 1 tỉ đồng/1km mặt đường, người dân địa phương không phải đóng góp nhiều.
Cá biệt có những đoạn đường giao thông hơi hẹp, cần mở rộng mặt đường cho phù hợp với tiêu chí thì người dân cũng sẵn sàng đóng góp, không nề hà. Như ở thôn Lê Lợi, xã Hợp Thịnh nhân dân trong thôn đã hiến khoảng 600 m2 đất nông nghiệp tương đương với 120 triệu đồng; nhân dân xã Vân Hội hiến 800 m2 tương đương 160 triệu đồng.
Riêng xã Đạo Tú có diện tích đồng ruộng lớn, đường giao thông nội đồng kéo dài hơn 10 km nên tổng diện tích đất nông nghiệp nhân dân trong xã đóng góp lên lên tới 10.500 m2 tương đương 2 tỉ đồng.
Cũng theo ông Thiện, mặc dù chưa có nguồn vốn phân bổ như các xã điểm nhưng ở giai đoạn này phong trào làm đường giao thông nội đồng đang diễn ra mạnh trên khắp các xã như: Thanh Vân, Kim Long, Hoàng Lâu…
Mỗi địa phương một cách làm, đưa ra một cơ chế vận động nhân dân tham gia cải tạo sẵn nền đường đạt chuẩn để chờ tỉnh phân bổ vốn làm bề mặt. Có xã huy động dân đóng góp ở mức 2 kg thóc/sào/vụ, có xã bỏ vốn đầu tư 30% và huy động nhân dân đóng góp ngày công, vật tư 70%, tùy theo điều kiện hoàn cảnh của từng địa phương mà các xã triển khai xây dựng cơ chế và nhìn chung đều nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân.
Sớm đầu tư tổng lực cho hệ thống giao thông nông thôn và đường giao thông nội đồng là hướng đi đúng, khẳng định tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc. Cũng như việc đổi mới mô hình quản lý thủy lợi, thành lập trung tâm bồi dưỡng nâng cao kiến thức ở chính sách đầu tư hạ tầng giao thông, nông dân vẫn luôn là chủ thể hưởng lợi và đây là điều kiện tiên quyết để có thể xây dựng thành công một NTM văn minh, hiện đại.
Trưởng thôn hiến 2 sào đất Hưởng ứng phong trào xây dựng NTM, ông Trần Quang Đà, Phó Bí thư Chi bộ, trưởng thôn Nam Nhân, xã Tân Phong huyện Bình Xuyên đã vận động vợ con đồng tình ủng hộ hiến 648 m2 đất nông nghiệp để xã làm đường giao thông nội đồng và làm bãi tập kết rác thải. Từ sự gương mẫu của ông đã có thêm 10 hộ dân trong thôn tự nguyện hiến 350 m2 đất nông nghiệp, nhiều hộ dân khác cùng đóng góp 100 ngày công lao động và gần 60 triệu đồng tiền mặt để làm đường giao thông nông thôn và giao thông nội đồng. |
Nam Phương
Nguồn nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;