Học tập đạo đức HCM

Thành tựu 30 năm đổi mới: Cơ bản bảo đảm an sinh xã hội

Chủ nhật - 03/01/2016 22:59
Trải qua gần 30 năm, công cuộc đổi mới ở Việt Nam, với những cải biến cách mạng sâu sắc, triệt để và toàn diện đã tạo ra những biến đổi to lớn trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhờ tư tưởng chỉ đạo đúng đắn, được thể chế thành hệ thống luật pháp và chính sách, hầu hết các chỉ tiêu xã hội được thực hiện khá tốt. 

Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong việc thực hiện các mục tiêu của Thiên niên kỷ, đặc biệt là giảm nghèo; chất lượng nguồn nhân lực cao hơn thứ hạng thu nhập, đời sống thu nhập của người dân được nâng lên, chính trị, xã hội được ổn định.

Góp phần thực hiện mục tiêu công bằng, tiến bộ xã hội

Tiến bộ xã hội và công bằng xã hội là mục tiêu đã được xác định ngay từ những ngày đầu bước vào sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Cùng với nhận thức về tăng trưởng kinh tế, nhận thức về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội luôn là mục tiêu kiên định của Đảng, là mục tiêu cuối cùng của quá trình “đổi mới”. 

Đảng luôn khẳng định tăng trưởng kinh tế phải đảm bảo các quyền cơ bản của con người trong quá trình phát triển, đáp ứng nhu cầu sống của con người và vì mục tiêu phát triển con người. Mục đích cuối cùng của tăng trưởng, phát triển là cải thiện điều kiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Các chính sách xã hội, do vậy, phải bảo đảm phân phối những thành quả tăng trưởng kinh tế theo hướng đảm bảo công bằng xã hội và hài hòa lợi ích giữa các chủ thế, nhóm xã hội và tạo sự đồng thuận xã hội.

Quan điểm nhất quán, xuyên suốt này của Đảng được khẳng định trong hầu hết các Văn kiện Đại hội Đảng, nhất là trong thời kỳ đổi mới từ Đại hội VI đến nay. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng đã xác định: "Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước đi và trong suốt quá trình phát triển. Công bằng xã hội phải được thể hiện ở các khâu phân phối hợp lý tư liệu sản xuất lẫn khâu phân phối kết quả sản xuất, ở việc tạo điều kiện cho mọi người đều có cơ hội để phát triển và sử dụng tốt năng lực của mình...”

Đại hội X tái khẳng định: "Kết hợp các mục tiêu kinh tế với các mục tiêu xã hội trong phạm vi cả nước, ở từng lĩnh vực, địa phương; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển," Nghị quyết Đại hội XI: "Phải coi trọng kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội... Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển."

Đảng khẳng định xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công băng, văn minh."

Việc cụ thể hóa những quan điểm nhận thức lớn đã nêu qua các kỳ Đại hội Đảng vào giải quyết các vấn đề xã hội, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1/6/2012 của Hội nghị Trung ương Năm (Khóa XI) về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, đã nhấn mạnh không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công và bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. 

Hệ thống an sinh xã hội phải đa dạng, toàn diện, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân, giữa các nhóm dân cư trong một thế hệ và giữa các thế hệ; bảo đảm bền vững, công bằng...

Chính sách, pháp luật của nhà nước về phát triển xã hội là sự cụ thể hóa quan điểm, đường lối của Đảng và chiến lược phát triển kinh tế, xã hội trong cuộc sống. Bằng việc giải quyết các vấn đề trực tiếp đời sống con người như đảm bảo việc làm, kỹ năng nghề nghiệp, thu nhập, ổn định cuộc sống khi gặp tai nạn, rủi ro, già cả,... chính sách xã hội, pháp luật của Nhà nước góp phần thực hiện mục tiêu công bằng, tiến bộ xã hội mà Đảng đã đề ra. 

Các chính sách xã hội ngày càng gắn với đảm bảo các quyền cơ bản của người dân. Quyết tâm đổi mới đã tạo điều kiện cho các chính sách xã hội phát triển trên cả 3 nội dung cơ bản: Nâng cao năng lực vốn con người (thông qua tăng cường phúc lợi toàn dân), cải thiện môi trường hoạt động của con người (thông qua phát triển các chính sách chính sách lao động, việc làm, y tế, giáo dục, phát triển doanh nghiệp, hạ tầng cơ sở...) và bảo đảm an sinh xã hội (thông qua các chính sách hỗ trợ người yếu thế tham gia thị trường lao động, tăng cường bảo hiểm xã hội, bảo trợ xã hội và giảm nghèo). 

Nhờ đó, mặc dù trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các vấn đề xã hội đã được giải quyết một các cơ bản, giữ được ổn định chính trị, xã hội, tạo tiền đề và cơ sở cho phát triển trong thời gian tới.

Hệ thống các chính sách xã hội từng bước được hoàn thiện theo hướng chuyển đổi từ mô hình nhà nước phúc lợi (dựa vào các chính sách bao cấp, phân phối đồng đều) sang nhà nước xã hội, trong đó Nhà nước đóng vai trò trụ cột trong thực hiện chính sách xã hội và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt là đối với người nghèo, người cao tuổi, trẻ em, người nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, người khuyết tật; đồng thời tạo cơ chế để người dân chủ động phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục các rủi ro trong đời sống, kinh tế, xã hội, môi trường và toàn cầu. Chính sách trợ giúp xã hội được triển khai kịp thời, được điều chỉnh, bổ sung theo hướng mở rộng đối tượng được hưởng trợ cấp; đồng thời, mức chuẩn trợ cấp cũng được điều chỉnh tăng lên theo khả năng ngân sách của Nhà nước.

Việc chuyển hóa các thành tựu tăng tưởng kinh tế thành nguồn lực để thực hiện các mục tiêu xã hội, đã giúp đời sống của đại đa số người dân được nâng cao và cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh. Việt Nam lần đầu tiên sau hàng thế kỷ lập nước và giữ nước đã thoát khỏi ngưỡng nước nghèo. 

Năm 2010, Việt Nam đã được xếp vào nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp với tổng thu nhập quốc dân bình quân đầu người đạt trên 3.000 USD (tính theo sức mua tương đương).

Nhận thức về sự cần thiết phải giảm nghèo đã được đặt ra từ những năm đầu đổi mới, những phòng trào giảm nghèo ở thành phố Hồ Chí Minh đã được nhanh chóng tổng kết để trở thành một chính sách giảm nghèo toàn diện, đa dạng và ngày càng hoàn thiện. 

Việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, Chương trình 135, cùng với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng đã đưa Việt Nam trở thành điểm sáng trong giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Việt Nam đã trở thành điểm sáng trong thực hiện chính sách xã hội ở nhiều mục tiêu: đạt được hầu hết các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), đặc biệt về giảm nghèo, giảm trên 3/4 tỷ lệ nghèo, thu nhập bình quân nhân khẩu của hộ nghèo đã tăng 2 lần. 

Các đối tượng xã hội được bảo trợ ngày càng tốt hơn. Không chỉ người nghèo, hộ nghèo mà cả người cận nghèo, hộ cận nghèo cũng được nhận nhiều hỗ trợ từ chính sách giảm nghèo; đặc biệt, doanh nghiệp cũng tham gia hỗ trợ hộ gia đình nghèo, vùng nghèo giảm nghèo bền vững.

Mặc dù trong điều kiện kinh tế khó khăn, nhưng Đảng và Nhà nước không giảm đi bất cứ một chính sách, khoản chi nào dành cho an sinh xã hội mà còn tăng lên; thực hiện hiệu quả các chính sách xã hội từ nhiều nguồn lực trong đó các nguồn lực chính là nguồn lực nhà nước, nguồn lực từ bên ngoài (như nguồn ODA, các chương trình viện trợ không hoàn lại của nước ngoài), nguồn lực xã hội từ các doanh nghiệp, tổ chức và nguồn lực từ trong nhân dân.

Với hiệu quả từ nguồn lực đầu tư của các chính sách, chương trình, dự án về giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân khoảng 2% mỗi năm, từ 14,2% (cuối năm 2010) xuống dưới 4,5% (năm 2015); riêng các huyện nghèo giảm khoảng 6% mỗi năm, từ 58,3% xuống còn 28%, đạt mục tiêu đề ra. 

Bộ mặt nông thôn các xã nghèo được cải thiện rõ rệt; người nghèo được hỗ trợ cải thiện một bước về điều kiện sống, tiếp cận tốt hơn các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng, đời sống được nâng lên; một số nhu cầu xã hội cơ bản của người nghèo bước đầu được đáp ứng, người nghèo có cơ hội vươn lên, tạo thu nhập để thoát nghèo, ổn định cuộc sống và phát triển.

Nhờ thực hiện những chính sách mới về trợ giúp xã hội, đối tượng thụ hưởng ngày càng được mở rộng; mức chuẩn trợ cấp xã hội tăng từ 180 ngàn lên 270 ngàn đồng; hệ thống cơ sở mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội được quy hoạch với trên 400 cơ sở. Kinh phí trợ giúp xã hội được huy động ngày càng đa dạng, theo hướng xã hội hóa, huy động tối đa nguồn lực từ cộng đồng. 

Trong 5 năm, cả nước đã thực hiện trợ cấp thường xuyên cho khoảng 2,643 triệu đối tượng, tăng gần 1,8 lần so với cuối năm 2010. Ngân sách trung ương chi trợ cấp hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng tăng nhanh, năm 2015 là trên 14 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với năm 2010 (khoảng trên 4,4 nghìn tỷ đồng). Trong trợ giúp đột xuất, Chính phủ cũng đã hỗ trợ lương thực cứu đói cho gần 2,5 triệu lượt hộ cùng khoảng 2000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt, giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Hoàn hiện các chính sách trong giai đoạn tiếp theo

Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu, song vẫn còn những hạn chế, tồn tại trong việc thực hiện các chính sách xã hội. Hệ thống chính sách an sinh xã hội hiện hành còn phân tán, manh mún, thiếu sự gắn kết, chưa khuyến khích người dân tích cực tham gia... Hiệu quả chính sách còn hạn chế. 

Các chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn chưa gắn với nhu cầu thị trường lao động và nhu cầu sản xuất; chất lượng lao động chưa cao, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ mới đạt gần 20% (năm 2014). Giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo cao; tỷ lệ nghèo ở nhiều vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa vẫn còn trên 50%, cá biệt có nơi còn trên 70%; chênh lệch giàu - nghèo về thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội giữa các vùng, nhóm dân cư có xu hướng gia tăng. 

Tỷ lệ người hưởng trợ cấp tiền mặt hằng tháng khoảng 3% dân số, nhưng đời sống của họ còn khó khăn do mức trợ cấp thấp; công tác trợ giúp đột xuất có phạm vi hẹp, huy động nguồn lực xã hội khó khăn, điều phối còn bất cập. Chênh lệch về thụ hưởng giáo dục giữa các vùng, miền, giữa các nhóm dân tộc có xu hướng gia tăng...

Xác định công tác bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; phát triển an sinh xã hội là chính sách cơ bản để giảm nghèo, bảo đảm đời sống của nhân dân, góp phần quan trọng tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, thực hiện công bằng, tạo sự đồng thuận xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, củng cố và tăng cường quốc phòng, an ninh, các bộ, ngành liên quan đã xây dựng các định hướng hoàn thiện chính sách an sinh xã hội trong thời gian tiếp theo.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW về “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020”, trong giai đoạn tiếp theo, các bộ, ngành tập trung vào các nhiệm vụ: việc làm, thu nhập, giảm nghèo, phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp chung dưới 3% (thành thị dưới 4%), bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng trên 3,5 lần so với 2010, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 1,5%-2%/năm. 

Bảo đảm đến năm 2020 sẽ có khoảng 2,5 triệu người được hưởng trợ giúp xã hội, trong đó trên 30% là người cao tuổi; bảo đảm giáo dục tối thiểu, y tế tối thiểu, nhà ở tối thiểu, hướng trực tiếp vào người nghèo, hộ nghèo. Cơ bản bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin, truyền thông, góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân.

Hướng đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội trong giai đoạn tiếp theo, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm cho rằng từ nay đến 2020, Việt Nam cần cơ bản hình thành hệ thống an sinh xã hội bao phủ toàn dân, bảo đảm cho người dân tiếp cận đến các chính sách việc làm, giảm nghèo, tham gia bảo hiểm xã hội, hỗ trợ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người cao tuổi thu thập thấp, người khuyết tật nặng, người nghèo...), tăng cường các dịch vụ xã hội cơ bản ở mức tối thiểu (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin), từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng của nhân dân. 

Hệ thống lý luận về an sinh xã hội cần tiếp tục hoàn thiện để phù hợp bối cảnh của nước vừa bước vào ngưỡng thu nhập trung bình, hội nhập kinh tế ASEAN, gắn chính sách an sinh xã hội với chính sách phát triển kinh tế phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế. Phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia, tạo nên nguồn lực to lớn của toàn xã hội vì mục tiêu bảo đảm an sinh cho người dân, đồng thời có cơ chế phát huy sự tham gia của xã hội và người dân trong việc thực hiện.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh: bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện thị trường lao động, phát triển việc làm, bảo đảm an sinh xã hội bền vững. Hiện đại hóa thị trường lao động, kết nối cung cầu lao động; phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo việc làm và chuyển dịch cơ cấu việc làm; tăng cường đối thoại lao động, bảo đảm tiêu chuẩn lao động; tăng cường đào tạo và phát triển kỹ năng cho người lao động; tập trung phát triển các chương trình về “An toàn và vệ sinh lao động”, “việc làm đàng hoàng”; đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật về an sinh xã hội; nghiên cứu ban hành các văn bản pháp luật về an sinh xã hội cộng đồng, nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, hiệu quả các quy định, chính sách, chế độ an sinh xã hội; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách hiện hành về an sinh xã hội, kể cả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trợ giúp xã hội, ưu đãi xã hội, hệ thống hỗ trợ tích cực...; phối hợp đồng bộ chính sách an sinh xã hội với các chính sách kinh tế - xã hội khác, như chính sách việc làm, chính sách tiền lương và thu nhập, thực hiện các chương trình hỗ trợ tích cực, các chương trình mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bền vững..., tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho các đối tượng và vùng đặc thù...

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, trong đó quy định rõ các tiêu chí tiếp cận đo lường nghèo đa chiều; chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình... Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản gồm 10 chỉ số: tiếp cận các dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin. 

Mức chuẩn nghèo trên là căn cứ để đo lường và giám sát mức độ thiếu hụt về thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; là cơ sở xác định đối tượng để thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội; hoạch định các chính sách kinh tế - xã hội khác trong giai đoạn 2016-2020. Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 là một trong hai chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn tới.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tính toán và trình Chính phủ, Quốc hội mục tiêu phấn đấu mỗi năm giảm từ 1,3% đến 1,5% chung đối với các hộ nghèo trong cả nước và 4% ở các huyện nghèo theo phương pháp tiếp cận mới này. Cùng với đó, Bộ đề xuất lồng ghép, kết hợp với các chương trình: Đào tạo nghề, khuyến nông, khuyến lâm và cả các chính sách, cơ chế để tạo mở thị trường, thúc đẩy phát triển sản xuất của người dân, tạo nguồn vốn hỗ trợ cho các hộ cận nghèo, hộ vừa thoát nghèo; rà soát, thay đổi một số chính sách không còn phù hợp; giảm dần các chính sách bao cấp, cho không; tăng cường các chính sách cho vay, các chính sách có điều kiện, có thu hồi để nâng cao trách nhiệm cho hộ nghèo.

Việc thực hiện tốt công tác an sinh xã hội là thước đo quan trọng của một xã hội tiến bộ, công bằng, văn minh. Để các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về an sinh xã hội đi vào cuộc sống, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của mọi đối tượng tầng lớp nhân dân, các bộ ngành liên quan cần thực hiện các giải pháp đồng bộ bảo đảm an sinh xã hội trong thời gian tới - Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nêu rõ./.
http://www.vietnamplus.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập737
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại756,807
  • Tổng lượt truy cập93,134,471
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây