Không nên tách riêng khoản thuế với nhà và đất
Theo bà Lê Thị Mai Liên, Trưởng Ban Chính sách Tài chính công, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính, hiện đã có 174/193 nước áp dụng thuế tài sản. Thuế tài sản hiện trở thành nguồn thu quan trọng và ngày càng tăng của các quốc gia, giúp tăng tính tự chủ, tự quyền của các địa phương. Tuy nhiên, hiện trên thế giới có những tên gọi khác nhau về loại thuế này như thuế bất động sản, thuế nhà đất, thuế tài sản. Trong đó, có 65 nước gọi là Thuế tài sản, 51 nước gọi là Thuế bất động sản.
Bà Lê Thị Mai Liên cho rằng, do tập trung đánh thuế vào tài sản hữu hình (nhà và đất), nên khó trốn tránh, dịch chuyển, không gây bóp méo chính sách, có khả năng cưỡng chế cao. Thuế tài sản đánh vào bất động sản được cho là sẽ làm lành mạnh thị trường, tránh đầu cơ.
“Luật thuế mới nên lấy tên gọi là Thuế bất động sản. Ngoài ra, nên quy định ngưỡng diện tích chịu thuế đối với nhà, đất (vượt một ngưỡng nhất định mới phải nộp thuế)”, bà Liên nêu ý kiến.
Theo đại diện Ban Chính sách Tài chính công, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Bộ Tài chính, thuế tài sản chỉ áp dụng đối với nhà, đất (thay thế thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, bổ sung thêm thuế đối với nhà), có miễn, giảm đối với nhà, đất là tài sản công, nhà đất sử dụng cho mục đích tôn giáo, phúc lợi công cộng. Các khoản thu khác đối với tài sản như lệ phí trước bạ, thuế chuyển quyền sử dụng đất… giữ nguyên theo quy định hiện hành.
Còn theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO, nếu Luật Thuế tài sản được áp dụng, không nên tách rời nhà và đất.
“Không nên tách riêng khoản thuế với nhà và đất như đề xuất của Bộ Tài chính. Nhà và đất là tổng thể, phân tách ra là vô duyên”, ông Trương Thanh Đức nói.
Dự thảo của Bộ Tài chính hiện tại đề xuất mức thuế với nhà là 0,4% và với đất cũng là 0,4%. Tuy nhiên, ông Đức cho rằng, nếu đánh thuế tài sản phải tiếp cận từ góc độ toàn bộ tài sản, sau đó mới loại trừ tài sản nào. Nên có biểu thuế lũy tiến, có thể gấp 5-10 lần mức khởi điểm với người có nhiều tài sản để tránh bất công. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng nên để mức thuế suất thấp, khoảng 0,1% và đưa luôn vào luật, mức thuế có thể tăng lên 0,3%-0,4% sau 10 năm.
“Cần có biểu thuế lũy tiến, có thể gấp ít nhất 10 lần mức khởi điểm với người có nhiều tài sản. Ví dụ, mức thuế thấp nhất là 0,1% và với người có nhiều tài sản, mức thuế ít nhất là 10%”, ông Đức đề xuất.
Không thể cào bằng người giàu với người nghèo
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Luật Thuế tài sản không nên đưa ra ở thời điểm hiện nay. Nếu luật này có đưa ra, sớm nhất cũng nên để tới năm 2020, bởi cách tính thuế mà Bộ Tài chính đề xuất vẫn đang có nhiều bất cập. Với đề xuất của Bộ Tài chính hiện tại, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, như vậy đồng nghĩa cào bằng giữa người có thu nhập cao và thu nhập thấp.
“Việc đánh thuế tài sản trước hết phải dựa trên cơ sở là khả năng nộp thuế, nguồn thu của người nộp thuế. Thuế tài sản nên được hiểu là “có ít tài sản thì không nên đánh thuế. Đánh thuế tài sản theo cách cào bằng là không công bằng và không đạt được mục tiêu đánh thuế”, ông Đức nhấn mạnh.
Chia sẻ kinh nghiệm về thuế tài sản tại Canada, ông Nicolas Drouin, chuyên gia phát triển, Đại sứ quán Canada tại Việt Nam cho biết, tại Canada, thuế tài sản là một nguồn thu nhập chính, do chính quyền đô thị kiểm soát.
Thuế tài sản ở Canada được xem xét dựa trên nguyên tắc “số tiền thuế phải nộp phụ thuộc vào giá trị tài sản sở hữu”. Hai nguyên tắc nền tảng khác cũng được áp dụng để xác định nghĩa vụ của người nộp thuế là: nguyên tắc lợi ích mà chủ tài sản nhận được và nguyên tắc khả năng đóng thuế của chủ tài sản.
“Thu nhập từ thuế tài sản được dùng để trang trải các dịch vụ do chính quyền đô thị cung cấp, như giáo dục, văn hóa giải trí, y tế, phúc lợi, nhà ở (cho người cao tuổi, nhà cho thuê giá thấp), giao thông vận tải… cung cấp, mang lại lợi ích trực tiếp cho chủ sở hữu tài sản, nên chủ sở hữu tài sản có trách nhiệm đóng loại thuế này”, ông Nicolas Drouin cho biết.
Tuy nhiên, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, dữ liệu nhà, đất ở Việt Nam vẫn còn thiếu. Do đó, việc đầu tiên cần làm trước khi đưa ra Luật Thuế tài sản là phải có dữ liệu nhà, đất để đảm bảo công bằng. Điều này để tránh tình trạng “người có 10 cái nhà nhưng mức độ nộp thuế có khi thấp hơn người chỉ có 1 nhà”./.
Sở hữu nhà trên 700 triệu đồng có thể phải nộp thuế tài sản
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Thu thuế tài sản cần công khai, minh bạch