Với những nỗ lực vượt bậc, Đà Nẵng trở thành thành phố đáng sống; trung tâm kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học và công nghệ lớn của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Đà Nẵng đã đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa trong nhiều mặt phát triển kinh tế, xã hội.
Tại Đà Nẵng, hàng chục ngàn hộ thoát nghèo nhờ vốn VBSP đầu tư đúng “đích” |
Kinh tế luôn tăng trưởng ở mức cao hơn so bình quân chung của cả nước; Cơ sở hạ tầng được đầu tư hoàn chỉnh, môi trường đầu tư thông thoáng và có sức cạnh tranh cao; Chất lượng cuộc sống người dân thành phố được nâng lên. Với thành quả đạt được, Đà Nẵng đang đặt ra mục tiêu tiếp tục thúc đẩy phát triển văn hóa, văn minh đô thị theo hướng an toàn, thân thiện và đáng sống.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố khách quan như thiên tai, bão lụt, đô thị hóa trên diện rộng, dẫn đến một bộ phận dân cư mất tư liệu sản xuất, phải chuyển đổi nghề nghiệp, còn nhiều người nghèo hoặc tái nghèo. Trước thách thức đó, cả hệ thống chính trị Đà Nẵng đang chung tay giải quyết. Với ý chí, bản lĩnh của mình, sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, các hộ nghèo trên địa bàn từng bước vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Trong đó, có sự đóng góp lớn từ các chương trình tín dụng chính sách của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP) TP. Đà Nẵng triển khai trong suốt 15 năm qua.
Khi nói về hiệu quả của tín dụng chính sách, ông Võ Minh, Giám đốc NHNN chi nhánh Đà Nẵng đánh giá, các chương trình tín dụng do VBSP Đà Nẵng triển khai mang lại hiệu quả thiết thực đối với người nghèo. Đặc biệt, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Chi nhánh có nhiều nỗ lực trong huy động, tạo nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tín dụng chính sách góp phần ngăn chặn nạn tín dụng đen, giảm tỷ lệ hộ nghèo, hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Chúng tôi đến với quận Sơn Trà vào một chiều cuối thu. Sau cơn mưa chiều, phía bên kia sông Hàn rực lên ánh mặt trời bừng sáng, cũng là lúc chúng tôi gặp lại chị Bùi Thị Hoa trong buổi giao dịch lưu động tại phường An Hải Đông của VBSP. Ai từng gặp chị Hoa tầm năm bảy năm trước, chắc chắn bây giờ khó bề nhận ra. Bởi bây giờ, chị trẻ ra và tươi tắn hẳn lên, thoát khỏi cảnh trần ai lam lũ ngày nào.
Ngày đó, chị Hoa thuộc diện đặc biệt nghèo tại phường An Hải Đông. Chị cứ trăn trở mãi song vẫn không tìm ra lối thoát. Không vốn, không nghề nghiệp ổn định, gánh nặng con nhỏ, chồng bệnh tật. Vậy nên, cứ làm được đồng nào thì “xào” đồng ấy… Thế nhưng, bây giờ, gia đình chị Hoa đã trở thành hộ gia đình có thu nhập khá. Những điều khó tin đó, tưởng chừng như không bao giờ đến.
Chị Hoa nhớ lại, lúc đó gia đình khốn khó. Con nhỏ, đang ở tuổi đi học, túng thiếu quanh năm. Thu nhập chỉ trông chờ vào việc làm bánh tráng bấp bênh của 2 vợ chồng, mỗi tháng không tới một triệu đồng. Từ năm 2000 trở về trước, để có thêm đồng vốn làm ăn, gia đình thường vay nóng ngoài xã hội, với lãi suất quá cao. Cuộc sống đã khó lại càng khó thêm.
Rồi gia đình chị được UBND, Hội Phụ nữ phường đến tận nhà động viên, hướng dẫn tạo điều kiện được vay vốn. Năm 2014, được vay vốn chương trình hộ đặc biệt nghèo để làm nghề cắt tóc. Vừa tạo được việc làm ổn định, trả nợ ngân hàng xong thì biến cố ập đến: chồng qua đời, con bước vào ngưỡng cửa đại học. Khó khăn chồng chất khó khăn.
Một lần nữa chị tìm đến đến VBSP. Và cũng từ đây, gia đình chị Hoa như sang một trang mới. Làm ăn hiệu quả, lần đầu trả đủ gốc, lãi xong, chị Hoa lại tiếp tục đề nghị vay lại để mở rộng cơ sở làm nghề, vay vốn chương trình học sinh sinh viên để trang trải cho con ăn học… Cứ thế mà dần dà thoát nghèo.
Chị Hoa nghẹn ngào chia sẻ: “Trải qua biến cố cuộc sống mới thấu hiểu được vị đắng của cái nghèo, và sự ngọt ngào của những cánh tay nâng đỡ bước qua từng nấc thang mới. Có được cuộc sống như hôm nay, là nhờ đồng vốn của VBSP, sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền, Hội Phụ nữ phường giúp vượt qua chính mình để vươn lên…”.
Rời Sơn Trà, tiếp tục hành trình “mục sở thị” hiệu quả của tín dụng chính sách trên địa bàn Đà Nẵng. Cán bộ tín dụng VBSP Đà Nẵng đưa chúng tôi đến với vùng đất anh hùng Hòa Vang, một trong những căn cứ cách mạnh kiên cường chống giặc ngoại xâm. Vừa gặp, anh Cẩm, Giám đốc VBSP Hòa Vang nhanh nhẹn giới thiệu các mô hình kinh tế hiệu quả, nhờ sử dụng vốn chính sách đúng mục đích.
Rồi anh đích thân đưa chúng tôi tham quan các mô hình trên địa bàn. Chiếc xe bon qua các tuyến đường bê tông thẳng tắp, nơi mà trước đây vào mùa mưa, bùn ngập đến nửa ống chân. Đây là mô hình chăn nuôi tổng hợp lợn, gà, bò… khá hiệu quả của hộ anh Lê Tiến, thôn Phước Thuận, xã Hòa Nhơn. Theo cán bộ tín dụng VBSP, nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất với quy mô tập trung, hộ anh Tiến đã mang lại kết quả cao, từng bước đưa kinh tế gia đình phát triển.
Anh Tiến kể, học xong, bước đầu lập nghiệp bằng việc làm kỹ thuật nuôi tôm cho các trại sản xuất. Đồng tiền công chẳng thấm vào đầu. Anh muốn tự mình làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, nhưng ngặt nỗi, không có vốn để đầu tư. Thông qua Hội Nông dân xã Hòa Nhơn, anh được VBSP cho vay 20 triệu đồng theo chương trình giải quyết việc làm. Thế là anh bắt tay vào xây bể nuôi ếch. Song không như mong muốn, đàn ếch cứ chết dần, do ảnh hưởng thời tiết, cùng với chưa có kinh nghiệm.
Rồi anh Tiến chỉ tay về phía chuồng trại đang có hàng trăm con lợn và gần chục con bò nói tiếp: thất bại lần đầu giúp ta đứng lên và đi những bước cẩn trọng hơn. Với quyết tâm vượt khó, anh dùng trại nuôi ếch để làm chuồng lợn, tận dụng đất vườn trồng rau, phế phẩm nông nghiệp sẵn có nên chi phí thức ăn giảm đi nhiều. Để nâng cao năng suất, hạn chế rủi ro, anh phải mày mò, tìm hiểu qua mạng, sách báo về kỹ thuật chăn nuôi lợn, gà, vịt, bò...
Nhờ vậy, gia súc và gia cầm của hộ anh Tiến ngày càng phát triển, mang lại hiệu quả cao. Phương châm của anh Tiến là lấy ngắn nuôi dài, tiền thu được từ việc bán gà, vịt và làm nông nghiệp để lo chi phí sinh hoạt hàng ngày của gia đình; tiền thu từ việc bán lợn tiếp tục tái đầu tư để và mở rộng quy mô chăn nuôi.
Hiện anh đang duy trì việc làm cho 2 lao động tại gia đình. Hàng năm, sau khi trừ chi phí, thì thu nhập của gia đình là trên 150 triệu đồng; có điều kiện lo cho 3 con yên tâm ăn học.
Khắp các quận, huyện của Đà Nẵng, đâu đâu cũng thấy những mô hình kinh tế hiệu quả như nước mắm Nam Ô ở quận Liên Chiểu; trồng nấm, trồng rau sạch ở Cẩm Lệ; chăn nuôi, trồng rừng ở Hòa Vang… Hàng chục ngàn hộ gia đình như chị Hoa, anh Tiến vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng từ tín dụng chính sách. Qua thực tế đó, mới thấy hết sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ VBSP, các hội đoàn thể, chính quyền địa phương đã tận tâm, tận lực vì công tác giảm nghèo.
Giám đốc chi nhánh VBSP Đà Nẵng Đoàn Ngọc Chung chia sẻ, làm cán bộ ngân hàng chính sách không khác nào làm công tác xã hội. Bởi VBSP hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, cốt yếu phải đảm bảo đủ vốn để người nghèo, các đối tượng chính sách có điều kiện làm ăn, phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Theo Giám đốc Chung, người làm cán bộ VBSP không đơn thuần “gieo vốn”, mà còn phải đóng vai trò làm cầu nối khi triển khai các chương trình tín dụng; kết nối các hội đoàn thể, chính quyền địa phương trong việc tiếp vốn đến người thụ hưởng; tuyên truyền, vận động hộ vay vốn đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng; theo dõi, giám sát hiệu quả sử dụng vốn. Từ đó, có thể phát huy tối đa hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách. Nhờ đó, góp phần đáng kể vào công tác giảm nghèo, cũng như tạo điều kiện để Đà Nẵng về đích sớm chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Ông Võ Công Trí, Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng VBSP Đà Nẵng luôn chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, quản lý các nguồn vốn ngày càng chặt chẽ hơn. Đảm bảo đồng vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, hầu hết các hộ vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích. Sự phối hợp ngày càng chặt chẽ của các hội, đoàn thể nhận ủy thác giúp chi nhánh triển khai tốt các chương trình tín dụng chính sách. Qua đó, nâng cao chất lượng thực hiện các nội dung ủy thác, chất lượng tín dụng được củng cố và nâng cao. Đến nay, nợ quá hạn chỉ còn 0,36% và luôn được kiểm soát ở mức thấp dưới 1%/tổng dư nợ. Kết quả này rất đáng hoan nghênh. Ông Trần Văn Miên, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, Trưởng ban đại diện HĐQT VBSP Đà Nẵng Trong 15 năm qua, VBSP Đà Nẵng giải ngân 3.894 tỷ đồng, cho hơn 294 ngàn lượt khách hàng vay vốn. Đến nay, chi nhánh có dư nợ 1.566,6 tỷ đồng, tăng 1.449,8 tỷ đồng (tăng 13,4 lần) so với thời điểm nhận bàn giao, tỷ lệ tăng trưởng bình quân 19,53%/năm, với 65.598 hộ còn dư nợ. Các chương trình tín dụng chính sách mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần lớn trong công tác giảm nghèo, giúp Đà Nẵng hoàn thành Đề án giảm nghèo qua các giai đoạn, luôn về đích trước 1 đến 3 năm, hoàn thành mục tiêu “không hộ đói” trong chủ trương “5 không”, “3 có” và đang triển khai chương “4 an” hiện nay. Ông Nguyễn Văn An, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Đà Nẵng Trong từng giai đoạn, Đà Nẵng luôn nâng chuẩn nghèo để phù hợp theo mức sống trên địa bàn. Do đó, thành phố huy động nhiều nguồn lực cho chương trình giảm nghèo đạt hiệu quả. VBSP Đà Nẵng thông qua thực hiện các chương trình tín dụng chính sách đã có đóng góp tích cực trong công tác này. Chi nhánh luôn nâng cao chất lượng tín dụng, phục vụ cho vay giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm và học sinh, sinh viên nghèo khó khăn được vay vốn đi học. Tín dụng chính sách đã giúp hơn 88.900 hộ vươn lên vượt qua ngưỡng nghèo, hơn 60.600 lao động có việc làm, có thu nhập ổn định, và hơn 63.400 học sinh, sinh viên không phải bỏ học, góp phần to lớn trong công tác đảm bảo an sinh xã hội địa phương. |
Công Thái
http://thoibaonganhang.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;