Góp phần tăng trưởng
Thời gian qua, đặc biệt là trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và đảm bảo an ninh quốc phòng vùng ĐBSCL (giai đoạn 2001-2010), hệ thống ngân hàng đã có những đóng góp hết sức quan trọng. Một mạng lưới phát triển rộng khắp ngân hàng với 318 điểm giao dịch của 47 tổ chức tín dụng (TCTD) đã và đang đầu tư một lượng vốn lớn cho tất cả các lĩnh vực KT-XH tại ĐBSCL.
NHNN luôn có chủ trương ưu tiên hàng đầu cho tín dụng nông nghiệp – nông thôn (NN-NT) nói chung, trong đó có tín dụng cho phát triển kinh tế vùng ĐBSCL. Chủ trương này đã được thể hiện qua nhiều cơ chế, chính sách trong hoạt động tiền tệ ngân hàng và được các TCTD đưa vào cuộc sống một cách sinh động và hiệu quả, đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển KT-XH của ĐBSCL.
Đặc biệt năm 2010, 2011 thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về chương trình cho vay tạm trữ lúa gạo với lãi suất ưu đãi, NHNN đã kịp thời có văn bản chỉ đạo các NHTM nhà nước tập trung cho vay tạm trữ lúa gạo khoảng 1 triệu tấn/năm nhằm hỗ trợ người nông dân không bị ép giá, rớt giá khi được mùa… Vốn tín dụng ngân hàng còn được tập trung vào các ngành nghề là thế mạnh và có tiềm năng lớn của vùng; đầu tư cho các dự án trọng điểm, các công trình kinh tế lớn; các dịch vụ ngân hàng ngày càng đa dạng, hiện đại để phục vụ tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp và người dân trong vùng.
Vì nông nghiệp nông thôn
Ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, kiến nghị nhiều hướng đi quan trọng: Ngân hàng phải xoay trở cơ bản để khai thác lợi thế đầy tiềm năng nhưng cũng nhiều rủi ro ở vùng đất này. Trong đó, phải làm nhanh và có hiệu quả về tái cấu trúc ngành ngân hàng và xây dựng cơ chế đặc thù cho thị trường tài chính tín dụng phù hợp khu vực này. Đồng tình với quan điểm này, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển nhấn mạnh: Muốn làm được điều đó, NHNN phải nâng tín dụng cho nông nghiệp tính theo tổng nguồn vốn trên thị trường tiền tệ tối thiểu bằng tỷ trọng GDP của nông nghiệp trong tổng GDP.
Nhìn nhận vấn đề ở góc độ chính sách, TS Võ Trí Thành (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng chính sách rất quan trọng, không riêng ngành ngân hàng, không riêng cho ĐBSCL. Theo TS Thành, vấn đề nghèo đói không nằm ở NN-NT mà nằm ở chính sách. Nếu kinh tế vĩ mô thiếu ổn định, dẫn đến méo mó giá cả hàng hóa thì chính sự méo mó này đánh vào người nông dân. Do vậy, phát triển không chỉ là tỷ trọng, giá trị gia tăng mà còn là cách sống, lối sống và cách phát triển.
Bổ sung thêm, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế TPHCM, cho rằng Chính phủ phải có giải pháp chuyển dịch nguồn vốn về ĐBSCL, tăng cường đầu tư cho công nghệ giống cây trồng và hỗ trợ tìm kiếm thị trường nông sản. Nếu có gói hỗ trợ kinh tế, nên dành cho NN-NT.
Như vậy, tín dụng ngân hàng chính là đòn bẩy cho NN-NT và “điểm đến” phải là ĐBSCL. Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank, cho biết: Trong năm 2012, Agribank sẽ giảm lãi suất cho xuất khẩu xuống dưới 16% và cho hộ nông dân có uy tín vay với lãi suất 14%.
Theo ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, trong năm 2012 sẽ dành 200 tỷ đồng với lãi suất 13%/năm cho hộ nông dân vùng ĐBSCL tiếp tục vay vốn giai đoạn 2 sau khi đã trả gốc và lãi đúng hạn ở giai đoạn 1 thuộc chương trình Tam nông của ngân hàng này. Cũng trong khuôn khổ chương trình, trong năm 2012, ngân hàng sẽ dành ra gói tín dụng 6.000 tỷ đồng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, và tiếp tục giảm 1% lãi suất khi khách hàng trả gốc và lãi đúng hạn. Tương tự, ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Tổng giám đốc Vietinbank, khẳng định Vietinbank sẽ dành nhiều nguồn lực cho ĐBSCL. Cụ thể, Vietinbank sẽ cho vay đa ngành, đa nghề, đa lĩnh vực đối với NN-NT.
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, nguồn vốn cho NN-NT là không thiếu, tất nhiên là đối với các hộ, doanh nghiệp sản xuất hiệu quả. Sắp tới đây, NHNN sẽ phối hợp với Bộ NN-PTNT tăng cường chuyển giao công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng về chế biến nông sản, làm sao cho bà con nông dân ĐBSCL làm giàu trên quê hương mình, xây dựng ĐBSCL trở thành vùng kinh tế trọng điểm theo chiến lược phát triển NN-NT mà Đảng đã vạch ra.
Trần Minh Trường
|
Theo SGGP
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã