Chú trọng dồn điền đổi thửa
Vĩnh Quỳnh có 3 thôn, trên 20.000 dân, trong đó 2 thôn Quỳnh Đô, Ích Vịnh nằm sát đường sắt Bắc - Nam rơi vào quy hoạch đường tàu cao tốc, vì vậy, chỉ còn thôn Vĩnh Ninh nằm trong nội đồng nên còn gần 156ha đồng ruộng cần phải quy hoạch theo hướng DĐĐT để trồng lúa.
Theo đó, để làm tốt công tác này, xã đã chuẩn bị hết sức công phu, trước hết, thành lập Ban chỉ đạo do Bí thư Đảng ủy làm Trưởng ban, Chủ tịch UBND xã làm Phó ban. Chỉ đạo Ban văn hóa truyền thông tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đài truyền thanh xây dựng chuyên mục về DĐĐT 2 buổi/ngày (mỗi buổi 15 phút); tổ chức 14 buổi họp dân tại 7 cụm dân cư. Ngoài ra, còn có 2 buổi tuyên truyền đến đoàn viên thanh niên và toàn thể nhân dân thôn Vĩnh Ninh. Đo đạc lại toàn bộ diện tích cánh đồng và hiện trạng hệ thống mương máng nội đồng. Trong đó, đất sản xuất nông nghiệp ổn định gần 145ha, tương ứng với 6.821 nhân khẩu (199 hộ gia đình chính sách). Đồng thời, tổ chức công khai bản đồ vùng quy hoạch sản xuất và danh sách các hộ xã viên có diện tích trong vùng quy hoạch để nhân dân theo dõi. Chú trọng ưu tiên gia đình chính sách.
Công việc tiếp theo là thành lập 7 tiểu ban giao ruộng tại 7 cụm dân cư, mỗi tổ 7 thành viên, phát phiếu đăng ký vùng sản xuất đến từng hộ gia đình. Lúc đầu có 60 hộ không đăng ký, nhưng đến phút chót có 1.725/1.725 phiếu phát ra và thu về, đạt 100% kế hoạch đề ra. Để ruộng đồng có nhiều ô thửa lớn, xã chú trọng vận động các hộ trong một gia đình, dòng họ đăng ký ghép hộ. Trước khi tiến hành đại trà, xã lấy cụm 13 làm thí điểm. Các hội nghị bốc phiếu diễn ra công khai, dân chủ. Kết quả, 100% số hộ xã viên ở 7/7 cụm dân cư đều ra bốc thăm, trong đó có 841 phiếu đăng ký trồng lúa (119,233ha); 46 phiếu nuôi trồng thủy sản (22,685ha). Không có khiếu kiện, thắc mắc. Mỗi hộ sau khi DĐĐT chỉ còn 1-2 ô thay vì 5-6 ô như trước đây. Đến cuối tháng 6/2013, các cụm đã hoàn thành công tác giao ruộng, đảm bảo kịp thời sản xuất vụ mùa, nhất là giữ vững an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Thành công nhờ sự đồng thuận
Sau thắng lợi của công tác DĐĐT ở Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì đã hỗ trợ 50% chi phí mua 2 máy cày, 1 máy cấy, 3 máy gặt với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng. Xã ủng hộ bà con 1.500 khay để gieo mạ (trị giá 51 triệu đồng); ngoài ra, tất cả các hội nghị tuyên truyền cũng được xã hỗ trợ kinh phí.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quỳnh, cho biết: “Để công tác DĐĐT thành công như mong đợi, chúng tôi tổ chức tổng cộng 56 cuộc họp lớn, nhỏ với dân. Sau khi phát tờ khai, có 60 hộ không ký, xã lập danh sách các hộ trên đưa về các hội đoàn thể nơi họ sinh hoạt và cử người đến tận nhà vận động, giải thích. Có hộ kiên quyết không nhận, nhưng khi thấy bà con nhận hết đã lên gặp ban chỉ đạo xin nhận ruộng. Mặc dù có vất vả do bà con nhất thời chưa hiểu được tầm quan trọng của việc cơ giới hóa trên đồng ruộng, nhưng qua phân tích, cuối cùng người dân đã thấm nhuần, vì vậy, công tác DĐĐT của Vĩnh Quỳnh khá thành công, được xem là điểm sáng của huyện”.
Ông Nguyễn Phạm Loạn, Chủ nhiệm HTX Vĩnh Ninh (Vĩnh Quỳnh), tâm sự: “Lúc đầu bà con băn khoăn do quen sản xuất trên đồng ruộng cũ, ngại thay đổi. Nhất là những hộ có ruộng tốt hoặc đã chuyển hết ruộng trũng sang làm ao đầm để nuôi trồng thủy sản, nếu bắt thăm lần nữa sợ không được như mong muốn; một số do lịch sử để lại có diện tích dôi dư. Ngược lại, những hộ ruộng xấu rất tích cực trong chyển đổi, vấn đề là phải dung hòa được nguyện vọng của bà con, đảm bảo công bằng khi gắp thăm. Chúng tôi chủ trương cán bộ cũng bắt thăm như bà con, đảng viên phải nhận ruộng xấu, vì vậy những hộ lúc đầu chưa đồng ý, sau tự giác đăng ký”.
Đơn cử như, ông Nguyễn Huy Xuyền ở cụm 13, khi ban chỉ đạo mời đi họp, gắp thăm, nhận ruộng đều không đi, cuối cùng còn chỗ xấu nhất vẫn phải lấy. Khi thấy máy cày, máy cấy làm hết phần việc của con người, không còn vất vả, chỉ cấy 1 ngày, gặt 1 ngày là xong, ông đã gặp ban chỉ đạo cám ơn và nói: “Tôi không còn thắc mắc gì nữa”. Bà Đào Thị Mơ, cụm 12, bắt thăm vào 2 góc ruộng chéo, trong khi đang tiến hành san ủi, đắp bờ, chưa nhìn thấy hình hài của đồng ruộng cũng phản ứng dữ dội, sau thấy bằng phẳng, ruộng thẳng cánh cò bay rất phấn khởi. “Như thế này thì thuận lợi cho dân quá, chúng tôi chỉ mong xã sớm cứng hóa giao thông nội đồng để bà con có điều kiện sản xuất tốt hơn”, bà Mơ nói.
Được biết, công tác DĐĐT là một trong những nội dung chính của chương trình XDNTM ở Vĩnh Quỳnh, dự kiến hoàn thành vào năm 2015. Vì vậy, kế hoạch năm 2014 của xã là khẩn trương hoàn thiện và đưa vào sử dụng đường giao thông nội đồng; đường liên thôn, đường ngõ xóm. Đồng thời vận động nhân dân tiếp tục đóng góp để nâng cấp đường ngõ xóm. Lập hồ sơ nâng cấp 16 dự án lớn và 102 cống nội đồng. Nghiệm thu công trình xây mới chợ Vĩnh Ninh sớm đưa vào hoạt động. Đề nghị công nhận trường mầm non và trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia. Khởi công xây mới trường mầm non thôn Ích Vịnh. Lập đề án cải tạo, mở rộng nghĩa trang thôn Vĩnh Ninh; nâng cấp nghĩa trang thôn Quỳnh Đô; hoàn thiện dự án cấp nước sạch để sớm về đích đúng hạn.
Dương Thu Hiên
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã