Nước sạch cho người dân và hệ thống đường giao thông ở khu vực ngoại thành là vấn đề được Thành ủy, UBND TPHCM dành nhiều sự quan tâm trong năm 2014. Đây cũng là hai nội dung quan trọng của Chương trình xây dựng Nông thôn mới mà nhiều huyện, xã còn gặp lúng túng, khó khăn. Do vậy, với việc tập trung cho hai vấn đề này, thành phố hướng đến mục tiêu nâng chất đời sống người dân khu vực nông thôn ngoại thành một cách rõ rệt.
Hiện nay, theo Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), tổng công suất nguồn nước sạch từ các nhà máy cung cấp cho thành phố đạt 1.650.000m3/ngày đêm và tỉ lệ hộ dân đô thị được cung cấp nước sạch đạt gần 90%. Năm 2014, thành phố đặt chỉ tiêu 100% hộ dân đô thị được sử dụng nước sạch và 100% hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh. "Tôi rất mong các cấp lãnh đạo ở trên quan tâm đến vấn đề nước sạch cho người dân, để đáp ứng vấn đề kinh tế gia đình và sức khỏe...". "Nguyện vọng người dân bây giờ muốn nguồn nước sạch về để mọi người có nước xài", bà con ở khu vực ngoại thành chia sẻ.
Với mục tiêu trên, UBND thành phố chỉ đạo ngành chức năng tập trung cấp nước cho các nhóm cư dân nằm rải rác ở các huyện ngoại thành. Theo đó, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn sẽ tiến hành xây dựng các bể chứa lớn, chuyển nước sạch cho người dân; những nơi không có điều kiện xây bể, sẽ hỗ trợ bồn chứa nước. Trong thời gian tới, UBND TPHCM cũng sẽ đầu tư xây dựng 130km đường ống cấp 1, cấp 2 và 1.080km đường ống cấp 3 để đưa nước sạch về phục vụ nhu cầu của bà con đang sinh sống tại địa bàn các quận huyện ngoại thành, đặc biệt là xã xây dựng Nông thôn mới.
Ở góc độ quản lý cấp thành phố, xã hội hóa ngành cấp nước là hướng đi trong thời gian tới. Dựa trên nền tảng thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp kết hợp với nguồn vốn ngân sách, thành phố đầu tư 130 km mạng cấp 1 và 2 để tiếp nhận nước của 2 nhà máy Tân Hiệp 2 và Thủ Đức 2. Mô hình các nhà đầu tư tham gia và bán lẻ cho dân trong khi giá nước vẫn do thành phố quản lý sẽ sớm hình thành. Bằng cách này, UBND thành phố vừa giảm được áp lực thu chi ngân sách, vừa đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân khu vực ngoại thành. Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh: "Phải xuống thực tế kiểm tra, để phân định loại nước nào dùng sinh hoạt, loại nước nào dùng để ăn uống được. Hiện nay, nguồn lực để đầu tư về nước rất lớn nhưng lâu nay chúng ta đầu tư chủ yếu qua ngân sách thành phố nên hạn chế rất nhiều về nguồn lực huy động. Ủy ban thành phố vừa chỉ đạo Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn và Sở Giao thông phải nghiên cứu, chuẩn bị đề án xã hội hóa sắp tới đây, nhưng phải khẳng định một điều, Nhà nước phải thống nhất quản lý giá để đảm bảo sự ổn định giá nước cho bà con".
Về hệ thống giao thông, các khó khăn chính hiện nay trong đầu tư hạ tầng giao thông khu vực ngoại thành là do thực trạng giao thông khu vực này hiện nay quá kém. Trong quy hoạch giao thông nông thôn chưa thể bao gồm tất cả tuyến đường theo người dân mong muốn, nguồn lực về ngân sách và nguồn lực của xã hội còn hạn chế trong điều kiện kinh tế hiện nay. Việc điều hành quản lý các dự án đầu tư còn phải rút kinh nghiệm và chấn chỉnh thêm nhiều. Người dân của nhiều địa phương cũng bày tỏ lo lắng trước việc đầu tư thiếu đồng bộ, dàn trải, thiếu hệ thống cấp thoát nước, gây khó khăn cho cuộc sống. Tình trạng này cứ tái diễn đều đặn hàng năm như vậy đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, khiến người dân ở vùng ven, ngoại thành bức xúc: "Đường bị xuống cấp nặng nề. Nhiều lần người dân chúng tôi kiến nghị lên lãnh đạo huyện, xin được nâng cấp...Mặt đường hư hỏng như vậy thì khó khăn cho việc đi lại của người dân trên địa bàn, đặc biệt là người già, phụ nữ mang thai và trẻ em học sinh".
Thực tế thời gian qua, thành phố luôn ưu tiên vốn cho xây dựng Nông thôn mới, vùng ven, ngoại thành. Hiện nguồn vốn hơn 10.600 tỷ đồng đã được đầu tư hạ tầng giao thông từ đầu năm 2014 đến nay. Tuy nhiên, số vốn này chỉ đáp ứng 30% nhu cầu... Theo Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, tính riêng địa bàn xây dựng Nông thôn mới, đã thực hiện được 517 công trình, tức khoảng 1/3 mục tiêu đề ra, do còn vướng nguồn vốn, khâu quy hoạch và giải phóng mặt bằng. "Trong điều kiện kinh tế hiện nay, việc quy hoạch đường giao thông nông thôn, nguồn lực về ngân sách và nguồn lực xã hội của người dân, doanh nghiệp cũng có mức độ. Điều hành, quản lý các dự án trong giai đoạn đầu tư cũng cần phải rút kinh nghiệm. Sự phối hợp, giải quyết giữa các cơ quan, Sở ngành cũng cần phải được cải tiến trong thời gian tới để bộ mặt giao thông nông thôn của thành phố chúng ta ngày càng được tốt hơn", ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết.
Có nước sạch sinh hoạt hay đường giao thông chất lượng, đảm bảo được lưu thông an toàn hàng ngày là nhu cầu chính đáng và cấp thiết của người dân. Với thực tế còn nhiều khó khăn ở khu vực ngoại thành hiện nay, quá trình xây dựng Nông thôn mới sẽ đóng vai trò “một mũi tên bắn trúng nhiều đích”. Hàng trăm ngàn tỉ đồng được huy động để đầu tư cho cơ sở hạ tầng khu vực ngoại thành đã phần nào góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn.
Điều cần lưu ý hiện nay là các Sở ban ngành và chính quyền cấp sơ sở cần tiếp tục nỗ lực hoàn thiện các công trình, đồng thời tuyên truyền, vận động người dân tham gia đóng góp, xây dựng. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM khẳng định: "Chúng ta phải đặt chất lượng cuộc sống của người dân lên mục tiêu hàng đầu và quan tâm đến sức khỏe của người dân ngoại thành. Trước đây, người dân ngoại thành luôn bám trụ giữ làng trong kháng chiến thì bây giờ cuộc sống người dân ngoại thành phải tiếp tục được cải thiện. Đó là trách nhiệm, tình cảm của Đảng bộ và chính quyền thành phố".
Cùng với hai vấn đề về đường giao thông và nước sạch cho ngoại thành, quá trình xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn thành phố còn nhiều nội dung khác cần phải được quan tâm giải quyết. Theo đó, mục tiêu hàng đầu vẫn là làm sao nâng chất cuộc sống của người dân ngoại thành, cũng như thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng ngày càng tích cực hơn. Đây là nhiệm vụ mà toàn Đảng bộ, chính quyền cùng người dân TPHCM cần đồng lòng, hiệp lực để hoàn thành mục tiêu đã đề ra
Lê Nguyễn
Nguồn voh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã