Học tập đạo đức HCM

Xây dựng nông thôn mới Tiêu chí phù hợp, người dân chủ động tham gia

Thứ tư - 25/06/2014 21:34
Một trong những giải pháp được Ban Chỉ đạo T.Ư Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đưa ra trong thời gian tới về xây dựng nông thôn mới (NTM) là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, để người dân chủ động tham gia, đồng thời rút kinh nghiệm, hoàn thiện bộ tiêu chí, chỉ tiêu cụ thể phù hợp với điều kiện của các vùng, miền, dân tộc... Ðây cũng chính là những nội dung quan trọng để Chương trình phát huy hiệu quả, đi vào thực chất đời sống xã hội.

Anh Giàng A Tủa ở bản Cò Nọt Mông, xã Bản Bo, huyện Tam Ðường, tỉnh Lai Châu là gương điển hình của bản trong xây dựng NTM vừa được vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Anh cho biết, trước đây nói về NTM mọi người dân đều không hiểu gì cả. Nhờ cán bộ xã vận động, giải thích, anh biết được xây dựng NTM chính là xây dựng đời sống tinh thần, vật chất cho bản thân mình và gia đình. Ngoài việc tự mình vươn lên, anh còn tích cực vận động người dân trong bản học tập kinh nghiệm của những hộ làm kinh tế giỏi để áp dụng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi nâng cao đời sống. Giàng A Tủa cho biết thêm: "Do thiếu đất canh tác cho nên hai năm trước nhà mình chỉ trồng được một vụ ngô ở đất đồi núi. Nhà có bốn nhân khẩu, chỉ có mình là "con trâu" khỏe nhất thôi, nên "cày" mãi cũng chẳng đủ ăn. Bây giờ sau hai năm, từ một hộ nghèo, nhà mình đã có cái để dành rồi".

Nói về công tác xây dựng NTM, anh Tủa nhận thức đơn giản, muốn bán được nông sản thì phải có cái đường tốt, đủ lớn để các phương tiện vận chuyển vào tận nhà thu mua. Vì vậy, anh quyết định hiến 600 m2 đất canh tác để mở đường. Ngoài ra, anh còn đóng góp nhiều vật liệu xây dựng như tre, nứa, gỗ để ủng hộ phong trào. Nhờ có anh vận động, theo gương anh, nhiều hộ gia đình trong bản cũng tự nguyện hiến đất, vật liệu và đóng góp ngày công để xây dựng NTM. Bây giờ, nhờ có đường mới, xe ô-tô đã vào đến tận bản để thu mua nông sản cho bà con. Gia đình anh năm nào cũng bán hết chè thu hoạch từ hơn một ha mới trồng chuyển đổi, cho thu nhập cao, đời sống ngày càng ổn định.

Về phong trào hiến đất, ngày công làm đường giao thông nông thôn ở địa phương, Bí thư Ðảng ủy xã Bản Bo Nguyễn Xuân Hoàn cho chúng tôi biết thêm, trước đây, người dân ở xã chưa hiểu nhiều về phong trào xây dựng NTM. Ngay cả cán bộ chính quyền địa phương cũng nghĩ, việc này là của Nhà nước, cứ chờ khi có ngân sách là tiến hành thực hiện. Sau một thời gian các cấp lãnh đạo chính quyền nỗ lực vận động, mọi người đã hiểu ra, đây là việc làm thiết thực để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho chính người dân. Từ đó ai cũng tự giác thực hiện và vận động người thân cùng chung tay tham gia. Nhờ vậy, chỉ sau vài năm, Bản Bo đã trở thành xã điển hình trong xây dựng NTM của tỉnh.

"Xây dựng NTM ở miền xuôi đã khó, miền núi càng khó hơn nhiều. Giống như cuộc leo núi, càng lên cao càng thấm mệt nếu không biết lượng sức mình, có thể sẽ bị tụt xuống dốc...". Một cán bộ làm công tác phong trào của tỉnh Lào Cai nói một cách hình ảnh. Song, với Giàng Seo Cấu ở thôn Nậm Thổ, xã Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, câu chuyện "leo núi" với ông lại khác. Ông rất giỏi trong tuyên truyền, vận động người thân và bà con trong bản tham gia đóng góp xây dựng NTM. Năm nay đã gần 60 tuổi, ông bảo: "Mình già rồi, không làm cái gì cụ thể được thì dạy các con, các cháu làm thôi. Mình có kinh nghiệm, họ có sức khỏe mà". Khi Nhà nước có chủ trương xây dựng NTM, ông Cấu hiểu ngay "cái này là làm cho mình, bà con mình giàu lên, văn minh lên". Ông cùng cán bộ địa phương, kiên trì vận động mọi người dân trong bản, hiến đất, đóng góp vật chất, ngày công để làm đường, xây dựng bưu điện, trường học, trạm y tế. Bản thân ông cũng hiến nhiều đất, con cháu ông cũng đã đóng góp nhiều công sức cho phong trào. Nhờ gương mẫu, cho nên ông đã được mọi người nghe theo, làm theo. Bây giờ, Nậm Thổ đã trở thành bản mới, có đường, có trường học khang trang. Nhà nhà, người người, đâu đâu cũng hân hoan phấn khởi. Có được thành công đó, không thể không kể đến cá nhân năng nổ, nhiệt tình như ông Giàng Seo Cấu.

Là một xã thuần nông của huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang, xã Tân Hiệp A vừa được tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia về NTM. Chia sẻ kinh nghiệm với chúng tôi, Bí thư Ðảng ủy xã Hà Văn Dũng cho biết, cách đây hai năm, xã tổ chức ra quân xây dựng NTM và đã chọn ấp Kênh 3A làm điểm chỉ đạo của xã, chọn Tổ nhân dân tự quản số 15, Kênh 3A làm điểm cho chỉ đạo của ấp. Tiếp đến, các ấp còn lại tổ chức ra quân, từng ấp chọn ra một tổ nhân dân tự quản để thực hiện. Chúng tôi có tiêu chí riêng để xác định mốc hoàn thành như cấp xã có 16 đầu việc, cấp ấp và tổ nhân dân tự quản có 12 phần việc và cuối cùng là các hộ gia đình có 15 phần việc phải hoàn thành. Khi tổng kết, dựa vào kết quả từng phần việc để đánh giá. Ðối tượng nào hoàn thành 70% phần việc trở lên thì được công nhận hoàn thành. Tiêu chí đặt ra cụ thể, nhưng quan trọng nhất là người dân đồng thuận. Về vấn đề này, xã Tân Hiệp A phải dựa hoàn toàn vào dân, để người dân nói lên ý kiến nguyện vọng của mình, sau đó, chính quyền tổng hợp, lựa chọn đi đến thống nhất. Nhờ đó, mọi việc được thực hiện rất hiệu quả và quan trọng là phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân...

Theo Bộ tiêu chí quốc gia NTM và quy chuẩn của các bộ, ngành liên quan, giai đoạn trước mắt mỗi xã xây dựng từ một đến ba nghĩa trang theo quy hoạch; về lâu dài từ hai đến ba xã chung một nghĩa trang. Nhiều cán bộ địa phương cho rằng, đây là vấn đề khó khả thi vì liên quan trực tiếp đến các yếu tố truyền thống tâm linh. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trần Công Chánh, nên thay đổi tiêu chí này sao cho phù hợp thực tế liên quan đến tôn giáo, dân tộc, tín ngưỡng thờ cúng... Có xã hàng chục nghìn dân, có xã ít dân, nếu xã nào cũng áp dụng máy móc như vậy thì có thể dẫn đến tình trạng quy hoạch treo, trong khi sử dụng thực tế lại rất thấp. Nhiều địa phương vẫn còn có tập quán chôn cất người thân khi mất đi tại khuôn viên nhà mình hoặc nghĩa trang riêng của dòng họ. Nếu quy tập vào nơi chung phải mất một thời gian vận động, chưa kể các chi phí tốn kém...

Không riêng gì chuyện quy hoạch nghĩa trang, nhiều địa phương "kêu" rất khó khăn khi áp dụng các tiêu chí khác như chợ nông thôn, nhà văn hóa, đường giao thông... Trao đổi về việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo điều kiện giúp nông dân xóa đói, giảm nghèo, Phó Chủ tịch UBND xã Hiền Lương, huyện Ðà Bắc, tỉnh Hòa Bình Ðinh Văn Huy cho biết, với điều kiện đặc thù là lòng hồ sông Ðà và rừng nên xã có một số thuận lợi trong phát triển kinh tế nông hộ. Nhìn chung, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện nhờ chính vào các nghề truyền thống vốn có. Tuy nhiên, khi nói về các tiêu chí để áp dụng xây dựng NTM, đồng chí Huy tỏ ra băn khoăn vì cả điều kiện tự nhiên và xã hội đều không thuận lợi khi xã "áp" vào để thực hiện. Trong đó, khó khăn về mặt bằng để xây dựng chợ, trường học, trạm xá, quy hoạch nghĩa trang, nhà văn hóa; khó khăn về đời sống khi muốn nâng tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 10% để đạt chuẩn, hay xã phải có từ 70% số thôn, bản trở lên đạt tiêu chuẩn làng văn hóa theo quy định... Với tiêu chí đường giao thông thì càng khó thực hiện, bởi với một bên là lòng hồ, một bên là núi, địa phương lấy đâu ra mặt bằng cho con đường đúng với tiêu chuẩn đặt ra. Do đó, có lẽ Ban Chỉ đạo Chương trình nên cân nhắc để tự chính quyền các xã xây dựng tiêu chí phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế của địa phương mình...

Vừa qua, trong Hội nghị sơ kết ba năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, Ban Chỉ đạo T.Ư Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM khẳng định, bên cạnh những kết quả đã đạt được hiện còn nhiều hạn chế cần khắc phục như, tiến độ triển khai còn chậm so với mục tiêu đặt ra, phong trào không đồng đều; trong thực hiện mới chỉ chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, trong khi các nội dung về thu nhập, văn hóa, môi trường... chưa được quan tâm chỉ đạo đúng mức. Bên cạnh đó, mới chủ yếu tập trung cao thực hiện các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của cấp xã, lập quy hoạch, đề án, xây dựng công trình hạ tầng công cộng. Do đó cần tạo điều kiện hơn nữa về cơ chế chính sách để người dân thật sự làm chủ thể, phát huy vai trò tích cực của các thôn, bản, ấp trong xây dựng NTM là yếu tố quyết định cho sự thành công...

Sau ba năm thực hiện xây dựng NTM, từ bình quân 4,7 tiêu chí/xã năm 2011, nay đã đạt 8,47 tiêu chí/xã. Cả nước đã có 185 xã đạt 19 tiêu chí (chiếm tỷ lệ 2,05%); 622 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí (6,9%); 2.646 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí (29,37%); 4.033 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí (44,77%); 1.515 xã đạt dưới 5 tiêu chí (16,82%) và có 7 xã hiện chưa đạt tiêu chí nào...
BÀI VÀ ẢNH: VŨ THÀNH
theo nhandan.com.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập150
  • Hôm nay28,927
  • Tháng hiện tại804,205
  • Tổng lượt truy cập91,977,934
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây