Học tập đạo đức HCM

Xây dựng nông thôn mới cần thực chất, không chạy theo thành tích

Thứ năm - 17/08/2017 23:12
Cho đến thời điểm này, TP Hà Nội đã có hai huyện và 255 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng theo bộ tiêu chí mới, kết quả thực hiện ở các địa phương còn nhiều hạn chế, nhất là tiêu chí về môi trường, trường học. Một số xã đã đạt chuẩn đang phải “trả nợ” các tiêu chí. Việc phấn đấu có thêm hai huyện và 50 xã về đích trong năm nay là rất khó.

Sau nhiều nỗ lực phấn đấu, đến cuối năm 2016 huyện Gia Lâm đã có 17 trong tổng số 20 xã được công nhận nông thôn mới (NTM), ba xã còn lại gồm: Ninh Hiệp, Trung Mầu và Lệ Chi đạt và cơ bản đạt từ 16 tiêu chí trở lên. Với kết quả này, huyện Gia Lâm phấn đấu hoàn thành các tiêu chí còn lại, về đích nông thôn mới trong năm nay. Tuy nhiên, việc hoàn thành các chỉ tiêu nông thôn mới còn lại không đơn giản, bởi theo bộ tiêu chí mới về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 do UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành, các tiêu chí nâng cao hơn rất nhiều so với bộ tiêu chí cũ. 

Trong khi đó, nhiều chỉ tiêu huyện Gia Lâm đặt ra thấp hơn quy định, như tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt 60%, thấp hơn mức tối thiểu 65% của tiêu chí mới, hay tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 80%, cũng thấp hơn mức 85% so với quy định. Đáng chú ý, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các hồ ao, trong khu dân cư và ba con sông chảy qua địa bàn huyện là các sông Cầu Bây, Thiên Đức và sông Giàng... đang là “rào cản” rất khó vượt qua để đạt chuẩn NTM. 

Sông Cầu Bây, chảy từ địa bàn quận Long Biên, đi qua nhiều xã của huyện Gia Lâm với chiều dài hơn 7 km, nguồn nước bị ô nhiễm nặng do nước thải công nghiệp, nước thải làng nghề, nước thải sinh hoạt chưa được xử lý xả thải trực tiếp, không thể sử dụng làm nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, khiến người dân rất bức xúc. Để có nước tưới phục vụ sản xuất, người dân phải khoan giếng lấy nước. 

UBND huyện Gia Lâm đã có nhiều biện pháp khắc phục như: tổ chức nạo vét lòng sông, khơi thông dòng chảy, nhưng ô nhiễm không hề giảm. Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần cho biết: Huyện đã xác định phải xử lý ô nhiễm môi trường, cải tạo sông Cầu Bây mới đủ điều kiện đạt huyện NTM, nhưng không đủ khả năng.

Cùng đăng ký về đích NTM trong năm nay, huyện Phúc Thọ đã có 20 xã trong tổng số 22 xã đạt chuẩn, hai xã còn lại là Thượng Cốc và Xuân Phú. Thực hiện chương trình NTM, diện mạo nông thôn của huyện thay đổi tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện. Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo chương trình NTM huyện Phúc Thọ thừa nhận, việc triển khai xây dựng NTM mới chỉ tập trung đầu tư hạ tầng, chưa tạo được điểm nhấn rõ nét trong phát triển kinh tế. 

Việc nhân rộng các mô hình kinh tế mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để mang lại hiệu quả kinh tế cao còn ít, mô hình quản lý trong sản xuất chưa hiệu quả. Cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp người dân còn hạn chế. Công tác huy động đóng góp của các doanh nghiệp, người dân còn thấp, nguồn lực xây dựng NTM chủ yếu từ ngân sách. Tiêu chí môi trường, nhất là tại các xã có nghề tiểu thủ công nghiệp nằm xen kẽ trong khu dân cư như nghề mộc tại xã Thanh Đa, Hát Môn rất khó hoàn thành.

Còn tại huyện Đông Anh, mặc dù đã về đích NTM giai đoạn 2011-2015 từ năm 2016, nhưng đến nay nhiều xã vẫn phải “trả nợ” các tiêu chí chưa đạt cũng như nâng cao chất lượng tiêu chí theo tiêu chí mới. Tại xã Dục Tú, địa phương duy nhất của huyện Đông Anh chưa được công nhận chuẩn NTM do chưa hoàn thành tiêu chí trường học, hệ thống cơ sở vật chất trường học ở cả ba cấp mầm non, tiểu học, THCS đều chưa đạt chuẩn quốc gia. Trường tiểu học, với khoảng 1.600 học sinh và trường THCS với hơn 1.000 học sinh đều thiếu phòng học, phải bố trí cả phòng hội đồng để làm phòng học. Cả hai ngôi trường này nằm trên diện tích đất chật hẹp, khoảng 9.500 m2, không bảo đảm diện tích theo quy định. Cơ sở vật chất của hai trường mầm non, với khoảng 1.600 học sinh cũng xuống cấp, thiếu thốn. 

Đối với xã Đông Hội, mặc dù đã được công nhận đạt chuẩn NTM từ năm 2014, nhưng theo bộ tiêu chí mới, thì vẫn còn bảy tiêu chí chưa đạt, gồm quy hoạch chi tiết, giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, hạ tầng thương mại, môi trường và an toàn thực phẩm. Để hoàn thành các tiêu chí này, chính quyền xã ước tính nguồn vốn đầu tư cần khoảng 325 tỷ đồng. Tuy nhiên, lo lắng lớn nhất của lãnh đạo xã Đông Hội hiện nay là vấn đề giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bí thư Đảng ủy xã Đông Hội Hoàng Văn Hội chia sẻ, trong những năm gần đây, nhất là từ sau khi xã về đích NTM, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn diễn ra nhanh chóng. Diện tích đất nông nghiệp giảm gần một nửa do bị thu hồi phục vụ các dự án và tiếp tục bị thu hẹp trong thời gian tới. Lãnh đạo xã rất trăn trở việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân. Bài toán tạo việc làm, nâng cao thu nhập bình quân cho người dân từ mức 33 triệu đồng hiện nay lên 50 triệu đồng/năm, trong khi ruộng đất ngày càng thu hẹp, hiện vẫn chưa tìm được lời giải.

Làm rõ thêm những khó khăn trong việc thực hiện tiêu chí trường học, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám cho biết, đến nay trên địa bàn huyện mới có 46 trong tổng số 88 trường học đạt chuẩn quốc gia. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do tốc độ gia tăng dân số trên địa bàn huyện quá nhanh. Năm học 2017-2018, huyện tăng hơn 4.000 học sinh đầu vào, cần thêm khoảng 100 phòng học, tương đương từ ba đến bốn trường học mới. Riêng xã Kim Chung có hơn 500 học sinh vào tiểu học. Huyện vừa xây dựng thêm mười phòng học mới tại xã, nhưng chỉ hai năm tới sẽ phủ đầy và tiếp tục thiếu lớp học, do vậy huyện đang tìm đất mở thêm trường học. Mặc dù việc xây dựng hệ thống trường học là vấn đề cấp bách hàng đầu, trong đó năm 2016 đã đầu tư cải tạo, sửa chữa, xây dựng 27 trường, năm 2017 thực hiện 20 dự án, nhưng với tốc độ tăng dân số như hiện nay dự kiến đến cuối năm 2020, số trường đạt chuẩn quốc gia cũng chỉ đạt 70% tổng số trường.

Phó Chánh Văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM thành phố Hà Nội Lê Thiết Cương cho biết, từ trước đến nay, các địa phương thường sử dụng khái niệm “cơ bản đạt” đối với một số tiêu chí khó thực hiện như môi trường, thu nhập của người dân, thực chất là chưa đạt, “nợ” tiêu chí khi chấm điểm xã NTM, nay phải “trả nợ” theo tiêu chí mới. Việc “trả nợ” tiêu chí, với chất lượng cao hơn, được định lượng rõ ràng, cụ thể hơn, gây không ít khó khăn cho các địa phương, nhưng sẽ nâng cao chất lượng NTM. Một số địa phương chậm cập nhật tiêu chí mới, cho nên việc thực hiện có phần bị động, lúng túng.

Phát biểu ý kiến tại các buổi kiểm tra việc thực hiện Chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình số 02 khẳng định, mặc dù ngân sách còn nhiều khó khăn, nhưng thành phố vẫn ưu tiên nguồn lực đầu tư cho chương trình xây dựng NTM. 

Các ban, ngành, địa phương cần kiên quyết khắc phục hạn chế, chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nông dân, tạo sự chuyển biến thực chất, hiệu quả, trong nông nghiệp, nông thôn. Tập trung hỗ trợ các địa phương đăng ký về đích NTM hoàn thành kế hoạch đã đề ra, nhưng không được để “nợ” các tiêu chí. Việc đầu tư các đề án, dự án phải bảo đảm chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, kém hiệu quả. Đồng chí yêu cầu Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM chấm điểm tiêu chí các xã NTM phải thật kỹ, chính xác, không chạy theo thành tích.

MINH VÂN
Theo nhandan.com.vn

 Tags: tiêu chí

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập969
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại752,428
  • Tổng lượt truy cập93,130,092
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây