Học tập đạo đức HCM

Khó đạt mục tiêu 5.000 doanh nghiệp khoa học và công nghệ

Thứ năm - 17/08/2017 23:07
Tính đến hết 2016, trong số 250 doanh nghiệp (DN) trên cả nước được cấp giấy chứng nhận DN khoa học và công nghệ (KH-CN)
Mục tiêu đến năm 2020 có 5.000 DN KH-CN, được xác định trong Chiến lược phát triển KH-CN giai đoạn 2011-2020, sau hơn 5 năm triển khai đang đứng trước nguy cơ phá sản nếu không có những giải pháp khả thi. 
Phá sản mục tiêu đầu
Sau khi nghiên cứu và thử nghiệm hiệu quả thiết bị tiết kiệm điện cho đèn đường PowerEco (năm 2009), kỹ sư Huỳnh Minh Hải đã thành lập Công ty Công nghệ kỹ thuật điện Toàn Cầu (quận Bình Thạnh, TPHCM) để thương mại hóa sản phẩm. Ông cùng các cộng sự đã lắp đặt hơn 12.000 bộ đèn tại Cần Thơ, Tiền Giang, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. 
Trong đó, với 900 bộ, tỉnh Tiền Giang đã tiết giảm đến 37% điện năng tiêu thụ và thời gian hoàn vốn chỉ sau 17 tháng. Nhiều nhất là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với gần 10.000 bộ đã giúp tiết kiệm trên 7 tỷ đồng ngân sách của tỉnh cho tiền điện chiếu sáng mỗi năm. 
Thế nhưng, những băn khoăn của anh Huỳnh Minh Hải lại đến từ việc PowerEco sau hơn 5 năm thử nghiệm tại TPHCM vẫn chưa được triển khai đại trà vì nhiều lý do; khi việc mở rộng thị trường gặp khó, doanh thu không đạt, đã cản trở Toàn Cầu trở thành DN KH-CN.
Khó đạt mục tiêu 5.000 doanh nghiệp khoa học và công nghệ ảnh 1Láp ráp máy in 3D tại Công ty cổ phần Công nghệ MEETECH - doanh nghiệp đang được ươm tạo trong Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao TPHCM
Các quy định về thành lập DN KH-CN có nêu, đối tượng phải hoàn thành việc ươm tạo và làm chủ công nghệ từ kết quả KH-CN được sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp kết quả KH-CN đó. Đây là cơ sở để xem xét ưu đãi về thuế thu nhập DN.
Trong thực tế công tác nghiên cứu lại khác, một kết quả KH-CN thông thường chỉ giải quyết vấn đề cho một phần của sản phẩm thương mại, không giải quyết trọn vẹn cho một sản phẩm. 
Còn tại Vườn ươm DN Đại học Bách khoa TPHCM, có rất nhiều DN ươm tạo không thể đưa ra các văn bằng bảo hộ tài sản trí tuệ, bởi kết quả KH-CN là sự ứng dụng của rất nhiều kết quả KH-CN đã “phổ thông hóa” từ trước đó rất lâu. 
Hay theo quy định tại Điều 10, Nghị định số 80/2007, DN chỉ có thể nhận được ưu đãi về thuế thu nhập khi doanh thu của các sản phẩm, hàng hóa hình thành từ kết quả KH-CN trong năm thứ nhất từ 30% tổng doanh thu trở lên, năm thứ hai từ 50% tổng doanh thu trở lên, năm thứ ba trở đi từ 70% tổng doanh thu trở lên. 
Trên thực tế, trong số 29 DN KH-CN tại TPHCM, chỉ 20 DN có doanh thu bước đầu, các DN còn lại là DN mới, thành lập trên cơ sở phát triển công nghệ được hình thành từ kết quả nghiên cứu KH-CN và hiện chưa có doanh thu.
Vì lẽ đó, không quá bất ngờ khi đến nay, cả nước mới có 250 DN đủ điều kiện nhận giấy chứng nhận DN KH-CN. Nghĩa là, mục tiêu hình thành 3.000 DN KH-CN đến năm 2015 coi như đã phá sản. 
Giải pháp nào?
Đánh giá công tác phát triển DN KH-CN tại TPHCM thời gian qua, GS-TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở KH-CN, chỉ ra rằng trong 7 chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho DN KH-CN, một số chính sách chưa được cụ thể hóa trong quá trình thực hiện, như chính sách được ưu tiên sử dụng các trang thiết bị phục vụ trong phòng thí nghiệm trọng điểm; hưởng ưu đãi về giá cho thuê đất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; ưu đãi vay vốn tín dụng đầu tư. 
Ngay cả chính sách ưu đãi về thuế thu nhập DN - một trong những chính sách hấp dẫn và cụ thể nhất, các điều kiện được hưởng ưu đãi đã được xác định cụ thể tại một số thông tư liên tịch, tuy nhiên các ngành chưa thống nhất, đặc biệt là ngành thuế. 
Theo PGS-TS Mai Thanh Phong, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TPHCM, các khó khăn của DN KH-CN thời gian qua cho thấy cơ chế, chính sách dành cho đối tượng này vẫn còn độ chênh và cần tiếp tục hoàn thiện. 
Đặc biệt là cần nới lỏng hoặc linh động hơn trong áp tiêu chí khi xét duyệt DN KH-CN. “Đành rằng không phát triển theo kiểu chạy theo số lượng, nhưng việc hình thành càng nhiều nhóm DN ứng dụng KH-CN và cho họ các ưu đãi tương tự DN KH-CN hiện có được coi là giải pháp tối ưu nhằm nâng cao sức cạnh tranh của DN”, ông Phong đề xuất. 
Cũng theo PGS-TS Mai Thanh Phong, Nhà nước cần tạo cơ chế hỗ trợ tín dụng, chỉ định thầu một số dự án, công trình có hàm lượng KH-CN cao cho các DN KH-CN non trẻ, nhằm tạo đà phát triển và khuyến khích DN Việt Nam đổi mới hoặc ứng dụng công nghệ trong sản xuất - kinh doanh.
GS-TS Nguyễn Kỳ Phùng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các vườn ươm DN và cho đây là nguồn cung DN KH-CN bền vững, cần được tiếp tục đầu tư hỗ trợ.
Cụ thể, cần đẩy mạnh hoạt động của các vườm ươm DN thông qua việc hỗ trợ tư vấn kỹ thuật về sản xuất kinh doanh của các DN, tìm kiếm thông tin các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ phát triển sản phẩm để DN có thể tiếp cận, tham gia. 
Các vườn ươm DN cũng phải chủ động gắn kết với đơn vị đầu tư hạ tầng khu công nghiệp triển khai hoạt động cho thuê nhà xưởng với giá ưu đãi để hỗ trợ các dự án, DN KH-CN có nhu cầu cấp thiết nhưng gặp khó khăn. Song song đó là đẩy mạnh phong trào sáng tạo khởi nghiệp trong cộng đồng.
 
UBND TPHCM vừa đề xuất Bộ KH-CN 4 nhiệm vụ tham gia chương trình Hỗ trợ phát triển DN KH-CN và tổ chức KH-CN công lập, đó là: 
“Nghiên cứu, chế tạo robot delta trong công nghiệp” do Công ty cổ phần Phát triển kỹ thuật Ý Tưởng đề xuất. 
“Nghiên cứu, chế tạo xe tự hành (AGV) trong công nghiệp” do Công ty cổ phần Phát triển kỹ thuật Ý Tưởng đề xuất. 
“Nâng cao năng lực ươm tạo DN KH-CN của Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC)” do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp đề xuất. 
“Nâng cao năng lực ươm tạo DN KH-CN trong Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM” do Trung tâm Ươm tạo DN nông nghiệp công nghệ cao đề xuất.

GIA QUẢNG
http://www.sggp.org.vn/

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập302
  • Hôm nay37,480
  • Tháng hiện tại812,758
  • Tổng lượt truy cập91,986,487
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây