Học tập đạo đức HCM

Xuân sớm trên những rẻo biên cương

Thứ ba - 02/01/2018 01:06
Ðối với những người gắn bó, đón nhiều cái Tết tại vùng phên dậu của Tổ quốc, xuân biên giới luôn là mùa xuân đẹp nhất. Không chỉ là những nụ đào hé sớm, những cành hoa thược dược rực rỡ khoe sắc trong tiết giá lạnh mà còn dễ dàng nhận ra sự đổi thay từ mỗi nếp nhà, mỗi thôn bản. Trong thành quả của cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, có một phần đóng góp không nhỏ của lực lượng bộ đội biên phòng (BÐBP).

Những điểm sáng giúp dân

Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đối với người lính quân hàm xanh không còn là điều mới mẻ bởi giúp chính quyền địa phương củng cố tổ chức cơ sở Ðảng, đoàn thể chính trị, giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, bài trừ hủ tục lạc hậu… là nhiệm vụ thường xuyên của công tác biên phòng. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cũng là động lực mới để BÐBP đẩy mạnh nhiệm vụ của mình hơn nữa. Theo đó, lực lượng BÐBP sẽ tập trung tu sửa, tôn tạo đường giao thông liên thôn bản, sáng tạo, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, cải tạo, gìn giữ môi trường, nâng cao dân trí… là những trở ngại lớn ở mỗi thôn bản.

Với trách nhiệm, tình quân - dân, thực hiện phương châm "Ðồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt", 5 năm qua, cán bộ, chiến sĩ biên phòng tiếp tục kiên trì, đẩy mạnh "cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc, cùng nói tiếng dân tộc", tuyên truyền, vận động đồng bào định canh, định cư, thay đổi tập quán canh tác, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Do dân trí đồng bào còn thấp, BÐBP kiên trì "cầm tay, chỉ việc", làm mẫu, hướng dẫn để dân thấy, dân hiểu, dân tin, dân làm theo. Khi người dân quen việc, BÐBP giao đất, hỗ trợ con giống, cây giống, chuyển giao kỹ thuật để người dân tự làm. Khi có kết quả tốt sẽ nhân rộng mô hình.

Từ thực tiễn, đã xuất hiện nhiều mô hình BÐBP giúp dân phát triển kinh tế gia đình có hiệu quả, tiêu biểu như: Mô hình chăn nuôi lợn, cá, nhím, dê; trồng rừng, trồng cây cao-su, cây điều, măng cao sản, hồ tiêu… của BÐBP các tỉnh: Quảng Bình, Hà Tĩnh, Hà Giang, Lạng Sơn, Nghệ An, các tỉnh khu vực Tây Nguyên; nuôi cá hồi, cá tầm, bò, dê tập trung của biên phòng Lai Châu; giúp dân phát triển kinh tế gia đình trồng cao-su tiểu điền xã Mô Rai, Ðồn Biên phòng Ia Lân (BÐBP Kon Tum); xây dựng cầu tàu kiểm soát biên phòng (BÐBP tỉnh Quảng Ngãi) phục vụ nhiệm vụ an ninh, quốc phòng, tìm kiếm cứu nạn và phát triển kinh tế biển với tổng số vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng. Sau hai năm đưa vào sử dụng, khai thác, các cầu tàu kiểm soát biên phòng đã phát huy hết công năng. Tại mỗi cầu tàu, hằng ngày có hàng trăm lượt tàu thuyền ra vào, neo đậu làm thủ tục xuất bến, mua, bán hải sản thuận tiện.

BÐBP tỉnh Lai Châu cũng đã xây dựng Ðề án "Bảo tồn, phát triển bền vững dân tộc La Hủ giai đoạn 2009 - 2015". Từ năm 2009 đến nay, đã có 69 chương trình, dự án đầu tư vào khu vực biên giới với số vốn gần 288 tỷ đồng, trong đó Bộ Tư lệnh BÐBP đóng góp 1,228 tỷ đồng, BÐBP tỉnh 185 triệu đồng. Sau gần bốn năm thực hiện, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc La Hủ từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, cơ bản xóa nhà tạm (tranh tre, nứa lá), chấm dứt tình trạng du canh, du cư. Một điểm sáng nữa trong phong trào "BÐBP chung sức xây dựng nông thôn mới" là BÐBP tỉnh Quảng Bình hoàn thành Ðề án Thủy lợi, ruộng lúa nước Rục Làn (xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa). Trong quá trình thực hiện, BÐBP tỉnh huy động công sức bộ đội với gần hai nghìn ngày công, đầu tư hơn 200 triệu đồng mua máy cày, máy phay, dụng cụ sản xuất, phân bón, thuốc trừ sâu, đồng thời cử cán bộ trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật ủ phân xanh, làm đất, ủ giống, gieo sạ, chăm bón, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, bảo quản, tổ chức sản xuất theo mô hình hợp tác xã. Từ năm 2011 đến nay, năng suất lúa đạt khoảng 40 tạ/ha, sản phẩm được chia cho đồng bào ba bản người Rục, người Sách theo công điểm, trích một phần hỗ trợ các gia đình chính sách, neo đơn. Hiện nay, Ðồn Biên phòng Cà Xèng phối hợp địa phương chia ruộng cho các hộ, chuyển giao kỹ thuật để người dân tự chủ, canh tác trên mảnh đất của mình. Từ chỗ tất cả các hộ thuộc diện đói nghèo, đến nay, mỗi hộ thu hoạch vài trăm ki-lô-gam thóc, có hộ thu gần một tấn/vụ... Hiện nay, BÐBP Quảng Bình tiếp tục thi công công trình thủy lợi Ka-Ka Vàng (xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa) phục vụ nước sinh hoạt và làm 5 ha lúa nước, với kinh phí hơn 6,3 tỷ đồng. Các đồn biên phòng tiếp tục triển khai các mô hình: nuôi lợn, nuôi con dúi, ươm cây, trồng rừng, nuôi cá.

Có bộ đội biên phòng, tự tin về đích

Ðó là câu nhận xét rất thật lòng của không chỉ đồng bào khu vực biên giới, hải đảo mà còn là của lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương khi đánh giá về vai trò xung kích của BÐBP trong xây dựng NTM tại vùng biên giới hải đảo, những địa bàn khó cán đích NTM với đầy đủ 19 tiêu chí.

Ðến nay, BÐBP đã cùng các địa phương mở hàng nghìn lớp học cho con em đồng bào các dân tộc ở thôn, bản vùng sâu, vùng xa. Hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ ở đồn biên phòng đã lặn lội đến từng hộ, thôn, bản để vận động trẻ em trong độ tuổi và học sinh bỏ học đến trường. Thậm chí ở những nơi đặc biệt khó khăn, các chiến sĩ BÐBP còn trực tiếp đứng lớp, đến từng bản, làng, gia đình để "gieo chữ" cho đồng bào. Trong chương trình "Nâng bước em tới trường", toàn lực lượng đã nhận đỡ đầu 2.802 học sinh, trong đó có 40 em được nuôi tại các đồn biên phòng, 87 học sinh Lào, 91 học sinh Cam-pu-chia, 820 em mồ côi với mức hỗ trợ mỗi em là 500 nghìn đồng/tháng cho tới khi các em học hết phổ thông.

Cùng với cả nước, phong trào "BÐBP chung sức xây dựng nông thôn mới" đã và đang đạt được hiệu quả thiết thực, làm thay đổi đáng kể diện mạo kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội ở khu vực biên giới, hải đảo. Người chiến sĩ quân hàm xanh đã thật sự chiếm được tình cảm, sự yêu mến của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, tô đẹp thêm hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ" trong lòng người dân biên giới; qua đó thắt chặt hơn nữa tình quân dân, sát cánh bên nhau xây dựng quê hương, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Chính ủy Bộ Tư lệnh Biên phòng, Thiếu tướng Ðỗ Danh Vượng cho rằng: Những ngày lực lượng BÐBP còn non trẻ, đầy khó khăn, vất vả, chính đồng bào biên giới đã cưu mang, đùm bọc, giúp đỡ. Do đó, việc tham gia thực hiện Chương trình xây dựng NTM không chỉ là trách nhiệm chính trị của BÐBP, mà còn là hành động tri ân đồng bào các dân tộc biên giới về sự giúp đỡ bộ đội quân hàm xanh suốt chặng đường gần 60 năm xây dựng và phát triển.

Sắc Xuân biên cương ngày càng rực rỡ và ấm no. Người dân vùng biên cương đang vững tin đón mùa xuân đến sớm.

Tác giả bài viết: Theo Đặng Thanh Hà/nhandan.com.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập518
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại846,658
  • Tổng lượt truy cập92,020,387
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây