Phát huy tiềm năng sẵn có
Ở huyện Chợ Mới, lĩnh vực phát triển nông nghiệp khá toàn diện, huy động được nhiều nguồn lực đầu tư phát triển. Toàn huyện hiện có diện tích tự nhiên là 36.906ha, ngoài lúa, rau màu thì xoài là một trong những cây ăn trái chủ lực của huyện.
Diện tích trồng xoài trên địa bàn huyện là 6.328ha, chiếm hơn 85% diện tích cây ăn trái, trong đó có 704ha xoài đạt chứng nhận VietGAP. Cùng thừa hưởng những thuận lợi về thổ nhưỡng, thời tiết… nhưng những hộ trồng xoài trên địa bàn ấp An Thạnh, xã Hòa Bình trong những năm qua còn khá manh mún, nhỏ lẻ. Vì vậy, cây xoài chưa tạo được thương hiệu nông sản của địa phương.
"Hiểu được việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sẽ mang lại hiệu quả kinh tế, nên ngay sau khi có đề án xây dựng mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác được triển khai tôi đã tự nguyện đăng kí tham gia…".
Ông Võ Chí Cường
''Từ trước tới nay trên địa bàn ấp An Thạnh chủ yếu tập trung vào cây xoài, kinh tế ổn định nhưng chưa cao, bởi đa số các hộ dân trồng đủ các giống xoài khác nhau theo hướng tự phát nên số lượng thiếu tập trung, khó làm thương hiệu, không thu hút nhà thu mua…'' - ông Nguyễn Long Định - Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp làm vườn ấp An Thạnh, xã Hoà Bình cho biết.
Ông Lê Văn Phụng - Phó Chủ tịch Hội ND huyện Chợ Mới cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Hội ND tỉnh An Giang, Hội ND huyện đã chọn Chi hội nghề nghiệp làm vườn ấp An Thạnh, xã Hòa Bình để triển khai thực hiện Dự án "Xây dựng mô hình hợp tác xã cây ăn trái gắn với xây dựng Chi hội làm vườn, hướng tới phát triển doanh nghiệp nông thôn".
Bước đầu đã thành lập Ban điều phối dự án cấp huyện, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện. Cùng với Hội ND tỉnh tổ chức triển khai các hoạt động dự án, Hội ND xã Hòa Bình tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp nhận dự án, tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về mục đích, ý nghĩa của việc thành lập các chi hội nghề nghiệp và nâng chất lên hợp tác xã nông nghiệp, xây dựng các mô hình trên địa bàn.
Việc thực hiện dự án "Xây dựng mô hình hợp tác xã cây ăn trái gắn với xây dựng Chi hội làm vườn, hướng tới phát triển doanh nghiệp nông thôn" tại xã Hoà Bình, huyện Chợ Mới là sự khởi sắc, tạo động lực cho hội viên nông dân thực hiện sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm xoài an toàn.
Nông dân được hỗ trợ xây dựng mô hình
"Gia đình tôi chỉ có 3.500m2 đất canh tác và đã trải qua hơn 6 năm gắn bó với cây xoài. Những năm đầu tôi trồng xoài cát Hòa Lộc. Sau thấy xoài lai có giá hơn, tôi đưa giống xoài Đài Loan về ghép nhưng hiệu quả kinh tế chưa cao. Đất ít, sản lượng xoài thấp nên thương lái ít ngó ngàng tới. Hiểu được việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sẽ mang lại hiệu quả kinh tế, nên ngay sau khi có đề án xây dựng mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác được triển khai tôi đã tự nguyện đăng ký tham gia…"- ông Võ Chí Cường, ấp An Thạnh, xã Hòa Bình bộc bạch.
Ông Cường cho biết thêm, giống xoài Đài Loan hiện nay, mỗi vụ gia đình thu hoạch khoảng hơn 2 tấn. Trong quá trình sản xuất, ông được biết nhiều về giống xoài Cát Chu. Cùng với những lần được đi tham quan mô hình giống xoài này ở địa phương khác do Hội ND tổ chức, ông nhận thấy giống xoài Cát Chu phù hợp với thổ những của địa phương, nếu đưa giống này về trồng sẽ có giá trị kinh kế cao hơn.
"Từ lúc Chi hội phổ biến, bàn bạc về chuyển đổi sang trồng giống xoài Cát Chu để sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi, tôi hưởng ứng ngay. Có vậy mới đủ sản lượng để làm thương hiệu trái cây gắn với địa phương, thu hút được khách hàng. Việc chuyển đổi này không khó bởi chỉ áp dụng kỹ thuật ghép giống xoài Cát Chu mới lên gốc cây hiện tại. Gia đình tôi sẽ chọn phương án thay thế dần những cây trong vườn, chứ không thay hàng loạt để không ảnh hưởng đến thu nhập… "-ông Cường lý giải.
Ông Nguyễn Long Định-Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp làm vườn ấp An Thạnh, xã Hoà Bình cho biết: Gia đình ông có 1ha trồng xoài. Ngoài ra ông còn liên kết đầu tư xoài giống, vật tư trồng thêm 15ha và thu mua trái xoài từ những hộ này.
Được sự quan tâm từ các cấp chính quyền, Hội ND các cấp, các thành viên chi hội đã tự nguyện đăng ký tham gia. Qua mô hình này các hộ hội viên, nông dân trực tiếp tham gia mô hình được nâng cao kiến thức, kỹ thuật trong việc sản xuất theo chuỗi, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, ổn định. "Hiện Chi hội nghề nghiệp làm vườn ấp An Thạnh, xã Hoà Bình có 30 thành viên với 32ha đất sản xuất. Việc chuyển đổi giống mới vào thay thế dần trên diện tích xoài hiện hữu được tất cả các thành viên nhất trí, cùng với sự hỗ trợ một phần kinh phí của T.Ư Hội NDVN để hỗ trợ xoài giống, vật tư… cho mô hình. Hy vọng vài năm nữa, mô hình sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, thương hiệu trái xoài Cát Chu sẽ là nông sản tiêu biểu của địa phương"- ông Nguyễn Long Định kỳ vọng.
Theo Hoàng Tuấn/danviet.vn
https://danviet.vn/an-giang-trong-xoai-cat-chu-dac-san-thay-cac-giong-xoai-thap-cam-nong-dan-o-day-mong-giau-len-20201228182338647.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;