Nhộn nhịp mùa rau Tết
Dịch bệnh, mưa bão, lũ lụt đã đi qua và dù bị thiệt hại nặng nề nhưng nông dân làng rau Bàu Tròn vẫn hăng hái tái sản xuất. Bởi vụ rau cuối năm này là vụ rau được trông đợi nhất, sẽ đem đến cho bà con một cái Tết đủ đầy, sung túc. Chính vì thế, dù thời tiết không thuận lợi họ vẫn "đội mưa lạnh" ra đồng làm việc.
Trên diện tích hơn 8 sào ruộng, vợ chồng ông Chín đang khẩn trương cắm sào để những hàng đậu cove leo giàn, cuốc đất, lên luống cho cây phát triển tốt. Vì thời tiết năm nay không thuận lợi nên ông bà xuống giống trễ hơn mọi năm, khả năng không kịp thu hoạch bán Tết.
Ông Chín (60 tuổi) trầm tư nói: "Mưa bão liên miên, ruộng rau ngập sâu trong nước lũ nên những lứa rau trước gia đình tôi trắng tay. Bây giờ phải cố gắng sản xuất rau để bán vụ Tết, chi phí cây giống, phân bón thì ghi nợ đại lý. Tôi hi vọng một vụ mùa suôn sẻ để có cái đem bán mà kiếm tiền tiêu Tết".
Gần 20 năm trồng rau ở làng Bàu Tròn, chị Nguyễn Thị Phương (45 tuổi) chia sẻ đây là lần đầu tiên thấy mưa bão khủng khiếp như vậy. So với nhiều hộ khác, chị thiệt hại ít hơn khi có 2 sào rau màu bị lũ cuốn. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 trước đó đã khiến nhiều nông sản của bà con bị rớt giá, không tiêu thụ được.
"Phải nói là năm nay nông dân trồng rau thất thu lớn, vì cứ cọng rau nào nhú lên chưa kịp đơm hoa kết trái là lại bị mưa lũ vùi dập. Mấy hôm nay tranh thủ thời tiết tạm ổn, tôi ra đồng canh tác, chủ yếu trồng khổ qua, mướp, dưa leo, đậu cove để kịp thu hoạch cung ứng cho thị trường Tết sắp tới. Ngoài ra tôi cũng trồng xen canh rau ngắn ngày như: cải, xà lách, rau muống…", chị Phương bộc bạch.
Hi vọng được mùa, được giá
Bùn non, củi trôi, dấu mốc lũ lịch sử của miền Trung đến nay vẫn còn trên cánh đồng rau Bàu Tròn. Tuy nhiên, bà con nông dân nơi đây đã nhanh chóng phủ xanh đồng ruộng, điểm xuyết là màu vàng rực của những bông hoa đang vào thời kỳ đơm hoa kết trái.
Bà Cường (55 tuổi) bày tỏ: "Cả năm trồng rau bầm dập rồi, bây giờ chỉ trông "ông Trời" thương tình giúp nông dân lấy lại vốn liếng. Nếu thời tiết cận Tết có nắng đều thì 5 sào ruộng trồng mướp và khổ qua của tôi sẽ phát triển tốt, năng suất cao. Hiện nay, thương lái thu mua giá khá ổn, dao động 20.000 đồng/kg mướp, 30.000 - 35.000 đồng/kg khổ qua… Như vậy tôi cũng đã có lời rồi".
Dù thời tiết mưa lạnh kéo dài, nhưng rất đông bà con trồng rau ở Bàu Tròn vẫn hăng hái ra đồng sản xuất. Ai cũng mang trong mình những nỗi lo về thời tiết, sâu bệnh, giá cả, nhưng họ vẫn cần mẫn chăm chỉ làm lụng với niềm hi vọng vụ rau Tết được mùa được giá.
Chị Phượng hào hứng nói: "Giàn khổ qua của tôi đang kết trái rất thuận lợi và đã được cắt bán một số ít. Thông thường vào cận Tết, củ quả bán được giá, tôi không những bán được hàng mà còn thu mua thêm nông sản của nông dân trong vùng để bỏ mối cho các tiểu thương ở chợ Ái Nghĩa".
"Nhiều nông dân xuống giống trễ nên khả năng sẽ thu hoạch rau củ sau Tết. Tuy nhiên, mọi người vẫn phấn khởi sản xuất vì điều này sẽ giúp tránh tình trạng sản xuất ồ ạt, cung vượt quá cầu và được mùa mất giá" - chị Phượng nói thêm.
Theo Tuyết Nhung - Trần Hậu/danviet.vn
https://danviet.vn/quang-nam-lang-rau-vietgap-lon-nhat-vung-tat-bat-vao-vu-tet-20201227124138019.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;