Trò chuyện cùng PV báo điện tử DANVIET.VN, anh Lê Xuân Hà cho biết, mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng được anh đầu tư bắt đầu từ tháng 6 năm 2019. Trang trại trồng dưa lưới nằm ở giữa vùng đồi núi của thôn Đồng Huống, xã Thống Nhất, huyện Lạc Thủy (Hòa Bình).
Toàn bộ quy mô có diện tích 7ha, bước đầu anh Hà đã xây dựng 2ha với 5 nhà màng công nghệ cao để sản xuất dưa lưới Nhật Bản theo tiêu chuẩn GlobalGAP.
Theo anh Hà, các giống dưa tại đây đều có nguồn gốc từ Nhật Bản như: Ichiba, Reiwa, Takeda, Ichiba cam và Nagoya. Để phục vụ đa dạng hơn thị hiếu của người tiêu dùng, mỗi loại dưa lại có hình dáng, trọng lượng, độ ngọt, màu sắc khác biệt.
"Dưa lưới Nhật Bản vốn là cây trồng giàu dinh dưỡng, thơm ngon. Tại Nhật Bản, dưa lưới còn là biểu tượng của sự trường tồn, lòng biết ơn. Tuy nhiên, đây cũng là giống cây kỹ tính, đòi hỏi nhiều công chăm sóc" - anh Hà chia sẻ.
Với mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao, anh Hà đã áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt và tưới phun sương. Hệ thống tưới nhỏ giọt là tưới tự động dựa trên các cảm biến và dựa theo quy trình canh tác, hệ thống này giúp đảm bảo 100% bầu cây đều được cung cấp nước và chất dinh dưỡng.
Hệ thống tưới phun sương với mục đích chính là làm mát, tăng độ ẩm không khí khi nhiệt độ bên trong nhà kính lên quá cao.
Hạt giống sau khi được gieo trong nhà ươm chuyên dụng, cây con được chuyển sang trồng trong nhà màng có khả năng ngăn côn trùng, sâu bệnh, ánh sáng khuếch tán đồng đều. Một nhà màng có quy mô 4.600 bầu cây. Mỗi cây được trồng trong một bầu giá thể bằng xơ dừa, đặt trong luống đã được lót bạt ni lông cách ly với nền đất để tránh mầm bệnh.
Quá trình chăm sóc, cây phát triển trong nhà màng được kiểm soát chặt chẽ về nhiệt độ, độ ẩm. Việc tưới nước, chất dinh dưỡng được áp dụng với hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel đến từng gốc cây, được điều chỉnh chuẩn xác chi tiết đến từng giờ nhằm đảm bảo 100% bầu cây đều được cung cấp nước và chất dinh dưỡng giống nhau. Do đó, cây dưa phát triển đồng đều, sản phẩm đồng nhất với tỷ lệ quả loại 1 trên 90%.
Hệ thống nhà màng được thiết kế đặc biệt, đảm bảo các điều kiện tối ưu cho cây. Trong giai đoạn đầu tiên, hạt giống được gieo trong nhà ươm chuyên dụng, sử dụng công nghệ mái cắt nắng và tưới phun sương tự động.
Giai đoạn sau, cây con chuyển sang trồng trong nhà màng để ngăn côn trùng, sâu bệnh. Nhà màng cũng giúp ánh sáng được khuếch tán đồng đều, chống sương nhỏ giọt, giảm nấm sinh bệnh.
Mỗi quả dưa trước khi thu hoạch đều được kiểm tra kỹ lưỡng về chất lượng, độ ngọt. Sau đó dán tem truy xuất nguồn gốc với mã QR Code.
"Để cho sản phẩm trái dưa sạch, ngọt thì quá trình canh tác không hề đơn giản. Chúng tôi luôn hướng tới người tiêu dùng có thể tiếp cận được quả dưa thực sự đúng chất lượng tương đương với các sản phẩm dưa lưới cao cấp của Nhật Bản. Tại đây, chúng tôi làm hoàn toàn giống và công nghệ đều từ Nhật Bản" - anh Hà chia sẻ.
Theo tính toán của anh Hà, mỗi năm trang trại cung ứng ra thị trường từ 200 - 300 tấn dưa các loại. Hiện nay, sản phẩm dưa lưới Nhật Bản của anh Hà đã được đưa vào hệ thống siêu thị của Big C, Co.opMart, Vinmart, Aeon và các chuỗi cửa hàng rau quả cao cấp.
Trong thời gian tới đây, sản phẩm dưa lưới Nhật Bản của anh Hà sẽ thâm nhập vào những thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ và thị trường Châu Âu.
Hiện, giá bán lẻ dưa lưới Nhật Bản từ 70.000 – 75.000 đồng/kg.
Một số hình ảnh về mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao của anh Lê Xuân Hà, xã Thống Nhất, huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) của phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã