"Cây chè trông như nào nhỉ?". Mỗi lần nhắc tới câu ấy là chị Trần Thị Vân Anh, xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang lại cười ngất.
Thế mà giờ chị là chủ của một thương hiệu chè có chứng nhận OCOP 4 sao, vài ba xưởng đỏ lửa ngày đêm sản xuất. Thế nhưng độ 20 năm trước, cô giáo trẻ tuổi đôi mươi chưa một lần thấy cây chè. Dù quê Tuyên Quang, những gì chị biết về đặc sản quê hương chủ yếu qua lời kể.
Mãi tới ngày quen, rồi se duyên cùng anh Nguyễn Công Sử, đội phó Hợp tác xã chè Mỹ Lâm ở huyện Yên Sơn, Vân Anh mới được mục sở thị cây chè. Nhưng với cô giáo trẻ mới ra trường ngày ấy, chè chẳng lãng mạn như những vần thơ trong Truyện Kiều: "Khi hương sớm lúc trà trưa - Bàn lan điểm nước đường tơ họa đàm". Với chị, chè là nắng, là mồ hôi, là những ngày địu con trên lưng, và cũng là những đêm mất ngủ khi vào vụ.
Sở dĩ Vân Anh "say chè" như thế là bởi chồng chị - anh Sử là người duy nhất trong số 6 anh em theo nghiệp cha. Là thế hệ thứ hai ở vùng chè, có bố từng là bộ đội chống Pháp lên xây dựng Nông trường chè Tháng Mười hồi thập niên 50, anh Sử thường bông đùa với chị là "quen chè trước khi quen vợ". Chẳng thế mà hương thơm của chè mỗi khi lên men hay chuẩn bị đóng gói đi vào giấc mơ lúc nào không hay. Chỉ biết, với anh Sử, chè vừa là đam mê, cũng vừa là cái nghiệp gắn bó cả đời.
Yêu và chia sẻ cùng chồng, chị Vân Anh coi những nương chè như tổ ấm thứ hai. Hồi chưa về chung một nhà, chị tranh thủ buổi tối, sau khi hết giờ dạy trên lớp, vác gùi lên đồi chè cùng người yêu.
Cuối tuần, bạn bè cùng trang lứa đi chơi chỗ nọ chỗ kia, còn chị chỉ đăm đắm vào những luống cây xanh mướt, mọc cao ngang thắt lưng. Từ chỗ xa lạ, chè với chị thành người thân, cả khi nắng lẫn khi mưa. Bụng mang dạ chửa, hay con mới được vài tháng, chị vẫn không từ nhiệm vụ hái chè.
"Tôi vất vả thế, một phần cũng vì anh Sử", chị Vân Anh hóm hỉnh nói, kèm cái lườm yêu về phía chồng. Những năm 2000, khi mới là người yêu, anh Sử nhận thêm hơn 6 ha đất trồng chè từ đội 19 của công ty.
Đây là phần đất trung du, chè già cỗi, mất khoảnh, năng suất thấp nên không hộ nào nhận. Thân là đội phó, anh mạnh dạn gánh vác, rồi động viên chị cùng gia đình mua cả trăm tấn phân trâu bò của bà con quanh vùng đổ vào đồi chè.
Phần việc đáng nhẽ làm một, nay phải tăng gấp ba, nên anh Sử không thể "quên" người bạn gái. Đến cả tận sau này, khi đã có chút vốn liếng và cơ ngơi khang trang, chị Vân Anh vẫn xắn tay vào phụ những công việc thường nhật, từ hái chè, vò chè, cho tới cả khâu đóng gói, chào hàng, bán thành phẩm.
"Có lần trời nắng chang chang, tôi mải làm quên cả ăn uống. Xong tự dưng mắt mờ đi, ngã vật ra đất. Nhiều người từng hỏi, tôi có bị 'say nắng' chồng không mà lặn lội về đồi chè này. Sau hôm ấy, chắc tôi không thể chối được nữa", chị Vân Anh nhớ lại kỷ niệm một lần bị ngất giữa đồi chè.
Ngày đầu về làm dâu vùng chè, chị Vân Anh đâu hề được đón bởi những luống chè cuốn quanh đồi bát úp theo hình vành khăn như bây giờ. Khó khăn càng tăng khi vào năm 2009, chị thi đỗ công chức và được điều động vào trong xã Kiến Thiết, huyện Yên Sơn, cách nhà 60 km. Lúc ấy, bé thứ hai nhà anh chị được 6 tháng, còn bé đầu 4 tuổi. Bàn tính ngược xuôi, cuối cùng chị mang đứa nhỏ vào Kiến Thiết, để anh Sử "gà trống nuôi con" đứa con lớn.
"Ba năm ấy, tuần nào tôi cũng mong đến thứ sáu, bởi chồng sẽ lên đón vào buổi chiều. Cứ như thế, gia đình 4 người vượt mấy chục kilomet về nhà. Có những hôm mưa to, căn nhà cấp bốn trông chẳng khác gì cái ao. Đến nơi mà tôi vẫn không thể nhận ra nổi nhà mình", chị Vân Anh kể, giọng rơm rớm.
Năm 2009 cũng là quãng thời gian khó khăn với Hợp tác xã chè Sử Anh của anh chị. Vốn bắt đầu tách ra làm riêng từ 2005, nhưng mấy năm đầu, xưởng của anh còn làm thủ công. Chi phí bỏ ra nhiều khi ngang với doanh số nhận lại.
Vợ xa nhà trùng với lúc thời tiết bất thường. Hạn hán xảy ra liên miên. Đỉnh điểm là vào những năm 2012, 2013, chè chết hàng loạt khiến anh từng nghĩ đến chuyện "dừng cuộc chơi".
"Đằng sau một người đàn ông thành công luôn có bóng dáng người phụ nữ", câu nói ấy ứng nghiệm với gia đình anh Sử. Mấy phen tính chuyển nghề khác, nhưng được chị Vân Anh động viên, thậm chí tán thành việc thế chấp sổ đỏ lấy vốn, anh nguôi ngoai và chấp nhận làm lại.
Đó cũng là lúc, những búp chè đặc sản Ngọc Thúy canh tác theo công nghệ sinh học ANISAF SH-01, vốn là nguyên liệu chế biến chè xanh nội tiêu sinh lời.
Nhờ kịp thời chuyển đổi công nghệ chế biến chè đen từ OTD (kiểu truyền thống) sang CTC (kiểu mới) trước đó vài năm, xưởng của gia đình anh chị nhuần nhuyễn các bước, từ làm héo, lên men, vò chè, cho tới sao khô, đánh mốc, lấy hương.
Cộng thêm vùng nguyên liệu tập trung, sản xuất chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị, cơ sở sản xuất được hàng chục tấn chè thành phẩm, đem lại doanh thu tiền tỷ.
Những sản phẩm tiêu biểu của gia đình anh Sử là hai loại chè Ngọc Thúy, gồm chè khô sao suốt, và chè tươi xanh (còn gọi chè túi lạnh). Ngoài ra là hai loại chè khô chế biến từ giống Bát Tiên và giống PH1.
Trong đó, chè xanh túi lạnh Ngọc Thúy là sản phẩm thường được hỏi nhất. Sắc nước trong chén trà sánh vàng, tỏa hương thơm dịu, uống có vị ngọt đọng sâu trong cổ họng. Khác với các loại chè sao suốt khác, chè túi lạnh Ngọc Thúy khi mở ra vẫn tươi nguyên như chỉ qua máy vò.
Hiện hợp tác xã chè Sử Anh có 7 thành viên, với vùng nguyên liệu trải rộng trên 60 ha, liên kết 3 huyện, cùng hơn 100 hộ dân tham gia.
Dù liên tục mở rộng địa bàn ra các hộ trong xã Phú Lâm để thu mua chè giống chất lượng cao Bát Tiên, cơ sở của anh Sử vẫn thường xuyên tập huấn, nhắc nhở bà con về cách thức chăm bón để chè giảm độ chát, đắng. Khi thu hái, mọi người cũng được nhắc đáp ứng đúng kỹ thuật, tránh cho chè dập nát.
Từ căn nhà cấp bốn, dễ biến thành ao sau mỗi trận mưa rào, gia đình anh Sử đã có một trong 17 sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Tuyên Quang. Thương hiệu chè Ngọc Thúy được biết đến rộng rãi, và trở thành quà biếu trong nhiều sự kiện cấp cao của Đảng, Nhà nước.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;