Dương Phong là một trong 3 xã nằm trong vùng quy hoạch trồng cây ăn quả cam, quýt của tỉnh Bắc Kạn. Tuy nhiên qua nhiều năm cho quả, nhiều diện tích cây quýt đã có dấu hiệu cằn cỗi, thoái hóa.
Khi người dân trồng cây có múi ở đây đang phân vân lựa chọn cây thay thế, UBND huyện Bạch Thông đã kịp thời chỉ đạo đưa dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm trà hoa vàng vào xã, mở ra hướng đi mới nhiều triển vọng cho người nông dân.
Khi chúng tôi đến, con đường dẫn lên khu kinh tế rừng tại thôn Bản Pè, xã Dương Phong đang được gấp rút hoàn thiện. Đường mới trải bê tông rộng 2,5m, dài chừng 1km dẫn đến sát chân những quả đồi trồng cam, quýt của người dân. Ông Nguyễn Văn Thế, Bí thư Chi bộ thôn Bản Pè cho biết, bà con rất phấn khởi khi có con đường vận xuất này.
Rừng quýt nhà ông Thế có diện tích hơn 1ha, phần lớn là trồng cây quýt truyền thống, có tuổi đời từ 10-30 năm nên đã có dấu hiệu thoái hóa. Ông Thế cho biết, ông đang tính trồng thay thế cây quế, trà hoa vàng vào dưới tán.
Ông Thế là một trong những hộ dân đang thực hiện trồng trà hoa vàng theo dự án tại xã Dương Phong. Ông chia sẻ, những hộ tham gia trồng theo dự án, cây con cũng không được nhiều, có hơn 200 cây/hộ thôi nhưng chúng tôi biết giá trị cây đem lại là rất cao.
"Ở xã Dương Phong này, trà hoa vàng mọc tự nhiên nhiều, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu rất phù hợp. Trước kia, người dân chưa biết giá trị của loại trà hoa vàng đặc biệt này nên đã chặt đi, thậm chí tìm mọi cách làm cho cây chết để trồng quýt", ông Thế cười.
Giống như ông Nguyễn Văn Thế, ông Trần Văn Tý (cùng thôn Bản Pè, xã Dương Phong) cũng đang thực hiện trồng trà hoa vàng theo dự án. Cây con được ông trồng dưới tán quýt tại rừng Bản Pè hiện đang sinh trưởng, phát triển rất tốt.
Ông Tý chia sẻ, giống trà hoa vàng này không chịu được nắng, phải trồng dưới tán, tuy nhiên nếu cớm quá sẽ chỉ cho lá chứ không cho hoa. Chính vì là loài cây tán xạ nên chúng tôi vừa có thể trồng quế, khai thác quýt và thực hiện trồng trà hoa vàng theo dự án một cách thuận lợi.
"Vườn nhà tôi, cây trà hoa vàng mọc tự nhiên cũng còn kha khá, đa phần từ 7-10 năm tuổi. Hằng năm, mỗi cây trà hoa vàng cũng cho thu từ 3 - 4kg hoa, tôi bán hoa trà hoa vàng với giá 350.000 đồng/kg hoa tươi, chưa kể lá cây trà hoa vàng có thể bán với giá khoảng 25.000 đồng/kg. Tính ra, mỗi cây trà hoa vàng cũng cho thu khoảng 1 triệu đồng. Bởi vậy, trồng trà hoa vàng trên đất Dương Phong này chắc chắn sẽ thành công", ông Tý khẳng định
Qua tìm hiểu được biết, những cánh rừng tại xã Dương Phong, hầu như nơi nào cũng có cây trà hoa vàng. Tuy nhiên, do những cây trà hoa vàng này mọc tự nhiên nên không tập trung. Theo ông Tý, thôn Bản Mún có số lượng cây trà hoa vàng nhiều nhất với diện tích trồng tự phát gần 3ha.
Người dân xã Dương Phong mong muốn được trồng trà hoa vàng, bởi ở đây, loài cây dược liệu quý hiếm này rất quen thuộc với bà con. Tuy nhiên do quy mô dự án còn hạn chế, nếu người dân muốn thực hiện ngoài dự án, việc tìm cây trà hoa vàng giống cũng đang là bài toán khó, nhất là khi giá cây giống trà hoa vàng khá cao (khoảng 40.000 đồng/cây) và cũng chưa có địa chỉ mua giống cây đảm bảo chất lượng.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Bế Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Dương Phong, huyện Bạch Thông (tỉnh Bắc Kạn) cho biết, cây trà hoa vàng trước đây mọc nhiều trong các cánh rừng trên địa bàn xã, nhiều hơn cả là ở khu vực bản Mún. Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây rất phù hợp nên cây trà hoa vàng sinh trưởng, phát triển tốt.
"Dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm trà hoa vàng được đưa vào xã sẽ giúp Dương Phong phát huy tốt lợi thế sẵn có, hình thành vùng sản xuất trà hoa vàng dược liệu ổn định, lâu dài, tạo sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân", Chủ tịch UBND xã Dương Phong nhận định.
Theo Quyết định phê duyệt thuyết minh dự án của UBND huyện Bạch Thông (tỉnh Bắc Kạn), mục tiêu của dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm trà hoa vàng là trồng mới được 3ha tại xã Dương Phong; thiết kế logo, bao bì, nhãn mác sản phẩm trà hoa vàng, có mã vạch và tem truy suất nguồn gốc sản phẩm; hình thành được chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trà hoa vàng ổn định, bền vững cho người dân xã Dương Phong, huyện Bạch Thông; thành lập được các Tổ hợp tác sản xuất, chế biến trà hoa vàng.
Theo Chiến Hoàng/danviet.vn
https://danviet.vn/bac-kan-loai-cay-ra-thu-hoa-ban-dat-nhu-vang-truoc-dan-dao-do-di-khong-het-nay-lai-cham-chut-trong-lai-20201116145802685.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã