Bí quyết mang đến sự thành công bước đầu của THT chính là sự quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm.
Cam xoàn bén rễ xứ phèn
Trong một lần đến thăm nhà người quen ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp), anh Dương Văn Thành nhận thấy cam xoàn là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, giúp nhiều nông dân ở đây vươn lên làm giàu. Dù nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế của cây cam xoàn nhưng anh Thành cũng khá thận trọng.
Anh Thành nhớ lại: “Thấy nông dân Lai Vung làm giàu nhờ cây cam xoàn, tôi cũng ham lắm. Tuy nhiên, tôi lo lắng hơn vì trước giờ khu vực xã Phong Mỹ là vùng chuyên canh canh lúa, đất vẫn còn phèn khá nhiều nên sợ cây cam xoàn không phù hợp để phát triển. Để thử nghiệm, tôi mua 2 nhánh cam xoàn về trồng. Sau gần 2 năm, tôi thu hoạch được 3 trái cam đầu tiên. Thay vì để gia đình thưởng thức, tôi mời nhiều nông dân trong xóm đến dùng và cảm nhận hương vị của trái cam xoàn được trồng tại quê hương Phong Mỹ. Sau khi thưởng thức, nhiều người nhận định chất lượng trái và độ ngọt của cam xoàn trồng tại Phong Mỹ không thua kém cam xoàn được canh tác tại huyện Lai Vung và những địa phương khác. Xuất phát từ những trải nghiệm thực tế đó, năm 2013, tôi cải tạo 1.000m2 vườn trồng 100 gốc cam xoàn”.
Sau gần 2 năm sinh trưởng và phát triển tốt, cuối năm 2014, anh Thành thu hoạch vụ cam đầu tiên được gần 3 tấn trái với giá bán thời điểm đó khoảng 40.000 đồng/kg. Tổng doanh thu từ vườn cam trong vụ đầu tiên là 120 triệu đồng. Với nhiều nông dân trồng lúa tại địa phương, khoản thu nhập này là rất lớn và đáng mơ ước.
Từ thành công của anh Thành, nhiều nông dân trong vùng cũng mạnh dạn cải tạo vườn tạp và đất lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng cam xoàn. Qua đó, kinh tế của nhiều gia đình bắt đầu cải thiện đáng kể.
Sản xuất cam xoàn VietGAP
Thời gian đầu chỉ có vài hộ chuyển đổi sang trồng cam xoàn. Gần đây, toàn xã Phong Mỹ có trên 20 hộ canh tác loại cây trồng này với quy mô trên 10ha. Hiện, diện tích cam xoàn tại địa phương không ngừng tăng lên. Không dừng lại ở việc canh tác nhỏ lẻ, manh mún, năm 2017, nhiều nông dân trồng cam xoàn tại đây liên kết thành lập THT cam xoàn Phong Mỹ để cùng nhau sản xuất cam xoàn theo hướng hữu cơ, liên kết tiêu thụ. Anh Dương Văn Thành, người đi đầu trong việc đưa cam xoàn về Phong Mỹ được bầu là Tổ trưởng Tổ hợp tác.
Hiện tại, THT cam xoàn Phong Mỹ có 17 thành viên, với trên 6,5ha cam xoàn đạt chứng nhận VietGAP. Sản phẩm của THT được tiêu thụ tại các cửa hàng thực phẩm sạch ở Hà Nội, Phiên Chợ Xanh tử tế ở TP.Hồ Chí Minh và một số cửa hàng bán trái cây sạch ở Đồng Tháp...
Chia sẻ về việc thay đổi tư duy canh tác của nhà vườn hiện nay, anh Dương Văn Thành cho biết: “Năm 2017, Phong Tân Hội quán của xã Phong Mỹ được thành lập. Từ lúc tham gia sinh hoạt tại Hội quán, nông dân được các chuyên gia chia sẻ kiến thức về kỹ thuật canh tác và thị trường. Thấm thía từ những thông tin được truyền tải, nhà vườn quyết định thay đổi phương thức sản xuất, chuyển từ phụ thuộc vào phân, thuốc hóa học sang sử dụng nhiều hơn các chế phẩm sinh học và phân hữu cơ cho cây cam. Việc chuyển đổi tư duy canh tác này, người được lợi đầu tiên là nông dân trực tiếp sản xuất, vì không còn tiếp xúc nhiều với phân thuốc độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe, người thân trong gia đình cũng được thưởng thức trái cây sạch do chính bàn tay mình làm ra”.
Sau thời gian miệt mài thay đổi phương thức canh tác, cuối năm 2017, THT cam xoàn Phong Mỹ được cấp chứng nhận VietGAP. Đây được xem là “giấy thông hành” giúp cam xoàn Phong Mỹ chính thức bước chân vào thị trường tiêu dùng khó tính. Thông qua việc tham dự các chương trình xúc tiến do UBND tỉnh, Sở Công Thương Đồng Tháp tổ chức, cam xoàn của THT cam xoàn Phong Mỹ được thị trường nhiều nơi biết đến. Trung bình mỗi năm THT cung cấp cho thị trường trên 150 tấn cam xoàn đạt chuẩn.
Định hướng phát triển cây cam xoàn tại địa phương trong thời gian tới, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ, cho biết, để “đi đường dài” với cây cam xoàn, việc sản xuất theo hướng sạch, an toàn là giải pháp tất yếu. Khi nông sản được sản xuất theo quy trình được cấp giấy chứng nhận sẽ có thể mạnh dạn bước chân vào những “sân chơi” lớn hơn. Ngoài việc hỗ trợ cho THT cam xoàn Phong Mỹ chứng nhận VietGAP, địa phương cũng đang kết nối với các sở, ngành để hỗ trợ cấp mã số mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm cam xoàn THT.
Trong năm 2021, địa phương dự kiến sẽ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để sản phẩm cam xoàn của THT cam xoàn Phong Mỹ tham gia OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Hiện, đối với một số diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả và vườn tạp, địa phương cũng định hướng nông dân chuyển đổi sang canh tác cây ăn trái theo hướng sạch, an toàn...
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã