Để đạt được mục tiêu lớn này, còn nhiều việc phải làm và cần sự đầu tư cũng như nỗ lực đồng bộ trên mọi phương diện. Đâu là giải pháp then chốt đưa ngành rau quả chạm đích đúng hẹn?
Xuất khẩu tăng bất chấp dịch Covid-19
Với mục tiêu xuất khẩu rau quả đạt 4 tỷ USD trong năm 2021, ngành nông nghiệp và các địa phương đang rất nỗ lực.
Mặc dù dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, song hoạt động xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam vẫn diễn ra khá sôi động trong 3 tháng đầu năm 2021. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và PTNT, kim ngạch xuất khẩu quý 1 ước đạt 944 triệu USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, việc tận dụng tính hiệu lực các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) như EVFTA, CPTPP, RCEP… đang giúp mở đường cho các doanh nghiệp tăng kim ngạch xuất khẩu rau quả trong năm nay.
Về thị trường, hàng rau quả xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm 2021, đạt 352,83 triệu USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 62,5% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam. Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng là do nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán. Sau Trung Quốc, một số thị trường lớn khác của rau quả Việt Nam là Mỹ, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… Đáng chú ý là trị giá xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Australia và Malaysia tăng rất mạnh. Trị giá xuất khẩu sang thị trường Đài Loan đạt 12,87 triệu USD, tăng 43,1%; thị trường Australia đạt 11,9 triệu USD, tăng 30,6%; thị trường Malaysia đạt 9,2 triệu USD, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Ngoài các thị trường quen thuộc, ngành hàng rau quả của Việt Nam cũng được đẩy mạnh xuất khẩu sang nhiều thị trường tiềm năng lớn khác, như: Ai Cập, Kuwaitt, Ukraine, Senegal...
Ông Đặng Phúc Nguyên cho biết thêm: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKFTA) hứa hẹn tạo ra động lực mới cho hợp tác kinh tế-thương mại trong thời gian tới. Khi hiệp định có hiệu lực, hơn 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả có mức thuế suất 0%. Nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa… sẽ có thêm lợi thế tiếp cận thị trường trong bối cảnh các loại hoa quả nhiệt đới xuất xứ từ các quốc gia cạnh tranh như Brazil, Thái Lan, Malaysia… chưa có FTA với Anh quốc.
Gỡ điểm yếu khó khăn trong chuỗi sản xuất
Mặc dù có nhiều thế mạnh, song theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và PTNT, hiện quy mô sản xuất rau quả của Việt Nam còn manh mún, chưa sản xuất tập trung với quy mô lớn nên việc áp dụng truy xuất nguồn gốc đối với từng hộ nông dân là rất khó khăn và tốn kém. Sản xuất rau quả an toàn theo hướng VietGAP hay GlobalGAP còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 10-15% trên tổng diện tích trồng trọt nên doanh nghiệp gặp khó khăn trong huy động lượng hàng lớn đạt tiêu chuẩn thực hiện các đơn hợp đồng xuất khẩu.
Bên cạnh những thị trường rất khó tính như Mỹ, Nhật, Australia, EU..., trong năm 2021, thị trường Trung Quốc vốn là thị trường lớn và “dễ tính” hơn cũng đã siết chặt xuất - nhập khẩu chính ngạch bằng việc tiến hành nghiêm việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng mã QR code và cấm xuất - nhập khẩu tiểu ngạch. Điều này là để đáp ứng mức sống của người dân Trung Quốc đang dần được nâng cao, người tiêu dùng ngày càng đề cao chất lượng, tính an toàn của nông sản, thực phẩm.
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, để tận dụng cơ hội thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, các doanh nghiệp cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm hàng rau quả và đáp ứng đúng các tiêu chuẩn mà phía thị trường nhập khẩu yêu cầu.
Bài học đắt từ Đắk Nông
Sau hơn 8 năm đi vào hoạt động, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) tỉnh Đắk Nông đã thu hút được 13 nhà đầu tư và được UBND tỉnh Đắk Nông đồng ý cấp chủ trương thực hiện dự án. Thế nhưng, đến nay, chỉ còn ba dự án đang được các nhà đầu tư triển khai thực hiện.
Cơ quan chức năng phải tiến hành gia hạn thời gian thực hiện 4 dự án (trong số này, có 2 dự án đang thực hiện, 2 dự án đang bỏ bê), 6 dự án còn lại nhà đầu tư đã bỏ bê từ lâu buộc phải tiến hành thu hồi.
Khu NNƯDCNC Đắk Nông có quy mô 120,42ha, có địa chỉ tại thôn Nam Rạ, xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa. Với các nhiệm vụ như: thực hiện các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm, trình diễn mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; liên kết các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp; đào tạo nhân lực công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp; tổ chức hội chợ, triển lãm, trình diễn sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thu hút nguồn đầu tư, nhân lực công nghệ cao trong nước và ngoài nước; thực hiện hoạt động ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp…
Nhiệm vụ được xác định là rất to lớn, tuy nhiên, đến nay sau nhiều năm triển khai thực hiện đã bộc lộ hàng loạt bất cập, hạn chế.
Tổng diện tích được giao cho các nhà đầu tư mới chỉ được 72,88ha. Diện tích tiếp tục thu hút đầu tư là 24,76ha; diện tích đang tranh chấp là 6,51ha. Số diện tích còn lại chủ yếu là đồi dốc và được quy hoạch phát triển lâm nghiệp và sinh thái.
Một số hạng mục đã đầu tư nhưng không đáp ứng được nhu cầu như: trạm biến áp không bảo đảm công suất phục vụ nhu cầu sản xuất của các nhà đầu tư, nhất là các dự án cần nguồn điện có công suất cao dẫn đến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc sản xuất, kinh doanh.
Nguồn nước phục vụ sản xuất hiện nay đang là vấn đề nhức nhối, thường xuyên thiếu nước vào thời điểm mùa khô.
Trong khi đó, hệ thống cấp nước phục vụ sản xuất do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông làm chủ đầu tư xây dựng, bàn giao vào năm 2019 nhưng hệ thống này không vận hành được. Điều này đã làm gián đoạn việc cung cấp nước tưới cho nhà đầu tư, đặc biệt trong mùa khô.
Hiện nay, nước các nhà đầu tư đang sử dụng sản xuất chủ yếu được bơm từ nguồn nước suối vào. Thế nhưng, nguồn nước suối ở đây bị nhiễm phèn, nhiễm khuẩn nặng. Do đó, nhiều cây trồng không phát triển được, thậm chí bị chết, gây thiệt hại nặng nề.
Bế tắc, thua lỗ kéo dài khiến nhiều nhà đầu tư không tiếp tục triển khai thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, buộc cơ quan chức năng phải tiến hành thu hồi dự án.
Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Đắk Nông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, đơn vị đang xúc tiến kêu gọi được ba nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế mạnh, có năng lực thực hiện dự án. Thế nhưng, với thực tế khó khăn hiện nay, chưa biết các nhà đầu tư khi đến đây hoạt động liệu có hiệu quả hay không.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Đắk Nông Lê Quang Dần cho biết, với những khó khăn, bất cập đang diễn ra như hiện nay, các nhà đầu đang gặp rất nhiều khó khăn khi đến đầu tư tại Khu NNƯDCNC.
Do đó, việc bố trí kinh phí xây dựng, nâng cấp hạ cơ sở tại Khu NNƯDCNC là điều rất cần thiết, qua đó tạo điều kiện tốt cho nhà đầu tư phát triển. Việc cơ cấu lại tổ chức bộ máy, số lượng người làm việc, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị... cũng là vấn đề cần sớm giải quyết. Để từ đó, Ban Quản lý Khu NNƯDCNC mới có thể thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.
Tập trung hoàn thiện các yếu tố hạ tầng và nâng cao chất lượng
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh khóa XIV đã từng dự báo đến năm 2022, giá trị xuất khẩu của rau, quả và hoa sẽ đạt khoảng 9 -10 tỷ USD/năm.
Trước đây, dầu thô được coi là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của nước ta, từ năm 2016 nó đã bị chiếm ngôi bởi rau quả. Vấn đề được ông Nguyễn Thiện Nhân nêu ra thực sự đã đặt ra câu hỏi: Đã đến lúc chúng ta giảm phụ thuộc vào dầu thô và coi rau quả là mặt hàng xuất khẩu chủ lực hay chưa?
Một trong những nguyên nhân thành công có thể nói, chính là sự chủ động của các doanh nghiệp, chủ động trong việc tìm kiếm đối tác, sản xuất và xuất khẩu theo yêu cầu của thị trường. Ông Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị: Chính phủ cần xem xét đưa nhóm hàng rau, quả và hoa thành nhóm sản phẩm chủ lực của đất nước chúng ta và tạo nền tảng vững chắc tạo thuận lợi ngành rau quả phát triển hơn nữa.
Dù có triển vọng xuất khẩu cao như thế nhưng để đạt bền vững, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Ngành nông nghiệp xác định việc nâng cao chất lượng nhằm đáp ứng các thị trường nhập khẩu tiếp tục là khâu then chốt để đạt được mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD vào năm 2030.
Mặt khác, Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021-2030 cũng nhắm đến mục tiêu đến năm 2030 thu hút đầu tư mới 50-60 cơ sở chế biến rau quả có quy mô lớn và vừa; xây dựng, phát triển thành công một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến rau quả hiện đại ngang tầm khu vực, thế giới với khả năng cạnh tranh quốc tế cao.
Để đạt được các mục tiêu lớn này, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh đầu tư nâng cao năng lực chế biến rau quả; phát triển cơ sở sơ chế, bảo quản rau quả tươi cũng như đẩy mạnh chế biến các sản phẩm rau quả chủ lực, sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Đồng thời, ngành cần tập trung thu hút mạnh đầu tư để tạo ra những vùng sản xuất chuyên canh lớn và đảm bảo tại những khu vực sản xuất rau quả tập trung, hợp tác xã sản xuất và tại các cơ sở, đại lý thu gom lớn được đầu tư máy, trang thiết bị, xưởng sơ chế, đóng gói, kho mát với quy mô phù hợp từ đó hình thành hệ thống các cơ sở sơ chế, đóng gói đồng bộ.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm từ nguyên liệu rau quả và từ phế phụ phẩm sau chế biến, phấn đấu trong giai đoạn 2021-2030 có tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng bình quân trên 10%/năm; xây dựng, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất rau quả đảm bảo nguyên liệu được cung cấp (khoảng 5-6 triệu tấn vào năm 2030) có chất lượng, an toàn thực phẩm cho hoạt động chế biến.
Hiện, cả nước có khoảng 1,05 triệu ha cây ăn quả, sản lượng ước đạt hơn 12,6 triệu tấn. Sản phẩm trái cây của Việt Nam đã xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới. Đến nay, Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã cấp được 998 mã số vùng trồng các loại trái cây để xuất khẩu vào thị trường chất lượng cao như Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, EU. Ngoài ra, cơ quan này cũng đã cấp 47 mã số cơ sở đóng gói cho nông sản xuất khẩu sang các thị trường này. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã