Học tập đạo đức HCM

Canh tác hữu cơ, áp dụng kỹ thuật mới Tây Nguyên sẽ giàu

Thứ sáu - 02/10/2020 01:05
Chú trọng canh tác hữu cơ, kết hợp với áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong chăm sóc cây ăn trái, chắc chắn bà con Tây Nguyên sẽ làm giàu.

Lâm Đồng: Sẽ có 1.600 ha canh tác hữu cơ, trong 5 năm

Hướng tới mục tiêu phát triển 1.600 ha trồng trọt hữu cơ trong 5 năm tới, Lâm Đồng tiếp tục quy hoạch sản xuất tập trung, để từng bước xây dựng và nhân rộng mô hình. 

mc-3.jpg

Lâm Đồng đề xuất hỗ trợ tối đa 60 triệu đồng/ha/mô hình sản xuất mắc ca hữu cơ

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Lâm Đồng, trên cơ sở điều tra, khảo sát địa hình, phân tích mẫu đất, nước, điều kiện canh tác, tiềm năng phát triển,… Tỉnh đã xây dựng kế hoạch sản xuất nông nghiệp hữu cơ, phù hợp đối với từng vùng, từng địa phương, khu vực và từng loại cây trồng khác nhau.

Đó là cà phê vối ở Lâm Hà, Đam Rông, Di Linh, Bảo Lộc, Bảo Lâm, Đức Trọng. Cây rau, củ, quả Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Đam Rông, Di Linh, Bảo Lâm. Cà phê chè ở Đà Lạt, Lạc Dương.

Cây chè tại Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh, Đà Lạt, Lâm Hà. Cây ăn quả Đạ Huoai, Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh, Đơn Dương, Đam Rông, Đạ Tẻh.

Cây mắc ca Di Linh, Lâm Hà, Đam Rông, Bảo Lâm, Bảo Lộc. Cây lúa huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông. Cây dược liệu Đà Lạt, Lâm Hà, Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng. 

Cụ thể, với mục tiêu phát triển 1.600 ha diện tích hữu cơ, Lâm Đồng dự kiến, phân bổ diện tích từng loại cây đặc trưng, thế mạnh trên từng địa bàn nêu trên.

Đó là 400 ha cà phê; 250 ha rau, củ, quả; 200 ha chè với tổng sản lượng hàng năm khoảng 700 tấn, 6.500 tấn và 950 tấn. Tiếp theo, 200 ha cây ăn quả, 200 ha cây mắc ca, sản lượng hàng năm khoảng 1.300 tấn.

Còn lại 150 ha lúa nếp, lúa tẻ (sản lượng 580 tấn); 150 ha cây dược liệu (dự kiến 1.150 tấn/năm) và 50 ha nấm hữu cơ (khoảng 100 tấn/năm). 

Ngoài ra, trong khi triển khai, có thể mở rộng sản xuất hữu cơ đối với từng cây trồng khác nhau. Nhưng phải đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ quốc tế như: USDA (Mỹ); EU Farming (châu Âu); Naturland (Đức), JAS (Nhật Bản), FIPA EFAPA (Hàn Quốc)… Và chứng nhận Bộ Tiêu chuẩn TCVN 11041 Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam. 

Được biết, đối tượng tham gia 1.600 ha cây trồng hữu cơ, Lâm Đồng đã  hướng tới các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, hoặc nhóm hộ sản xuất, kinh doanh. Trong đó, đặc biệt ưu tiên các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm… 

Theo đó, đến năm 2025, toàn tỉnh xây dựng khoảng 16 mô hình nông nghiệp hữu cơ, đối với từng đối tượng cây trồng đã xác định trên.

Dự kiến, mức hỗ trợ tối đa 250 triệu đồng/0,5 ha cho mô hình nấm; 125 triệu đồng/0,5 ha rau, củ, quả; 100 triệu đồng/0,5 ha cây dược liệu; 60 triệu đồng/ha mắc ca, cà phê và chè; 50 triệu đồng/ha cây ăn quả; 20 triệu đồng/ha lúa…

Giải pháp thực hiện, trước hết, khuyến khích người dân, doanh nghiệp, chuyển đổi một phần diện tích đất sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, để xây dựng  mô hình sản xuất, theo tiêu chuẩn hữu cơ khi đủ điều kiện, và có đầu ra đảm bảo.

Tiếp theo, sớm hoàn thiện quy trình sản xuất hữu cơ đối với từng loại cây trồng, phù hợp với các tiêu chuẩn, để khuyến cáo người dân, doanh nghiệp ứng dụng hiệu quả vào sản xuất. 

Đặc biệt, với nhóm giải pháp về xây dựng, nhân rộng các mô hình, tạo chuỗi liên kết hợp tác sản xuất, gắn tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, Lâm Đồng khuyến khích hình thành và phát triển mô hình kinh tế trang trại, hợp tác xã làm nòng cốt.

Chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp, để tổ chức sản xuất theo quy mô hàng hóa, thuận tiện trong việc cơ giới hóa trên vùng nguyên liệu tập trung. 

Đồng thời, đẩy mạnh các hình thức liên kết, giữa người sản xuất và đối tác tiêu thụ; giữa người sản xuất với đơn vị cung ứng vật tư đầu vào; giữa ngành nông nghiệp với các địa phương, thuộc thị trường tiêu thụ chính, để quản lý chặt chẽ, thuận tiện trong truy xuất nguồn gốc các chuỗi sản phẩm hữu cơ. 

Đồng thời, tích cực triển khai, lồng ghép các nguồn vốn, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.

Thông qua công tác dự báo nhu cầu thị trường và dự ước nguồn cung sản phẩm hữu cơ ngay từ khi xuống giống, để thông tin kịp thời cho sản xuất; phát triển các hình thức đóng gói mẫu mã và nhận dạng sản phẩm hữu cơ, để hỗ trợ người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm. 

“Xác định doanh nghiệp, hợp tác xã là lực lượng nòng cốt trong xây dựng mô hình, chuyển giao công nghệ, thu mua và tiêu thụ nông sản hữu cơ.

Do đó, cần tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư hiệu quả vào nông nghiệp hữu cơ, bằng cách ưu tiên hỗ trợ theo các chính sách đặc thù sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương, đã được Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua…”, đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT Lâm Đồng nhấn mạnh về nhóm giải pháp chính sách.

Đắk Lắk: Kích thích mắc ca ra hoa sớm, thu hoạch cao gấp 10 lần

Sau nhiều năm mày mò, tìm hiểu kỹ thuật canh tác mắc ca, anh Phạm Minh Tuấn, xã Cư Né, huyện Krông Búk (Đắk Lắk) đã xử lý ra hoa, tạo tán cây mắc ca thành công mang lại hiệu quả kinh tế cao.

mc-9.jpg

 Vườn mắc ca của anh Tuấn cho năng suất cao nhờ kích thích cho ra hoa sớm.

Ngoài ra, anh Tuấn còn trở thành người “cầm tay chỉ việc” cho những nông dân muốn chuyển đổi sang trồng mắc ca trong vùng.

Năm 2010, anh Phạm Minh Tuấn bắt đầu trồng mắc ca từ nguồn giống của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên. Thời điểm này, việc trồng cây mắc ca vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, về hiệu quả lâu dài, nên anh chỉ trồng xen gần 200 cây trong 1 ha cà phê của gia đình.

Sau 3 năm, cây sinh trưởng tốt và bắt đầu trổ hoa, cho trái bói. Qua theo dõi, anh Tuấn nhận thấy, mặc dù số lượng hoa nhiều, nhưng tỷ lệ đậu trái rất thấp.

Nguyên nhân là do cây mắc ca tại Đắk Lắk, thường ra hoa vào thời điểm nắng nóng kéo dài, ảnh hưởng lớn đến việc đậu trái, cũng như sự phát triển của trái non. Anh phải tự tìm hiểu, và tham khảo tư vấn kỹ thuật từ bạn bè, rồi mày mò thử nghiệm các biện pháp kích thích mắc ca ra hoa sớm hơn, để khắc phục tình trạng trên.

Mãi đến năm 2017, anh Tuấn mới thành công vụ mắc ca đầu tiên, nhờ áp dụng các biện pháp kích thích ra hoa sớm. Trừ những cây bị thiệt hại do đổ ngã, anh thu hoạch được gần 3 tấn quả sọ tươi, năng suất gấp hơn 10 lần so với vụ thu hoạch năm trước đó.

Anh chia sẻ, việc chọn thời điểm hãm nước, thúc phân, phun thuốc kích thích phân hóa mầm hoa, đều dựa vào kinh nghiệm của người canh tác là chính.

Anh thường xuyên quan sát tình trạng sinh trưởng của cây, và điều kiện thời tiết từng năm, để có những tác động phù hợp giúp cây mắc ca ra hoa sớm hơn khoảng 1,5 tháng so với tự nhiên.

Nhờ ra hoa trong thời điểm khí hậu vẫn còn mát mẻ, phù hợp với đặc tính sinh trưởng, nên tỷ lệ đậu trái của mắc ca cao hơn hẳn. Sau giai đoạn này, chỉ cần tăng cường dinh dưỡng để cây cho quả to, hạt đẹp là đảm bảo một vụ mùa bội thu.

Từ khi áp dụng kích thích ra hoa trái vụ thành công, vườn mắc ca của gia đình anh liên tục tăng sản lượng, theo mức độ phát triển của cây. Trong khi đó, đầu ra của mắc ca rất rộng, giá dao động từ 75 nghìn đồng đến 120 nghìn đồng/kg quả sọ tươi, nên lợi nhuận năm sau luôn cao hơn năm trước khoảng 100 triệu đồng.

Năm nay, anh dự kiến thu hoạch 5 tấn quả sọ tươi, lãi ròng ước đạt từ 400 – 450 triệu đồng.

Tiếng lành đồn xa, nhiều nông dân trong vùng đã đến vườn mắc ca của anh Tuấn để học hỏi kinh nghiệm và đặt mua cây giống. Anh Tuấn đã lựa chọn hơn 20 cây mắc ca phẩm chất tốt nhất, có năng suất cao và ổn định trong vườn, để ghép giống cung cấp cho bà con nông dân.

Anh cũng tận tình hướng dẫn bà con từ khâu làm đất, xuống giống đến các kỹ thuật cắt cành, tạo tán, chống đổ ngã và đến tận vườn hỗ trợ xử lý ra hoa sớm giúp vườn cây đạt năng suất cao.

Anh kỳ vọng, với tiềm năng lớn về đầu ra của hạt mắc ca, cùng những ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất này, sẽ có thêm nhiều nông dân làm giàu thành công nhờ cây mắc ca.

Đắk Nông: Lão nông với sản phẩm cà phê đạt tiêu chuẩn quốc tế

Sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ, đạt tiêu chuẩn quốc tế, ông Hoàng Châu Hồng, thôn 4, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp), đã tạo ra sản phẩm Cà phê Đặc sản Coffee Specialty có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao uy tín cho ngành cà phê Đắk Nông.

cfe-6.jpg
 

 Vườn cà phê của ông Hồng được canh tác thuần hữu cơ.

Năm 2020, ông Hoàng Châu Hồng đã đưa sản phẩm cà phê của gia đình tự làm ra, tham dự Cuộc thi Cà phê Đặc sản Việt Nam lần thứ 2 năm 2020, tổ chức tại Tp Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).

Sản phẩm cà phê Coffee Specialty của ông Hồng bất ngờ vượt qua hàng chục sản phẩm khác của cả nước, để đoạt giải nhất, với số điểm 84,63 điểm (theo thang điểm 100).

Theo ông Hồng, những năm qua, 4 ha cà phê được gia đình canh tác hoàn toàn tự nhiên bằng cách dùng phân bón, thuốc phòng sâu hại hữu cơ.

Vườn cà phê có cây che bóng mát, dưới gốc luôn được phủ đầy cỏ dại để tạo sinh thái vườn cây. Ông còn áp dụng quy trình thu hoạch, phơi ủ, lên men an toàn, để tạo sản phẩm cà phê đặc sản mang thương hiệu Coffee Specialty.

Theo ông Hồng, để tạo ra sản phẩm cà phê đặc sản, có hương vị riêng, ngoài việc canh tác theo hướng hữu cơ, thì các yếu tố thu hái và chế biến cũng góp phần quyết định đến sự thành công trong việc tạo ra sản phẩm.

Theo đó, hạt cà phê khi thu hái phải bảo đảm độ chín đạt 100%, hái đúng thời điểm khi hạt chín vừa phải.

Sau khi thu hái, hạt cà phê sẽ được cho vào nước rửa sạch, loại bỏ những hạt không đạt chất lượng. Sau đó, để hạt cà phê bình thường trở thành cà phê đặc biệt, ông Hồng tiến hành cho lên men trong vòng 4-6 ngày, để tạo hương vị cho hạt cà phê rồi đem ra phơi trên sàn lưới.

Vụ cà phê năm 2019,  Hồng đã sản xuất được 800 kg cà phê đặc sản Coffee Specialty. Khi tham dự Cuộc thi Cà phê Đặc sản Việt Nam năm 2020, sản phẩm cà phê của gia đình ông được ban tổ chức và các chuyên gia nước ngoài đánh giá rất cao.

Họ khẳng định, mẫu Coffee Specialty xuất sắc, hương thơm phong phú, cường độ mạnh, kéo dài, khi pha với nước nguội vẫn thơm ngon...

Sau khi đạt giải nhất, 800 kg cà phê Coffee Specialty của ông Hồng, được các đơn vị thu mua hết. Hiện, nhiều nhà rang xay cà phê ở T.p Hồ Chí Minh đã đặt hàng sản phẩm Coffee Specialty.

Giá Coffee Specialty hiện dao động ở mức 200 – 300.000 đồng đồng/kg, cao gấp nhiều lần so cà phê khác trên thị trường.

Theo An Như (Tổng hợp)/kinhtenongthon.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập371
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm370
  • Hôm nay38,339
  • Tháng hiện tại432,005
  • Tổng lượt truy cập92,809,669
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây