Tập trung chuyển đổi
Thực trạng sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn thách thức như biến đổi khí hậu, dịch bệnh đã và đang tác động mạnh mẽ, gây áp lực lớn cho sự phát triển của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, trong thời gian qua tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện chuyển đổi sản xuất để thích nghi với điều kiện thực tế, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp.
Ông Nguyễn Sỹ Lâm, GĐ Sở NN-PTNT An Giang cho biết: Từ năm 2015 đến nay toàn tỉnh đã chuyển đổi được 22.554 ha đất lúa kém hiệu quả sang rau màu và cây ăn trái, thực hiện cải tạo vườn tạp, sang cây trồng mới theo hướng chuyên canh, tăng hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, các mô hình chuyển đổi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với mô hình sản xuất lúa ba vụ hiện nay như mô hình sản xuất các loại rau ăn lá, xoài, chuối, nuôi cá các loại
Về chăn nuôi, tập trung chuyển đổi chăn nuôi heo, gà nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gắn kết hợp với hầm ủ biogas. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện mời gọi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn. Đến nay đã có 9 doanh nghiệp thực hiện đầu tư phát triển trang trại chăn nuôi.
Là tỉnh đầu nguồn nên điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản. Trong thời gian qua, tỉnh tập trung triển khai kế hoạch phát triển thủy sản bền vững. Đẩy mạnh tập trung công tác mời gọi đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhất là trong lĩnh vực sản xuất giống thủy sản.
Cụ thể, thực hiện thành công các mô hình sản xuất thủy sản ứng dụng công nghệ cao trên nhiều đối tượng thủy sản như cá tra, cá Nàng Hai, cá lăng nha, chạch lấu, lươn, cá chép, tôm càng xanh… mang lại hiệu quả, giá trị kinh tế cao cho người nuôi. An Giang là đơn vị sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực độc quyền cung cấp cho các vệ tinh ương tại các tỉnh ĐBSCL. Ngoài tôm càng xanh toàn đực An Giang còn là tỉnh chuyên sản xuất và cung cấp các loại giống cá lóc, lươn, cá chạch lấu… cho các tỉnh lân cận.
Bên cạnh đó đã thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư dự án xây dựng vùng nuôi thủy sản tập trung, công nghệ cao, được chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế như Cty Cổ phần Cá tra Việt Úc, Cty Cổ phần Vĩnh Hoàn...
Đặc biệt tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả Đề án Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL tại An Giang góp phần gắn kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp nuôi. Cung cấp cá giống chất lượng cao cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Qua đó, đã mang lại hiệu quả tích cực và từng bước tạo nền tảng vững chắc để An Giang trở thành trung tâm cung cấp giống thủy sản chất lượng cao cho vùng ĐBSCL trong thời gian tới.
Thu hút nhiều doanh nghiệp
Từ những vấn đề nêu trên An Giang đang đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp . Trong đó, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với mô hình tăng trưởng mới theo chiều sâu. Đây cũng chính là nội dung trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm tới. Nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng giảm dần diện tích lúa, tạo giá trị sản xuất cao hơn gắn với nhu cầu thị trường.
Khuyến khích phát triển các loại hình kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác, tổ hợp nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao, hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn, khép kín gắn với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. Thu hút, hình thành một số doanh nghiệp nông nghiệp đầu tàu dẫn dắt chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản chủ lực của tỉnh.
Ông Nguyễn Sỹ Lâm cho biết thêm, thứ nhất là thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng tăng giá trị trên diện tích đất canh tác, tăng hiệu quả gắn với nhu cầu thị trường. Đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, đảm bảo an toàn thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thứ hai là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, định hướng chiến lược phát triển nông nghiệp theo trục thủy sản - trái cây - lúa gạo, phát triển các ngành hàng có lợi thế.
Thứ ba là tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo nhu cầu thị trường, trọng tâm là phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp và các hình thức kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với các hệ thống phân phối, tiêu thụ trong và ngoài nước. Đẩy mạnh đổi mới và phát triển các HTX theo hướng chú trọng hơn tới việc tổ chức nông dân sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn, chất lượng đảm bảo gắn với chế biến và tiêu thụ.
Thứ tư, tăng cường nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ.
Thứ năm, tăng cường công tác dự báo thị trường, xúc tiến, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, giới thiệu và quảng bá sản phẩm.
Thứ sáu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp, đào tạo các chuyên gia đầu ngành gắn với từng ngành hàng, lĩnh vực, theo chuỗi giá trị.
Thực tế cho thấy, việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong thời gian qua đã mang lại những hiệu quả rất tích cực. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước năm 2020 là 49 triệu đồng (tăng 20 triệu đồng so năm 2015), trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân ước năm 2020 là 192 triệu đồng/ha (tăng 63 triệu đồng/ha so năm 2015).
Theo Lê Hoàng Vũ/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã