Học tập đạo đức HCM

CẬP NHẬT: Thông tin mới nhất về hồ Kẻ Gỗ, Rào Trăng 3

Thứ ba - 20/10/2020 03:13
(Chinhphu.vn) – Ngày 20/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có mặt tại tỉnh Hà Tĩnh, kiểm tra tình hình hồ Kẻ Gỗ. Qua kiểm tra và báo cáo của lãnh đạo tỉnh, khẳng định hồ Kẻ Gỗ an toàn.

LIÊN TỤC CẬP NHẬT...

Ngày 20/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có mặt tại tỉnh Hà Tĩnh, hiện đang kiểm tra tình hình hồ Kẻ Gỗ, tình hình ngập lụt và làm việc nhanh với lãnh đạo tỉnh. Tại Thừa Thiên Huế, các lực lượng đang quyết tâm bằng mọi cách phải thông tuyến đường 71 vào cứu hộ tại Thủy điện Rào Trăng 3 một cách nhanh nhất.

Phát biểu khi kiểm tra Hồ Kẻ Gỗ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, nhiệm vụ bảo đảm an toàn hồ Kẻ Gỗ là nhiệm vụ số 1, đánh giá cao chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh. Trong vận hành, vừa phải giữ được nước ngọt nhưng phải bảo đảm mức nước an toàn.
 

Phó Thủ tướng yêu cầu hết sức linh hoạt, không chủ quan trong vận hành hồ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với địa phương và cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi để có phương án ứng phó; tập trung theo dõi toàn bộ các tuyến đập, chỗ nào có sự cố xử lý kịp thời.

Qua kiểm tra và báo cáo của lãnh đạo tỉnh, khẳng định hồ Kẻ Gỗ an toàn, cả về quản lý, vận hành với quy trình chặt chẽ, khoa học; an toàn về thiết kế hồ; sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh và sự tham gia của các cơ quan.

Sau đó, Phó Thủ tướng đã thị sát tình hình mưa lũ, thăm hỏi người dân và động viên các lực lượng đang làm nhiệm vụ phòng chống lụt bão, cứu trợ người dân. 

 

 
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng kiểm tra tình hình hồ Kẻ Gỗ.
Hồ Kẻ Gỗ xả lũ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
 
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng kiểm tra tình hình hồ Kẻ Gỗ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng kiểm tra tình hình hồ Kẻ Gỗ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng kiểm tra tình hình hồ Kẻ Gỗ.

Hồ Kẻ Gỗ giảm lượng xả còn dưới 500m3/s

Ông Nguyễn Văn Tâm - Phó Giám đốc phụ trách Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh thông tin, do lượng mưa khu vực hồ Kẻ Gỗ đã giảm nên đầu giờ sáng nay (20/10), lượng xả lũ qua tràn Dốc Miếu chỉ còn 790m3/s.

Theo Phó Giám đốc phụ trách Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh, từ tối qua đến sáng sớm nay, khu vực Kẻ Gỗ mưa rất nhỏ nên gần như không đo được lượng nước. Theo đó, mực nước hồ lúc 7h30" sáng 20/10 đạt 32,83m/32,5m (mực nước dâng bình thường), tương ứng với dung tích 355 triệu m3/345 triệu m3 (dung tích thiết kế).

"Do lượng nước đến giảm, lượng mưa giảm nên Công ty dự kiến sau 12h trưa nay, điều tiết lũ qua tràn từ 790m3/s giảm còn dưới 500m3", ông Tâm trao đổi.

Được biết, hồ Kẻ Gỗ bắt đầu xả tràn lúc 13h ngày 18/10/2020 với lưu lượng 30 - 50m3/s; đến 20 giờ ngày 18/10, tăng lên 250m3/s; đến 22 giờ 400m3/s; 7 giờ ngày 19/10, tăng lên từ 750 - 850 m3/s; đến 9 giờ ngày 19/10, tăng lên 1.050m3/s; đến 17h chiều 19/10, xả 940 m3/s.

 
Hình ảnh mưa ngập gần khu vực hồ Kẻ Gỗ, tỉnh Hà Tĩnh. - Ảnh: VGP

Quốc hội mặc niệm Thiếu tướng Nguyễn Văn Man

Tại phiên họp trù bị sáng 20/10, Quốc hội đã tiến hành mặc niệm Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, đơn vị tỉnh Quảng Bình, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội, và các cán bộ chiến sĩ hy sinh khi cứu nạn và đồng bào, đồng chí tử nạn do lũ lụt gây ra. Các đại biểu Quốc hội đã quyên góp ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi lũ lụt tại miền Trung.

Bằng mọi cách phải thông tuyến vào Rào Trăng 3

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cùng Thiếu tướng Hà Thọ Bình, Phó Tư Lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 4 vừa  cùng các lực lượng tiến hành cuộc họp chiều 19/10 bàn phương án thông tuyến đường 71 vào Thủy điện Rào Trăng 3 để tổ chức cứu nạn cứu hộ.

Sở Chỉ huy tiền phương cũng đã kết nối thông tin với Bộ quốc phòng với quyết tâm tiếp cận Rào Trăng 3 để cứu nạn cứu hộ sớm nhất.
 

 

 

Hiện trường sạt lở do máy flycam của lực lượng tiền phương chuyển về. Ảnh: Sở chỉ huy tiền phương

Theo Thiếu tướng Hà Thọ Bình, ngày 19/10, đoàn cứu nạn gồm 18 người do đích thân ông làm trưởng đoàn đã cơ động tiếp Rào Trăng 4 và Rào Trăng 3. Đường vào Thủy điện Rào Trăng 3 bị sạt lở nghiêm trọng. Hiện còn khoảng 1km mới tiếp cận thủy điện Rào Trăng 4; tuy nhiên còn 3 ngầm tràn rất lớn (rộng khoảng 50m), thời tiết mưa nhiều trong mấy ngày qua làm nhiều đoạn của đường 71 mới được khôi phục tiếp tục sạt lở lại, việc thi công bằng cơ giới gặp nhiều khó khăn. Từ Rào Trăng 4 đến Rào Trăng 3 bằng đường bộ còn khoảng 10km với nhiều điểm sạt lở, trong đó có 9 điểm sạt lở rất lớn.

 

Khối lượng sạt lở tại thủy điện Rào Trăng lớn hơn rất nhiều so với điểm sạt lở tại Tiểu khu 67. Các điểm sạt lở ở đây rất lớn, được phân làm 3 tầng với bề dày mỗi tầng 3-4m. Chất đất đá với khối lượng lớn ở các khu vực này rất khó giải phóng nếu làm bằng thủ công. Khó khăn nữa theo thiếu tướng Hà Thọ Bình là lượng đất sụt lở trên đường 71 từ tiểu khu 67 lên Rào Trăng 4 có nhiều điểm sạt lở, nhiều ngầm sâu, nhiều tảng đá lớn cần phải phá nổ.

 

Phía trong thủy điện chỉ 1 máy xúc còn hoạt động được nên nhiệm vụ trước mắt phải điều vào hiện trường 6-7 xe múc cùng lực lượng với kinh nghiệm tốt vào khai thông tuyến đường. Qua khảo sát, không thể tìm ra chỗ đóng quân ở khu vực nguy hiểm trên tuyến vào Rào Trăng 3 nên buộc phải cơ động lực lượng khi xong ca. Thiếu tướng Hà Thọ Bình cho biết, bằng mọi giá phải thông tuyến đường 71 để tìm kiếm nạn nhân.

 

Sau khi nghe ý kiến đóng góp của các lực lượng tham gia cứu hộ cứu nạn tại hiện trường, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của các lực lượng sớm tiếp cận Rào Trăng 3 để triển khai công tác trinh sát nắm tình hình sạt lở bằng nhiều phương thức: bộ đội trinh sát đường bộ, trực thăng, flycam, máy bay bay không người lái. Thiết lập hệ thống thông tin liên lạc vào Rào Trăng 3 hỗ trợ công tác cứu hộ.

 

Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, hiện các phương tiện cơ giới với 10 xe múc, xe ủi đang triển khai trên tuyến đường 71, bên cạnh đó có 5 xe múc, xe ủi đã tập kết tại xã Phong Xuân sẵn sàng tham gia công tác khôi phục tuyến đường 71. Do đó, bằng mọi cách phải thông tuyến đường 71 vào cứu hộ tại Thủy điện Rào Trăng 3 một cách nhanh nhất. Đề nghị Thiếu tướng Hà Thọ Bình tăng cường công tác chỉ huy, tranh thủ sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Quân Khu 4. Sẵn sàng thêm phương tiện, vật tư, nhiên liệu, lực lượng cơ động lên Rào Trăng 4 để vào Rào trăng 3 thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn.

Vận chuyển nhu yếu phẩm lên thuyền, tiếp tế cho bên trong Thủy điện Rào Trăng 3

Thượng tá Nguyễn Thanh Tuấn – Giám đốc Công an tỉnh cho biết, do tuyến đường bộ 71 đi vào Rào Trăng bị sạt lở, việc cứu hộ cứu nạn được lực lượng Công an tỉnh triển khai bằng đường thủy và đã phát huy hiệu quả trong công tác cứu hộ cứu nạn cũng như cung cấp lương thực, thực phẩm cho cán bộ, công nhân. Cầu đường thủy sẻ bắt đầu từ xã Hương Bình, thị xã Hương Trà vượt qua lòng hồ thủy điện Hương Bình đến đập thủy điện Rào Trăng 4 tiến vào thủy điện Rào Trăng 3.

 

Bộ Công an đã tăng cường thêm phương tiện đường thủy, gồm 2 ca nô có mã lực lớn để  phục vụ cho công tác vận chuyển lực lượng, phương tiện và nhu yếu phẩm cũng như tìm kiếm cán bộ, công nhân đang còn mất tích.

5.000 tấn gạo, 500 tỷ đồng khẩn cấp cứu trợ 5 tỉnh miền Trung

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 19/10 nghe báo cáo tình hình và hỗ trợ khắc phục hậu quả mưa lũ miền Trung, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tiếp tục chỉ đạo khắc phục với các phương án sẵn sàng hơn nữa để cứu dân với tinh thần “không được để dân đói, không được để dân rét, màn trời chiếu đất”.

Trong công tác chỉ đạo, cần tập trung bảo đảm an toàn hồ đập, không để xảy ra vỡ hồ chứa, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của nhân dân vùng hạ du.

Thủ tướng đồng ý trước mắt, xuất cấp cho mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo, “ yêu cầu Bộ Tài chính xuất cấp ngay, kịp thời và phân phối trực tiếp đến người dân đúng đối tượng”, không để chậm trễ.  Về hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà ở, khắc phục cơ sở hạ tầng, Thủ tướng chấp nhận đề nghị trước mắt hỗ trợ mỗi tỉnh 100 tỷ đồng (gồm Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh).

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, trong vòng 30 ngày (từ giữa tháng 9 đến nay), 8 tỉnh, thành phố miền Trung (từ Nghệ An đến Quảng Ngãi) đã liên tiếp chịu ảnh hưởng của 8 loại hình thiên tai (bão, ATNĐ, nước dâng do bão, mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất) do 3 cơn bão và 2 ATNĐ, kết hợp với các hình thế thời tiết cực đoan khác, đã gây 2 đợt mưa lớn kéo dài.

Lũ lớn xuất hiện trên 14 tuyến sông chính, trong đó có 4 tuyến sông, lũ đã vượt mức lịch sử, khu vực miền núi nhiều nơi đã bị sạt lở đất nghiêm trọng.

Đây là một trong những đợt thiên tai nghiêm trọng (bão chồng bão, mưa lũ chồng mưa lũ) đã, đang tác động, ảnh hưởng đến tất cả các tuyến từ ngoài Biển Đông đến đồng bằng, trung du và khu vực miền núi trong thời gian dài.

Trong 2 tuần qua, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, xảy ra 2 đợt mưa lớn chưa từng thấy.

Tình hình ngập lụt trên phạm vi rộng, thời điểm cao nhất vào ngày 12/10 và 18/10 có 260.322 hộ bị ngập tại 6 tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam. Mưa lũ làm 127 người chết và mất tích. “Thiệt hại về các thiết chế hạ tầng rất lớn”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói. Hiện 2 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình đang mưa lớn. Do đó, cần tập trung công tác chỉ đạo, nhất là hồ chứa đã vượt ngưỡng bình thường, không để xảy ra sự cố, phương án sơ tán người dân ra khỏi vùng ngập trũng nguy hiểm.

Theo dự báo, mưa lũ còn kéo dài và đang mở rộng ra phía bắc. Ngoài ra, hiện nay đã hình thành áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông và theo thông tin từ một số đài, cơ quan quốc tế và khu vực, vào cuối tuần này bão gây mưa lũ lớn nhiều khả năng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến đất liền các tỉnh khu vực miền Trung.

Theo đại diện của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cơ quan này đã dùng radar thời tiết dự báo từng giờ, cung cấp cho lực lượng cứu hộ. Xu thế chuyển từ năm khô hạn sang năm nhiều mưa lũ đang và sẽ tiếp tục xảy ra, từ nay đến cuối tháng 10 và sang cả tháng 11. Đêm mai, sẽ có cơn bão vượt quần đảo Philippines vào Biển Đông. Bên cạnh đó, cần đề phòng rét đậm rét hại khi năm nay mùa đông sẽ lạnh hơn.

Công điện về hồ Kẻ Gỗ

Ngày 19/10, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai ban hành Công điện số 28/CĐ-TW gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh; Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và  Tìm kiếm cứu nạn; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
 
Công an huyện Thạch Hà di dời dân lên các địa điểm an toàn. - Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Công điện nêu rõ: Hiện nay, tình hình mưa lũ tại khu vực Bắc Trung Bộ đang diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Lượng mưa đo được từ 7 giờ ngày 15/10 đến 4 giờ  ngày 19/10 tại một số trạm như hồ Kẻ Gỗ là 1.081mm, thành phố Hà Tĩnh là 1.069mm, theo dự báo trong những ngày tới trên địa bàn tỉnh còn tiếp tục mưa lớn với tổng lượng 300-400mm.

Do ảnh hưởng của mưa lớn nên lũ về các tuyến sông và các hồ chứa gia tăng nhanh, từ 10 giờ ngày 18/10 đến 8 giờ ngày 19/10, mực nước thượng lưu hồ Kẻ Gỗ đã dâng từ 29,0m lên 33,6m (trên mực nước dâng bình thường 1,1m), lưu lượng về hồ trên 1.500m3/s, từ 9 giờ ngày 19/10, hồ đã phải xả lũ ở mức tối đa (khoảng 1.000m3/s).

Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân cũng như các công trình ở khu vực hạ du, giảm thiểu thiệt hại, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ trên địa bàn, rà soát các phương án, huy động lực lượng tại chỗ phối hợp với các cơ quan chuyên môn triển khai các biện pháp đảm an toàn cho công trình đê điều, hồ đập trên địa bàn; phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố ngay từ giờ đầu khi có tình huống đặc biệt, sẵn sàng phương án xả tràn hồ Kẻ Gỗ và triển khai cấp bách đảm bảo an toàn cho công trình và khu vực hạ du. Tỉnh Hà Tĩnh cũng cần huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để tổ chức sơ tán dân tại các khu vực bị ngập lụt do mưa lũ và ảnh hưởng của xả lũ hồ Kẻ Gỗ; tổ chức lực lượng cảnh báo, canh gác hướng dẫn tại các ngầm tràn, các khu vực bị ngập sâu, chia cắt cô lập, đảm bảo an toàn giao thông.

Tỉnh Hà Tĩnh cần chỉ đạo lực lượng xung kích tại cơ sở triển khai việc rà soát các khu vực có nguy cơ có xảy ra ngập lụt và lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi; thông báo kịp thời các sự cố, các dấu hiệu bất thường gây nguy cơ sạt lở cho chính quyền và người dân để kịp thời ứng phó giảm thiểu thiệt hại; xem xét quyết định cho học sinh tại các khu vực chịu ảnh của mưa lũ, ngập lụt nghỉ học; tăng cường công tác thông tin truyền thông về tình hình mưa lũ, vận hành hồ chứa, đặc biệt là khu vực hạ du các hồ chứa, các khu vực thấp trũng, để chủ động các biện pháp phòng tránh giảm thiểu thiệt hại.

Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn có trách nhiệm hỗ trợ địa phương triển khai lực lượng, trang thiết bị, cơ động đến các trọng điểm xung yếu để sẵn sàng hỗ trợ người dân và chính quyền địa phương khi có tình huống.

Tổng cục Thủy Lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cần hỗ trợ phương án tính toán hồ theo đề nghị của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh, phối hợp với địa phương chỉ đạo vận hành để đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du. 

Các đơn vị nêu trên cần tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai qua Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Tìm thấy thi thể 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn 337

Đến chiều ngày 19/10, sau hơn 1 ngày các lực lượng thực hiện các phương pháp tìm kiếm, thi thể của 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn 337 đã được tìm thấy. 

Thi thể cuối cùng trong số 22 người bị vùi lấp do lở núi ở đoàn kinh tế quốc phòng 337, xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa) được tìm thấy lúc 14h30 ngày 19/10.

Tìm kiếm các nạn nhân trong vụ sạt lở đất tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. - Ảnh: QĐND

Ngay sau khi tìm thấy thi thể cán bộ, chiến sĩ, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị và Quân khu 4 tiếp tục chỉ đạo các lực thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ; sẵn sàng ứng phó với các tình huống, đồng thời nhanh chóng đưa thi thể cán bộ, chiến sĩ về Thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.

 

Sáng cùng ngày, sau nhiều nỗ lực, lực lượng chức năng đã thông xe tạm thời đường vào điểm sạt lở ở thôn Cợp, để một số xe cứu thương và xe làm nhiệm vụ tiếp cận hiện trường vụ sạt lở đất tại thôn Cợp, xã Hướng Phùng để đưa thi thể các cán bộ, chiến sĩ đã được tìm thấy trong ngày 18/10 về thành phố Đông Hà (Quảng Trị).

Có mặt tại hiện trường để trực tiếp chỉ huy và động viên các lực lượng tìm kiếm, cứu nạn, Thiếu tướng Hà Tân Tiến, Phó Tư lệnh Quân khu 4 chia sẻ: Mong muốn từ nay đến trưa sẽ cố gắng hoàn thành xong việc tìm kiếm và hy vọng thi thể các cán bộ, chiến sĩ không bị trôi ra bờ suối để chúng tôi có thể đón được các đồng chí  trong việc tìm kiếm nạn nhân đã bị thảm họa này.

Đến nay có 11 máy cơ giới hoạt động, cùng  với 312  người, chia thành tổ, có 2 đài quan sát để thực hiện việc báo động tiếp. Thực tế hôm qua đã 6 lần báo động các sạt lở nhỏ để thực hiện an toàn cho lực lượng tìm kiếm.

Sau khi tìm kiếm xong, các thi thể được thực hiện đầy đủ các nghi lễ tắm rửa, vận chuyển về bệnh viện Đông Hà vào nơi chuẩn bị cho công tác tang lễ. Các lực lượng đã và đang thực hiện nhiệm vụ này một cách tích cực với trách nhiệm lớn nhất đối với các bộ, chiến sĩ Đoàn KTQP 337 đã tử nạn tại khu vực này. Đây là thảm họa rất lớn. Quả núi bị sạt lở cách đơn vị 1,6kmđổ xuống khu vực doanh trại  gần 2 triệu mét khối đất, có nơi vùi lấp người bị nạn đến gần 10m, san phẳng 4 dãy nhà.

Trong buổi họp tối muộn 18/10, Ban Chỉ đạo tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn tại địa bàn cũng đặt ra kế hoạch yêu cầu các lực lượng trong ngày 19/10 phải nỗ lực, tận dụng mọi điều kiện thuận lợi tổ chức tìm kiếm và di chuyển thi hài các nạn nhân về địa điểm tập kết.

Chủ trì cuộc họp giao ban trực tuyến về công tác ứng phó và khắc phục hậu quả lũ lụt vào sáng nay (19/10), Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đề nghị các sở ngành, địa phương tập trung triển khai các phương án khắc phục; kịp thời cứu trợ, hỗ trợ cho người dân, không để người dân nào phải thiếu đói, rét; công tác khắc phục, cứu trợ phải đảm an toàn toàn tuyệt đối về người và tài sản.

Tình hình mưa bão đã làm 27 người chết (12 người chết do mưa lũ, 2 công nhân nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, 13 người trong đoàn công tác tại khu vực Trạm quản lý bảo vệ rừng Tiểu khu 67), mất tích 15 người tại nhà máy thủy điện Rào Trăng 3; 13 người bị thương. Mưa lũ làm hàng chục ngôi nhà sập và hư hỏng; gần 85.000 nhà dân ngập trong nước. Nhiều diện tích hoa màu, nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại… Tổng thiệt hại do mưa lũ đến nay khoảng 1.126 tỷ đồng.

Biểu dương cán bộ Công an xã hy sinh khi phòng, chống thiên tai

 

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã gửi Thư thăm hỏi gia đình Đại úy Trương Văn Thắng, cán bộ Công an xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, ứng cứu nhân dân tại địa bàn cơ sở.

 

Ngày 18/10/2020, Đại úy Trương Văn Thắng (quê quán xã Quảng Sơn, huyện Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình), cán bộ Công an xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, ứng cứu nhân dân tại địa bàn cơ sở.

 

Nội dung Thư nêu rõ: Sự hy sinh của Đại úy Trương Văn Thắng đã thể hiện tinh thần, phẩm chất cao đẹp của người chiến sỹ Công an nhân dân “Vì nước quên thân, vì dân quên mình”, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Công an nhân dân Việt Nam. Đây là tổn thất lớn đối với gia đình Đại úy Trương Văn Thắng, lực lượng Công an nhân dân nói chung và của Công an tỉnh Quảng Trị, chính quyền địa phương nói riêng.

 

Thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, Bộ trưởng Tô Lâm biểu dương tinh thần anh dũng của Đại úy Trương Văn Thắng; bày tỏ sự cảm thông sâu sắc, chia sẻ những đau thương, mất mát; gửi lời thăm hỏi ân cần và lời chia buồn, tri ân tới gia đình Đại úy Trương Văn Thắng, đồng thời chia sẻ những khó khăn, thử thách trong thực thi nhiệm vụ của lực lượng Công an cơ sở, Công an tỉnh Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung.

 

Bộ trưởng Tô Lâm cũng xin chia sẻ với nhân dân và chính quyền các cấp tỉnh Quảng Trị về những khó khăn, mất mát do bão, lũ đã gây ra và biểu dương tinh thần dũng cảm, vì nhân dân phục vụ của cán bộ chính quyền các cấp, lực lượng Quân đội, lực lượng Công an địa phương qua việc triển khai phòng, chống thiên tai, bão lũ vừa qua.

 

Trong mấy ngày tới, dự báo tiếp tục còn mưa lũ tại địa phương, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị lực lượng Công an Quảng Trị phối hợp với chính quyền, các lực lượng chức năng tiếp tục duy trì bảo đảm tốt an ninh, trật tự tại địa phương, chủ động nắm tình hình, tổ chức sơ tán, sẵn sàng cứu trợ nhân dân.

Hồ Kẻ Gỗ tăng mức xả tràn, Hà Tĩnh sơ tán hơn 45.000 dân

 

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, vào lúc 10h sáng nay (19/10), Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh  Hoàng Trung Dũng đã trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo phương án ứng phó tại một số địa phương.

 

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng đã đến Trường Đại học Hà Tĩnh - nơi có nhiều hộ dân vùng phía Bắc huyện Cẩm Xuyên và phía Nam thành phố Hà Tĩnh đang sơ tán. Tiếp đó, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng cũng đã trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác sơ tán dân tại cũng xã Thạch Bình (TP. Hà Tĩnh).

 

Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo chính quyền địa phương và các đơn vị tập trung thực hiện tốt phương án 4 tại chỗ, nhất là đảm bảo lương thực, các nhu yếu phẩm cần thiết đề phòng mưa lũ kéo dài; tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tình hình mưa lũ, triển khai kịp thời công tác cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với nguy cơ sạt lở đất ở vùng núi, ven khe suối, đảm bảo an toàn giao thông, tính mạng, tài sản của Nhân dân trong mưa lũ.

 

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng thông tin: “Do nước lũ lên quá nhanh nên tỉnh đang tìm mọi phương án, phối hợp với Quân khu 4 và các tỉnh trong khu vực để hỗ trợ cho nhân dân Hà Tĩnh vượt qua cơn hoạn nạn này. Đặc biệt, từ hôm qua đến nay, nước ở các hồ đập đã tăng lên 3,5m, tỉnh đang cố gắng để điều tiết lưu lượng xả lũ. Hiện tại, các địa phương đang tích cực triển khai những phương án tối ưu nhất. Truớc mắt, tỉnh đang tập trung sơ tán nhân dân ở các vùng bị thiệt hại nặng lên vùng cao để đảm bảo an toàn tính mạng”.

 

Sáng 19/10, thông tin từ Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thủy lợi Nam Hà Tĩnh cho biết, do mưa rất lớn liên tục nhiều ngày qua khiến mực nước hồ Kẻ Gỗ đến sáng 19/10 đã vượt mực nước dâng bình thường 0,9m (tương ứng 33,4/32,5m so với thiết kế).

 

Do khu vực Kẻ Gỗ vẫn tiếp tục mưa to, nước thượng nguồn đổ về hồ tăng nhanh nên đến 7 giờ ngày 19/10, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thủy lợi Nam Hà Tĩnh đã tăng lưu lượng xả lên 900m3/s. Trước đó, lúc 23 giờ ngày 18/10, Công ty đã thông báo tăng lưu lượng xả tràn lên từ 400 - 500m3/s.

 

Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh, mưa to xối xả cùng với các hồ đập lớn như Kẻ Gỗ, Bộc Nguyên, Khe Xai, Tàu Voi, Thượng Sông Trí… đồng loạt xả tràn điều tiết lũ khiến nước lũ lên nhanh. Tới thời điểm hiện nay, nhiều xã ở Cẩm Xuyên, Thành phố Hà Tĩnh, Hương Khê, Thạch Hà… đã bị cô lập. Các hộ gia đình phải di chuyển đồ lên cao tránh bị ngập nước.

 

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Lệnh sơ tán dân. Theo đó, Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện: Cẩm Xuyên, Thạch Hà và Thành phố Hà Tĩnh khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện để tổ chức di dời dân vùng hạ du Hồ chứa nước Kẻ Gỗ đến nơi an toàn. Cụ thể: Huyện Cẩm Xuyên di dời 13.300 hộ với 43.200 người; huyện Thạch Hà di dời 1.420 hộ với 2.685 người; thành phố Hà Tĩnh di dời 263 hộ, 701 người.

 

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, khu vực tỉnh tiếp tục có mưa to. Vì thế, số hộ dân phải sơ tán sẽ còn lớn hơn trong thời gian tới.

Nhật Bản hỗ trợ khẩn cấp khắc phục mưa lũ miền Trung

 

Sáng nay, 19/10, ngay sau khi kết thúc hội đàm và chứng kiến hai bên trao đổi các văn kiện hợp tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã có cuộc gặp gỡ báo chí.

Thủ tướng Suga cho biết, Nhật Bản quyết định cung cấp vật tư hỗ trợ khẩn cấp cho Việt Nam nhằm giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn gây ra ở miền Trung Việt Nam. “Nhật Bản là đất nước có nhiều kinh nghiệm về phòng chống thiên tai nên chúng tôi sẽ tiếp tục chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về phòng chống thiên tai tới Việt Nam”.

Phó Tư lệnh Quân khu 4 chỉ huy tìm kiếm tại Rào Trăng

 

UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết đường bộ vào Rào Trăng 3 xuất hiện nhiều điểm sạt lở, trong đó có 9 điểm sạt lở rất lớn. Hiện nay, Thiếu tướng Hà Thọ Bình, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 4 đang trực tiếp chỉ các lực lượng quân đội, công an, giao thông tiếp tục khẩn trương thực hiện công tác tìm kiếm 15 nạn nhân còn mất tích tại Thủy điện Rào Trăng.

 

 

Quân khu 4 tiếp tục huy động hơn 500 người phục vụ tìm kiếm 15 người mất tích tại Thuỷ điện Rào Trăng 3 - Ảnh: VGP/Thế Phong

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, đường vào Thủy điện Rào Trăng 3 bị sạt lở nghiêm trọng. Hiện còn khoảng 1 km mới tiếp cận Thủy điện Rào Trăng 4; tuy nhiên còn 3 ngầm tràn rất lớn (rộng khoảng 50 m), thời tiết mưa nhiều trong mấy ngày qua làm nhiều đoạn của đường 71 mới được khôi phục tiếp tục sạt lở lại, nên việc thi công bằng cơ giới gặp nhiều khó khăn. Từ Rào Trăng 4 đến Rào Trăng 3 bằng đường bộ còn khoảng 10 km với nhiều điểm sạt lở, trong đó có 9 điểm sạt lở rất lớn.

 

Khối lượng sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng rất lớn, lớn hơn rất nhiều so với điểm sạt lở tại Tiểu khu 67.

 

Ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn tiếp tục triển khai công tác trinh sát nắm tình hình sạt lở bằng nhiều phương thức: Bộ đội trinh sát đường bộ, trực thăng, flycam, máy bay không người lái. Thiết lập hệ thống thông tin liên lạc vào Rào Trăng 3.

 

Các lực lượng chức năng vẫn đang tiếp tục tiếp cận nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 và Rào Trăng 4 bằng đường thủy để hỗ trợ lương thực và tìm kiếm những người mất tích. Hôm nay (19/10), đang vận chuyển 5 công nhân vận hành xe xúc cùng các thiết bị, vật tư, phương tiện và 200 thùng mỳ tôm, 500 kg gạo cùng với các thực phẩm khác để phục vụ công tác tìm kiếm.

 

Lực lượng tại chỗ với 3 máy múc và 1 máy ủi đã được tiếp tế nhiên liệu và bổ sung công nhân lái máy vẫn đang tìm kiếm ở Rào Trăng 3. Các phương tiện cơ giới với 10 xe múc, xe ủi đang triển khai trên tuyến đường 71, bên cạnh đó có 5 xe múc, xe ủi đã tập kết tại xã Phong Xuân sẵn sàng tham gia công tác khôi phục tuyến đường 71.

 

Lực lượng quân đội đã huy động thêm 500 người (Quân khu IV 300 người, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh 200 người) để tham gia công tác tìm kiếm; lực lượng này sẽ mang theo lương thực để ở lại hiện trường liên tục thực hiện tìm kiếm.

Nguy cơ lũ đặc biệt lớn

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ đêm 18/10 đến ngày 20/10, nguy cơ cao xảy ra lũ đặc biệt lớn trên các sông tại Hà Tĩnh, Quảng Bình.

 

Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam, đặc biệt là tại các huyện: Kỳ Sơn, Con Cuông, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tương Dương (Nghệ An);  Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ (Hà Tĩnh); Minh Hóa, Tuyên Hóa, Lệ Thủy, Quảng Trạch, Quảng Ninh, Bố Trạch (Quảng Bình); Hướng Hóa, Đăkrông, Cam Lộ, Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng (Quảng Trị); A Lưới, Nam Đông, Hương Thủy, Hương Trà, Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) ; Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang (Quảng Nam).

 

Ngập lụt sâu, diện rộng tiếp tục diễn ra ở vùng trũng thấp, các khu đô thị tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế, đặc biệt tại các huyện: Hương Khê, Hương Sơn, Đức Thọ, Vũ Quang, Cẩm Khê, Cẩm Xuyên, Can Lộc, thị xã Kỳ Anh, thành phố Hà Tĩnh (Hà Tĩnh); Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa, Lệ Thủy, thành phố Đồng Hới (Quảng Bình); Hướng Hóa, Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng, thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị (Quảng Trị); Quảng Điền, Phong Điền, thành phố Huế, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên - Huế).

 

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo, nguy cơ cao xảy ra mất an toàn tại các hồ chứa thủy điện, thủy lợi nhỏ xung yếu.

 

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất cấp 4.

Bắt đầu đưa các thi thể nạn nhân trong Đoàn 337 ra ngoài

Lúc 7 giờ 50 phút ngày 19/10, Trung tướng Nguyễn Tân Cương – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, các xe cứu thương đã vào hiện trường vụ sạt lở đất tại thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị để đưa thi thể các cán bộ, chiến sỹ đã được tìm thấy trong ngày 18/10 về thành phố Đông Hà (Quảng Trị).
 
Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trực tiếp có mặt tại hiện trường.

Lực lượng chức năng đã huy động nhiều xe cứu thương đến hiện trường. Đến nay, lực lượng cứu hộ cứu nạn đã tìm thấy 14 thi thể cán bộ, chiến sỹ tại hiện trường. Rạng sáng 19/10, sau nhiều nỗ lực, lực lượng chức năng đã thông xe tạm thời đường vào điểm sạt lở ở thôn Cợp, để một số xe cứu thương và xe làm nhiệm vụ tiếp cận hiện trường.

Trước đó, chiều 18/10 lực lượng công binh dẫn theo chó nghiệp vụ đi bộ khoảng 2 km từ điểm sạt lở gây tắc đường vào thôn Cợp, xã Hướng Phùng, hiện trường vụ sạt lở đất để tìm kiếm nạn nhân mất tích.

Khó khăn nhất hiện nay là mưa liên tục, gây nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và khó khắc phục triệt để các điểm sạt lở để thông đường vào hiện trường.

Như đã đưa tin, vào khoảng 1 giờ ngày 18/10, tại xã Hướng Phùng, huyện miền núi Hướng Hóa xảy ra vụ sạt lở đất khiến 22 cán bộ, chiến sỹ của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 thuộc Quân khu 4 bị vùi lấp.

Khảo sát, đánh dấu các điểm bị vùi lấp tại hiện trường Rào Trăng 3. 

Xuất cấp 4.000 tấn gạo

Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định giao Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 4.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh: Quảng Bình 1.000 tấn, Quảng Trị 1.000 tấn, Thừa Thiên Huế 1.000 tấn, Quảng Nam 1.000 tấn để hỗ trợ cứu đói cho nhân dân vùng bị thiên tai, mưa lũ.

 

Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam tiếp nhận và sử dụng số gạo được cấp bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, định mức theo quy định.

 

Cũng trong ngày 18/10, Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện 1411/CĐ-TTg về việc tập trung cứu nạn, khắc phục hậu quả sạt lở đất tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3 tỉnh Thừa Thiên Huế và tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 thuộc Quân khu 4 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Rào Trăng 3: Ước tính sạt lở hơn 30.000 m3 đất đá, sâu từ 5-7m

 

Kết quả khảo sát hiện trường tại khu vực Thủy điện Rào Trăng 3 cho thấy, khối lượng đất đá sạt lở tại đây ước tính trên 30.000 m3, với độ sâu từ 5-7m và có rất nhiều tảng đá lớn. Do điều kiện thời tiết tiếp tục có mưa to nên đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở mới tại khu vực tìm kiếm người mất tích. Đến nay, lực lượng cứu hộ đã tìm được 2 thi thể công nhân.

 

Đoàn công tác cứu hộ, cứu nạn Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế phối hợp với lực lượng công binh Quân khu 4 và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên – Huế đã kiểm tra nhiều địa điểm xung quanh Thủy điện Rào Trăng 3 nhưng chưa tìm thấy thêm người mất tích nào. Tổng hợp từ các nguồn thông tin, bước đầu lực lượng cứu hộ xác định có 2 điểm sạt lở làm sập nhà điều hành và khu lán trại, vùi lấp 17 công nhân.

 

Lực lượng tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ đã triển khai phương án trinh sát, kiểm tra, đánh giá khu vực trên để tham mưu cho Sở Chỉ huy tiền phương có phương án phù hợp, hiệu quả, an toàn tìm kiếm người mất tích. Do ảnh hưởng của mưa lớn khiến tuyến đường 71 từ xã Phong Xuân lên Thủy điện Rào Trăng 3 có thêm nhiều điểm sạt lở nên không thể đưa máy móc, phương tiện lên vị trí tìm kiếm như kế hoạch.

 

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Ngọc Thọ, từ ngày 16-17/10, tổng lượng mưa tại khu vực tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn ở Thủy điện Rào Trăng 3 đã lên tới trên 400mm nên công tác triển khai lực lượng, phương tiện theo tuyến đường 71 phải tạm dừng để đảm bảo an toàn, tránh nguy cơ sạt lở. Hiện nay, lực lượng cứu hộ đang ở vị trí cách Thủy điện Rào Trăng 4 khoảng 1 km, tuy nhiên do vướng một ngầm lớn nên chưa thể tiến vào Rào Trăng 4 để làm hậu cứ tiếp tục vào Thủy điện Rào Trăng 3 cách đó 10 km.

 

Qua trinh sát cho thấy từ Thủy điện Rào Trăng 4 lên Thủy điện Rào Trăng 3 có nhiều ngầm lớn và đá lớn án ngữ trên đường nên cần phải có phương tiện máy móc hỗ trợ để thông tuyến. Trên tuyến đường 71 hiện đang có 10 xe múc, xe ủi sẵn sàng triển khai nhiệm vụ mở đường khi điều kiện thời tiết thuận lợi. Bên trong Thủy điện Rào Trăng 3 hiện cũng có 2 máy ủi, máy xúc, lực lượng cứu hộ đang cố gắng sử dụng phương tiện tại chỗ này để đào bới, tìm kiếm nạn nhân mất tích.

 

Từ ngày 6-17/10, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phải hứng chịu đợt mưa lũ lịch sử kéo dài, lượng mưa trong những ngày này chiếm xấp xỉ khoảng 70-80% tổng lượng mưa hàng năm của tỉnh, trong đó khu vực Bạch Mã ghi nhận trên 3.000 mm.

Vụ sạt lở tại Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 (Quân khu 4)

Quảng Bình: Giải cứu thành công 20 người trên xe khách bị lũ cuốn trôi 

Vào hồi 0 giờ ngày 19/10, xe khách Hiếu Hoa (chưa xác định được BKS) lưu thông hướng Nam - Bắc trên đường Hồ Chí Minh nhánh Đông chạy tuyến Nam Định - Đà Nẵng, chở theo 20 hành khách bị nước lũ cuốn trôi ở huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Nhận được thông tin, huyện Bố Trạch đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang cùng các lực lương và nhân dân địa phương tham gia ứng cứu.

 

Các lực lượng cứu hộ tiếp cận xe cứu hành khách.

Được biết, khi đến Ngã ba thị trấn Nông Trường Việt Trung (huyện Bố Trạch) thấy cơ quan chức năng đặt biển cảnh báo ngập lụt trên đường Hồ Chí Minh ở đoạn Tróoc (xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch), tài xế xe khách đã rẽ vào tỉnh lộ 563 để lên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây để tiếp tục hành trình.

 

Tuy nhiên, khi xe khách đi đến ngầm tràn Khe Ngát thì bị nước lũ mạnh, đẩy ra xa và mắc kẹt giữa dòng nước chảy xiết. Trên xe lúc này có 20 người, gồm 1 cháu bé, 4 phụ nữ và 15 nam giới.

 

Sau gần 4 giờ vật lộn cùng dòng nước lũ, các hành khách được cứu hộ vào bờ và đưa đến trạm xá để chăm sóc sức khỏe.

 

Hiện, các hành khách đã được đưa vào bờ an toàn và chuyển về Trạm xá thị trấn Nông Trường Việt Trung để chăm sóc sức khỏe. Vì đây là khu vực nước lũ chảy xiết và mạnh, nên chiếc xe khách hiện tại đang được dùng dây neo giữ, chưa thể đưa vào được.

Hơn 57.000 nhà bị ngập sâu tại Quảng Bình

Đến tối 18/10, mưa to liên tục xảy ra trên diện rộng tại khắp các địa bàn tỉnh Quảng Bình. Lượng mưa đo được tại Trường Sơn là 1.022mm, Minh Hóa 960mm, Đồng Tâm 870mm, Tuyên Hóa 711mm, Mai Hóa 528mm. Mưa to gây lũ lớn, đã khiến 2 người ở xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy tử vong (bị lật đò khi đang đi tránh lũ); hơn 57.000 ngôi nhà bị ngập lụt. Người dân vùng lũ nhiều nơi trong tỉnh đang rất cần cứu hộ.

Công tác ứng cứu, hỗ trợ người dân di chuyển ra khỏi nơi nguy hiểm, ngập lụt, sạt lở được chính quyền địa phương và các lượng lực khẩn trương triển khai ngay trong đêm tối 18/10. Chính quyền địa phương tỉnh Quảng Bình đã di dời gần 3.700 hộ từ những vùng ngập lụt, có nguy cơ sạt lở, nguy hiểm đến nơi an toàn.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình, mưa to đã khiến cả 8 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Bình ngập lụt. Trong đó, huyện Lệ Thủy có khoảng 30.000 nhà bị ngập nước ở hầu hết các xã thuộc huyện; huyện Quảng Ninh có trên 13.000 nhà; huyện Bố Trạch có hơn 4.000 nhà; huyện Minh Hóa có gần 1.100 nhà...

Quảng Trị: Tìm thấy 6 thi thể trong một gia đình bị vùi lấp do sạt lở núi

Tối 18/10, ông Lê Minh Tuấn, Bí thư huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị cho biết, các ngành chức năng đã tìm thấy và tổ chức mai táng thi thể 6 người trong 1 gia đình bị vùi lấp do sạt lở núi trong đêm 17/10 ở thôn Tà Rùng, xã Húc, huyện Hướng Hóa.

Theo đó, danh tính các nạn nhân của vụ sạt lở đất được xác định gồm: Hồ Văn P. (sinh năm 1982), Hồ Thị A. (sinh năm 1984), Hồ Văn H. (sinh năm 2009), Hồ Văn H. (sinh năm 2010), Hồ Văn H. (sinh năm 2016), Hồ Thị H. (sinh năm 2018).

Trước đó, Thông tấn xã Việt Nam đã đưa tin, vào khoảng 18 giờ 30 phút ngày 17/10, tại bản Tà Rùng, xã Húc, huyện Hướng Hóa đã xảy ra vụ sạt lở đất do mưa lũ, làm vùi lấp hoàn toàn căn nhà của anh Hồ Văn P. Được biết, anh Hồ Văn Phơi là Phó trưởng thôn Tà Rùng, xã Húc.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, lực lượng cứu hộ, cứu nạn tại địa phương đã tìm thấy 2 thi thể người gồm mẹ là Hồ Thị A. và con là Hồ Thị H. bị đất đá vùi lấp. Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết bất lợi, tỉnh lộ 586 nối từ thị trấn Khe Sanh vào xã Húc đã bị sạt lở nhiều điểm, khiến xã này bị cô lập. Do đó, lực lượng cứu hộ, cứu nạn của huyện Hướng Hóa không thể vào tiếp cận được hiện trường.../.
Theo Chinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập79
  • Hôm nay35,972
  • Tháng hiện tại266,676
  • Tổng lượt truy cập92,644,340
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây