Cùng chúng tôi ngược lên thăm Bản Liền, anh Vàng A Sự - Phó Chủ tịch UBND xã Bản Liền cho biết, homestay (dịch vụ ở trọ nhà người dân) của anh Vàng A Bình nằm ở Nậm Cậy - là thôn xa nhất, cách trung tâm xã Bản Liền gần 7km, thuộc địa phận rừng nguyên sinh Bản Liền.
Theo anh Sự, trước đây khu vực Nậm Cậy còn rất hoang sơ, gần như cách biệt với bên ngoài bởi đường đi lối lại khó khăn. Tuy nhiên khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, các hộ dân trong thôn đã hiến đất, đồng thời đóng góp ngày công và hàng trăm triệu đồng để mở rộng nền đường, đổ bêtông, giúp việc đi lại thuận lợi hơn nhiều.
Tháng 7/2019, anh Vàng A Bình là 1 trong 5 hộ dân của xã Bản Liền được nhận sự hỗ trợ từ dự án Great (Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch), được hỗ trợ vay vốn để đầu tư phát triển du lịch cộng đồng.
"Từ khi có đường đẹp, bà con ở Nậm Cậy có điều kiện trao đổi, buôn bán nông sản, giao lưu văn hóa, và đặc biệt khách du lịch cũng đến đây nhiều hơn" - anh Sự nói.
Xuyên qua những rừng cọ, đồi chè, nhiều đoạn suối nước trong xanh, hơn nửa tiếng sau, chúng tôi mới tới homestay A Bình.
Theo anh Sự, từ thời chưa có khái niệm homestay ở nơi này, nhà sàn của anh Bình đã đón tiếp nhiều người ưa khám phá, hoặc những cặp vợ chồng đến từ châu Âu xa xôi… Ngôi nhà ở dưới chân đồi chè xanh ngát, với cây cầu gỗ bắc qua dòng suối nhỏ chảy róc rách, trước mặt là cánh đồng lớn lúa chín vàng, xa xa là rừng nguyên sinh với những tán cây cổ thụ thâm u, tĩnh mịch, chắc chắn ai đến cũng bị mê hoặc, quên hết mệt mỏi...
Biết chúng tôi từ xa đến, bố mẹ và vợ cùng các con của A Bình đều ra chào hỏi rồi mời chúng tôi mỗi người một bát nước chè xanh thơm mát. A Bình cho biết, đó là chè đặc sản Shan tuyết Bản Liền, mới hái trên đồi xuống nên rất thơm ngon.
Anh Nguyễn Huy Trung - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bắc Hà cho biết: "Bản Liền mùa nào cũng đẹp, cùng với những nét văn hóa truyền thống đặc sắc trong đời sống, sinh hoạt của đồng bào Tày, du khách đến Bản Liền đều muốn quay lại. Trong đó, homestay của A Bình là điểm dừng chân yêu thích của du khách, đồng thời là nơi để các thành viên trong hiệp hội học hỏi".
Vàng A Bình sinh năm 1994 trong gia đình nhà nông nghèo khó, đông con, lại là con út nên sau khi học hết lớp 9, A Bình phải nghỉ học ở nhà đỡ đần bố mẹ việc đồng áng.
Đến năm 18 tuổi, A Bình lấy chị Lâm Thị Hiếu, người cùng xã, rồi lần lượt 3 đứa con ra đời. Cuộc sống của gia đình A Bình cũng như hầu hết người dân ở xã vùng cao này, chủ yếu trông vào trồng lúa, chè, rau, nuôi vài con lợn, gà và có ao cá nhỏ để tự cung tự cấp là chính.
Trong căn nhà sàn bằng gỗ rộng lớn với 3 thế hệ cùng chung sống, mọi phong tục, tập quán của người Tày đều được gia đình cùng nhau gìn giữ.
A Bình cho biết, anh muốn giữ nguyên cấu trúc nhà sàn theo lối truyền thống của người Thái, gầm sàn để nông cụ, máy xay xát, máy tuốt lúa, xe máy…, còn sàn trên để ở và đón tiếp khách du lịch.
Leo cầu thang gỗ lên sàn trên, chúng tôi thực sự ấn tượng trước không gian nhà sàn rộng lớn, khang trang, với những đồ dùng tiện nghi, hiện đại. Bên cạnh đó, chủ nhà vẫn duy trì song song đồ dùng sinh hoạt truyền thống, với bếp sàn xưa của người Tày, lò nấu rượu, nấu cám, cối giã thóc, cốm…
Trước đây, anh Bình thường thấy những tốp khách du lịch từ Hà Giang sang Bắc Hà hoặc chiều ngược lại đi qua Bản Liền đều dừng chân ngắm cảnh, nhưng họ không ở lại lâu do không có chỗ nghỉ.
Thấy được điều đó, anh bàn với gia đình tu sửa, trang trí lại căn nhà, xây thêm nhà tắm và nhà vệ sinh, làm cầu gỗ bắc qua dòng suối chảy quanh nhà, đầu tư nuôi thêm lợn, gà, vịt đặc sản, rồi tự tay may gối, rèm, làm đệm ngồi truyền thống, trồng hoa… để tiếp đón khách tới lưu trú.
A Bình cho biết, du khách đến đây có thể trải nghiệm các hoạt động thú vị như cắm trại trên đỉnh đồi chè Shan tuyết, câu cá, ngắm ruộng bậc thang, cùng đồng bào đi hái lúa nếp về làm cốm, hái rau ngót rừng về nấu canh, chăn vịt, lùa gà, lợn cắp nách, hoặc cùng đồng bào gặt lúa, bắt cá chép đồng và nướng thưởng thức ngay tại nương...
A Bình cho biết: "Hiện, gia đình tôi có hơn 12ha trồng chè Shan tuyết hữu cơ, trong đó có 5ha chè cổ thụ từ 50 - 60 năm tuổi. Đây vừa là nguồn thu nhập chính của gia đình, đồng thời cũng là nơi thu hút du khách tham quan, trải nghiệm hái chè, sao chè cùng gia đình…".
"Trồng lúa và chăn nuôi chỉ hết đói, còn vẫn nghèo. Nhờ ông tôi để lại cho đồi chè cổ, nhất là từ khi có Hợp tác xã chè Bản Liền, tôi tích cực tham gia sản xuất, cùng gia đình mở rộng diện tích. Ngoài bán chè tươi cho hợp tác xã với giá ổn định 16.000 - 17.000 đồng/kg, gia đình còn chế biến chè khô bán với giá từ 120.000 – 300.000 đồng/kg, tùy loại chè búp non 2 mầm, 3 mầm, hay chè búp thường… 5 năm nay, năm nào gia đình tôi cũng bỏ túi hơn 100 triệu đồng/năm từ cây chè Shan tuyết" - anh Bình chia sẻ.
Đặc biệt, mới đây anh Bình đã sản xuất thành công sản phẩm mới từ cây chè Shan đặc sản, đó là chè lam Shan tuyết.
Anh Bình chia sẻ: "Trước đây tôi hay nghe ông kể ông bị đau dạ dày thường xuyên, nhờ uống chè búp non sao khô để trong ống tre nứa treo trên gác bếp mà đỡ đau hẳn. Tôi thử làm theo và thấy uống thơm ngon hơn chè thông thường nên quyết định sản xuất nhiều hơn để bán cho du khách. Tiếng lành đồn xa, giờ đã có nhiều khách ở Hà Nội, Lào Cai đặt mua liên tục".
https://danviet.vn/chang-trai-nguoi-tay-bo-che-shan-tuyet-vao-ong-tre-treo-gac-bep-bat-ngo-ra-loai-che-ai-uong-cung-me-20210505175812853.htm
Nguồn tin: Nguyễn Xuân Cường/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã