Cuộc sống mới
Về xã Tân Trào-quê hương “Thủ đô Kháng chiến” (Sơn Dương) hôm nay, chúng tôi thực sự cảm nhận được sự “thay da đổi thịt”. Toàn bộ hệ thống giao thông trên địa bàn xã được trải nhựa phẳng lì; đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch sẽ. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ du lịch hoạt động nhộn nhịp... báo hiệu sự no ấm, đủ đầy.
Đồng chí Hoàng Cao Khải, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trào phấn khởi cho biết: “Sau 7 năm đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống nhân dân trong xã được cải thiện rõ rệt, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Trước khi thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, xã còn trên 50% hộ nghèo, nhưng tới nay chỉ còn 3,2% hộ nghèo; thu nhập bình quân từ 8,5 triệu đồng/người/năm, đến nay đạt 36,5 triệu/người/năm”. Cùng với đó, xã cũng xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập ổn định, trở thành điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Ngoài sản xuất nông nghiệp, Tân Trào đang đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ, hàng hóa...
Có mặt tại thôn Tân Lập những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi được chứng kiến du khách khắp mọi miền đất nước về thăm Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào. Bà Nguyễn Thị Hải, du khách ở Hải Phòng cho biết, đây là lần thứ 8 bà đến với Tân Trào, bà thấy nơi này mỗi năm đều thay đổi khang trang hơn. Chục năm trước lên với Tân Trào, bà và đoàn phải ra thị trấn Sơn Dương mới có nhà hàng để đặt cơm nhưng giờ ngay tại thôn Tân Lập đã phục vụ được cả trăm mâm, vừa thuận lợi, vừa ngon, giá cả hợp lý.
Rời “Thủ đô Kháng chiến” Tân Trào, chúng tôi ngược về Kim Bình, cách đây hơn 70 năm, xã Kim Bình (Chiêm Hóa) vinh dự được chọn là nơi tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng- Đại hội Đảng lần đầu được tổ chức trong nước. Những ngày tháng lịch sử ấy mãi là niềm tự hào của người dân Kim Bình.
Quang cảnh thôn Bó Củng xã Kim Bình. |
Hiện nay, hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn xã Kim Bình được đầu tư xây dựng và hoàn thiện, làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn và tạo điều kiện để người dân phát triển sản xuất. Các thôn đều xây dựng được nhà văn hóa mới đạt chuẩn, 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia... Kinh tế đã và đang phát triển theo hướng hàng hóa tập trung. Hiện xã đã xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng cây đặc sản, xây dựng xưởng chế biến mắm cá ruộng, đăng ký với thương hiệu “Mắm cá Cổ Linh”. Xã cũng hoàn thành quy hoạch vùng sản xuất tập trung 460ha cây ăn quả, phát triển chăn nuôi gia súc với đàn trâu, bò hơn 1.000 con. Ngoài những thế mạnh của địa phương, người dân phát triển những cây trồng, vật nuôi mới có xu thế xuất khẩu. Điển hình như nuôi thỏ xuất khẩu sang Nhật Bản, trồng chuối xuất khẩu, nuôi ốc nhồi, trồng chanh tứ thì, bí siêu quả, trồng gấc và cây dược liệu...
Mô hình nuôi thỏ của anh Lục Văn Thùy, ở thôn Đèo Nàng có quy mô 500 con, mỗi năm xuất bán khoảng 1.000 con, thu lãi gần 80 triệu đồng. Một số đoàn viên, thanh niên đầu tư trồng cây có múi và bí siêu quả. Anh Ma Vĩnh Tích, ở thôn Pác Chài hiện có hơn 1.000 cây chanh tứ thì và 5 sào bí siêu quả. Diện tích trồng chanh tứ thì của anh Tích lớn nhất trong xã, mỗi năm thu hơn 100 triệu đồng. Anh Ma Đình Tuyên, ở thôn Đồng Cột đã chuyển đổi 1.000 m2 diện tích nuôi cá và trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi ốc nhồi, cho thu nhập 80 đến 100 triệu đồng/năm. Anh Tuyên cho biết, vốn đầu tư không lớn, tận dụng nguồn thức ăn sẵn có tại chỗ như khoai, sắn, chuối và nguồn nước tự nhiên từ trên núi cao để nuôi, đồng thời sử dụng ngay chính lao động của gia đình. Ốc nhồi thương phẩm được thương lái mua tại chỗ và không đủ để bán. Hiện nay, anh Tuyên đã vận động một số hộ gia đình cùng phát triển nghề nuôi ốc nhồi trong ao, ruộng.
“Cú hích” để vươn lên
Kim Quan là xã nông thôn mới đầu tiên của cả vùng ATK Yên Sơn. Đồng chí Dương Văn Tuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Quan phấn khởi nói: “Xã đã có nhiều đổi mới từ hạ tầng nông thôn đến kinh tế của người dân. Hệ thống đường giao thông cơ bản được nhựa hóa, bê tông hóa, các công trình phục vụ nhân dân được cứng hóa khang trang. Kinh tế được chuyển dần sang hướng hàng hóa”. Hiện nay, xã đã có 2 doanh nghiệp triển khai mô hình thâm canh chè “Sản xuất an toàn” với tổng diện tích 8 ha tại thôn Khuôn Hẻ và mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, gà đen đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Các mô hình này sau khi triển khai đã mang lại thu nhập cao, được người dân hào hứng tham gia. Ngoài ra, nhiều dự án chăn nuôi gia cầm, trồng ngô, khoai tây... cũng đang được triển khai và cho kết quả tốt. Tính đến hết năm 2020 thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 36,2 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 7,9%.
Ông Bàng Minh Hạnh mạnh dạn đưa cây chè lai về trồng trên diện tích đất màu đồi của gia đình vào những năm 2000. Qua chăm sóc ông thấy đây là giống chè thích nghi với nhiều địa hình canh tác, năng suất cao và đặc biệt là giá trị kinh tế tăng gấp 2 - 3 lần so với giống chè truyền thống nên ông đã nhân rộng. Hiện ông có 7 ha chè, trong đó đã có gần 5 ha chè đang cho thu hoạch bao gồm các giống chè Lai DP 1; Lai DP 2, chè Ngọc Thúy... Vào vụ chè xuân, ngày nào gia đình ông cũng phải thuê từ 3 đến 5 lao động thu hái. Trung bình mỗi ngày, gia đình ông thu hái khoảng trên 1 tạ chè búp tươi được gia đình chế biến để cung ứng cho thành phố Tuyên Quang, với mức giá bán buôn tại nhà từ 80 đến 350 nghìn đồng tùy theo loại chè. Ông Hạnh bảo, chè Ngọc Thúy là loại chè có tác dụng giảm căng thẳng, tăng cường sức đề kháng, giảm nguy cơ xơ cứng động mạch và tiểu đường. Chất lượng vượt trội đã khẳng định giá trị của sản phẩm. Chính vụ thu hoạch, ông có lãi khoảng 10 triệu đồng/tháng.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Hạnh còn nhiệt tình giúp đỡ bà con giống cây trồng, kỹ thuật chăm sóc đàn vật nuôi, cây trồng, khơi dậy tinh thần thi đua lao động, tạo ra sản phẩm hàng hóa, chung sức đưa sản vật địa phương vươn ra thị trường.
Hiện nay công trình Nhà lưu niệm các bậc tiền bối cách mạng ở Tân Trào tại thôn Tân Lập đã khánh thành, đón du khách đến tham quan, dâng hương. Tân Trào xác định giai đoạn 2020 - 2025 sẽ tập trung khai thác thế mạnh phát triển du lịch “ngành công nghiệp không khói” thành ngành kinh tế quan trọng của xã. Theo đó, xã bảo tồn phát huy giá trị văn hóa dân tộc Tày làm du lịch Homestay kết hợp du lịch trải nghiệm đồi chè, trải nghiệm bơi mảng trên hồ Nà Nưa... Xã chú trọng giữ gìn kiến trúc nhà sàn, phong tục, tập quán, nét đẹp văn hóa, trang phục, ngôn ngữ, ẩm thực, âm nhạc, tín ngưỡng của đồng bào Tày. Anh Hoàng Văn Nhiên, chủ nhà hàng Hiên Nhiên phấn khởi cho biết, mỗi ngày nhà anh đón trung bình 3 đoàn khách đặt cơm, có ngày lên tới cả trăm mâm. Sau này khi Tân Trào nói riêng và các xã ATK được đầu tư khu nghỉ dưỡng kết hợp du lịch trải nghiệm, du lịch tâm linh thì triển vọng du lịch homestay ở Tân Lập rất lớn. Đây chính là hướng phát triển trong tương lai.
Sự thay đổi trên vùng đất ATK đã cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với vùng quê cách mạng và cũng thấy được tấm lòng, sự nỗ lực của người dân trong công cuộc đổi mới.
Một tín hiệu vui cho các địa phương vùng ATK là năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ký Chỉ thị số 14/CT-TTg về “chính sách hỗ trợ xã ATK, vùng ATK cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ”. Theo tinh thần của Chỉ thị, Nhà nước sẽ tập trung nâng mức sống cả về vật chất và tinh thần, sức khỏe, giáo dục, văn hóa của người dân sinh sống tại các xã ATK, vùng ATK cách mạng bằng hoặc cao hơn mức trung bình chung của cả nước nói chung và từng địa phương nói riêng. Chỉ thị cũng tiến hành các biện pháp bảo tồn, tôn tạo, gìn giữ, giáo dục và phát huy các giá trị lịch sử cách mạng của chiến khu ATK. Đây sẽ là cú hích để người dân vùng ATK trong tỉnh bứt phá hơn nữa.
Bài, ảnh: Trang Tâm/Báo Tuyên Quang
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;