Người trồng dưa không lo đầu ra
Mô hình liên kết trồng dưa chuột được người dân và HTX Chăn nuôi và Sản xuất giống gia cầm Minh Tâm (gọi tắt là HTX Minh Tâm) ở Sơn Dương (Tuyên Quang) triển khai từ năm 2020. Khi tham gia, người dân được ký hợp đồng, cung ứng giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật, đặc biệt là được bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Chị Trần Thị Quế (thôn Bắc Triển, xã Kiến Thiết) tâm sự, năm 2020, gia đình trồng 2,5 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2) dưa cung cấp cho HTX Minh Tâm, trừ chi phí, lãi 8 triệu đồng/sào/vụ. Trung bình một năm trồng được 3 vụ.
Thấy hiệu quả, sang năm 2021, chị Quế nâng diện tích lên 6 sào, trong đó 3 sào đang cho thu hoạch, mỗi ngày cho sản lượng khoảng 200kg, giá bán 6.000 đồng/kg. Với giá này, hiệu quả mang lại cao hơn cây ngô, cây lúa 3-4 lần. Đặc biệt, vào những tháng cuối năm, giá có thể lên đến 9.000 - 10.000 đồng/kg.
Chị Quế cho biết thêm: Trước khi trồng dưa chuột, HTX Minh Tâm ký hợp đồng với từng hộ dân, cung ứng vật tư, bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Về phía người dân, phải trồng theo lịch, diện tích, đảm bảo đúng chất lượng HTX yêu cầu. Năm 2020, dù ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng HTX vẫn tiêu thụ sản phẩm ổn định cho người trồng. Hiện, thôn Bắc Triển có 26 hộ đang liên kết với HTX, trồng trên diện tích 3,6ha.
Chị Nguyễn Thị Nhạc, cùng ở thôn Bắc Triển, cho biết, gia đình có 3 sào dưa đang cho thu hoạch, mỗi ngày thu hái khoảng 240kg, giá bán 6.000 đồng/kg. Khi liên kết, gia đình được HTX bao tiêu toàn bộ sản phẩm khiến chúng tôi yên tâm canh tác.
Theo thông tin từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang, đến đầu tháng 4/2021, HTX Minh Tâm đang liên kết với 358 hộ ở 4 huyện Na Hang, Yên Sơn, Chiêm Hoá và Sơn Dương trồng 66ha dưa, sản lượng đã thu mua gần 222 tấn quả.
Cửa liên kết rộng mở
Trao đổi với phóng viên, anh Trần Văn Phúc, Giám đốc HTX Chăn nuôi và Sản xuất giống gia cầm Minh Tâm, cho biết, theo kế hoạch, năm 2021, HTX sẽ liên kết trồng khoảng 150ha dưa, nhưng do dịch Covid-19, chỉ thực hiện được khoảng 100ha. Hiện, HTX liên kết với người dân 4 huyện vừa trồng, vừa thu hoạch trên diện tích 66ha. Hai vấn đề mà HTX làm được là bao tiêu toàn bộ sản phẩm và thanh toán đầy đủ cho bà con, 10 ngày chốt một lần.
Anh Phúc cho biết thêm, có ngày HTX thu mua tới 30 tấn dưa, với giá 6.000 đồng/kg. Một năm bà con trồng được 4 vụ, trung bình đạt 2 tấn quả/sào/vụ, tính giá bình quân 4.000 đồng/kg, thu 8 triệu đồng/vụ/sào.
Bà Nguyễn Thị Kim, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang, cho biết, năm 2020, Trung tâm phối hợp mở 7 lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc dưa chuột, bảo đảm về hợp đồng với 266 hộ tham gia. Năm 2021, Trung tâm đã ký biên bản ghi nhớ với HTX, với Trung tâm dịch vụ các huyện, thành phố thực hiện chuỗi liên kết với diện tích 100ha, chỗ nào mở rộng liên kết mới, Trung tâm sẽ tiếp tục tập huấn để người dân nắm được kỹ thuật trồng, bà Kim cho biết thêm.
Được biết, HTX Minh Tâm ký hợp đồng cung cấp cho đối tác 15.000 tấn dưa/năm. Do vậy, cơ hội để mở rộng diện tích liên kết ra nhiều địa phương khác ở Tuyên Quang là rất lớn.
Bán cho tư thương: Rủi ro lớn
Theo anh Phúc, khó khăn lớn nhất của ngành nông nghiệp là đầu ra cho sản phẩm. Về vấn đề này, HTX đã bao tiêu sản phẩm và đang làm khá tốt, mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng. HTX ký hợp đồng, đầu tư, bao tiêu sản phẩm, nhưng có một số thương lái đến khuấy động bà con, họ muốn phá vỡ liên kết bằng cách tranh mua với giá cao.
“Họ mua khoảng 500kg, chọn toàn quả đẹp và chắc chắn giá sẽ cao hơn giá của HTX. Trong khi HTX đang mua tới 30 tấn quả/ngày thì không thể chạy theo giá của thương lái. Để lại cho mình những hàng xấu, nếu không mua thì vi phạm hợp đồng, bà con lại gặp khó. Một số người không nhận thức ra vấn đề nên vẫn bán ra ngoài”, anh Phúc tâm sự.
Anh Phúc thừa nhận, một phần do hợp đồng của HTX với bà con chưa chặt chẽ. Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang đồng hành nhưng quan trọng nhất vẫn là HTX. Tới đây, nội dung hợp đồng sẽ làm chặt chẽ hơn. Ngoài hợp đồng, khi giao giống, vật tư, mình phải có cam kết, khi bà con đã có cam kết mà vi phạm sẽ có chế tài xử lý.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim cho hay, khi bà con đã ký hợp đồng với HTX Minh Tâm thì không nên bán sản phẩm ra bên ngoài. Có thể một số thương lái mua giá cao hơn nhưng số lượng rất ít, khi họ không mua nữa, HTX cũng dừng thu mua vì bà con vi phạm hợp đồng thì phần thiệt sẽ thuộc về nông dân. Do đó, cần nâng cao nhận thức cho bà con về vấn đề này.
Có thể thấy, mô hình liên kết trồng dưa chuột ở Tuyên Quang đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, cần khuyến khích nhân rộng. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần có biện pháp ngăn chặn tình trạng thương lái tranh thu mua làm lũng đoạn thị trường, đe dọa trực tiếp đến chuỗi liên kết giữa người dân với doanh nghiệp.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã